thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Gió biển ngoài đồng | Gặp gỡ bên hồ | Người khách lạ

 

Bản dịch Hoàng Ngọc Biên

 

MARCEL PROUST

(1871-1922)

 

___________

 

GIÓ BIỂN NGOÀI ĐỒNG

 

“Ta sẽ đem đến cho người một cành
thược dược tươi, với những cánh màu đỏ chói”.
(THÉOCRITE: Le Cyclope)

 

Ngoài vườn, trong khu rừng nhỏ, xuyên qua cả cánh đồng, gió đã thu hết sức một cách điên cuồng và vô ích để đánh tan những loạt nắng, để đuổi theo chúng, bằng cách lay mạnh những cành cây trong khu rừng nhỏ, nơi thoạt tiên chúng bị xô ngã, đến tận khu rừng lá um tùm lấp lánh, ở đó giờ đây chúng đang run rẩy, bồi hồi. Những đám cây, những áo quần phơi đang khô dần, cái đuôi của con công xoè tròn vẽ lên nền trời trong suốt những cái bóng xanh rõ nét một cách lạ lùng, bay bổng theo khắp các hướng gió mà không rời khỏi mặt đất giống như một con diều không tung lên cao được. Gió và ánh sáng hòa hợp lẫn lộn làm cho một góc trời miền Champagne giống như một cảnh vật ven bờ biển. Lên tới đỉnh dốc, chỗ con đường chói chang ánh sáng và gió thổi từng hồi đang đi lên giữa nắng, về phía một bầu trời trống không, phải chăng chúng ta sẽ thấy được mặt biển trắng một màu mặt trời và bọt nước? Cũng như mỗi buổi sáng các người đến đây, hai tay đầy những bông hoa và những chùm lông mướt dịu mà một con cu cườm, một con én hay một con chim tước bay qua làm rơi xuống trên lối đi. Những chùm lông run run trên chiếc nón của tôi, từng cánh thược dược đỏ chói tạt nép vào khuy áo tôi, mau lên chúng ta hãy trở về.

Ngôi nhà gào thét dưới cơn gió như một chiếc thuyền, người ta nghe tiếng những cánh buồm vô hình giương rộng, những lá cờ vô hình phấp phới ngoài kia. Các người hãy giữ lại trên gối chân khóm hồng tươi mát, và hãy để mặc trái tim ta khóc trong lòng bàn tay khép kín của các người.

 

 

GẶP GỠ BÊN HỒ

 

Hôm qua, trước khi đến ăn tối ở Khu Rừng, tôi nhận được một bức thư của Nàng, trả lời một cách khá lạnh nhạt cho một bức thư tuyệt vọng sau tám ngày nhận được, bảo là nàng sợ e không thể từ giã tôi trước khi đi. Và tôi, cũng khá lạnh nhạt, vâng, tôi trả lời rằng thà như thế tốt hơn và tôi chúc nàng một mùa hè đẹp đẽ. Đoạn, tôi mặc áo quần và băng qua Khu Rừng trên chiếc xe hơi mui trần. Tôi buồn vô hạn, nhưng lại trầm tĩnh. Tôi đã quyết định quên, tôi đã nhất quyết: chỉ là một vấn đề thời gian thôi.

Khi xe đi trên đường ra hồ, tôi thoáng thấy mãi tận cuối lối đi chạy quanh hồ cách đường năm mươi thước một người đàn bà đang bước chậm một mình. Thoạt tiên tôi không trông rõ cô ta. Cô ta đưa tay vẫy nhẹ chào tôi, và đến lúc đó tôi mới nhận ra nàng dù khoảng xa cách biệt chúng tôi. Chính nàng đấy! Tôi chào nàng rất lâu. Và nàng tiếp tục nhìn tôi tựa như nàng muốn tôi ngừng lại và đưa nàng đi với tôi. Tôi chẳng làm gì cả, nhưng ngay sau đó tôi chợt thấy có một mối cảm kích hầu như ở bên ngoài gieo vào lòng tôi, và làm lòng tôi se thắt lại. “Tôi đoán đúng mà, tôi kêu lên. Có một lý do mà tôi vẫn không hề biết mà chính vì vậy mà nàng vẫn luôn làm ra vẻ lạnh nhạt. Thì ra nàng yêu tôi, cô nàng yêu quí.” Một niềm sung sướng vô bờ bến, một sự tin chắc không có gì thắng nổi xâm chiếm hồn tôi, tôi cảm thấy mình mềm yếu đi và tôi khóc nức nở. Chiếc xe gần đến Armenonville, tôi dụi mắt và, như để lau nước mắt cho tôi, bàn tay nàng trước mặt dịu dàng vẫy chào, và mắt nàng nhìn thẳng vào mắt tôi dịu dàng dò hỏi, xin lên xe với tôi.

Tôi đến tiệc ăn trong lòng hớn hở. Niềm sung sướng của tôi lan qua mỗi người thành một sự vui vẻ dễ yêu, biết ơn và thân mật, cái tình cảm mà lúc đó không ai biết được bàn tay vô danh nào trong nhóm, bàn tay nhỏ bé đã vẫy chào tôi, đã nhen nhúm trong tôi ngọn lửa cháy rực của niềm vui mà mọi người đều thấy rõ những tia sáng, tình cảm đó thêm vào niềm sung sướng của tôi vẻ đẹp của những khoái lạc bí ẩn. Người ta chỉ còn đợi bà T... và bà ta đến ngay lúc đó. Bà là người vô vị nhất mà tôi đuợc biết, và dù hình dáng coi cũng đẹp, bà vẫn là người nhạt nhẽo vô duyên nhất. Nhưng lúc đó tôi lại quá sung sướng nên không thể không bỏ qua cho mỗi một khuyết điểm của bà, mỗi một nét xấu của bà, và tôi vừa tiến đến bà vừa cười với một vẻ thân mến.

– Lúc nãy thấy ông ít dễ thương hơn đấy, bà ta nói.

– Lúc nãy! tôi ngạc nhiên nói, lúc nãy, nhưng tôi đâu có trông thấy bà.

– Sao vậy! Ông không nhận ra tôi à? Thật ra thì lúc đó ông đang ở xa; tôi đi dọc theo bờ hồ, ông đi qua trên xe một cách hãnh diện, tôi có đưa tay vẫy chào ông và tôi muốn lên xe với ông để khỏi đến trễ.

– Sao, vậy ra là bà! Tôi kêu lên, và tôi nói thêm nhiều lần một cách chán nản: Ồ! xin bà thứ lỗi cho, bà thứ lỗi cho!

– Trông anh chàng có vẻ khổ sở thật! Tôi khen chị đấy, Charlotte ạ, bà chủ nhà bảo. Thế nhưng mà ông hãy tự an ủi đi bởi vì bây giờ nàng đã ở bên ông rồi đấy!

Tôi thảng thốt, cả niềm hạnh phúc của tôi đã tiêu tan.

Vậy ra, cái khủng khiếp nhất là ở chỗ câu chuyện gặp gỡ đã không xảy ra tựa như nó đã không hề có. Cái hình ảnh hữu tình đó của người không yêu tôi, ngay cả sau khi tôi nhận rõ sự nhầm lẫn của mình, cũng vẫn còn thay đổi được ý nghĩ của tôi về nàng trong một lúc thật lâu. Tôi cố dàn xếp, tôi không quên được nàng mau hơn và thường trong những lúc đau khổ, để tự an ủi mình bằng cách cố tin rằng đó chính là đôi bàn tay nàng như tôi đã cảm tưởng lúc ban đầu, tôi nhắm mắt để được gặp lại đôi bàn tay nhỏ bé vẫy chào tôi, đôi bàn tay lẽ ra có thể lau mắt cho tôi, có thể làm cho trán tôi tươi mát, đôi bàn tay bé nhỏ mang bao tay mà nàng êm ái đưa ra bên bờ hồ như những biểu hiện mong manh của sự an bình, của tình yêu và của sự hòa giải trong khi cặp mắt buồn bã dò hỏi của nàng như xin tôi đem nàng theo với tôi.

 

 

NGƯỜI KHÁCH LẠ

 

Dominique ngồi xuống bên cạnh bếp sưởi lửa đã tàn trong lúc đợi khách đến. Mỗi đêm, hắn mời một vị đại vương đến nhà mình dùng bữa với những người trí thức, và bởi hắn vốn sinh ra đã được sung sướng, giàu và đẹp, không bao giờ người ta bỏ hắn một mình. Đèn đuốc hãy còn chưa thắp lên và ngày đang chết dần một cách buồn thảm trong căn phòng. Đột nhiên hắn nghe một giọng nói ngỏ lời với hắn, một giọng nói xa vời và thân mật gọi hắn: “Dominique” – và chỉ nghe giọng nói đọc lên có thế thôi –, đọc lên thật xa và cũng thật gần: “Dominque”, hắn đã sợ đến lạnh buốt cả người. Hắn chưa bao giờ nghe giọng nói đó, thế mà hắn nhận ra được nó rất dễ dàng, những mối ăn năn hối hận của hắn nhận ra rất rõ ràng giọng nói của một nạn nhân, một nạn nhân cao quí của một sự hi sinh. Hắn tìm lại xem ngày xưa đã có phạm tội gì, và không nhớ ra được. Thế mà âm điệu của giọng nói đó đang oán trách hắn về một tội, một tội chắc hẳn hắn đã phạm mà không hề ý thức được, nhưng lại là kẻ chịu trách nhiệm – nỗi buồn và mối sợ hãi của hắn nhận chứng như vậy. – Hắn ngước mắt lên và thấy một kẻ lạ đứng trước mặt hắn, trang nghiêm mà thân mật, dáng điệu mơ hồ cảm kích. Dominique chào bằng một vài lời cung kính cái uy quyền buồn bã và hiển nhiên nơi người khách lạ.

– Dominique, ta có phải là kẻ độc nhất ngươi không mời đến bữa ăn tối không? Ngươi có những lầm lỗi đối với ta, những lầm lỗi xưa, mà ngươi cần sửa chữa. Ngoài ra, ta sẽ dạy cho ngươi cách bất cần những kẻ khác, những kẻ mà đến khi ngươi về già sẽ không còn đến với ngươi nữa đâu.

– Tôi xin mời ông ở lại đây dùng bữa, Dominique trả lời với một sự nghiêm trang thân ái mà chính hắn không ngờ là mình có được.

– Xin cám ơn, người khách lạ bảo.

Không có một vành hoa nào chạm trên mặt ngọc chiếc nhẫn ông ta, và trong lời nói ông trí năng cũng chưa phủ rắc lên những mũi kim nhọn hào nháng của nó. Nhưng Dominique nhận ra được cái nhìn hữu nghị và mạnh mẽ của người khách lạ và hắn thấy say sưa trong một thứ hạnh phúc xa lạ.

– Nhưng nếu ngươi muốn giữ ta lại bên cạnh ngươi, ngươi phải cho những khách mời khác của ngươi lui gót hết.

Dominique nghe tiếng họ đang gõ cửa. Đèn đuốc vẫn chưa thắp lên, trong phòng hoàn toàn tối mù.

– Tôi không thể bắt họ trở về được, Dominique trả lời, tôi không thể ở một mình được.

– Thật thế đó, với ta, ngươi sẽ chỉ có một mình thôi, khách lạ trả lời một cách buồn bã. Tuy nhiên ngươi phải giữ ta lại ở đây. Ngươi có những lỗi lầm xưa đối với ta mà ngươi phải sửa chữa lại. Ta yêu ngươi hơn họ và ta sẽ dạy cho ngươi cách bất cần họ, là những kẻ khi ngươi trở về già sẽ không có đến với ngươi nữa.

– Tôi không làm được, Dominique nói.

Và hắn cảm thấy mình vừa mới hi sinh một nguồn hạnh phúc cao quý, vì nghe theo lệnh của một thói quen khẩn thiết và tầm thường, cái lệnh không có ngay cả những thú vui để đem thưởng cho sự vâng lời đó.

– Ngươi hãy chọn mau lên, khách lạ nói tiếp bằng một giọng van lơn mà oai nghiêm.

Dominique đến mở cửa cho khách vào, và đồng thời hắn hỏi người khách lạ mà đầu vẫn không dám quay lại:

– Vậy thì ông là ai?

Và người khách lạ, người khách giờ đây đã biến mất, nói:

– Cái thói quen mà tối nay ngươi còn đem ta ra hi sinh để có được, ngày mai nó sẽ còn mạnh hơn nhờ máu nơi vết thương của ta do ngươi tạo ra để nuôi dưỡng nó. Và còn khẩn thiết hơn vì lại được ngươi vâng theo một lần nữa, mỗi ngày nó sẽ đem ngươi đi xa ta, buộc ngươi phải làm ta đau đớn hơn nữa. Và chẳng bao lâu ngươi sẽ giết ta, không bao giờ ngươi còn thấy lại ta được nữa. Thế nhưng ngươi lại nợ ta nhiều hơn họ, là những kẻ mà trong thời gian sắp tới đây, sẽ bỏ ngươi lại một mình. Ta ở trong ngươi và tuy vậy ta cũng vĩnh viễn ở xa ngươi, bây giờ ta gần như không còn gì nữa. Ta là tâm hồn của ngươi, ta chính là ngươi đấy.

Thực khách đã đi vào. Họ bước qua phòng ăn và Dominique muốn thuật lại cuộc chuyện trò với người khách viếng thăm đã biến mất. Nhưng trước nỗi chán ngán chung và sự khó nhọc thấy rõ của người chủ nhà khi cố nhớ lại một giấc mộng gần như đã tiêu tan, Girolamo ngắt ngang câu chuyện hắn kể giữa sự khoan khoái của mọi người và của chính Dominique bằng cách rút ra kết luận này:

- Không bao giờ nên ở một mình, vì cô đơn thường sinh ra sầu muộn.

Rồi người ta lại bắt đầu uống rượu; tuy có hả hê với đám khách khứa sang trọng, Dominique vẫn nói chuyện một cách hân hoan nhưng không vui tí nào.

 

 

-------------
Ba đoản văn “Gió biển ngoài đồng”, “Gặp gỡ bên hồ” và “Người khách lạ” – đăng lần đầu tiên trên tạp chí Văn số 85 ở Saigon, 1967, số đặc biệt về Marcel Proust – được dịch từ nguyên tác “Vent de mer à la campagne”, “Rencontre au bord du lac” và “l’Étranger” trong Marcel Proust, Les Plaisirs et les Jours (Paris: Nouvelle Revue française, 1924).
 
 
Người dịch xin chân thành cám ơn nhà thơ Nguyễn Quốc Thái ở Saigon đã cung cấp bản copy số báo Văn trên đây. Tam sao thất bổn, chân dung Marcel Proust trên bìa “tái tạo” không thể nào so được với nguyên bản bút sắt [1967] rất đẹp của họa sĩ Lê Thị Chí. Chúng tôi xin có lời phân trần và xin họa sĩ thông cảm.

 

 

Đã đăng:

Hai đoản văn “Sonate Clair de lune” và “Comme à la lumière de la lune” trong Les Plaisirs et les Jours của Marcel Proust. (... Những luồng ánh sáng dồn dập rực rỡ và êm dịu của nó đi vào đến tận tim chúng tôi. Như chúng tôi, mặt trăng cũng khóc, và cũng gần luôn luôn như chúng tôi, nó khóc mà không biết tại sao...) [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên] (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021