thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
NHỮNG CHI TIẾT CẦN ĐƯỢC LÀM RÕ TRONG LÝ LỊCH TRÍCH NGANG CỦA MỘT CON NGƯỜI [chương 14]

 

Đã đăng: [chương 1] - [2] - [3] - [4]
[5] - [6] - [7] - [8] - [9]
[10] - [11] - [12] - [13]

14.

 

Ba hôm sau, Em Lăn được trả về. Chính tay Lê Tranh Đấu mang nó đến trao cho tôi. Gã đi với một tay nữa, đậu xe ngoài cổng, bấm chuông. Nhác thấy tôi đi ra, gã nói nhanh: “Ông khỏi mở cổng, tôi mang nó trả cho ông theo lời hứa đây.” Gã thò tay qua song sắt, thả cái giỏ lác vào trong cổng, rồi quày quả trở ra. Chiếc xe phóng đi. Cái giỏ vùng vằng nhúc nhích. Tôi lao tới nhấc cái giỏ lên, tháo sợi dây ny-lon cột miệng, lôi Em Lăn từ bên trong ra. Nó oặt oẹo, mê mệt, thiêm thiếp.

Tôi bồng nó lên sân thượng, lấy khăn thấm nước ấm lau, khuấy sữa bón cho nó, rồi đặt nó vào ổ. Nó không uống nổi, tôi ngồi kề bên trông chừng. Đến tối, nó loạng choạng tự đứng dậy trên bốn chân, run rẩy, rồi quỵ xuống. Thấy nó tự đứng dậy được, tôi tưởng đó là dấu hiệu hồi phục, nhưng không phải.

Những ngày sau đó, Em Lăn hồi sức rất chậm, dù tôi cố tìm mọi cách chữa chạy. Vợ tôi đi chợ mua loại cá trê vàng ngon nhất về nướng bếp than, món ngon nhất mà nó thích, vậy mà nó cũng chê. Tôi bảo vợ tôi đi cùng, mang nó đến bác sĩ thú y. Bác sĩ chẩn khám, cho thuốc uống trong hai ngày mà vẫn không có dấu hiệu khả quan. Nó cứ rơi vào cơn ngủ triền miên, kiệt quệ cả thể chất lẫn tinh thần. Ông bác sĩ thú y nói ông hành nghề đã lâu năm nhưng chưa từng thấy những triệu chứng thế này ở một con thú nuôi nào. Ông ngờ rằng nó đã bị người ta cho ăn hay tiêm vào cơ thể những chất độc nào đó làm cho nó nghiện và gây suy nhược trầm trọng. Tôi biết rằng nó đã bị Lê Tranh Đấu đầu độc bằng những chất gây nghiện. Tôi bảo vợ trình bày với bác sĩ câu chuyện lạ thường về cuộc đời nó. Ông bảo ông cần có mẫu của thứ chất độc mà nó đã hấp thụ thì mới mong có thể tìm ra phương cách để điều trị.

Tôi gởi e-mail cho Lê Tranh Đấu:

Chào anh,

Anh oán thù tôi thì hãy trút vào tôi chứ sao lại hành hạ một con mèo như thế? Anh đã làm gì con mèo? Anh đầu độc nó bằng những thứ gì? Anh ác và hèn lắm! Hãy cho tôi biết anh đã làm gì nó. Anh muốn bao nhiêu tiền cho vụ này thì tôi sẽ trả.

Gã trả lời:

Chào ông,

Ông còn nhớ không? Lúc tôi van nài ông hãy xoá đi những tấm hình ông chụp tôi thì ông nói rằng ông sẽ làm những điều gì ông thích, không ai có quyền cấm cản ông cả. Lúc này tôi cũng muốn nói với ông như vậy. Tôi đã và sẽ tiếp tục làm điều tôi thích, tôi đéo cần tiền của ông, ông đừng hòng mua chuộc hay van nài tôi!

Tôi biết lòng gã sắt đá, không mong gì lay chuyển.

Em Lăn không còn hiểu tôi, thậm chí không nhận ra tôi trong khi bọn mèo dưới nhà vẫn hiểu và chơi với tôi như bình thường. Tôi meo meo chào, nó vẫn lì ra trơ trơ như không nghe thấy. Khi đã đứng lên đi những bước đầu tiên, nó phản ứng gay gắt lúc tôi kề bên. Nó grrừ grrừ đuổi tôi đi. Nó quên hết mọi ân tình giữa tôi và nó.

Một buổi trưa, vợ tôi đi vắng. Tôi lơ mơ ngủ vì đêm qua thức vẽ quá khuya. Khi tôi thức dậy, xuống nhà thì chuyện đã rồi.

Em Lăn đã chết. Đúng hơn, nó bị giết.

Em Lăn nằm sóng soài giữa căn phòng, thân thể rách nát, đầy những vết thương. Cổ họng bị rách toang, lòi ra những sợi gân trắng nhợt. Bụng cũng bị mở banh ra, lòi cả nội tạng.

Dấu chân của lũ mèo vấy máu nó in bê bết xuống sàn gạch trắng. Chúng vẫn còn ở đó. Cả bầy, 14 con, không vắng một con nào. Chưa bao giờ tôi thấy một cuộc tụ họp đủ mặt như vậy. Chúng nhảy nhót, lờn vờn quanh xác con mèo tri kỷ của tôi, quanh căn phòng chật. Khi thấy tôi bước vào thì chúng dừng mọi động tác lại, lẳng lặng ngồi xuống quanh thành một vòng tròn, tâm vòng tròn là cái xác nát bấy của Em Lăn.

Tôi đã biết cái chết của Em Lăn sẽ xảy ra nay mai. Tôi đã chuẩn bị tinh thần về chuyện này, nhưng cái kết thúc như thế này thì quá sức kinh khủng, quá sức bất ngờ.

Tôi nhận ra ngay đây không phải là một vụ ẩu đả, cắn nhau bình thường, mà đối với lũ mèo kia đó là một cuộc hành quyết. Tôi biết, Em Lăn không có chút khí lực để tấn công hay chống trả. Tôi biết, tất cả những con mèo kia đồng loạt tham gia, và chúng quyết giết nó.

Không thể để cho vợ tôi thấy cảnh tượng kinh hoàng này, nàng sẽ không chịu nổi. Làm sao nàng có thể tưởng tượng ra rằng những con mèo trông có vẻ dịu dàng, láu lỉnh, hiền ngoan kia lại vừa giết chết đồng loại của chúng một cách man rợ và có tổ chức như vậy. Làm sao nàng chịu nổi việc biết rằng mình đang sống chung với một lũ mèo sát miêu như vậy.

Tôi tự hỏi: vì sao mà Em Lăn mò xuống lầu dưới? Nó xuống đó làm gì? Nó thừa biết dưới đó là tử địa của nó, bọn mèo kia sẽ giết nó. Vậy mà nó cứ xuống. Nó liều lĩnh đi xuống tử địa trong tình trạng yếu ớt như thế kia?

Rồi tôi hiểu ra.

NÓ TỰ SÁT!

Em Lăn tự sát! Đúng rồi, với nó thì đây là một hành vi tự sát. Nó buộc những con mèo kia phải giết nó. Điều gì đã làm nó đi tới ý định tự sát? Tôi có suy luận chủ quan không? Nếu chọn cái chết, thì vì sao nó không lao ra ngoài kia để bị giết bởi bọn chó ngao? Bi kịch của nó là như thế nào? Tôi không hiểu. Tôi không bao giờ hiểu!

Tôi phải dọn sạch thật nhanh mọi vết tích trước khi vợ tôi về, và tôi phải bịa ra một lý do thật thuyết phục để nói với nàng về sự vắng mặt vĩnh viễn của Em Lăn. Tôi không thể kể thật với nàng, không thể nói với nàng rằng nó đã bị giết. Ngay cả với chính mình, lúc này tôi cũng sợ tiếng “chết”, tuy rằng tôi từng chung chạ với cái chết. Trong chiến tranh tôi từng chôn xác đồng đội hằng ngày. Nhưng lúc này thì khác. Nó không chết một cái chết bình thường. Mà nó bị giết, một cái chết tàn khốc bởi chính nanh vuốt đồng loại.

Tôi tìm được một cái hộp đựng giày của vợ tôi, giống như cái hộp mà nó từng được bỏ vào trong ngày đầu tiên nó xuất hiện ở sân nhà tôi, để làm cỗ quan tài.

Khi tôi đang loay hoay bỏ xác nó vào quan tài, những con mèo kia không bỏ đi, nhưng đồng loạt đứng dậy và bước quanh căn phòng một cách trật tự như cuộc diễn hành. Vừa đi vòng quanh, vừa nhìn chúng tôi, bầy mèo đồng thanh gào lên “ngao ngao...” — những tiếng gào thất thanh, xé điếng.

Tôi không khỏi liên tưởng đến cuộc diễn hành mừng chiến thắng hay mừng một sự kiện lễ lạc nào đó trong xã hội con người. Chỉ thiếu lễ đài và cờ xí.

Tôi không hiểu chúng muốn nói gì. Tôi không còn hiểu chúng. Chúng tiếp tục đi loanh quanh tôi, quanh cái xác của đồng loại vừa bị chúng giết, vừa đi vừa gào. Vênh vang và thảm thiết. Như đang tiến hành một thứ nghi lễ man rợ, mà trang trọng. Tôi cắm cúi tẩm liệm Em Lăn, thỉnh thoảng cũng gào lên ngao ngao với chúng. Đầu óc tôi tê dại, mụ mị.

Tôi lấy giấy báo lót vào lòng hộp, xé cái khăn lông màu đỏ quấn xác con mèo lại, đặt nó vào cỗ quan tài. Tôi định lấy máy ảnh chụp hình nó, nhưng lại nghĩ đến việc những tấm hình sẽ ám ảnh tôi mãi mãi, và nhất là chúng có thể lọt vào mắt vợ tôi hay ai khác, nên thôi. Tôi lấy băng keo dán kín quanh hộp, bỏ cỗ quan tài vào ba-lô, rồi lau dọn thật kỹ những vết máu trên sàn.

Lũ mèo không giải tán. Chúng vẫn tiếp tục trịnh trọng cử hành cái nghi lễ điên rồ và man rợ của chúng.

Tôi khoác ba-lô. Lũ mèo đi theo tôi xuống cầu thang, xuống nhà dưới, vẫn đồng thanh ngao ngao một giọng không đổi. Rồi đột nhiên chúng im lặng. 14 con ngồi thành ba hàng, im phắt, mặc niệm.

Tôi nổ máy xe, chạy ra hẻm. Chạy được một đoạn, ra khỏi khu phố, tôi mới nhận ra rằng không thể nào tìm ra một chỗ chôn mèo trong thành phố. Không có một thứ nhà tang lễ nào như vậy. Tôi nghĩ có lẽ phải ra ngoại ô, chắc là nên chạy về miệt Bình Chánh.

Ra đến đại lộ Nguyễn Văn Linh, trời đổ mưa, tôi tấp vào lề, dừng xe, trùm áo mưa, rồi chạy tiếp. Áo mưa trùm không đủ kín cho cả tôi và cái ba-lô, tôi ướt mèm, cái ba-lô thấm nước nặng trĩu. Tôi tạt xe vào một hàng hiên đứng trú.

Cái xác con mèo chết còn có ý nghĩa gì với mày nữa không?

Mày có nên sướt mướt, đau buồn với nó nữa không?

Tôi tự hỏi, rồi trả lời. Không, nó không còn ý nghĩa gì nữa. Mọi chuyện đã chấm dứt. Tôi nghe tiếng bầy chó ngao gào sủa vọng lại từ một thế giới xa xôi nào khác. Nước mưa làm tròng kính tôi nhoà đi. Tôi không thấy một ai quanh đây. Tôi thấy mình tôi đứng chơ vơ giữa địa cầu.

Tôi nổ máy xe, quay trở lại trung tâm thành phố. Khi chạy ngang một bô rác bên đường, tôi dừng lại, ném cái ba-lô vào đó. Bất giác, tôi làm dấu thánh. Tôi nghĩ, những người lượm rác sẽ phát hiện ra vì cái ba-lô còn mới, họ mở ra, sẽ thấy xác con mèo.

Họ sẽ làm gì khi thấy cái xác ư?

Có thể họ sẽ lấy cái ba-lô thôi và vất cái xác lại vào đống rác. Xác nó sẽ bị vùi chôn, tan rữa trong núi rác này, hay tệ hơn, họ sẽ mang cái xác chưa kịp thối rữa ra bán cho tiệm Tiểu Hổ, và nó sẽ được tiêu hoá trong bụng bọn bợm nhậu. Tôi đếch cần. Tôi không nghĩ thêm gì về điều sẽ xảy ra với cái xác mà tôi đã ôm ấp, thương yêu bao lâu nay nữa.

Vĩnh biệt Em Lăn!

Tao sẽ báo thù cho mày. Tao thề!

Tao sẽ giết hết chúng nó. Bọn thủ ác đã gây ra cái chết của mày.

Sẽ giết thằng Đuôi Nghèo.

Sẽ giết 14 con mèo trong nhà.

Sẽ đốt rụi cả cái thế giới điên dại này thì tao mới hả giận.

Vĩnh biệt! Vĩnh biệt! Vĩnh biệt!

 

(còn tiếp)

 

 

-------------

Đã đăng:

... Tui đã tranh thủ để được kết nạp, bắt đầu phải như vậy. Muốn leo cao thì phải vào đảng, phải đạp lên đầu tụi nó mà leo tiếp. Mấy đứa tui quen nói rằng việc giết người được bắt đầu từ việc giết một con vật, rồi sẽ quen. Chuyện gì rồi cũng do thói quen, từ việc kéo cò súng cho tới đâm dao vào thân thể của kẻ khác... (...)
 
... Tôi mở cổng, hồi hộp bước ra đường, tôi sợ sẽ thấy điều mình đã tưởng tượng. Không, không có xác con mèo nào treo ngoài cổng. Tôi thở phào nhẹ nhõm. Người giao báo sáng chạy trờ tới, định ném vào sân thì thấy tôi, cậu ta trao tôi tờ nhật báo. Tôi thấy ánh mắt cậu ta nhìn tôi soi mói. Sao ai cũng nhìn tôi như vậy?... (...)
 
... Tôi sắp xác ruồi thành từng hàng, rồi đặt tên cho từng con theo một thứ tự bất kỳ. Tên chúng là những kẻ mà tôi chán ghét. Những nhân vật này đều có từ văn chương và lịch sử Trung Quốc, từ thời Chiến Quốc, Tam Quốc cho tới hiện đại. Chúng là Tào Tháo, Đổng Trác, Tần Thuỷ Hoàng, Tần Cối, Mã Viện, Thoát Hoan, Sầm Nghi Đống, Ô Mã Nhi, Liễu Thăng, Tống Giang... rồi tới Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình... Cái tên sau cùng là Tập Cận Bình... (...)
 
... “Kính chào đồng bào, đồng bào nghe tôi nói rõ không? Kính chúc đồng bào một đêm yên lành trong không khí hừng hực hào hùng kỷ niệm 40 năm mùa xuân chiến thắng, thống nhất đất nước.” Vợ tôi tắt ti-vi. Nàng bực dọc ném mạnh cái điều-khiển-từ-xa lên ghế xa-lông rồi vào phòng ngủ. Tôi thấy mình thương vợ ghê gớm... (...)
 
... Vợ tôi buông tôi ra, ngồi bật dậy, lùi vào góc giường. Trong thứ ánh sáng đổi màu, mờ ảo ma quái, nàng ngó tôi trân trối. Tôi làm sao vậy? Tôi nhận ra đêm nay là thời điểm của một sự thay đổi kinh khủng trong cuộc đời mình: TÔI ĐANG ĐÁNH MẤT KHẢ NĂNG NÓI TIẾNG NGƯỜI. TÔI NÓI BẰNG TIẾNG MÈO!... (...)
 
... Một chiều nọ, tôi đi nhậu với ba người bạn văn nghệ... Cả bọn hẹn nhau ở một quán nằm trên một con đường nhỏ trong khu Tân Sơn Nhất. Trước khi đi, tôi đứng trên ban-công, thấy cái đuôi đang đứng lơ ngơ nhìn trời nhìn đất ở cuối đường... (...)
 
... Một sáng nọ, vợ tôi ra lượm tờ báo Tuổi Trẻ mà chúng tôi đặt dài hạn vừa được người ta ném vào sân, thì nàng thấy cái hộp giấy nằm dưới gốc cây mận, loại hộp đựng giày, ngoài nắp hộp có mảnh giấy được ràng vào hộp bằng dây thun, trên giấy ghi tháu và to, bằng bút lông đen, 4 chữ: “Thằng chó, liệu hồn!”... (...)
 
... Dừng xe dưới cột đèn đầu hẻm, men bia tan nhanh. Tôi trực diện với một thứ tình cảm kỳ dị: tôi nhớ cái đuôi. Tôi trực diện với một phức cảm kỳ dị mới cảm nhận được: không có cái đuôi, cuộc đời trở nên tẻ nhạt, thậm chí vô nghĩa. Cái đuôi có một ý nghĩa đặc biệt mà không ai thay thế được... (...)
 
... “Mày làm sai. Mày là thiên lôi, chúng nó chỉ đâu mày đánh đó, bất kể đúng sai. Sao mày không chịu khó suy nghĩ một chút. Mình đang mất nước! Hiểu không? Đừng nói là để nhà nước lo. Mày thấy mọi chuyện đang xảy ra có lạ không, có đúng không? Mày có thấy sai trái và bất công không? Mày có thấy bọn con ông cháu cha nó sống đế vương thế nào không? Không chỉ bất công cho mọi người, bất công cho cả mày nữa đó!” Tôi nói và hỏi dồn dập... (...)
 
... Suốt ngày, tôi bức bối, lồng lộn. Tôi có cảm giác mình không còn là một con người, mà là con thú bị dồn đuổi vào góc chuồng. Tôi gầm gừ muốn cắn vào cổ họng ai đó. Chẳng có ai. Chỉ có vợ và lũ mèo. Tôi không tự cắn vào cổ họng của mình được. Tôi đứng trước gương giơ tay ra huơ múa, chân tôi vẫn dính vào mặt đất, tôi thấy đôi mắt đỏ kè của mình đang long lên sòng sọc. Tôi sắp điên!... (...)
 
... Có thể ví dụ về sự nổi tiếng của tôi như thế này: nếu một tay trong cái đám từng là lãnh đạo đất nước này qua đời thì tôi tin chắc rằng hắn có thể có một quốc tang rình rang trọng thể, nhưng hắn sẽ không được người dân biết đến hay nhớ đến nhiều hơn là cái chết, vì một tai nạn lãng xẹt, như nhậu xỉn té xuống ao chẳng hạn, của tôi... (...)
 
... Tuy nhiên tôi không hài lòng lắm về cái tiểu sử buồn tẻ của đời mình. Khi nào có hứng, tôi sẽ vẽ — vẽ chứ không viết — vẽ lại nó với những nét chấm phá theo ý mình. Ờ, mà hãy nhìn lại lịch sử xem nào, đâu phải tôi là kẻ duy nhất có ý muốn vừa đi đường vừa tán nhảm về cuộc đời lộng lẫy của mình?... (...)
 
... Tôi có một kho tàng chuyện tiếu lâm đen trong bụng để kể làm mọi người cười lăn chiêng. Tôi có khả năng nhái giọng rất giống. Trong vài giây tôi có thể hoá thân thành kẻ khác, từ ông lãnh tụ cao vời đã khuất núi cho tới tay lãnh đạo hãnh tiến đương thời, biến các nhân vật ấy thành những thằng hề ngốc nghếch. Không có tôi thì đời buồn tênh... (...)

 

———————————-

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021