thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Buồn nôn, Sartre thơ thẩn trước cổng chùa [kỳ 4]

 

BÀI 1

[tiếp theo]

Đã đăng: [kỳ 1] - [kỳ 2] - [kỳ 3]

 

. Ngẫu nhiên mà ông Christophe...

 

Một sự vật, khi nó có đó rồi, là nó có lý do để có đó. Sự kiện “nó có đó” là một bằng chứng hùng hồn. Cái “nó có thể không có đó” chỉ là một giả thuyết và là chuyện đã qua. Cái “nó có đó” là một thực tại và là chuyện bây giờ. Trước khi nó có đó thì sự xuất hiện của nó có tính cách xác suất (probable), may rủi. Nhưng một khi “nó có đó rồi” thì sự hiện hữu của nó là một điều hiển nhiên (évidence), không thể nào khác hơn được: nó không thể nào không có đó, nó có lý do để có đó, và giờ đây nó đã thực sự có đó, không có cách gì phủ nhận được hết, và cũng không có vấn đề chọn lựa hay tự do chối bỏ ở đây. Có nhắm mắt lại thì nó vẫn còn đó. Mở mắt ra lại thấy nó có đó.

Chẳng hạn như khi xưa Christophe Colomb lên đường đi tìm xứ Ấn Độ. Nhưng vì dụng cụ định hướng thời đó không chính xác và thô sơ nên đoàn thuyền thám hiểm của ông có thể lạc tới bất cứ nơi nào. Tuy nhiên, một khi ông đã đặt chưn lên Mỹ châu rồi thì đó là một sự kiện lịch sử và là một điều hiển nhiên: khi phân tích lại lộ trình, điều kiện thời tiết, giông bão, trăng sao... ta có thể biết được vì nguyên do nào và vì lý do nào (mặc dù không do chính ông chọn lựa) mà cuộc thám hiểm trên đại dương đã đưa đẩy đoàn thuyền của ông tới châu Mỹ thay vì Ấn Độ. Tuyên bố rằng sự hiện diện của Christophe Colomb tại châu Mỹ là ngẫ nhiên, là không có nguyên do và không có lý do là một khẳng định hàm hồ và nguỵ biện. Nó chẳng khác gì cái lập luận: “Một buổi sáng nọ Christophe Colomb từ trên giường ngủ bước xuống, và đùng một cái, ông đặt chưn lên châu Mỹ”. Không! Chẳng có cái gì là ảo thuật. Chẳng có cái gì là “khi không” hết ráo. Ông đã lên đường. Và ông đã tìm kiếm. Ông có nguyên do để có đó! Ông có lý do để có đó! Cho dù có phản bác rằng nguyên do này và lý do này là ngẫu nhiên thì cũng chỉ là cãi cọ nhau về ba cái từ ngữ và ý niệm mà thôi (cái trò vọc giỡn và quăng bắt chữ nghĩa).

Chung chung, ngẫu nhiên có nghĩa là tình cờ, may rủi. Ngẫu nhiên là cái cách thức (mode), là cái “như thế nào” (comment) của sự xuất hiện của nguyên do và lý do. Hỏi: “Nó xuất hiện như thế nào?” Đáp: “Nó xuất hiện một cách ngẫu nhiên”. Ngẫu nhiên có nghĩa là không đoán trước, không định trước được. Nó chẳng có ý nghĩa, cũng chẳng vô nghĩa hoặc phi lý và cũng không hàm ý là “không có lý do”. Ngẫu nhiên chỉ là một cách thức, chẳng hạn con chim nó bay bằng cách đập cánh. Ngẫu nhiên chẳng những không làm thay đổi hoặc phủ nhận, mà trái lại chính nó đã đưa tới sự kiện: “Lần đầu tiên Christophe Colomb đã đặt chưn lên châu Mỹ vào giờ đó, ngày đó, tháng đó, năm đó. Và sự kiện này có nguyên do và lý do của nó. Nguyên do: thám hiểm. Lý do: đi lạc”. Mọi bàn luận chỉ là diễn giải, có thể đúng, có thể sai, hoặc cả hai. Nhưng chắc một điều: nó không cần thiết cho sự kiện. Sự kiện có trước. Giải thích đến sau. Mà không đến cũng được, cũng chẳng có trăng sao gì hết.

 

. Sự vật đã có đó rồi thì sao?

 

Một khi sự vật đã có đó rồi thì những giả thuyết bày đặt ra về sự không hiện hữu, về những cái “lẽ ra...” của sự hiện hữu của nó chỉ là vọng tưởng. Một sự vật, khi nó có đó rồi, thì nó “hiển nhiên”: tự nó là lý do hiện hữu cho chính nó. Tự nó là giải thích cho chính nó. Tự nó là sự thật cho chính nó. Mọi tranh luận xung quanh, mọi bàn cãi xung quanh, mọi lý thuyết được dựng ra xung quanh cái chuyện “không có lý do hiện hữu” của nó chỉ là hý luận. Bàn chơi cho vui. Thuyết chơi cho vui. Vậy thôi.

Bất cứ vật nào, một khi đã có đó rồi, thì ta không có cách nào khác hơn được là phải chấp nhận sự hiện hữu của nó. Đó là thái độ “biết điều” nhứt. Chấp nhận theo cái nghĩa là phải nhìn nhận. Bởi lẽ ta không có cách nào phủ nhận được sự hiện hữu của nó, cho dù ta có nại cái lý do là “nó không có lý do nào để hiện hữu” – theo cách suy diễn của ta, theo cái logique của ta, dĩ nhiên. Nại cái lý do như vậy là nguỵ biện. Là vọng chấp. Là ngã mạn. Có buồn nôn tới mật xanh, có vò đầu bứt tóc tơi bời hoa lá, hoặc có bày đặt ra một luận cứ rất là “siêu việt”, hay một luận thuyết rất là “siêu triết” nào đó để phản bác hoặc để chối bỏ thì cũng chỉ là tự biểu lộ cái tâm chấp trước, cái tâm ôm giữ, cái tâm ngã mạn, cái tâm vọng động của mình mà thôi. Chớ sự vật, nó tuyệt nhiên bất động. Cái rễ cây nó có đó, nó nằm đó, và nó sẽ vẫn tiếp tục nằm đó, bất động. Tuy bất động, nhưng nó vẫn không hề ngưng biến dịch trong cái lẽ vô thường.

Bây giờ thử đặt vấn đề ngược lại. Hôm đó Roquentin lần xần bước vô công viên và đến ngồi trên băng ghế. Rồi vân vân... Chợt có một người lần xần thứ hai bước vô công viên, dùng ý thức chiếu rọi Roquentin, thấy anh ta chỉ là “chất bột” ù lì, mềm nhão, không có lý do gì để hiện hữu. Rồi buồn nôn và tuyên bố: “Cái anh chàng ngồi kia là phi lý!” Liệu cái tuyên bố này có khiến cho Roquentin trở thành phi lý vĩnh viễn? Hoặc hết lần xần? Hay là không hề hấn gì? Và cũng chẳng hay biết gì hết.

Giả dụ như thay vì xảy ra trong công viên, cảnh đó xảy ra ở tiệm Café de Flore. Anh chàng lần xần nọ bước vô tiệm café, ngắm nghía Sartre ngồi nhâm nhi café nóng, hút ống vố, mũi dí vào sách. Hồi lâu, thấy Sartre chỉ là “chất bột” ù lì ngớ ngẩn, không có lý do hiện hữu (raison d’être), và sự hiện hữu của Sartre cũng chẳng có nghĩa lý gì hết ráo. Bèn tuyên bố lớn tiếng cho hết mọi người trong tiệm café nghe rõ: “Hữu thể Sartre là phi lý!” Liệu Sartre sẽ phản ứng ra sao? Sẽ ngợi khen rối rít cái “ý thức sáng suốt”? Hay là sẽ lập tức phản đối liền tù tì: “Sao? Cái đồ nhảm nhí! Ông là triết gia đây mà lại không có lý do hiện hữu à? Ông đây mà lại là phi lý à?”

Bởi các lẽ đó, khi xét kỹ lại, nếu ta có đặt vấn đề nguyên do và lý do hiện hữu, hoặc vấn đề ý nghĩa hiện hữu của cái rễ cây thì vấn đề đó là cái vấn đề của ta, chớ không phải là vấn đề (yếu tính) của cái rễ cây: cái rễ cây nó không có vấn đề hiện hữu hay bất cứ một vấn đề gì hết ráo. Từ mấy trăm triệu năm nay, từ lúc con người chưa xuất hiện trên trái đất này, dòng họ “rễ cây” nó vẫn mọc như vậy, và nó vẫn ù lì như vậy. Sự thể: Con người chỉ mới xuất hiện từ 5 triệu năm nay. Rồi mãi cho tới đầu thế kỷ 20 này, chợt có một người lần xần bước vô công viên, rồi tình cờ tới ngồi trên băng ghế bắc bên trên cái rễ cây, rồi xao động, rồi buồn nôn, rồi bày đặt ra vấn đề hiện hữu của cái rễ cây. Và tiếp theo đó, dùng ý thức ảo thuật của mình mà dán lên cái rễ cây một ý nghĩa, rồi hô toáng lên là cái rễ cây đã tiếp nhận ý nghĩa của mình ban cho (nhưng thiệt ra thì cái ý nghĩa đó nó không dính và chỉ là lớp sơn hoa hoè bên ngoài). Rồi khóc thét, rồi tuyên bố là “Cái rễ cây nó phi lý”! Hết! Cái sự thể đó nó không ăn nhập gì tới cái rễ cây, và nó cũng không hề hấn gì tới cái rễ cây hết ráo. Cái người lần xần đó cũng giống như một người đang lo sợ, lúc chạng vạng đi vào một bến tàu. Anh ta nhìn thấy những sợi dây luộc ngổn ngang, nhưng vì tâm trí mình đang dao động nên cứ đinh ninh đó là những con rắn độc, rồi hoảng hốt la hét bỏ chạy. Và kể từ đó, cứ tin chắc là cái bến tàu vốn nó đầy rắn độc – tương tự như cái người lần xần tin chắc rằng “cái rễ cây phi lý ngay từ trong yếu tính của nó” vậy.

Nói rộng ra, cho dù là cái rễ cây hay bất luận một sự vật nào khác, bất luận một pháp nào khác, bất cứ một hữu thể nào khác, thì cũng vậy thôi. Cái vấn đề có chăng là ở chỗ thường khi chính ta đã bày đặt ra vấn đề. Chính ta đã nguỵ tạo ra vấn đề. Bởi lẽ chính cái tâm của ta đã vọng chấp. Bởi lẽ chính cái tâm của ta đã vọng hiện. Và cũng vì lẽ đó mà niệm niệm sanh khởi. Trí tuệ hay cái tâm của ta là một nhà ảo thuật chuyên môn vọc giỡn ý niệm và quăng bắt chữ nghĩa. Gần cuối cuộc đời mình, Sartre cũng đã phần nào ý thức ra được mình là nạn nhân của chữ nghĩa khi viết Les Mots. Ý niệmchữ nghĩa đối với trí tuệ cũng giống như là những ký hiệu toán học đối với Einstein hoặc Poincaré và những nhà toán học khác. Chúng chỉ là những ký hiệu không có thực thể, không tự có trong Trời đất. Nếu cần, trí tuệ sẽ dùng nguỵ biện để tráo trở chữ nghĩa, và dùng hý luận để bẻ cong ý niệm hầu mê hoặc ta. Một khi ta bị nó mê hoặc rồi, ta sẽ trở thành cuồng tín và lôi kéo kẻ khác vào tròng cho nó mê hoặc theo. Và tin rằng “hữu thể là phi lý”!

 

. Từ chơn không tới hiện hữu

 

Hiện hữu là một lễ hội, một cuộc vui. Hay ít ra cũng là buồn vui, sướng khổ lẫn lộn. Bởi lẽ đó, khi khám phá ra hiện hữu, lẽ ra ta phải thú vị và vui mừng chớ sao lại buồn nôn và rùng mình ớn lạnh? Có phải vì bởi vọng chấp, vì bởi mê lầm, ta ngỡ ngó thấy phi lý và hư vô lấp ló đằng sau hiện hữu? Tuyên bố rằng hiện hữu, rằng hữu thể là phi lý, phải chăng là ngụ ý rằng lẽ ra hiện hữu, lẽ ra hữu thể không đưọc (quyền) có đó thì mới hữu lý, thì mới hợp lý. Nhưng cái lý ở đây là “cái lý” gì? Và tại sao phải là “cái lý” như vậy mới là hợp lý? Đã nói “hiện hữu”, đã nói “hữu thể”, mà lại cho rằng lẽ ra nó “đừng có đó”, như vậy chẳng phải là nghịch lý lắm sao? Nhưng nếu không có hiện hữu, không có hữu thể thì đâu còn gì nữa để mà bàn, mà luận. Hơn nữa lại là bàn luận cái thuyết về sự hiện hữu?

Jean Vioulac: Ngẫu nhiên là tất cả những gì có thể không hiện hữu, và cũng không có lý do gì để hiện hữu. Nhưng nếu nó không hiện hữu thì làm sao biết được nó là cái gì để mà nói, mà bàn, mà thuyết, mà luận? Luận về cái “không hiện hữu”, luận về cái “không có”, phỏng đặng chăng? Vậy mà vẫn luận, thì luận ra làm sao? Chẳng lẽ cái “không hiện hữu” là nền tảng của luận thuyết về cái “có hiện hữu”. Cái đó, kinh Phật gọi là hý luận. Luận chơi cho vui vậy thôi. Luận chơi cho đỡ buồn vậy thôi. Cũng giống như là hý luận dông dài về ba cái chuyện sừng thỏ lông rùa, rễ mù cây điếc, chó gáy gà sủa, cánh khỉ vảy heo. Hay là hý luận về một cái chuyện hoang tưởng hoa hoè nào khác đó phát xuất từ cái tâm chấp trước vọng hiện của mình mà ra.

Trong khoa thiên văn, thuyết Big Bang cho rằng thoạt tiên có cái vụ nổ (khủng bố?) ban đầu. Rồi kế đó vật chất bị năng lượng của chơn không thúc đẩy tràn ra muôn hướng trở thành vũ trụ. Đó là thuyết lấy cái làm khởi điểm. Cần lưu ý là chơn không tuy rằng không có vật chất mà vẫn có năng lượng. Tuy nhiên, trong khoa thiên văn và vật lý hiện đại, giờ đây có thêm hai thuyết mới về sự sáng tạo của vật chất và vũ trụ lấy cái KHÔNG làm khởi điểm – nhưng có lẽ không bao giờ chứng minh được một cách cụ thể. Một thuyết cho rằng khởi đầu, trong chơn không (vide) có những sợi dây (cordes) phi vật chất cực nhỏ, không bao giờ có thể thấy được (không tướng?). Không rõ vì lẽ gì, những sợi dây này chợt rung động (vibrations), và tuỳ theo tần số (fréquence) mà phát sinh ra mọi chất trong vũ trụ, cũng giống như sợi dây đờn rung theo 7 tần số khác nhau mà phát ra 7 âm đô, rê, mi, fa, sol, la, si. Vì vậy mà có thể ví vũ trụ như là một hợp tấu khúc vĩ đại. Các sợi dây cấu trúc này có thể là một dạng thức của năng lượng, vì năng lượng có thể biến thành vật chất và ngược lại. Các vật chất do dây “không tướng” tạo ra hợp lại tạo thành thiên thể, trăng sao, ngân hà, vũ trụ. Thuyết kia cho rằng khởi đầu chỉ có chơn không (vide). Rồi không rõ vì lẽ gì bỗng nhiên chơn không chợt dao động (fluctuations) “Maria hỡi ! Linh hồn con ớn lạnh!”, và làm nảy sinh ra nhiều vũ trụ khác nhau. Lạ lùng thay! Có một sự trùng hợp hi hữu: Ngay từ nguyên thủy, trong kinh Phật đã có thuyết “chơn không diệu hữu”: Từ trong chơn không, khi hội đủ nhơn duyên, sẽ xuất hiện những sắc tướng, rồi từ đó mà vạn pháp tương tạo lẫn nhau. Và cũng bởi đó mà chúng sanh trùng trùng duyên khởi, không hề ngừng nghỉ một sát na nào. Vô thủy vô chung. Bất tận...

 

___________

 

. Ý chính (Tóm lược các ý chính trong BÀI MỘT):
 
. Tuyên bố sự vật không có nguyên do và lý do hiện hữu là một khẳng định hàm hồ và độc đoán.
 
. Bởi cái tâm dao động, vọng chấp và vọng hiện nên nó làm xuất hiện các vấn đề “lý do, ý nghĩa, phi lý”
 
. Đối với sự vật, diễn giải và giải thích của ta là không thiết yếu, nguỵ tạo, có thể sai lầm và tác hại.
 
. Bởi cái tâm phô diễn vốn nó “tự biên, tự diễn” nên nó bày đặt ra các vấn đề “lý do, ý nghĩa, phi lý” để được tự diễn giải lấy một mình như một trò múa rối.
 
. Cái tâm cứ khởi niệm không dứt là để duy trì sự hiện hữu của mình: Cogito ergo sum!
 
. Trong Trời đất, vạn pháp vốn nó Như vậy, không có nghĩa, cũng chẳng vô nghĩa. Ý nghĩa và phi lý phát xuất từ cái tâm trí nhị nguyên của con người.
 
. Ý nghĩa của đời sống chính là đời sống. Lẽ sống của sống chính là sống. Lý do để hiện hữu chính là hiện hữu.
 
. Sự vật vốn tự nó hiển nhiên: Nó là lý do hiện hữu của chính nó, nó là sự thật cho chính nó.
 
. Trí tuệ là một nhà ảo thuật, chuyên môn vọc giỡn ý niệm và quăng bắt chữ nghĩa.
 
. Khi ta đặt cái vấn đề “lý do, ý nghĩa, phi lý” đối với sự vật, thì đó là vấn đề của ta, chớ không phải là vấn đề của sự vật.
 
. Từ chơn không, khi hội đủ nhơn duyên, sẽ xuất hiện các sắc tướng. Và chúng sanh trùng trùng duyên khởi.

 

Bagnolet, ngoại ô Paris
Tháng sáu 2008

 

 

[Đón xem tiếp BÀI 2: Ngẫu nhiên - Tất định / Nhân duyên – nhân quả]

 

 

Đã đăng:

L’existentialisme, Thuyết hiện sinh của Sartre là triết thuyết rất thịnh hành trong thập niên 1960. Buồn nôn, phi lý là thái độ rất thường thấy trong giới trí thức trẻ vào thời kỳ này. Lúc đó, người viết mới vào lứa tuổi 20 nên không rõ Thuyết hiện sinh là cái gì cho lắm. Bây giờ, hơn 40 năm sau mới có dịp trở lại tìm hiểu cái hiện tượng “buồn nôn, phi lý”, “rong rêu sỏi đá” của các bậc đàn anh mình thời trước... (...)
 
... Trước hết, cần minh định một điều: Khi đặt câu hỏi, khi đặt vấn đề mà không có giải đáp, có thể là đã đặt sai câu hỏi, hoặc đã ngụy tạo ra vấn đề ngay từ đầu. Triết học và siêu hình có rất nhiều vấn đề ngụy tạo. Chẳng hạn hỏi: “Tại sao (vũ trụ) khởi đầu lại có một cái gì, thay vì không có gì hết?” Đáp: “Phải có một cái gì để cho ông mới có chuyện để mà hỏi!” Cũng giống như “To be or not to be, that’s the question”, thay vì “that’s not the question”. Phải “to be” thì ông mới có “question” chớ... (...)
 
... “Khái niệm” (và ý niệm) chỉ là một sản phẩm của trí tuệ, tự nó không có thực thể: nó do trí tuệ bày đặt ra, chớ không tự có trong Trời đất. Dựa vào một khái niệm không có thực thể mà tuyên bố là sự vật không ý nghĩa, không nguyên do, không lý do, phi lý, liệu khẳng định đó có vững chắc hay không? Phi lý? Thiệt vậy sao?... (...)

 

 

-------------------------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021