|
Nguyễn Lãm Thắng và sự sống được nuôi bằng cái chết
|
|
Từ tập thơ đầu tay – Điệp ngữ tình [1] cho đến nay, thơ Nguyễn Lãm Thắng đã có sự lột xác hoàn toàn. Cái giản dị, mộc mạc, đằm thắm giờ đây được hoán đổi bằng những vần thơ tự do, triết lý, bằng những hình ảnh siêu thực, những cuộc kết nối ngôn từ dư ba. Mỗi nhà thơ đều có sở trường, sở đoản trong việc xây dựng hình ảnh thơ. Với Nguyễn Lãm Thắng, anh thường dùng hình ảnh để luận bàn về chính nó. Tìm được hình ảnh mấu chốt trong bài thơ, cơ hội nắm bắt dòng chảy triết lý càng lớn. Nhà thơ càng khúc xạ hình ảnh của mình bao nhiêu thì ý nghĩa mà nó mang đến có thể là vô cùng, nghĩa là hình ảnh không bất động, xơ cứng mà luôn sống động. Hơn nữa, chiều sâu của hình ảnh thơ mới là tấm gương đích thực cho thế giới thực tại. Hình ảnh “trở thành một con đường tắt nối hai thực tại, một đoản mạch loại bỏ những liên hệ duy lý nói lên những nhận thức mới lạ về thế giới hiện tại”.[2] Trong thơ Nguyễn Lãm Thắng, hình ảnh rất phong phú, đa dạng: về biển, về lũ trẻ, về loài côn trùng, về người đàn bà học vẽ, về lăng tẩm, bia mộ... Các hình ảnh đều thấm chất thế sự. Dáng vẻ trong xanh, thơ mộng của con sông bị đẩy lùi bởi lớp trầm tích: xác chết, nhịp thở của gái điếm, cuộc nhậu vô tội vạ... Hình ảnh phố chật chội người, sặc mùi than đá ong, nhà bia nằm chung với rác, inh ỏi còi xe, tiếng rao, nghẹt thở với nhiều công trình... như ngốn hết bầu không. Rừng nguyên sinh nay trở thành đất có chủ. Mọi người được tự do khai phá và kể cả việc làm thẻ đỏ cho rừng. Nhà thơ gọi đó là sự lẫn lộn thật khổng lồ:
ta tập mở mắt lần nữa để nhìn thế giới phía giác độ người mù
để thấy đằng sau câu chúc tụng là vết đâm tứa máu
để thấy từng miếng thời gian gãy khúc trên chiếc lưỡi dối lừa
để thấy sự hoài nghi trong từng nụ hôn
vài ba giọt rượu lăn lóc trên bầu vú căng phồng sữa độc
ngày kéo dài hơn những vở tuồng phù phiếm
đêm hoang mang hơn những huyền thoại đen như máu ứ
trục đất đang nóng dần trong tim ta
máu đang bùng lên ngọn lửa
Các hình ảnh thơ mang giá trị riêng tuỳ theo ý đồ của người nghệ sĩ. Xuyên suốt hành trình thơ tự do của Nguyễn Lãm Thắng, hình ảnh cái chết được lặp đi lặp lại khá nhiều. Chết là quy luật tự nhiên. Không ai thoát khỏi vòng quay nghiệt ngã của số phận. Vấn đề là chúng ta có vượt qua được một cách thoải mái hay không? Vì cuộc đời này chỉ là bến dừng chân, bến đỗ, là cõi tạm, chỉ có thế giới bên kia mới là thực, là vĩnh cửu. Khi ấy chúng ta mới thực sự sống. Nói như nhà soạn nhạc W.A. Mozart: “Tôi cảm ơn chúa đã độ lượng ban cho mình cơ hội để hiểu rằng cái chết là chìa khoá mở cánh cửa dẫn tới chân hạnh phúc”. Viết về cái chết, Nguyễn Lãm Thắng hoàn toàn tự chủ, bản lĩnh:
tôi sở hữu hàng ngàn cánh đồng bạt ngàn nỗi buồn
và
hàng vạn ngôi mộ gió
tôi tin vào điều đó
như tin vào cái chết của mình
vì
tôi vĩnh viễn sở hữu cái chết ấy
(“Sở hữu”)
Sự tự thức bản ngã giúp anh sở hữu được nó. Nói thế, không phải anh lẫn tránh, lo sợ hay vô trách nhiệm mà thực ra đó là cách anh giữ cho tâm hồn mình không bị hoen rỉ, biến chất trước thế cuộc đầy bất ổn: chiến tranh, thù oán, giả dối... Anh nói đến cái chết để đoạn tuyệt với thế giới rỗng rễnh, lên án, phủ nhận nó. Và anh sẵn sàng đón nhận cái bi thương: tôi biết tiết kiệm những nỗi đau của mình/ để biến nó thành những quả đồi mang hình nấm mộ/ chôn những linh hồn vất vưởng (“Tiết kiệm”). Hình thức tiết kiệm đặc biệt ấy chỉ có ở những con người giàu lòng trắc ẩn như Nguyễn Lãm Thắng. Thơ ca non giống sẽ chịu số phận chết yểu. Cho nên, người nghệ sĩ cần sinh những đứa con đủ ngày, đủ tháng. Bằng những lời thành tâm, anh bày tỏ chính kiến: bạn đâm vào tim tôi bằng những lời khen ngọt như đường phèn/ bạn bảo tôi hãy sống/ và hồn nhiên sống/ đừng âu lo/ buồn bực/ hãy an phận/ an phận tột cùng/ để ăn tròn ba bữa/ và gắng sức đẻ ra những câu thơ cũ mèm nịnh bợ/ vâng/ cảm ơn bạn/ bạn hãy xem tôi đã chết từ lâu/ thế nhé! (“Bạn ảo”). Ý thức được sứ mệnh cao cả của người nghệ sĩ, anh xem cái chết của bài thơ cũng chính là cái chết của mình:
những con chữ run lên đợi ngọn lửa hóa vàng
tôi thắp nghìn chung rượu
mời những sinh linh thơ thiếu tháng
đã chết trong bào thai sự thật
[sự thật thường yểu mệnh
hoặc bị chối bỏ như một quái thai]
những giọt mưa
vấp tiếng kinh cầu nguyện
lăn lóc trên linh hồn bạch lạp
tôi gục đầu
tưởng niệm chính tôi
đưa tiễn một phần đời mình xuống mộ!
(“Khóc cho bài thơ chết non”)
Cái chết ám ảnh người thơ. Chính anh đã viết: cái chết tồn tại trong ta. Anh chấp nhận, trân trọng và sắp đặt cái chết cho mình. Anh nói về cái chết trong tâm thế vô tư như là sự thách thức, tuyên chiến với cuộc sống này – một cuộc sống hoang hoác, đầy những cạm bẫy. Khi lòng người bị nhiễm mặn/ niềm tin bị xâm thực, anh thành thực: tôi sợ những chuỗi ngày mệt mỏi thừa thải vô tích sự cứ trôi qua như xác chết khổng lồ/ giẫm lên đời tôi (“Thêm một ngày kết tủa”). Anh thẳng thừng tẩy chay việc lặp lại chính mình: câu thơ mọc sợi tóc buồn trên truông già khi vết cắn/ còn bầm đen của nòi rắn độc/ gió róc cơn mê khủng/ gió xoáy âm khí/ ngày đã chết vào đêm vũng lầy xương trắng trong chiếc hộp bình minh rỗng tuếch/ sự lặp lại đớn hèn! (“Câu thơ bung gai giữa ngày không nắng”). Vậy, Nguyễn Lãm Thắng không tìm đến cái chết để trốn chạy, lánh đời, ngược lại, nó minh chứng cho sự nổi loạn, dấn thân vào thế giới thực này bằng chính bản ngã của anh. Nói như Albert Camus: Tôi nổi loạn, vậy tôi hiện hữu. [3] Xét theo ý kiến của Camus, có thể coi Nguyễn Lãm Thắng là một thi sĩ nổi loạn. Dùng cái chết để tỏ sự bất mãn và chống lại sự suy về thời cuộc. Điều đó khiến thơ anh có cái bản lĩnh, tố chất của một cái tôi biệt dị và có phần ngông. Mà sự đời cái biệt dị luôn đi liền với cái ngông. Nguyễn Lãm Thắng ngông để bộc bạch cái tôi của mình. Một cái tôi cô đơn, đau đớn đến tột cùng trước thực trạng những tệ nạn của xã hội, song anh không đánh mất chính mình. Sống ở thế giới này mà Nguyễn Lãm Thắng đã với đến được khoảng không gian của thế giới bên kia:
ròng rã những tang thương trôi theo từng bước chân
mỗi ngày tôi đưa tang một lần
mỗi đêm tôi đưa đám tang tôi về khư mộ
nơi đó tôi nghe tiếng trẻ khóc oằn trên vũng đói
nơi đó tôi nghe âm thanh máu đổ
nơi đó tôi nghe bốn mùa tạo hoá chỉ còn một mùa đông rởn xương
nơi đó tôi nghe những bi kịch đang hấp hối
nơi đó tôi nghe đất và nước quằn quại bi thương bởi căn bệnh ung thư não nơi đó tôi nghe ròng rã tiếng ma cười...
Từ việc mổ xẻ cái chết của chính mình, nhà thơ phản chiếu hiện thực của thế giới này. Đứng trong cảnh thực để nhìn đời thực có lẽ chưa thể khái quát hết, vì thế, Nguyễn Lãm Thắng đứng trong cõi âm, phóng mình vào cõi âm mà chiếu ra mới thấy hết từng lớp màn sương bao phủ của thế thái nhân tình. Nhờ vị thế ấy, thơ anh trở nên ma quái, hun hút những hố sâu của sự liên tưởng. Người đọc có thể nhận dạng qua một số tiêu đề như: Chiều mọc râu trên hoàng hôn cỏ; Câu thơ bung gai giữa ngày không nắng; Đêm nở ra hoa ấm; Bài hát buồn của bầy chim tổ rách; Tôi nhặt mình trong góc sân nhà thờ; Ở một góc phố câm có cơn mưa điếc... Nhiều câu thơ khai thác hình ảnh siêu thực: trong cuống họng của ánh sáng; đêm hoang mang hơn những huyền thoại đen như máu ứ; bóng đêm gợn lên thuỷ triều đen; tiếng hôn nhảy múa lăn tròn trên ngực em; trên đầu lưỡi ban mai quyện dính những sợi tơ mướt, câu thơ mỏng như cánh ve non trần truồng hơi thở... Câu chữ thơ anh đứt gãy, bị xô lệch trong những trận ngôn từ chắt lọc, vượt khỏi tầm kiểm soát của người đọc. Không chỉ thế, tránh sự đơn điệu khi nói về cái chết, Nguyễn Lãm Thắng còn sử dụng rất nhiều từ cùng trường: cõi tĩnh (những tín hiệu rú lên trong cõi tĩnh), mộ địa (những con đường mộ địa), huyệt mộ (nỗi buồn cứ kéo dài ra khi huyền thoại một loài dơi bay qua huyệt mộ), âm hồn (phố/ như bàn tay âm hồn điên loạn), cô hồn (chiều muộn cô hồn/ bầy chim sẻ hoảng hốt giữa chiêm bao), linh hồn (tôi vác linh hồn xuống dốc), rỉ máu (chập choạng vầng trăng rỉ máu dậy thì), ma (mặt người lẩn vào cơn hen suyễn ma trơi; cái chết vực dậy bóng ma trong suy nghĩ loài người)… Một số dẫn chứng trên đã chứng minh sự tinh tế và tài hoa của một hồn thơ đất Quảng. Dẫu rằng sự sống thơ anh được nuôi dưỡng từ cái chết, là một cõi về cho tôi mầm sống có phần bi thương nhưng là cái bi thương thăng hoa cốt cách, nhân phẩm của người nghệ sĩ. Hơn nữa, quyền năng đặc biệt của nhà thơ, là tạo ra một vật không thể nào có kiểu mẫu (André Frénaud). Trước cám cảnh thế sự, chọn cho mình một lộ trình như thế, Nguyễn Lãm Thắng đã khẳng định phong cách riêng cho mình. Đối với anh, khoảng cách sống và chết, yêu và ghét luôn rạch ròi: câu thơ cõng lời ru trong bể lửa hun từ nước mắt/ lặng lẽ đi/ bia mộ nào khắc ghi được tiếng thở/ bởi hơi thở cuối cùng là di ngôn rạch ròi yêu và ghét (“Câu thơ bung gai giữa ngày không nắng”). Như vậy, cái chết là kiểu mẫu thiết kế riêng cho thơ Nguyễn Lãm Thắng – một thi sĩ hết mình vì nghệ thuật và cuộc sống. Đồng Hới, ngày 7-6-2011
_________________________ [1]Nguyễn Lãm Thắng, Điệp ngữ tình, NXB Hội nhà văn, 2006. [2]Trần Mai Châu, Thơ-nhận định & thưởng thức, NXB Văn hóa, Sài Gòn, 2008, tr. 86. [3]Thạch Chương, Trình bày và phê bình hai quan niệm nổi loạn của Albert Camus, Tạp chí Sáng tạo, tháng 9-1960, tr. 74.
----------------
Bấm vào đây để đọc những bài viết của Hoàng Thuỵ Anh đã đăng trên Tiền Vệ
|