thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Đảo Ellis: Mô tả một dự án

 

Bản dịch Hoàng Ngọc Biên

 

GEORGES PEREC

(1936-1982)

 

ĐẢO ELLIS: MÔ TẢ MỘT DỰ ÁN

 

Tượng nữ thần Tự Do, mà hắn từng quan sát từ lâu, hiện ra trước mặt hắn trong một luồng sáng vỡ oà. Ta có thể bảo rằng cánh tay giương cao thanh kiếm đã đưa lên đúng chính khoảnh khắc ấy, và luồng khí tự do thổi chung quanh tấm thân to lớn.
Franz Kafka, Châu Mỹ.

 

Có lẽ rất chính xác, di dân có nghĩa là như vậy đó: nhìn ra một thanh kiếm ở chỗ mà nhà điêu khắc tin, rất thực lòng, là mình đã đặt một cây đuốc. Và thực sự là không nhầm. Bởi lẽ ngay cái lúc người ta khắc lên bệ tượng nữ thần Tự Do những dòng thơ nổi tiếng của Emma Lazarus

Hãy đem cho ta những kẻ mệt mỏi, những dân nghèo,
Những đám người lúc nhúc khao khát hơi thở trong lành,
Những kẻ bị vứt bỏ khốn khổ trên chỗ đất quá đông dân của mi,
Gửi họ đến cho ta, những kẻ không nhà lắc lư trong cơn bão,
Ta giương cao ngọn đèn của ta ngay cánh cửa vàng... [*]

thì nguyên một loạt những luật lệ được đặt ra nhằm kiểm soát và một ít lâu sau đó là cản dòng người di dân bất tận đến từ miền nam nước Ý, từ trung Âu và từ nước Nga. Cho đến khoảng năm 1875, người ngoại quốc thực tế có thể tự do vào lãnh thổ Hoa Kỳ, nhưng việc nhập cư dần dà phải chịu những biện pháp hạn chế, ban đầu được soạn thảo và áp dụng ở cấp địa phương (chính quyền thành phố và hải cảng), tiếp theo là tập hợp trong một Bộ Nhập Cư thuộc chính phủ liên bang. Mở cửa năm 1892 trên một hòn đảo nhỏ xíu rộng vài mẫu tây nằm cách Đảo Liberty vài trăm mét, trung tâm tiếp nhận Đảo Ellis đánh dấu sự cáo chung của một kiểu di cư hầu như là hoang loạn và khởi xướng một kiểu di cư chính thức hoá, theo thể chế, và do đó, trở thành công nghiệp. Từ 1892 đến 1924, gần mười sáu triệu con người đi qua Đảo Ellis, theo tỉ lệ từ năm đến mười ngàn mỗi ngày. Phần lớn chỉ ở lại đây có vài tiếng đồng hồ; chỉ từ hai đến ba phần trăm trong số là bị đẩy lui. Tóm lại, Đảo Ellis không gi khác hơn một nhà máy chế tạo người Mỹ, một nhà máy biến những dân di cư thành dân nhập cư, một nhà máy kiểu Mỹ, nhanh chóng và hiệu quả như một lò heo ở Chicago: ở đầu này dây chuyền, người ta nhét một người Ái-nhĩ-lan, một người Do-thái ở Ukraine hay một người vùng đông nam nước Ý,[**] ở đầu kia — sau khi kiểm tra mắt, kiểm tra các bọc túi, chích ngừa, tẩy uế — một người Mỹ ló ra. Nhưng đồng thời, năm này qua năm khác, những điều kiện thu nhận trở nên ngày càng chặt chẽ. Dần dần, “cánh cửa vàng” khép lại trên cái nước Mỹ phi thường, nơi những con gà tây mái nướng chín tới rơi thẳng vào đĩa ăn của các bạn, nơi đường phố lát đá bằng vàng, đất là sở hữu của mọi người. Thật ra, kể từ 1914, việc di dân bắt đầu ngưng, trước tiên là do chiến tranh, sau đó là do một loạt những biện pháp phân biệt đối xử chiếu theo phẩm chất (Literacy Act) và số lượng (phần trăm) cụ thể là cấm những “kẻ bị vứt bỏ khốn khổ” và những “đám người lúc nhúc” vào Hoa Kỳ. Năm 1924, những thủ tục di dân được giao cho các lãnh sự quán Mỹ ở châu Âu và Đảo Ellis chỉ còn là một trung tâm giam giữ dành cho những di dân trong hoàn cảnh giấy tờ bất thường. Trong thời gian Thế Chiến thứ hai và ngay sau đó, Đảo Ellis, đi đến tận cùng đường hướng ẩn kín của mình, biến thành một nhà tù giam những thành phần bị tình nghi hoạt động chống Mỹ (những người Ý phát-xít, những người Đức theo quốc xã, những người cộng sản hay được coi là cộng sản). Năm 1954, Đảo Ellis vĩnh viễn đóng cửa. Ngày nay đảo là một di tích cấp quốc gia, cũng như núi Rushmore, Old Faithful và bức tượng của Bartholdi, dưới sự quản lý của các Cảnh Sát cơ động đội nón hướng đạo đón khách tham quan, mỗi năm sáu tháng, mỗi ngày bốn lần.

Việc tôi nói ở đây không phải là gợi ra những gì có thể coi như những giấc mộng và sự vỡ mộng của hàng triệu di dân cho rằng Đảo Ellis là chặng đầu tiên của một cuộc sống mà họ muốn phải là mới mẻ, cũng không phải là thuật lại những hoàn cảnh đã dẫn tôi đến việc cùng với Robert Bober làm một bộ phim về Đảo Ellis, mà chỉ là vạch rõ hơn cái có thể là sự mật thiết của chính tôi với chỗ đất này: đối với tôi hòn đảo còn chính là nơi lưu đày, nghĩa là nơi không có chốn, là nơi phân tán. Trong nghĩa đó, nó có liên hệ với tôi, quyến rũ tôi, làm tôi liên luỵ, tra vấn tôi, tựa như việc tìm kiếm lai lịch tôi cần phải có cái chỗ chứa đủ thứ tạp nham này là nơi những viên chức bị quấy nhiễu chính thức tiếp nhận hàng loạt những người Mỹ, tựa như nó đã được ghi đâu dó trong một chuyện đời có thể là chuyện đời của tôi, tựa như nó là một phần của một tiểu sử tự thuật có thể có thật, của một hồi ký nhiều tiềm năng. Cái người ta tìm thấy ở đấy chẳng có gì dính dáng đến những gốc rễ hay dấu vết, mà là cái ngược lại: một cái gì không hình thù, vừa đến ranh giới của cái nói ra được, mà tôi có thể gọi tên là hàng rào, hay chỗ tách đôi, hay đường nứt, và là cái đối với tôi có liên hệ rất mật thiết và rất lờ mờ đến cả cái việc tôi là Do-thái.

Tôi không biết chính xác người Do-thái là thế nào, tôi là người Do-thái thì làm sao. Đây là một sự hiển nhiên, nếu ta cho là thế, nhưng là một sự hiển nhiên tầm thường, một nhãn hiệu, nhưng là một nhãn hiệu không buộc tôi với một cái gì rõ ràng, một cái gì cụ thể: đây không phải là một dấu hiệu cội nguồn, không liên hệ gì đến một tín ngưỡng, một tôn giáo, một sự hành đạo, một văn hoá, một truyền thống dân gian, một lịch sử, một số phận, một ngôn ngữ. Đúng hơn đây là một sự khiếm diện, một câu hỏi, một sự tra vấn, một sự phân vân, một sự âu lo: một sự tin chắc băn khoăn mà đàng sau nó còn hiện ra một sự tin chắc khác, trừu tượng, nặng trĩu, không sao chịu nổi: đó là sự tin chắc mình đã được chỉ định như một người Do-thái, và bởi là Do-thái nạn nhân, nên tin chắc là cuộc đời chỉ nhờ vào may rủi và lưu đày. Ông bà tôi hay cha mẹ tôi lẽ ra có thể di cư qua Argentine, qua Hoa Kỳ, qua Palestine, qua Úc; tôi lẽ ra có thể ra đời, như những người anh em họ gần hay xa của mình, ở Haïfa, ở Baltimore, ở Vancouver, nhưng trong cái chuỗi dài gần như vô hạn những điều khả hữu ấy, có một việc duy nhất rõ ràng tôi không được phép, ấy là sinh ra trong xứ sở của tổ tiên mình, trên đất Ba-lan, ở Lubartow, ở Pulawy hay ở Varsovie, và lớn lên ở đó với công việc tiếp nối một truyền thống, một ngôn ngữ, một mối liên hệ.

Tôi sinh ở Pháp, tôi là người Pháp, tôi mang một cái tên Pháp, Georges, một tên họ Pháp, gần như thế: Perec. Sự khác biệt nhỏ thôi: không có dấu sắc trên chữ e đầu tiên của tên họ, bởi lẽ chữ Perec là cách người Ba-lan viết chữ Peretz. Nếu tôi sinh ở Ba-lan, tôi có thể sẽ được đặt tên, thí dụ thế, là Mordechai Perec, và có thể mọi người đều biết tôi là dân Do-thái. Nhưng tôi đã không sinh ra ở Ba-lan, may thay cho tôi, và tôi có một cái tên họ nghe gần như thuộc vùng Bretagne, mà mọi người viết đúng chính tả là Pérec hay Perec: tên họ tôi người ta không viết như người ta đọc.

Bám theo mâu thuẫn không đáng kể này còn có một cảm giác nhỏ, nhưng dai dẳng, ngấm ngầm, không tránh né được, cảm giác xa lạ ở đâu đó đối với một cái gì thuộc về mình, cảm giác là “người khác”, nhưng lại không khác lắm so với những “người khác” mà là so với “người mình”: tôi không nói thứ ngôn ngữ mà bố mẹ tôi nói, tôi không chia sẻ một kỷ niệm nào mà các vị có thể có. Một cái gì thuộc về bố mẹ, nó làm cho bố mẹ tôi là bố mẹ tôi, lịch sử của họ, văn hoá của họ, lòng tin của họ, hi vọng của họ, đã không được truyền lại cho tôi.

Cái ý thức về sự mất quyền sở hữu đó không được đi cùng với một nỗi nhớ nhung luyến tiếc nào, một sự ưa thích đặc biệt nào đối với cái gần gũi tôi hơn vì tôi là Do-thái. Từ nhiều năm nay, tôi viết từ những kỷ niệm do cô tôi truyền lại, câu chuyện gia đình tôi, tìm cách thuật lại cuộc phiêu lưu của ai nấy trong gia đình ra làm sao, cuộc đời lang thang của họ, chuyến đi dài chưa chắc đã có xảy ra từng đưa họ đi cùng khắp mà vẫn không đến được chỗ nào, cuộc đời liên tục vỡ nát mỗi người một nẻo mà những người sống sót không còn có cái gì chung ngoài mỗi chuyện là ai cũng như ai, ở đâu đó, đều không có lịch sử. Nhưng tôi không có ý muốn đi kiểm chứng xem cái ngôi nhà lớn hình vuông mà ông tôi cho xây ở Lubartow vẫn còn hay không. Vả lại nó chẳng còn nữa: ở Lubartow giờ không còn dân Do-thái, cũng như ở Radom là nơi Robert Bober đã hoài công đi tìm lại những kỷ niệm của bố mình.

Cái tôi đi tìm ở Đảo Ellis, đó đích thị là hình ảnh của cái điểm không có đường trở lại ấy, là nhận thức về sự cắt đứt cội nguồn ấy. Cái tôi muốn tra vấn, đặt thành câu hỏi, đem thử thách, đó là cái gốc rễ của chính tôi trên cái nơi không có chỗ ấy, là cái không có mặt, cái điểm nứt làm cơ sở cho mọi cuộc tìm kiếm dấu vết, tìm kiếm lời nói, tìm kiếm Người Khác.

Vào thời buổi có hàng chục ngàn người Việt Nam và Cam Bốt trôi giạt trên những con thuyền mục nát đi tìm những chỗ nương náu ngày càng thù nghịch, mà trở lại động lòng về những câu chuyện đã trở thành xa xưa nói trên thì có thể dường như nếu không hoàn toàn phù phiếm, ít ra cũng đặc biệt thoả lòng. Nhưng khi đến gần hòn đảo bỏ hoang này, khi tôi tìm cách đối thoại với một vài người trong số những người — Do-thái và Ý — ngày xưa từng đi qua Đảo Ellis, dường như có lúc tôi đã đi đến chỗ làm vang lên một vài từ đối với tôi là gắn liền không gì ngăn cản được với chính từ Do-thái: chuyến đi, chờ đợi, hi vọng, bấp bênh, khác biệt, ký ức, và hai ý niệm uỷ mị, không định được vị trí, thất thường và khó nhìn ra, ý niệm này và ý niệm kia không ngừng chiếu lên nhau những luồng sáng chập chờn của mình, và có tên gọi là Đất quê hương và Đất hứa.

 

_________________________

[*]Dịch theo bản tiếng Pháp của Georges Perec. Nguyên văn bản tiếng Anh của Emma Lazarus khắc trên bệ tượng tất nhiên có khác, và là điều dễ hiểu: Perec không bao giờ “để yên” một cái gì — nhất là một câu văn:

           Give me your tired, your poor,
           Your huddled masses yearning to breathe free,
           The wretched refuse of your teeming shore,
           Send these, the tempest-tossed, to me:
           I lift my lamp beside the golden door.

[**]Pouille, hay Pouilles — xưa có tên là Apulia.

 

-----------
Dịch từ nguyên tác tiếng Pháp “Ellis Island: description d'un projet”, trong Georges Perec, Je suis né (Paris: Éditions du Seuil, coll. “La Librairie du XXè siècle”, 1990).

 

Ðã đăng:

Khởi đầu, mọi thứ có vẻ đơn giản: tôi muốn viết, và tôi đã viết. Cứ mải miết viết, tôi trở thành nhà văn, trước tiên, lâu ngày là chỉ cho mình tôi thôi, rồi ngày hôm nay là cho cả những người khác. Trên nguyên tắc, tôi không cần phải tự biện minh (cả trước mắt tôi, cũng như trước mắt những người khác): tôi là nhà văn, đó là một sự kiện đã được nhìn nhận, một sự hiển nhiên, một định nghĩa... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên] (...)
 
Klébert Chrome  (tiểu luận / nhận định) 
Những trái táo là gi? Tại sao những trái táo? Cây táo có quyền gì? Chúng ta biết rõ, là rất nhiều lúc, cây táo tin chắc về quyền chính đáng của mình, và thật là vô ích, nếu không bảo là nguy hiểm, nếu ta tự đặt ra những câu hỏi về tính hợp thức, tính xác đáng của sự hiện hữu của nó và của chức năng của nó... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên] (...)
 
Tăng lương  (kịch bản) 
Kịch bản truyền thanh với ngôn ngữ hí lộng kỳ đặc của Georges Perec (1936-1982) — một trong những ngòi bút giàu sáng tạo nhất của văn chương Pháp thế kỷ 20. [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên]
 
Nhảy dù  (truyện / tuỳ bút) 
Cuối một buổi họp của nhóm tạp chí Arguments tại Paris, 10 tháng Giêng 1959, Georges Perec xin Jean Duvignaud cho được phát biểu. Thay vì một lời phát biểu bình thường trong một buổi họp, Perec đã kể một câu chuyện. "Truyện ngắn" này chính là bản chép lại cuốn băng ghi âm lời phát biểu của ông. [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên] (...)
 
Những nơi chốn trốn chơi  (truyện / tuỳ bút) 
Chợ tem trong những khu vườn ở Champs-Élysées chỉ mở cửa vào ngày thứ Năm và Chủ nhật. Nó biết thế, nhưng nó tự nhủ có lẽ mình sẽ gặp một người nào đó, một ông già vô công rồi nghề nhìn vào tập tem của mình, dừng lại ở con tem Blériot màu nâu xám... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên] (...)
 
Tôi ra đời*  (truyện / tuỳ bút) 
Tôi ra đời ngày 7.3.36. Bao nhiêu chục, bao nhiêu trăm lần tôi đã viết cái câu ấy? Tôi chẳng biết. Tôi biết rằng tôi đã bắt đầu khá sớm, rất sớm trước khi cái dự kiến viết một tiểu sử tự thuật thành hình... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên] (...)
 
Một bài thơ  (thơ) 
Có phải ta đã thử ôm cổ tay em / bằng những ngón tay ta? / Hôm nay mưa rạch nhựa đường / Trong đầu ta không có một quang cảnh nào khác / Ta không thể nghĩ đến / quang cảnh em, những nơi chốn em đi qua trong bóng tối... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên]
 
Chuyến đi mùa đông  (truyện / tuỳ bút) 
... Ông đã đọc đúng: điều này có nghĩa là Vernier đã “trích dẫn” một câu thơ của Mallarmé hai năm trước khi có câu thơ ấy, đã đạo văn của Verlaine mười năm trước khi có bài “Những khúc ariettes bị quên lãng” của nhà thơ này, đã viết theo kiểu Gustave Kahn gần một phần tư thế kỷ trước ông ta!... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên] (...)
 
Trước hết có những điều rất dễ làm, những điều tôi có thể làm ngay từ hôm nay [...] Rồi đến những điều hơi quan trọng hơn một chút, những điều cần đến những quyết định, những điều mà tôi tự nhủ, nếu tôi làm chúng, có lẽ cuộc sống của tôi trở nên dễ dàng hơn... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Tiếp cận cái gì?  (tiểu luận / nhận định) 
Hãy tra vấn cái dường như quá hiển nhiên đến độ chúng ta không còn nhớ nguồn gốc của nó nữa. Hãy tái phát hiện sự kinh ngạc... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Cách ngôn  (tiểu luận / nhận định) 
Nhà văn Marcel Benabou thuộc nhóm OuLiPo đã nghĩ ra một cái máy chế tạo cách ngôn... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021