thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Lời khuyên tốt còn hiếm hơn hồng ngọc
(Hoàng Ngọc-Tuấn dịch)

 

Vào ngày Thứ Ba cuối cùng trong tháng, chuyến xe buýt rạng đông, với cặp đèn pha còn chiếu sáng, chở cô Rehana đến trước cổng Lãnh Sự Quán Anh Quốc. Nó đỗ lại làm bốc lên một đám mây bụi bặm, che mờ vẻ đẹp của cô trước những cặp mắt của đám người xa lạ cho đến khi cô đã bước hẳn xuống mặt đường. Chiếc xe buýt được phủ lớp sơn rực rỡ với những hình uốn lượn nhiều màu, và trước đầu xe có câu "ÐẾN ÐÂY, EM YÊU" với những mẫu tự màu xanh lục và kim nhũ; sau đuôi xe có thêm bảng hiệu "TATA-BATA" và cả mấy chữ "Ô-KÊ SỐNG VUI". Cô Rehana nói với tài xế rằng chiếc xe buýt thật đẹp, và gã liền nhảy xuống đất để giữ cánh cửa mở sẵn cho cô, cúi rạp người trước cô theo kiểu chào sân khấu khi cô bước ra khỏi xe.

Ðôi mắt cô Rehana to và đen và sáng đủ để khỏi cần sự trợ lực của chất antimôni, và khi nhà cố vấn thiện nghệ Muhammad Ali nhìn thấy đôi mắt ấy, ông cảm thấy mình trẻ hẳn lại. Ông chăm chú nhìn nàng bước đến trước hai cánh cổng Lãnh Sự Quán nơi ánh sáng chiếu mạnh hơn, và thấy nàng hỏi gã lala gác cổng – trong đồng phục khaki đính nút vàng óng với bộ râu quai nón và chiếc khăn quấn đầu có dải chớp mào – khi nào thì cổng mở. Gã lala, thường vẫn rất thô lỗ với những phụ nữ đến Lãnh Sự Quán vào Thứ Ba, trả lời cô Rehana với một chút tử tế nào đó.

"Nửa giờ nữa," gã nói cộc lốc. "Có lẽ hai giờ nữa không chừng. Ai biết? Các ngài sahib đang ăn sáng."

 

*

 

Khoảng sân dơ bẩn giữa trạm xe buýt và Lãnh Sự Quán đã chen chúc đầy những phụ nữ Thứ Ba, có người đeo mạng, có người để mặt trần như cô Rehana. Ai nấy đều lộ vẻ sợ sệt, và đeo cứng vào cánh tay của các chú bác hay anh em trai, những kẻ cố gắng làm ra vẻ tự tin. Nhưng cô Rehana lại đến một mình, và hình như không lo lắng chút nào.

Muhammad Ali, người chuyên làm cố vấn cho những phụ nữ cô thế nhất trong đám người thỉnh cầu mỗi tuần này, tìm thấy đôi chân ông đưa ông đến với cô gái xa lạ, có đôi mắt to và đi một mình ấy.

"Thưa cô", ông bắt đầu. "Cô đến đây để xin đi London, tôi nghĩ thế?"

Nàng đang đứng gần một xe bán thức ăn nóng trong khu nhà ổ chuột giáp với khoảng sân, vui vẻ nhai những miếng paroka trộn ớt. Nàng quay lại nhìn ông, và ở một khoảng cách gần, đôi mắt ấy đã làm xáo trộn đường tiêu hoá của ông.

"Vâng, đúng thế."

"Thế thì, chắc cô vui lòng cho phép tôi được trao cô vài lời khuyên? Tiền công nhẹ thôi."

Cô Rahana mỉm cười. "Lời khuyên tốt còn hiếm hơn hồng ngọc," nàng nói. "Nhưng khổ nỗi, tôi không có tiền trả. Tôi là một đứa mồ côi, chứ không phải là một trong những bà khách hàng giàu có của ông."

"Tin vào mớ tóc bạc của tôi," Muhammad Ali năn nỉ nàng. "Lời khuyên của tôi chín chắn qua kinh nghiệm. Chắc chắn cô sẽ thấy nó tốt."

Nàng lắc đầu. "Tôi đã nói với ông tôi là một củ khoai nghèo nàn. Ở đây có những bà đi chung với thân nhân đàn ông, họ đều có lợi tức cao. Ông hãy đến với họ. Lời khuyên tốt nên kiếm được tiền thưởng hậu hĩ."

Mình sắp điên rồi, Muhammad Ali nghĩ, vì ông nghe chính ông tự nguyện nói với cô gái, "Thưa cô, tôi bị Số Phận dắt đến với cô. Làm gì khác bây giờ? Cuộc gặp gỡ của chúng ta là điều tiền định. Tôi cũng chỉ là một người đàn ông nghèo, nhưng riêng cho cô thì lời khuyên của tôi là miễn phí."

Nàng lại mỉm cười. "Vậy thì chắc chắn tôi phải lắng nghe. Khi Số Phận gửi một món quà, người ta nhận được vận may."

Ông dắt nàng đến cái bàn gỗ thấp ở góc riêng của ông trong khu nhà ổ chuột. Nàng bước theo, tiếp tục ăn những miếng paroka từ một gói giấy báo nhỏ. Nàng không chia cho ông miếng nào.

Muhammad Ali đặt một cái đệm nhỏ trên nền đất bẩn thỉu. "Xin vui lòng an toạ." Nàng ngồi xuống theo lời mời của ông. Ông ngồi xếp bằng phía bên kia cái bàn, ý thức rằng vài tá cặp mắt nam giới đang thèm thuồng nhìn ông, rằng những tên đàn ông khác trong khu nhà ổ chuột đang hau háu nhìn cô gái khả ái sắp bị cám dỗ bởi một thằng già bạc đầu chuyên lừa đảo. Ông hít sâu một hơi để tự trấn tĩnh.

"Tên, xin cho biết."

"Rehana," nàng nói. "Hôn thê của Mustafa Dar ở Bradford, London."

"Bradford, Anh quốc," ông nhẹ nhàng sửa sai cho nàng. "London chỉ là một thành phố, cũng như Multan hay Bahawalpur. Nước Anh là một quốc gia lớn có đầy những con cá lạnh nhất thế giới."

"Thì ra thế. Cảm ơn ông," nàng đáp một cách nghiêm nghị, khiến ông không rõ phải chăng nàng đang đùa với ông.

"Cô đã điền đơn rồi chứ? Vậy thì vui lòng cho tôi xem."

Nàng trao cho ông một hồ sơ được xếp gọn ghẽ trong một phong bì màu nâu.

"Nó có Ô-Kê không?" Lần đầu tiên có một chút lo lắng trong giọng nói của nàng.

Ông gõ nhẹ vào cái bàn, gần sát chỗ nàng để bàn tay. "Tôi chắc vậy," ông nói. "Hãy đợi một chút để tôi soát lại."

Nàng ăn hết những miếng paroka trong lúc ông xem xét giấy tờ của nàng.

"Tuyệt," ông kéo dài giọng nói. "Mọi thứ đều rành mạch."

"Cảm ơn lời khuyên của ông," nàng nói, dợm người đứng dậy. "Bây giờ tôi đi đến cổng để đợi."

"Cô đang nghĩ cái gì vậy?" ông la to lên, vỗ vào trán mình."Cô tưởng đây là chuyện dễ sao? Chỉ nộp cái đơn và bằng chứng quan hệ, rồi mở miệng cười tươi rói, là họ cho giấy phép liền sao? Cô Rehana, tôi nói với cô, cô đang bước vào một chỗ còn tệ hại hơn bất cứ đồn công an nào."

"Thật vậy sao?" Tài hùng biện của ông đã đưa nàng vào bẫy. Nàng bây giờ là một thính giả bị hớp hồn, và ông có thể nhìn ngắm nàng lâu hơn một chút nữa.

Hít thêm một hơi thở tự trấn tĩnh nữa, ông phóng thẳng vào bài diễn văn đã soạn sẵn. Ông nói với nàng rằng quý ngài sahib nghĩ tất cả phụ nữ đến vào những ngày Thứ Ba, xưng là hôn thê của những tay tài xế xe buýt ở Luton hay những chuyên viên kế toán ở Manchester, rặc là lũ đàn bà lừa đảo và láo khoét và bất lương.

Nàng phản đối, "Nhưng rồi tôi sẽ bảo họ một cách đơn giản rằng tôi, kẻ duy nhất, không phải là loại đó!"

Sự ngây thơ của nàng làm ông ớn lạnh vì lo sợ cho nàng. Nàng là một con chim sẻ, ông bảo nàng, và bọn họ là những thằng đàn ông với những cặp mắt có vỏ, như mắt diều hâu. Ông giải thích rằng bọn họ sẽ đặt cho nàng những câu hỏi, những câu hỏi riêng tư, những câu hỏi mà anh em trai của chính nàng cũng chẳng dám hỏi vì quá xấu hổ. Bọn họ sẽ hỏi liệu nàng có còn trinh không, và, nếu không còn, thì những thói quen làm tình của hôn phu của nàng là thế nào, và những thứ tên riêng mà hai người sáng chế để gọi nhau là gì.

Muhammad Ali nói một cách tàn nhẫn, cố ý như vậy, để giảm thiểu cú sốc mà nàng sẽ chịu đựng khi điều đó, hay điều gì đó tương tự, thực sự xảy ra. Đôi mắt nàng vẫn chăm chú, nhưng đôi tay nàng bắt đầu nhúc nhích ở những cạnh bàn.

Ông tiếp tục:

"Họ sẽ hỏi cô trong nhà của hai người có mấy phòng, và những bức tường màu gì, và cô đổ rác vào những ngày nào. Họ sẽ hỏi tên lót của đứa con gái ghẻ của bà cô của người anh họ thứ ba của mẹ của hôn phu của cô là gì. Và tất cả những thứ đó họ đã hỏi anh Mustafa Dar của cô ở vùng Bradford của anh ấy. Và nếu cô vấp phải một lỗi, là cô hết chuyện."

"Vâng," nàng nói, và ông có thể nghe nàng đang cố giữ giọng nói bình tĩnh. "Và lời khuyên của ông là gì, thưa ông già?"

 

Chính ngay ở điểm này Muhammad Ali vẫn thường bắt đầu thầm thì với giọng khẩn cấp, rằng ông biết một người, thuộc loại rất tử tế, làm việc trong Lãnh Sự Quán, và qua người đó, với một phí tổn dịch vụ, thì những giấy tờ cần thiết đều được thông qua, với tất cả những con dấu trung thực đúng mức. Dịch vụ này tốt đẹp, vì các bà thường trả cho ông ấy năm trăm rupee hoặc tặng ông ấy một cái xuyến vàng để trả công khó, rồi ra đi vui vẻ.

Bọn đàn bà ấy đến từ những vùng cách xa nhiều trăm dặm - ông vẫn thường nắm chắc điều này trước khi bắt đầu đưa họ vào bẫy - cho nên ngay cả khi họ khám phá ra họ đã bị lừa họ cũng chẳng dễ gì trở lại nữa. Họ về tận Sargodha hay Lalukhet và bắt đầu sắp xếp hành lý, và chẳng ai biết lúc nào thì họ mới khám phá họ đã bị gạt, nhưng, dẫu sao, lúc đó thì đã quá trễ rồi.

Cuộc sống vốn khó khăn, và một người có tuổi phải sống bằng trí khôn của mình. Chẳng có lý do gì mà Muhammad Ali phải rủ lòng từ bi cho đám đàn bà Thứ Ba này cả.

 

Nhưng một lần nữa giọng nói của ông lại phản bội ông, và thay vì bắt đầu bài diễn văn quen thuộc, nó lại bắt đầu tiết lộ cho nàng cái bí mật vĩ đại nhất của nó.

"Thưa cô Rehana," tiếng nói ông cất lên, và ông lắng nghe nó trong kinh ngạc, "cô là một người hiếm hoi, một viên bảo ngọc, và tôi sẽ làm cho cô một việc mà có lẽ tôi sẽ không làm cho con gái của chính tôi. Một thứ giấy tờ đã lọt vào tay tôi, nó có khả năng giải quyết tất cả sự lo lắng của cô ngay lập tức."

"Và thứ giấy tờ phù thủy ấy là gì vậy?" nàng hỏi, đôi mắt bây giờ rõ ràng là đang cười vào ông.

Tiếng nói ông hạ xuống thật trầm.

"Thưa cô Rehana, đó là một cái hộ chiếu của Anh quốc. Hoàn toàn là hàng thứ thiệt, thứ pukka. Tôi có một người bạn tốt, người đó sẽ điền tên cô và dán ảnh vào, thế rồi, hey-presto, cô vèo sang Anh quốc!"

Ông đã nói hết trơn như thế!

Trong cái ngày điên khùng này của ông, chuyện gì cũng có thể xảy ra. Ông có thể cho nàng cái hộ chiếu ấy hoàn toàn miễn phí, rồi sẽ tự nguyền rủa mình suốt một năm sau đó.

Thằng già ngu xuẩn, ông tự quở mình. Những thằng ngu già đầu nhất lại bị lũ con gái trẻ nhất hớp hồn.

 

*

 

"Tôi muốn hiểu ông nói gì," nàng thốt lên. "Phải ông đang đề nghị tôi nên dính vào một tội phạm..."

"Không phải là tội phạm," ông ngắt lời. "Là phương tiện."

"... và đi đến Bradford, London, một cách phi pháp, và do đó chứng thực cái cảm nghĩ thấp hèn của quý sahib Lãnh Sự về tất cả chúng ta là đúng.Ông lão babuji ơi, đây không phải là lời khuyên tốt."

"Bradford, Anh quốc," ông chỉnh nàng với giọng than van. "Cô đừng nhận quà tặng của tôi trong một tinh thần như vậy."

"Thì sao?"

"Bibi ơi, tôi là một người nghèo, tôi tặng cô món quà này vì cô tuyệt đẹp. Đừng nhổ nước bọt vào sự rộng lượng của tôi. Hãy nhận đi. Còn nếu không nhận, thì về nhà đi, quên phức cái nước Anh, chứ đừng vào trong toà nhà đó và để mất danh dự của mình."

Nhưng nàng quay lưng lại, bước về phía cổng, nơi đám phụ nữ đã bắt đầu chen lấn nhau và gã lala đang chửi bới họ, bảo họ phải kiên nhẫn nếu không thì không một ai được cho vào cả.

"Thì cứ ngu đi," Muhammad Ali gào theo nàng. "Cô có ngu thì nhằm nhò gì tới cha tôi?" (Ý nói, chẳng hề hấn gì đến ông.)

Nàng không quay lại.

"Đây là lời nguyền độc hại của nhân dân chúng ta," ông gào lên. "Chúng ta nghèo, chúng ta ngu dốt, và chúng ta hoàn toàn không chịu học hỏi."

"Ê, Muhammad Ali," người đàn bà đứng ở quầy bán cau gọi với qua phía ông. "Tệ quá, cô ấy thích bọn trẻ tuổi."

 

Hôm đó Muhammad Ali không làm gì cả mà chỉ đứng loang quanh gần cổng Lãnh Sự Quán. Nhiều lần ông tự nhiếc móc mình, Đi chỗ khác đi, thằng già ngu ngốc, tiểu thư không muốn nói chuyện với mày nữa đâu. Nhưng khi nàng trở ra, nàng thấy ông vẫn đứng đợi.

"Salaam, ông cố vấn wallah," nàng chào ông.

Nàng có vẻ điềm tĩnh, và vui vẻ với ông trở lại, và ông nghĩ, Thượng Đế tôi ơi, ya Alah, nàng đã xong việc rồi. Quý sahib người Anh cũng đã chết đuối trong mắt nàng và nàng đã có giấy phép đi Anh.

Ông mỉm cười đầy hy vọng với nàng. Nàng mỉm cười lại, không hề lộ vẻ gì bất ổn.

"Thưa cô Rehana Begum," ông nói, "xin chúc mừng, con gái ơi, cho giờ phút thắng lợi rực rỡ của cô."

Đang lúc bốc đồng, nàng nắm lấy cánh tay của ông.

"Đến đây," nàng nói. "Tôi mua cho ông một cái pakora để tạ ơn ông về lời khuyên của ông và cũng để xin lỗi về sự cộc cằn của tôi."

 

Họ đứng trong bầu không khí bụi bặm của khoảng sân buổi chiều gần chiếc xe buýt sắp rời trạm. Bọn phụ xe đang cột những cuộn trải giường trên nóc xe. Một người bán hàng rong rao lớn giọng vào đám hành khách, cố gắng bán cho họ những cuốn truyện tình và món thuốc xanh, cả hai đều chữa được bệnh phiền muộn. Cô Rehana và một ông Muhammad Ali vui vẻ vừa ăn những miếng pakora vừa ngồi trên cái 'gạt bùn' ở trước mũi xe buýt, tức là cái thanh hãm xung. Ông chuyên gia cố vấn đứng tuổi bắt đầu âm ư một giai điệu từ một cuốn phim. Sức nóng ban ngày đã tan đi.

"Đó là một cuộc đính hôn do gia đình sắp đặt," cô Rehana nói luôn một hơi. "Khi tôi lên chín tuổi, cha mẹ tôi đã dàn xếp chuyện ấy. Lúc ấy Mustafa Dar đã ba mươi tuổi, nhưng cha tôi muốn có người chăm sóc cho tôi cũng như chính ông đã chăm sóc và Mustafa là một người được daddyji xem là đứng đắn. Rồi cha mẹ tôi chết đi và Mustafa Dar sang Anh quốc, nói sẽ đem tôi sang. Chuyện đó cách đây đã nhiều năm. Tôi có hình của ông ấy, nhưng ông ấy giống như là người lạ đối với tôi. Ngay cả giọng nói của ông ấy, tôi cũng không nhận ra qua điện thoại."

 

Lời trần tình đã làm Muhammad Ali ngạc nhiên, nhưng ông gật gù, hy vọng để lộ vẻ khôn ngoan.

"Rốt cuộc thì cũng thế," ông nói, "cha mẹ bao giờ cũng làm điều tốt đẹp cho con cái. Họ kiếm được cho cô một người lương thiện và thành thật, biết giữ lời hứa và bảo lãnh cô đi qua đó. Và bây giờ cô còn cả một đời để hiểu người ấy, và để yêu."

Rồi lập tức ông lại thấy khó hiểu, bởi vẻ chua chát nào đó đã xen vào nụ cười của nàng.

"Nhưng, ông già ơi," nàng hỏi ông, "tại sao ông lại sẵn sàng gói tôi lại và gửi tôi sang nước Anh?"

Ông đứng dậy, sững sờ.

"Cô có vẻ vui - nên tôi mới tưởng... xin lỗi, nhưng họ đã từ chối cô hay sao vậy?"

"Tôi đã trả lời sai tất cả những câu hỏi của họ," nàng đáp. "Dấu vết đặc biệt tôi đặt nhầm từ má này sang má kia, trang trí phòng tắm tôi tái thiết hoàn toàn, tất cả tuyệt đối lộn ngược, ông thấy đó."

"Nhưng làm gì bây giờ? Làm sao cô đi được?"

"Bây giờ tôi sẽ trở về với Lahore và công việc của tôi. Tôi làm việc trong một ngôi nhà đàng hoàng, làm ayah cho ba đứa bé trai ngoan ngoãn. Chúng nó sẽ rất buồn nếu tôi ra đi."

 

"Nhưng thật là bi thảm!" Muhammad Ali than thở. "Ôi, tôi cầu cho cô nhận món quà của tôi biết chừng nào! Bây giờ thì chẳng làm gì được nữa, tôi thật hối tiếc phải nói như vậy. Bây giờ họ đã kẹp đơn xin của cô vào hồ sơ, họ có thể tái kiểm tra, ngay cả cái hộ chiếu cũng thành vô dụng. Hỏng hết, hỏng hết rồi, và giá như lời khuyên của tôi được nhận đúng lúc thì đã dễ dàng biết mấy."

"Tôi không nghĩ," cô bảo ông, "tôi thật sự không nghĩ ông nên buồn phiền."

Nụ cười cuối cùng của nàng, mà ông đăm đăm dõi ngắm từ khoảng sân cho đến lúc chiếc xe buýt khuất trong đám mây bụi, là điều vui sướng nhất ông từng nhìn thấy trong cuộc đời dằng đặc, nóng bức, khó khăn, và không tình yêu, của ông.

 

Nguyên tác: "Good advice is rarer than rubies", trong tập truyện East, West (London: Vintage, 1994).

______________________________________________

Chú thích của người dịch:

Truyện này viết bằng Anh ngữ, nhưng Salman Rushdie giữ nguyên một số chữ thông dụng ở Pakistan. Tôi đã nhờ một người bạn Pakistan giải thích ý nghĩa những chữ ấy, và xin được trình bày ở đây cùng độc giả.

lala: anh trai

sahib: chữ dùng để gọi người đàn ông với sự tôn trọng

pakora: một món bánh bột chiên với rau thơm

pukka: chắc chắn

babuji: học giả

bibi: con gái

salaam: lời chào hỏi, có nghĩa "cầu Thượng Đế ban phước lành"

wallah: chuyên nghiệp

daddji: cha (tiếng Anh, đọc theo giọng Pakistan)

ayah: người giữ trẻ


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021