thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
CUỐN SÁCH CỦA SAM

 

Bản dịch Hoàng Ngọc Biên
có thêm phần phụ chú

 

Ray và Sam tại tiệm café La Closerie des Lilas, Paris

 

Nhập đề – [San Diego, le 16 juillet 2005]

 

Ngày 13 tháng 4 năm 2006 sẽ đánh dấu ngày sinh của Samuel Beckett. Khắp nơi trên thế giới người ta đã chuẩn bị những tọa đàm, những cuộc họp mặt, những bài diễn văn, những hội nghị, những liên hoan, những buổi diễn kịch để vinh danh Samuel Beckett. Những bài báo, những luận án kinh điển, những bài tiểu luận đang đuợc viết.

Toàn bộ sự chuẩn bị ấy đã gợi hứng cho tôi làm lễ kỷ niệm, cho chính tôi, và do chính tôi, bằng một thứ nghệ thuật tự thoại, năm mươi năm tôi đã sống với tác phẩm của Beckett, và sống với Sam, như tôi vẫn gọi ông.

Vậy nên tôi bắt đầu viết một cuốn sách kể lại năm mươi năm thân thiết bạn bè với tác phẩm của Beckett và với Sam. Một cuốn sách góp nhặt những mảng viết rời trong những thể loại khác nhau: kể chuyện, thơ, những mẩu thư từ, những suy tư, đối thoại, những giai thoại, dẫn chứng, và những thể loại khác còn chưa ai biết tới, làm thành ở đây cái mà tôi gọi là Cuốn sách của Sam.[1] Tóm lại, một cuốn sách làm bằng những mảnh viết vụn. Một cuốn sách hẳn là không thể xuất bản được bởi lẽ nó được viết ra, tôi thà phải nói thôi, nó được nói, khi thì bằng tiếng Pháp khi thì bằng tiếng Anh, như chuyện phải bắt buộc như thế trong trường hợp Beckett.

Nhưng trước tiên là một cuốn sách viết về sự quan trọng của tác phẩm Beckett đối với công việc nhà văn của tôi, mà cũng là về cái may mắn được đích thân quen biết Samuel Beckett. Cái tôi viết không phải là một tiểu sử. Tiểu sử đã được người ta viết lui viết tới, à tort ou à raison,[2] như tác giả đã viết ở đoạn đầu truyện Premier amour. Tất cả những gì cần biết về cuộc đời của Beckett đã được nói lui nói tới. Thường hơn cả là Mal vu... Mal dit,[3] như Sam đã cảnh báo với chúng ta với tên một trong những cuốn sách của ông. Vậy thì tôi tránh nói lui nói tới những điều người ta đã biết.

Tôi cũng có thể đặt tên cuốn sách này là Sam và tôi, bởi lẽ ở đây thực ra là tôi đang tự kể lại câu chuyện những quan hệ của tôi với Beckett và tác phẩm của ông. Nhưng như vậy thì tự phụ quá. Sam ở trên chúng ta nhiều quá.

Tôi kể chuyện này dưới hình thức một loại truyện kể, một loại cắt dán đúng ra là từ những mẩu viết mà tôi đã tích lũy từ lần đầu tiên gặp, không phải gặp Sam, mà là gặp Godot, năm 1956. Cách nay đã năm mươi năm.

Nói tóm, là một cuốn hồi ký. Hay đúng hơn, một cuốn sách ký ức rời, bởi lẽ làm thành cuốn sách này đây chính là những mảnh viết rời.

Cái tôi muốn nói với các bạn chính là cuốn sách này. Và như thế để cho các bạn một ý niệm về những quan hệ của tôi với Beckett và tác phẩm của ông.

Nhưng để bắt đầu và định chỗ những gì tôi đang viết ra đây, xin có vài chữ của Beckett. Hai trích dẫn làm tựa cho cuốn Livre de Sam. Một bàn đạp những chữ để giúp tôi lao tới. Tôi nghĩ hai đoạn văn này sẽ giúp hiểu được như thế nào Beckett đã quyết định công việc[4] và đời sống của tôi kể từ năm 1956.

Trích dẫn thứ nhất: [người đang nói chính là Người không gọi được tên][5] Một vài khái quát để bắt đầu. Làm như thế nào, tôi sẽ làm như thế nào, tôi phải làm như thế nào, trong hoàn cảnh của tôi hiện nay, tiến hành như thế nào? Bằng sự nan giải thuần túy hay bằng những khẳng định hay phủ định bị bác bỏ dần dà, hoặc sớm muộn gì cũng bị bác bỏ. Theo một kiểu chung chung. Chắc là phải có những đường vòng khác. Nếu không thì chỉ có toàn là tuyệt vọng. Nhưng chính là chỉ toàn tuyệt vọng. Cần để ý, trước khi đi xa hơn, đi tới trước, là tôi nói nan giải mà không biết chữ ấy có nghĩa là gì.

Chính đi từ những nhận xét khái quát ấy mà tôi đã bắt đầu cuốn sách này, trong khi không biết nó sẽ dẫn tôi đến đâu và không biết tôi có sẽ đến được cái nơi tôi muốn đến không.

Trích dẫn thứ hai: [trích dẫn này của cuốn tiểu thuyết Watt] Thế nhưng cuộc tìm kiếm ý nghĩa kia là gì, trong sự dửng dưng đối với ý nghĩa? Và chính tìm kiếm có nghĩa là gì? Đấy chính là những câu hỏi tế nhị.

Không phải vì muốn giải thích ý nghĩa của tác phẩm Beckett mà tôi viết cuốn sách này, mà đúng ra là để tự giải thích cho tôi những gì Beckett muốn nói và còn muốn nói nữa với tôi.

 

Tiểu thuyết Watt, mà tôi từng đọc lần đầu tiên năm 1956, cách nay năm mươi năm, đã và hiện vẫn còn rất quan trọng đối với tôi. Beckett đã viết cuốn này giữa năm 1942 và 1945, khi ông sống ở Roussillon. Chắc hẳn một phần rất lớn của cuốn sách đã được ông viết vào ban đêm, bởi vì ban ngày ông làm việc trong một trang trại. Chính Vladimir đã nhắc chúng ta về chuyện này trong Godot:

Thế tuy nhiên chúng ta từng cùng sống bên nhau ở Vaucluse, tôi đưa tay lên ngọn lửa. Chúng ta từng hái nho, nầy nhé, cho nhà một ông tên là Bonnelly, ở Roussillon.

Còn tôi, từ 1942 đến 1945, từ phía bên kia nước Pháp, trong vùng Lot-et-Garonne, là thằng bé mười ba tuổi, lạc mất trong cái xáo trộn nhiễu nhương của chiến tranh, tôi cũng làm việc trong một trang trại. Nhưng hồi ấy tôi chưa biết là một ngày kia tôi cũng thế tôi sẽ viết tiểu thuyết, và tôi sẽ quen với nhà văn lớn thứ nhì của thế kỷ 20.

[Về chi tiết trang trại này trong vùng Lot-et-Garonne xin đọc Retour au fumier ] [6]

Nhà văn lớn nhất? Các bạn muốn biết? Tôi chắc chắn Beckett cũng sẽ trả lời như thế: Marcel Proust, đương nhiên.

Tôi đặc biệt gắn bó với cuốn tiểu thuyết Watt do nhiều nguyên do tự nó sẽ biểu hiện trong những trang sau đây, nhưng nhất là do câu cuối cùng trong tiểu thuyết này, câu cho thấy thiên tài của Beckett khi ông viết và khi ông tự phiên dịch mình.

Tôi không cách gì khỏi làm một chút tán rộng để minh họa cho những điều tôi vừa nói.

Watt kết thúc với câu này: No symbols where none intended. [7]

Xuất bản lần đầu tiên bằng tiếng Anh, bởi cuốn tiểu thuyết được viết bằng tiếng Anh, Watt ra đời năm 1953. Bản dịch của Beckett, hợp tác với Ludovic và Agnès Janvier, tới năm 1968 mới xuất hiện.

Nhiều lần trong suốt thời gian làm công trình về Beckett, tôi đã cố thử chuyển câu văn tuyệt diệu này qua tiếng Pháp. Nó vẫn cứ kháng cự tôi. Câu chuyển ngày càng trở nên nặng quá, khập khiễng quá: Il n’y a pas des symboles où l’intention n’y était pas. Hoặc là: Il y a des symboles seulement où l’intention y était.[8]

Làm sao dịch một câu có vẻ như nói ngược lại những gì nó phát biểu chỉ bằng ít chữ như thế. Một câu cùng một lúc nói tới hai chuyện.

Ngày tôi nhận được một bản cuốn Watt bằng tiếng Pháp do Beckett gửi cho, tôi nhào ngay vào trang cuối để xem ông làm ăn ra sao.

Đây là cái tôi đã ngỡ ngàng thán phục khi đọc: Honni soit qui symboles y voit. [7]

Trong năm chữ của câu tiếng Anh chúng ta nghe vang dội toàn bộ nền văn hóa và toàn bộ nền văn học ănglo-xăcxon kể từ Chaucer cho đến ngày nay. Chúng ta nghe âm thanh dội lại: No evil where none intended. [9]

Trong sáu chữ của câu tiếng Pháp chúng ta nghe toàn bộ nền văn hóa và toàn bộ nền văn học Pháp kể từ François Villon cho đến ngày nay: Honni soit qui mal y voit. [10]

Quả thật dịch từ tiếng Anh qua tiếng Pháp đòi hỏi nhiều chữ hơn. Vậy thì sáu chữ tiếng Pháp. Nhưng Beckett không dịch mình. Ông viết lại. Tự sáng tạo lại trong ngôn ngữ khác để ghi lại được nền văn hóa khác. Beckett không cần trung thành với những gì ông đã viết bằng một trong hai thứ tiếng trong chính ông, ngay cả khi ông biết không trung thành với ngôn ngữ của mình – của sinh quán hay của vay mượn, là một sự phản bội. Ông không có chọn lựa khác. Cần phải làm cho những người chỉ có một ngôn ngữ duy nhất nhìn thấy và nghe được sống và viết bằng hai ngôn ngữ là như thế nào.

Vì bản thân tôi là người hai ngôn ngữ và hai văn hóa trong đời sống và trong công việc, cũng chính cái khía cạnh hai ngôn ngữ của Beckett đã lôi cuốn tôi về phía ông và tác phẩm ông. Beckett đã cho tôi biết rằng tự viết lại bằng một ngôn ngữ mà ta có trong ta, có nghĩa là ta soi sáng cái trước đó ta đã viết bằng thứ ngôn ngữ kia. Hay làm cho nó tối mù hơn. Điều đó không quan trọng. Hai ngôn ngữ bồi bổ cho nhau, and complimente each other.[11] Chúng không tách rời nhau trong cái interplay [11] của chúng, tôi còn có thể nói là trong cái intercourse [11] của chúng.

 

..................................................................................................................

 

Và đây, chúng ta bước vào cuốn sách mà tôi đang viết. Một cuốn sách, như các bạn hẳn đã phải biết rồi, được viết từ những lối tán rộng, những đường vòng, những giai thoại, và như các bạn sẽ thấy, cả những khúc chuyển tiếp.

Một cuốn sách trong đó tôi kể lại như thế nào tôi đã khám phá tác phẩm của Beckett, như thế nào tôi đã gặp chính Beckett, như thế nào Beckett nay đã vắng bóng, vẫn luôn hiện diện đối với tôi, và tại nhà tôi.

 

Nhà tôi đầy dấu tích Beckett: sách ông, thư từ của ông, tranh và ảnh của ông khắp nơi. Những ngăn kéo đầy tư liệu liên hệ đến tác phẩm và cuộc đời của ông.

Vậy nên tôi kể với một thứ kể chuyện hơi rời rạc, tôi nhìn nhận thế, những cuộc gặp gỡ của chúng tôi, những lời trao đổi, những sách trao đổi, và tôi để những lời của Sam đi vào những cái tôi viết. Tôi cũng lồng vào chuyện kể này một số những bản văn mà tôi đã viết vội chẳng ăn nhập gì với sách vở và những bài viết kinh viện, tự cho là nghiêm chỉnh, mà tôi đã xuất bản về Beckett. Tôi cũng lồng vào những bài thơ đã được viết cho Beckett, hoặc lấy hứng từ Beckett.

Cuốn sách tiến hành bằng tiếng Pháp, và đây đó đôi khi là tiếng Anh, đúng như phải viết cho Beckett, sẽ có thể mang tên:

 

Những mảnh vụn

 

..................................................................................................................

 

The long lids of sky qua tiếng Pháp trở thành les longues housses du ciel,[12] cho thấy cả thiên tài của Beckett, nhưng cũng cho thấy như thế nào cái viết của ông lúc nào cũng chuyển động, lúc nào cũng đang tự biến chuyển khi đi từ một ngôn ngữ này qua một ngôn ngữ khác.

Vậy thì không có vấn đề phải giải thích tác phẩm Beckett muốn nói gì. Vả chăng, như tôi đã rất mau chóng khám phá khi tôi cúi đầu đọc những trang sách của ông: chúng tự giải thích. Chúng làm mọi thứ giải thích đều trở nên phù phiếm. Những cái viết của Beckett đều tự-giải thích.[13] Chúng nói điều cần nói chẳng cần che giấu bất cứ huyền bí hay tượng trưng nào. Chúng làm cho mọi phân tích đều trở nên thừa thải. Nhất là về mặt nhà trường, cho dù nó thuộc lĩnh vực triết học, tâm lý học, xã hội học, thần học, hay bất cứ gì người ta tìm cách áp đặt cho tác phẩm ông. Đó chính là cái Comment c’est / How it is [14] nơi Beckett, chấm hết.

Đây chính là cái mỉa mai của kỹ nghệ phê bình đã được hình thành chung quanh tác phẩm của ông. Hàng trăm sách vở và bài báo đã được viết để giải thích điều không cần phải có người giải thích. Chính tôi đây cũng từng đóng góp cho cái kỹ nghệ đó, cho đến ngày tôi nhận ra là ta không nên giải thích, mà đơn giản chỉ nên nhìn, lắng nghe, thưởng ngoạn cái viết của Beckett để thấy ra và nghe được những điều hiển nhiên.

Godot không có nghĩa God, như rất nhiều người từng nhấn mạnh. Godot không phải là Thượng đế thu nhỏ. Chữ Godot chỉ có nghĩa Godot. Tên của một người nào đó không hiện hữu. Godot chỉ là một lối chơi chữ không giải thích được.

Như tất cả các nhà văn lớn, Beckett là tác giả của một cuốn sách duy nhất trong đó ông viết những mẩu vụn bằng tiếng Anh cũng như tiếng Pháp, mượn những hình thức và ngôn ngữ thơ, tiểu luận, tiểu thuyết, sân khấu, và cả điện ảnh và truyền hình, làm cho người khác nghe được tiếng nói của chính mình bằng cách vận dụng tiếng nói của những nhân vật hư cấu do ông sáng tạo. Từ cuốn này qua cuốn khác, thật ra không có một sự gián đoạn nào, không có một sự thay đổi hướng nhắm và giọng điệu nào, mà lúc nào cũng bền bỉ nói bằng một ngôn ngữ ngày càng ít vướng víu bằng cách đem những từ thu lại thành những âm thanh cơ bản tương đương với những nốt nhạc.

 

Bình thường người ta giải thích – riêng với những người cần giải thích – người ta giải thích một tác phẩm hư cấu [tiểu thuyết, truyện ngắn, vở kịch] bằng cách luận bàn về các nhân vật. Có nghĩa, bằng cách xem xét thân phận con người như được thể hiện trong các nhân vật. Chính khi phân tích những nhân vật trong một tác phẩm văn học mà người ta đi đến ý nghĩa của tác phẩm ấy. Nói cho cùng, đó là điều người ta tưởng tượng ra. Nhưng luận bàn và phân tích những con người trong một cuốn tiểu thuyất hay một vở kịch như họ có thực, như họ sống trong thế giới chúng ta, ấy là làm công việc chuyên khảo tác phẩm như một tác phẩm xã hội học và tâm lý học. Việc này chẳng dính dáng gì đến khía cạnh thẩm mỹ của tác phẩm. Chẳng dính dáng gì đến phẩm chất nghệ thuật của nó.

Samuel Beckett trước tiên là một nghệ sĩ. Một nghệ sĩ lớn. Có lẽ là nghệ sĩ lớn cuối cùng của thế kỷ 20. Nhà phê bình Colin Wilson từng nhắc đến Samuel Beckett như Người cuối cùng của bộ lạc Mohican.

Cách đây vài năm tôi có làm môt buổi thuyết trình ở Kunsthalie, Vienne mang tên Bảo tàng tưởng tượng của Samuel Beckett. Đấy là nhân cuộc triển lãm Beckett-Neuman. Họa sĩ Neuman bảo rằng Beckett có một ảnh hưởng lớn đối với công việc của ông ấy, và trong triển lãm có một số tranh và thiết kế của Neuman cho thấy ông là người từng đọc kỹ và nhìn rõ sách của Beckett.

Buổi thuyết trình là một nỗ lực của tôi nhằm cho thấy như thế nào tiểu thuyết của Beckett, và tất nhiên là cả những vở kịch của ông cũng thế, đều chứa đựng những bức tranh tuyệt vời. Những bức tranh vẽ bằng chữ. Người ta chưa nhìn thấy rõ khía cạnh thị giác, khía cạnh hình ảnh của tác phẩm Beckett. Beckett không chỉ là một nhà thơ lớn, mà còn là một họa sĩ chữ nghĩa lớn.

Nói về thân phận bất hạnh của những con người trong vũ trụ của Beckett, như bao nhiêu nhà phê bình từng nói trước đây, khóc than cho cuộc đời khốn khổ, nỗi cô đơn, tuyệt vọng của Vladimir, Estragon, Molloy, Malone, và tất cả những con người thân tàn ma dại, như có một nhà phê bình nọ từng gọi họ, như thế hãy còn là làm chuyện xã hội học u ám hóa, và thiếu hiểu biết về những gương mặt vinh quang lảng vảng trong tác phẩm Beckett.

Chỉ nhìn thấy khía cạnh bất hạnh, buồn bã, suy sút, bệnh hoạn của những con người của Beckett, đó chính là một cách phủ nhận cái đẹp của nghệ thuật ông, và nhất là phủ nhận tính hình học của công việc sáng tạo của ông. Bằng tính hình học tôi muốn nói đến hình thức những bản văn, cấu trúc những truyện kể, cách sắp đặt những yếu tố của tiểu thuyết, cái khung cảnh, không gian diễn ra cái viết của ông, tính đơn giản phức tạp của những câu ông viết.

 

Nghĩa là ngôn ngữ của ông: Cái tiếng xì xào có thể truyền đến vô tận theo hai hướng [15], như chính ông từng nói.

Đó cũng là làm như không biết đến cái mà tác phẩm Beckett cho thấy rõ, rằng ngôn ngữ là cái cho phép chúng ta đi đâu chúng ta muốn đi, và ngăn cản chúng ta đến nơi.

Chính định nghĩa ấy về ngôn ngữ là cái dẫn dắt cuốn sách tôi đang viết đây. Tôi khởi sự công việc viết ấy đã hơn một năm nay. Cuốn sách với tôi có vẻ đã xong, thế rồi bất chợt nó lại khởi hành trở lại, có khi còn đi thụt lùi nữa.

Hay để mượn một câu của Sam để minh họa cho thấy như thế nào cuốn sách của tôi tự thành rồi lại tự hủy: một bước đi tới, hai bước đi lùi [16].

Chính Beckett làm việc kiểu như thế, như có lúc chính ông đã chỉ rõ: Không còn cách nào tiến tới. Cũng chẳng có vấn đề lùi [17]

Sự do dự này, sự không lối thoát này thường chọc giận những nhà phê bình. Nhất là cái vị từng viết trên tờ London Times về Godot. Một vở kịch trong đó không có gì xảy ra hai lần. Rõ ràng là tác phẩm của một tay lang băm.

Trước khi tiếp tục tôi muốn trích dẫn ra đây lá thư Harold Pinter đã viết gửi cho tờ London Times để trả lời nhà phê bình đã buộc tội Beckett là tên lang băm. Chính cô bạn Nicole Mallet đã dịch đoạn văn này của Pinter cho tôi.

Ông đi xa bao nhiêu, tôi càng thấy thích thú bấy nhiêu. Tôi không cần các triết thuyết, không cần truyền đơn, giáo điều, tín ngưỡng, chẳng cần lối ra, chân lý, giải đáp, tôi chẳng cần gì ở ngăn bán hàng hạ giá. Ông là nhà văn can đảm nhất, không nương tay nhất xưa nay, và ông càng tống phân vào mũi tôi, tôi càng biết ơn ông. Ông không làm tôi bực, ông không đặt chuyện lừa tôi, ông không tìm cách phỉnh gạt tôi, không tìm cách bán rẻ cho tôi một liều thuốc chữa, một lối đi, một phát hiện hay một bát chứa vụn bánh mì, ông không bán cho tôi bất cứ gì tôi không muốn mua, tôi mua hay không ông cũng đếch cần, ông không để bàn tay lên tim mình. [18] Ấy, tôi mua hàng của ông, tôi ngốn mọi thứ, bởi vì ông không bỏ qua một chi tiết nào, con giun đất nhỏ nhất ông cũng quan tâm. Ông gia công làm ra cái đẹp. Tác phẩm ông chính là cái đẹp.

 

..................................................................................................................

 

Loanh quanh như thế đã đủ rồi. Tôi bắt đầu chuyện của tôi đây. Nhưng bắt đầu từ chỗ nào? Vâng, bắt đầu câu chuyện năm mươi năm sống với Beckett từ chỗ nào đây? Có lẽ là từ chỗ kết. Vâng, bắt đầu từ chỗ kết thúc.

Khi tôi được tin Sam qua đời, tôi đang sống một năm ở Berlin, và tạp chí Lettre Internationale biết được tôi quen biết Beckett, đã yêu cầu tôi viết vài lời về những mối quan hệ của tôi với ông.

Đây là cái tôi viết cho ấn bản tiếng Đức của tạp chí Lettre Internationale ở Berlin. Bài này cũng đã đuợc xuất bản bằng tiếng Pháp, Tiệp và Ý trong các ấn bản quốc tế của tạp chí này.

 

Quà tặng chữ nghĩa – [Berlin, tháng 12. 1989]

 

Những người quen biết Sam, như bạn bè ông vẫn gọi ông – và tôi có ưu đãi nằm trong số họ – vào những tháng cuối, đã biết là ông bệnh, và cô đơn, do tự chọn, trong một căn phòng trống trơn của bệnh xá Le Tiers Temps là nơi ông sống những ngày cuối đời.

Một nỗi buồn chung lan khắp trong chúng tôi. Chẳng còn gì đáng kể có thể làm hay nói được. Trong những lần nói chuyện, trong thư từ, trong điện thoại, chúng tôi chỉ nói đơn giản Sam bệnh. Và tất cả chỉ có thế. Đến khi rốt cuộc tin ông qua đời đến chúng tôi, tin không làm ai ngạc nhiên. Nhưng nỗi buồn chậm lại. Vâng, có một nỗi buồn và một cảm xúc sâu xa về một sự mất mát lớn. Sam không còn ở Paris nữa. Ông không còn đang viết cho chúng tôi thêm một bài văn mới, cho dù ông phải thất bại – fail better [19] như ông vẫn ưa nói. Không còn cuốn sách nào mới của Samuel Beckett sẽ được xuất bản nữa.

Nhưng mặc dù Sam bây giờ đã đổi thì [20] – như một người bạn đã viết cho tôi khi được tin Beckett qua đời – vâng, mặc dù ông đã đổi thì, đúng thế, Sam đã để lại cho chúng ta một tác phẩm bao la sau lưng ông. Do đó tất cả chúng ta đều chịu ơn ông một cách sâu đậm.

Về phần riêng tư hơn của tôi, cái mà Sam đã để lại cho tôi, ấy là kỷ niệm về những câu nói hay viết của ông mỗi lần chúng tôi gặp nhau hay trao đổi thư từ với nhau. Mỗi lần tôi chia tay ông, tôi đều mang theo mình vài ba chữ quí báu mà ông đã cho tôi như một món quà tặng mong manh.

 

It lâu sau khi chúng tôi gặp nhau lần đầu tiên, cách nay hơn bốn mươi năm, tôi bấy giờ sống ở Paris một năm với một học bổng hào phóng của tổ chức Guggenheim, và một hôm ngồi ăn trưa với Sam, tôi nói với ông tôi có bắt đầu viết một cuốn tiểu thuyết.

Raymond, Sam bảo tôi, nếu anh viết để kiếm tiền, hãy làm chuyện khác đi. Và sau một lúc im lặng mà chỉ Sam mới có thể biến thành thoải mái, ông nói thêm, và đừng bao giờ làm tổn hại công việc của mình. Tôi đã giữ và trân trọng lời khuyên ấy. Tôi nghĩ là mình vẫn trung thành với nó.

Một lần khác, trong phòng làm việc của căn hộ ông, trên đại lộ St. Jacques, ông đưa tôi xem bản dịch cuốn Comment c’est ông vừa hoàn tất. Tôi đọc khoảng mười hai trang trong khi ông hút thuốc lá hết điếu này đến điếu khác [hồi đó cả hai chúng tôi đều hút Gitanes], và tôi say sưa thán phục thứ âm nhạc trong các chữ và thứ cú pháp trật khớp mà ông đã thành công sáng tạo bằng tiếng Anh. Cái How it is của anh thật tuyệt, tôi nói với ông. Sam lắc đầu: Không đâu, Raymond ạ, tôi lại thất bại nữa. Ngôn ngữ Anh đã chống lại tôi. Ông lúc nào cũng rất nhún nhường, đầy nghi ngờ với công việc của mình.

 

..................................................................................................................

 

Năm 1973, Sam đưa vợ tôi và tôi đi xem buổi giới thiệu vở En attendant Godot diễn lại đúng hai mươi năm sau buổi diễn đầu tiên ở Paris. Đạo diễn lần này lại vẫn là Roger Blin, và những diễn viên từng thực hiện những vai Vladimir, Estragon và Pozzo lại cũng vẫn có mặt, nhưng già hơn tới hai mươi tuổi, tất nhiên. Diễn viên từng đóng vai Lucky năm 1953 không thể tham dự lần biểu diễn này. Đây là một buổi diễn lạ lùng. Rất khác với tất cả những lần diễn mà tôi từng tham dự bằng tiếng Pháp hay tiếng Anh. Roger Blin đã suy nghĩ cân nhắc cho làm chậm lại những động tác của các diễn viên và phần nói của họ. Kết cuộc vở diễn trở thành một thứ vở diễn nhịp độ chậm – in slow motion. Đôi khi các diễn viên hoàn toàn bất động trong một lúc. They would freeze in place. Vâng đúng vậy, họ đông lại tại chỗ. Do đó, những tượng trưng lộ ra hơi quá đáng.

Sau đó, tại nhà hàng nơi tất cả chúng tôi cùng đến ăn tối, Roger Blin, càc diễn viên, vợ tôi, và Sam, tôi hỏi ông ấy nghĩ gì về lần diễn mới này. Không tồi, tốt lắm, ông nói. Rồi, sau một lúc lưỡng lự ông nói thêm, nói nhanh và thấp giọng: Miễn là người ta chịu ngưng không bắt tôi phải nói nhiều hơn cái tôi muốn nói. Đến bấy giờ tôi mới hiểu cuộc tìm kiếm ý nghĩa vô ích là gì.

Nhân kỷ niệm ngày sinh của Sam, tôi viết thư tìm cách thuyết phục ông đến ỏ chơi nhà tôi ở Buffalo là nơi bấy giờ tôi đang dạy học, đến không cho ai biết, và tôi còn hứa sẽ đưa ông đến xem Thác nước Niagara, chỉ nằm cách nhà tôi ở có hai mươi phút lái xe. Sam có lần bảo tôi là ông xém đoạt một giải thưởng văn học mà tiền thưởng là một chuyến du lịch không mất tiền đến Thác nước Niagara. Ông viết trả lời tôi: Raymond thân mến, chó thật, tôi chán cái kiểu khi nào cũng nói không, nhưng lúc này đây quả tôi không ra ngoài được... [lúc bấy giờ Sam đang đợi mổ cataracte, và đang mang cặp kính dày cộm và khi đi chỉ có thể mò mẫm bước]. Trong lá thư này có một câu đối với tôi đã diễn tả cuộc chiến đấu không dứt và không ngơi nghỉ của ông với chữ nghĩa: Và ngoài ra, nhiều chuyện để làm và cái có quá ít. [21] Sam có thể nói nhiều với rất ít từ.

Một ngày nọ, George Plimpton, biên tập tờ tạp chí nổi tiếng Paris Review ở New York, biết tôi quen với Beckett, đã đề nghị tôi thực hiện một cuộc nói chuyện[22] với ông cho loạt bài Writers at Work. Ông làm quà tôi một chuyến đi Paris dài một tuần lễ. Tôi nói với ông Beckett không bao giờ chịu cho phỏng vấn,[22] rằng mặt khác tôi không muốn lợi dụng tình bạn của ông và sự tốt bụng cũa ông cho một yêu cầu như thế. Nhưng, ngay ngày hôm sau, tôi viết cho Sam là cho dù tôi chắc ông sẽ từ chối, tôi vẫn không sao không yêu cầu ông, bởi vì Paris Review trả hết chi phí cho tôi trong một tuần lễ, và như vậy chúng tôi có thể cùng nhau ăn những bữa ăn ngon đắt tiền với rượu vang ngon, và cứ bảo chiếu lệ là đã làm một cuộc nói chuyện.[22] Trả lời của Sam gỏn gọn trong một dòng, bằng tiếng Anh [trong thư từ viết cho tôi ông rất thường khi nhảy từ ngôn ngữ này qua ngôn ngữ khác]: I have no view to inter. [22] Chắc hẳn trong trường hợp này tiếng Anh với ông có vẻ hay hơn để đem ra chơi đùa với chữ interview.

Năm 1974, tôi xuất bản ở Paris một cuốn tiểu thuyết tên Amer Eldorado. Sách mang dòng đề tặng này: Pour Sam... Từ lần đầu tiên tôi gặp Beckett năm 1963, ông thường gửi cho tôi những sách ông vừa xuất bản, và tôi cũng làm như thế.

Khi ông nhận được Amer Aldorado của tôi, ông viết trả lời: Nếu người được đề tặng đúng như tôi nghĩ, tôi hết lòng cám ơn anh về vinh hạnh và tình bạn. Toàn bộ Beckett nằm trong câu ấy, sự khoan dung, sự kiêm nhượng, óc hài hước của ông. Ông biết cuốn sách tặng ông, nhưng lần tiếp theo tôi gặp ông, ông bảo tôi, với một nụ cười khá hiếm của ông: Khi ấy tôi không biết lời đề tặng kia là cho tôi, hay cho Chú Sam, hay cho con chó của anh. Sam biết tôi vẫn gọi con chó của tôi là Samuel Beckett. Gọi tắt là Sam. Sam cũng biết còn có một con chó khác tên là Sam Beckett. Con chó của Tom Bishop bạn tôi, cùng với anh ấy tôi đã viết cuốn Cahier de l’Herne Samuel Beckett.

Lần cuối tôi gặp Sam, mấy tháng trước khi ông mất, chúng tôi cùng uống một ly trong một tiệm café nhỏ trên đại lộ St. Jacques. Sam bấy giờ đã nằm bệnh xá Tiers Temps nhưng thỉnh thoảng ông ra ngoài để tản bộ hoặc thăm thú bạn bè. Tôi đang ngồi gần cửa sổ tiệm café thì thấy ông đi băng qua đường, với cái túi dết của mình trên lưng. Ông có dáng mảnh khảnh, và có vẻ như hơi bước khập khiễng. Ông cầm tay tôi một lúc lâu. Chúng tôi ngồi im lặng trong khi người ta phục vụ chúng tôi. Thế rồi ông hỏi thăm vợ tôi, Erica, và Simone con gái tôi, làm nghề đạo diễn, mà ông từng gặp khi cháu 20 tuổi, và đã đạo diễn cho ba vở kịch của cháu. Ông cũng hỏi thăm người con trai nhà tôi là Steve, nhiếp ảnh gia từng có lần chụp hình cho ông ở La Closerie des Lilas. Rồi ông hỏi tôi đang viết gì.

Với Sam lúc nào cũng như thế. Lúc nào ông cũng muốn biết liền tức thì là mọi việc có ổn thỏa không. Ông có tài buộc ta nói về ta. Lúc nào ông cũng cho ta cảm tưởng là trên thế gian này chỉ có mình ta, ông không quan tâm đến bất cứ ai khác.

Sau khi trả lời những câu hỏi của ông, tôi hỏi ông mọi việc có ổn không và ông có đang viết cái gì mới không. Ông trả lời là ông không viết được, nhưng để qua thì giờ ông đang thử dịch Worstward Ho qua tiếng Pháp.

Tôi bèn hỏi ông việc dịch tiến hành tốt không. Và ông trả lời là ông đang bị kẹt. Ông không sao dịch được cái tiêu đề. Tại sao không nhảy băng tiêu đề và cứ dịch bản văn? Tôi gợi ý. Sam mỉm cười, cái kiểu cười cùng lúc để lộ tình cảm và sự do dự. Làm vậy tức là gian lận rồi.

Quả là bản tiếng Pháp cuốn Worstward Ho không phải là của ông – vả chăng nói đúng ra nó là một bản dịch thảm thương – nhưng tôi chắc chắn cái tiêu đề tuyệt đẹp là của Sam: Cap au pire.

Chúng tôi uống xong tách café, rồi trên đường tôi theo ông trở về nhà ông, ông đột nhiên dừng lại ngay giữa đường, đặt bàn tay lên vai tôi và hỏi xem tôi có nhớ bài thơ của Mallarmé bắt đầu như thế này: Le vierge et le vivace et le bel... Tôi gật đầu bảo có. Và tại ngay giữa đường phố, Sam đọc cho tôi nghe nguyên bài thơ. Tôi không nói gì, tôi nghe ông đọc, dường như có một chút giọng Ái nhĩ lan trở lại trong tiếng của ông. Tôi nghe ông đọc, nhưng rốt cuộc rõ ràng là, như tôi vẫn lấy làm nghi, là mỗi lần ông đối diện với tờ giấy, Beckett phải đương đầu với cái hấp hối trắng [23] do Mallarmé phát hiện trong bài thơ của ông.

 

..................................................................................................................

 

Tôi không bao giờ quên Sam đứng ngay giữa đường đọc cho tôi nghe những câu thơ ấy, và đứng tư thế kín đáo trên nền hấp hối trắng ấy. Món quà đẹp nhất xưa nay tôi mới nhận được. Chúng tôi ôm nhau từ giã trước nhà ông. Nhưng trước khi khép cánh cửa lại sau lưng, ông bảo tôi: Đôi khi, Raymond ạ, không viết còn tệ hơn là viết.

 

..................................................................................................................

 

A Sam !

 

..................................................................................................................

 

Vâng, đúng là vì Godot, vì sự xuất hiện của Godot trong thế giới của chúng ta, trong đời sống của chúng ta, văn hóa chúng ta, ngôn ngữ chúng ta, mà ngày nay chúng ta hiện diện ở đây. Chính Godot đã cho gọi chúng ta đến cùng họp mặt ở đây. Không có Godot, chúng ta sẽ không là gì cả, chúng ta sẽ không là ai cả, chúng ta sẽ không có mặt ở đâu cả và đang không làm gì cả, chúng ta sẽ bị triệt tiêu với tư cách là những người say mê Beckett – và có lẽ cả với tư cách những con người.

Ngay cả nếu Godot không đến hôm nay, và cho dù sẽ không bao giờ Godot đến, thì chúng ta, chúng ta đã đến, chúng ta đang ớ đây – vâng chúng ta đang ở đây, ấy là cái tối thiểu người ta có thể nói về chúng ta [như Gogo nói với Didi] – chúng ta đã đến đây để nói về Godot hay về Beckett. Cũng đều như nhau.

Bởi lẽ nếu Beckett đã phát minh ra Godot, Godot đã cám ơn ông bằng cách gọi ông là Beckett cho chúng ta. Khi chúng ta nghe cái tên Godot lần đầu tiên chúng ta tức thì muốn biết ai là người phát minh, ai là người đã táo bạo, dám cả gan phát minh ra một con người mà ai nấy luôn miệng nói tới nhưng không thấy đên bao giờ. Một con người có lẽ ngay cả hiện hữu cũng không hề. Một sự vắng mặt, đúng thế.

Người phát minh ra Beckett chính là Godot. Bởi lẽ chính Godot đã chính thức hóa sự hiện hữu và tác phẩm của Beckett, ngay cả khi Godot không tự thân hành làm việc ấy.

Và chúng ta, hôm nay chúng ta ở đây để nói về họ – về hai gương mặt vĩ đại ấy, rất xa nhưng cũng rất gần, hai gương mặt đã biến đổi cuộc sống của chúng ta, và đã cho chúng ta dịp... không, cho chúng ta cái diễm phúc có thể họp nhau lại ở đây để người này nói với người kia những gì chúng ta hiểu hay những gì chúng ta không hiểu về Godot nơi Beckett.

[Dứt phần mở đầu]

 

A Godot, tại sao ngươi ám ảnh ta từ năm mươi năm nay? Vâng, năm mươi năm kể từ khi chữ Godot đi vào từ vựng của ta. Vào cuộc đời ta. Năm mươi năm, và Godot vẫn chưa đến. Godot không tự giải thích.

Một ngày kia ta sẽ nói chuyện với Godot. Ta xin hứa như thế. Ta sẽ tìm thấy Godot và ta sẽ yêu cầu Godot giải thích. Ngay cả khi ta biết là ông sẽ bảo ta là ông không có cái view to inter. [22]

Thật ra, các bạn không tin tôi nhưng mới đây tôi đã tìm ra Godot, và tôi còn nói chuyện được với ông. Cuộc nói chuyện như sau đây. Nó được thực hiện dưới hình thức một đối thoại giữa hai kẻ vô gia cư say mê Beckett có tên là Um và Laut.[22]

[Tiếp theo là phần Phỏng vấn Godotđã đăng trên tienve.org]

 

..................................................................................................................

 

Còn tôi, lần đầu tiên tôi nghe chữ Godot là vào năm 1956, ngày tôi xem vở kịch Waiting for Godot ở New York. Từ 1958, tôi đã xem hơn hai chục buổi diễn Godot, bằng tiếng Pháp, bằng tiếng Anh, và cả tiếng Đức, và một lần bằng tiếng Ba lan. Nhưng lần diễn đầu tiên đối với tôi vẫn là đáng nhớ hơn cả, cho dù đó không phải là buổi diễn hay nhất.

22 tháng Tư năm 1956, chín ngày sau lễ sinh nhật của Sam, chính là ngày lần đầu tiên tôi nghe chữ Godot. Tôi còn nhớ ngày ấy bởi vì đó là ngày tôi ghi trong cuốn sổ tay nhỏ màu đen mà lúc nào tôi cũng đem theo bên mình để không quên tầm quan trọng của ngày ấy. Hồi đó, tôi còn thơ ngây và lãng mạn như thế, tôi thường viết trong cuốn sổ nhỏ những gì tôi sẽ làm trong tương lai. Một cách tôi tự hứa với mình.

Ngày 22 tháng Tư năm 1956, tôi cũng đã ghi vào sổ tay của tôi là một ngày kia tôi sẽ viết một cuốn sách về Beckett, ngay cả khi tôi không biết ông là ai.

 

..................................................................................................................

 

Có một lần tôi diễn thuyết về vở En attendant Godot, đúng là ở Do thái, tôi chứng minh vở kịch này, viết vào năm 1947-48, là tác phẩm nghệ thuật lớn đầu tiên về Lò thiêu Holocauste. Tôi tin là tôi đã thuyết phục được những người nghe.

Maurice Blanchot và Georges Bataille cũng đã từng có cảm nghĩ như thế, tuy không nói rõ ra, trong những gì họ viết về Beckett từ đầu những năm 50, khi Godot, Molloy, Malone, và Người không gọi được tên[5] xuất hiện trong thế giới văn chương. Cần phải đọc lại những bài tiểu luận của họ. Chỉ có Blanchot và Bataille đã lập tức hiểu ra là những cái viết của Beckett có ý cùng một lúc phơi bày và cảnh báo sự tàn bạo và sự yếu ớt của con người bằng cách đưa nó vào cái máy xay rau cải[24] của cái hài trong một vở kịch bi hài vĩ đại.

 

..................................................................................................................

 

Một ván bi da với Sam

 

Tôi chơi bi da không tồi nhưng chơi không hay bằng Samuel Beckett . Có lần tôi chơi bi da với ông, không phải loại bi da Mỹ với những cái túi, mà là loại bi da ba trái – hai trái trắng và một trái đỏ. Một buổi tối cùng với Sam và Ludovic Janvier [Ludo và tôi chúng tôi lúc nào cũng gọi Beckett là Sam bởi chúng tôi đều là bạn thân với ông] - bấy giờ đã muộn sau bữa ăn tối khoảng hai giờ sáng chúng tôi quyết định chơi một ván bi da. Cả bọn chúng tôi bấy giờ hơi ngà ngà. Chúng tôi gặp một quán café mở cửa trên đại lộ Maine, có một bàn bi da. Bấy giờ bên chúng tôi có cả Erica. Nhưng vợ tôi không chơi bi. Bà ấy ngồi trên một cái ghế đẩu vừa xem chúng tôi chơi vừa nhấm nháp một ly cô nhác. Hiển nhiên là Sam chơi bi da hay hơn Ludo và tôi nhiều. Hay hơn hẳn. Sam làm chuyện gì cũng làm hay cả. Kể cả cờ tướng, cả dương cầm. Nghĩa là mọi chuyện. Chúng tôi quyết định chơi một ván năm mươi điểm. Ludo đi trước. Anh ấy làm một loạt ba điểm. Sau đó đến lượt tôi. Tôi ghi được bốn điểm. Rồi đến lượt Sam. Sam ghi mười hai. Và ván chơi cứ tiếp tục như thế. Tôi sẽ không tả hết toàn bộ ván bi da nhưng tất nhiên là Sam thắng. Chúng tôi đưa Sam về nhà ông. Tôi là người cầm tay lái, một thứ xe Đức cà rịch cà tàng. Chúng tôi ôm nhau chia tay. Sam bảo chúng tôi chúng ta sẽ chơi một ván bi da nữa ngày gần đây. Sau đó tôi đưa Ludo về nhà anh ấy. Erica ngồi ở băng ghế sau bảo chúng tôi, mấy ông biết không Sam chơi gian đấy. Sao có thể thế được Ludo và tôi cùng la lên. Sam không biết chơi gian đâu. Biết chứ Erica quả quyết. Ông ấy gian đảo ngược. Ludo và tôi chúng tôi đều tự hỏi ông làm sao để có thể gian đảo ngược. Có gì đâu ông chơi mười hai hay mười bốn điểm liền. Em đếm mà. Nhưng ông dùng cây cơ ghi lên sợi dây ghi điểm trên cao năm hay sáu điểm thôi. Thật ra ông có thể đè bẹp các anh trong năm phút. Có thể chơi năm mươi điểm liền không để các anh ghi được một điểm nào. Ông còn cố tình đánh hụt nữa.

 

 

---------------------
Un amour de Sam... Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Samuel Beckett.
          Ngày 6 tháng Tư 2006, chúng tôi e-mail cho Raymond Federman, một trong những chuyên gia hàng đầu về Samuel Beckett ở Mỹ và trên thế giới, tác giả nhiều cuốn sách và bài viết về Beckett, đồng thời là bạn thân của nhà văn này, để mời cộng tác trong những ngày Tiền Vệ kỷ niệm 100 năm ngày sinh Samuel Beckett, 13.4.1896 – 13.4.2006.
          Thư 06.4.2006: Raymond, website tienve dự định tổ chức bài vở để kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Sam, có thể kéo dài từ 07.4.06 đến vài ngày sau 13.4.06 Tôi dự định trước tiên đưa lên bài thơ anh viết về Sam [ My Overseer ] và sau đó nếu công việc viết lách không quá bận rộn, xin anh viết cái gì đó về Sam cho tienve...
          Không tới nửa giờ sau, thư Raymond: B – Tôi hiện viết sắp xong cuốn Le livre de Sam, sẵn sàng cho một nhà xuất bản ở Pháp. Tôi attach theo đây những gì đã viết trong bản thảo. Tại sao anh không chọn dịch những đoạn anh nghĩ có thể sử dụng cho tienve. Tôi còn có bản tiếng Anh, nhưng chưa hoàn tất...
          Mấy phút sau: B – Tôi gửi anh bài thơ của Ludovic Janvier, người đã phụ với Sam dịch cuốn Watt qua tiếng Pháp, tác giả một cuốn sách được coi là số một viết về Beckett, ở Nhà xuất bản Minuit.
          Trả lời: Ray, cuốn Pour Samuel Beckett của L. Janvier tôi đã đọc ở Việt Nam, và năm ngoái về nước, sách bị mối ăn phần lớn, tôi vẫn đem theo về San Jose...
          Tối cùng ngày chúng tôi nhận được một phần bản tiếng Anh của Federman.
          Thư Federman sáng 07.4.06: B - Cuốn sách có vẻ quá riêng tư, anh có thấy thế? Nhưng nếu anh thích và định dịch toàn bộ, tại sao không tìm một nhà xuất bản Việt Nam...
          Đêm 10.4.06, tôi nghỉ tay trước bản dịch và giải trí bằng một kiểu bìa sách Le livre de Sam, đặt tên là Raymond B – a surfictional bookcover by hoang ngoc bien, rồi attach gửi cho Federman. Thư nhận được liền sau đó [ông già thức khá khuya]: B - Cái bìa tuyệt đẹp. Có thể nào tôi gửi cho Nhà xuất bản đề nghị họ sử dụng và sẽ ghi tên anh là designer không? Xin anh trả lời. Cám ơn những ý kiến của anh về cuốn sách...
          Thư 11.4.06: B – Tôi vẫn còn viết thêm trong bản tiếng Pháp. Kèm theo đây là bản mới, có thêm hai màn (scenes) quan trọng.
          Chiều cùng ngày: Cám ơn anh nhắc mấy chỗ đánh máy sai. Bản kèm theo đây có nhiều chỗ sửa không đáng kể.
          Sáng 12.4.06: Đây là bản mới nhất. Các chỗ thêm ở trang 60-71. A, này B, anh dịch thế mà đã khá nhiều đấy chứ...
          Sáng 13.4.06: Này B - tất nhiên anh có quyền đăng lên tienve những gì anh đã dịch, cho dù sách là sách sắp xuất bản... Ảnh? Có một cái mà anh có thể lấy trên blog của tôi. Ảnh do một cậu con trai nhà tôi chụp hồi còn nhỏ (nay đã là một nhiếp ảnh tên tuổi), khi Sam và tôi cùng ngồi ăn tối ở tiệm La Closerie des Lilas ở Paris. Hình có đưa vào số #9 tạp chí Fusées - số đặc biệt về Federman.
          Như thế, chúng tôi đã chọn Le livre de Sam không như một tác phẩm biên khảo, hay chuyên khảo kinh điển (Sam chắc không thích như vậy) về Beckett – mà như một ký ức có cái riêng lẫn cái chung đan vào nhau, sắp xếp không theo một hệ thống, nếu có thì đó là hệ thống của những tình cảm, của một chọn lựa, một mối tình: Un amour de Sam.
 
 
raymond B - a surfictional bookcover by hoang ngoc bien

 

_________________________

Chú thích của người dịch:

[1]Le livre de Sam.

[2]hoặc đúng hoặc sai. Xem Mối tình đầu, của Samuel Beckett – tienve.org

[3]Tên một cuốn tiểu thuyết của Samuel Beckett.

[4]Ý nói công việc viết lách

[5]L’innommable - tiểu thuyết của Beckett.

[6]Retour au fumier, tiểu thuyết của Raymond Federman, do Éric Giraud dịch từ bản tiếng Anh của tác giả, 214 trang, Nxb. al dante.

[7]Ý nói: Đáng phỉ nhổ thay kẻ nhìn thấy tượng trưng.

[8]Không có tượng trưng nào trong đó không có chủ ý. Hoặc: Những tượng trưng chỉ có khi có một chủ ý.

[9]Ý nói không có cái xấu nào không có chủ ý.

[10]Nhục thay kẻ nhìn thấy điều xấu.

[11]Khen tặng nhau – tác động lên nhau, tác động qua lại – giao tiếp, giao hợp.

[12]The long lids of sky / les longues housses du ciel: Đây là chữ từng làm khổ người dịch với bản chuyển ngữ Who will crack first / Ai sẽ gục trước của Raymond Federman, trong đó nhà văn đã mượn chữ và hình ảnh này của Beckett, lẽ ra phải được diễn một cách chưa hẳn đã tới nơi tới chốn là «vòm trời hay màn trời trải dài», nhưng vì được đặt vào một thứ kịch/thơ, lại là một đoạn ngâm, nên sự chọn lựa đã khác đi một cách khiên cưỡng, như đã được chú thích sau bản dịch.

[13]tiếng Anh trong nguyên tác: self-explanatory.

[14]Tên một cuốn tiểu thuyết của Beckett.

[15]Cette rumeur transmissible à l’infinité dans les deux directions.

[16]un pas en avant, deux en arrière.

[17]Il n’y a plus moyen d’avancer. Reculer est également hors de question.

[18]Harold Pinter đại khái muốn nói: ông ấy (Beckett) không làm ra vẻ tình cảm hay tìm cách làm cho ta phải khóc.

[19]Trong "Kẻ chờ xe", bài điểm truyện Chuyến xe của Hoàng Ngọc Biên, đăng trên tạp chí Văn ở California cuối 1997 đầu 1998, tác giả Nguyễn Đăng Thường nhắc đến fail better, và đã chuyển qua tiếng Việt theo cách của mình: thất bại rực rỡ hơn.
 

 

[20]has now changed tense: Xem Samuel Beckett — người giám sát tôi của Raymond Federman – tienve.org

[21]Et puis, tant à faire et si peu de quoi.

[22]Xem Phỏng vấn Godot của Federman – tienve.org

[23]cette blanche agonie.

[24]Ý nói phân tích ngọn ngành.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021