thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Xuất xứ bất đắc dĩ của ẩn dụ
Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn

 

RICARDO PAU-LLOSA

(1954~)

 
Ricardo Pau-Llosa sinh năm 1954 tại Havana, Cuba, trong một gia đình lao động nghèo. Năm 1960, ông theo cha mẹ trốn thoát khỏi Cuba, sang Mỹ, cùng với một người chị và ông bà ngoại. Ricardo Pau-Llosa lớn lên ở Miami, Florida, tốt nghiệp Cử Nhân và Thạc sĩ Văn Chương tại Florida International University, Florida Atlantic University và University of Florida. Hiện nay ông sống và dạy học tại Miami, Florida.
 
Tập thơ đầu tay của ông, Sorting Metaphors (Anhinga Press, 1983) đoạt giải Anhinga Prize for Poetry. Sau đó, ông xuất bản tập thơ Bread of the Imagined (Bilingual Press, 1992), và tập thơ thứ ba, Cuba (Carnegie Mellon University Press, 1993), được đề nghị giải Pulitzer Prize. Những tác phẩm khác gồm có: Vereda Tropical (1999), Mastery Impulse (2003) và Parable Hunter (2008) đều do Carnegie Mellon University Press xuất bản.
 
Ricardo Pau-Llosa cũng là một nhà phê bình mỹ thuật chuyên về mỹ thuật châu Mỹ-Latin, đồng thời ông sáng tác nhiều truyện ngắn và gửi đăng trên các tạp chí New England Review, Fiction Prairie Schooner. Ricardo Pau-Llosa viết truyện ngắn “The Unlikely Origin of Metaphor” [“Xuất xứ bất đắc dĩ của ẩn dụ”] dưới đây vào năm 1996.

 

_______

 

XUẤT XỨ BẤT ĐẮC DĨ CỦA ẨN DỤ

 

Một buổi sáng mùa đông rất lạnh, Jesus rời khỏi nhà trọ nơi ngài đã ngủ qua đêm, và ngài rất ngạc nhiên khi thấy một đám đông đã đứng ngoài trời suốt nhiều giờ đồng hồ để chờ đợi ngài. “Chúng con không hiểu ngụ ngôn về cá voi, thưa thầy,” một ngư phủ trong làng nói. “Cá voi là cái gì vậy?” một người khác hỏi, “Và ngụ ngôn gì vậy? Hôm qua tôi không thể đến để nghe ngài.”

Jesus nhìn họ, cảm thấy ân hận vì đã không giải thích cái ngụ ngôn ấy. Ngài nghĩ vì họ sống trong một thị trấn duyên hải nên chắc hẳn là họ hiểu dễ dàng. “Này, ý nghĩa của nó như vầy. Kẻ tội lỗi thì giống như những con cá voi đôi khi mắc cạn trên bờ. Há chẳng lẽ các ngươi chưa từng thấy một con cá voi, chỉ còn sống ngắc ngoải, khẽ giơ cái đuôi lên, càng gần chết thì càng yếu ớt hơn, thỉnh thoảng rống một tiếng não nuột the thé như phun hơi, và một cái vây mệt nhoài lấm lem ráng sức nhấc lên rồi rơi đánh ụych xuống cát? Các ngươi thấy đấy, cá voi không phải là cá. Chúng là loài động vật có vú, khá giống như các ngươi và ta. Chúng thở không khí, khác với loài cá. Các ngươi cũng có thể đã nhận thấy rằng cá voi không có vảy. Cá mập cũng không có vảy, mặc dù vậy, nhưng chúng lại là cá. Nói tóm lại, cá voi thở không khí, nên chúng có thể sống trên bờ biển lâu hơn một con cá giãy đành đạch trên boong tàu như kẻ mất tiền. Những con cá voi nằm thở thoi thóp trên bờ biển thì cũng giống như những kẻ tội lỗi đã chết trong linh hồn nhưng bên ngoài thì có vẻ như còn sống, thậm chí có vẻ thoải mái, trong cuộc sống này. Rốt cuộc, mặc dù chúng cũng thở thứ không khí của chúng ta, nhưng chính cái sự thiếu khả năng sống trên mặt đất khiến chúng phải chết. Chúng không thể sống trong vương quốc của thiên đàng bởi vì chúng không thể thở cái không khí của thiên đàng, và đây là ẩn dụ về linh hồn. Tuy nhiên đây là một ẩn dụ phức tạp, với lối chuyển nghĩa tu từ khá tinh tế, vì “không khí” là một biểu tượng cho linh hồn — như các ngươi đều nghe người Hy-lạp gọi đó là pneuma.[1] Vì thế con cá voi thở và không thở, sống và không sống, ở trong sinh quyển của nó và không ở trong sinh quyển của nó, trông có vẻ như được cứu nhưng lại mắc đọa, hình vóc khổng lồ và mạnh mẽ nhưng hoàn toàn bất toại trong một sinh quyển mỏng manh, trong suốt — tức là linh hồn — mà trong đó nó không thể hiện hữu. Các ngươi cũng có thể nói rằng kẻ tội lỗi chỉ có thể hớp từng ngụm nhỏ của linh hồn trong lúc hắn đang ở trong đại dương của tội lỗi, nhưng nếu hắn được đem vào một sinh quyển tràn đầy linh hồn, thì hắn sẽ ngã gục, hắn sẽ nhìn thấy tội lỗi của hắn và hắn sẽ chết trong linh hồn. Vì thế nên nước là một biểu tượng của điều ác trong ẩn dụ này, nhưng chỉ riêng trong ẩn dụ này mà thôi, bởi vì các môn đệ của ta và các môn đệ của John[2] đang làm phép rửa tội ở khắp nơi và trong những nghi lễ ấy thì nước lại là biểu tượng của sự thanh khiết. Do đó, các ngươi chớ có nhầm lẫn.”

“Ồ,” một ông ngư phủ lộ vẻ sửng sốt, nói một cách nhã nhặn, “bây giờ chúng con mới hiểu.” Bà vợ của ông ngư phủ bước đến hỏi, “Đó có phải cũng là con cá voi đã nuốt ông Jonah?”[3]

“Đúng, chính nó.” Jesus nói.

“Có lẽ nó bị ngộp thở vì mắc nghẹn Jonah, chứ không phải nó bị ngộp vì ở trong không khí đâu.” Bà vợ của ông ngư phủ nói.

“Ừa, đúng vậy.” Một người đàn bà khác trong làng vừa nói vừa giữ chặt dải khăn choàng đầu sậm màu dưới cằm.

“Hay là con cá voi chỉ trườn lên bờ để khạc ông Jonah ra.” Bà vợ ông ngư phủ xoay về phía đám đông, nhướn đôi lông mày lên và trề cái miệng xuống để thốt ra những lời phụ trợ cho cái lý thuyết của mình. “Jonah trở về! Hãy xuống bãi biển, hỡi mọi người, để xem ông ấy bước ra từ con cá voi!”

Đám đông xoay lại, có vẻ như hoang mang, và họ vừa chạy dọc theo con đường lạnh giá vừa hò reo. Nhưng khi họ đến bãi biển và chẳng thấy con cá voi nào cả thì tất cả họ đều đứng im lặng. Họ thấy một bình minh giống hệt như một hoàng hôn. Xa xa, một chiếc thuyền La-mã đang giương buồm đi về hướng tây, mà cũng có thể nó đang đi thẳng về hướng của họ. Và trên mặt nước, họ chiêm ngưỡng năm hay sáu con cá chuồn đang bay, mà cũng có thể đó là những thiên thần.

 

_________________________

Chú thích của người dịch:

[1]pneuma (πνεῦμα) là một chữ trong tiếng Hy-lạp cổ đại, vừa có nghĩa là “hơi thở”, vừa có nghĩa là “linh hồn”.

[2]John [Giăng] là một trong 12 thánh tông đồ, môn đệ của Jesus.

[3]Jonah [Giô-na] là một nhà tiên tri xuất hiện vào khoảng thế kỷ thứ 8 trước Công Nguyên, nổi tiếng như một người bị cá voi nuốt vào bụng và ba ngày sau thì trở về. Trong kinh Matthew [Ma-thi-ơ] 12:39-41 có đoạn ghi lại những lời của chúa Jesus nhắc đến Jonah như sau:

Chúa Giê-xu đáp, “Những người tội lỗi gian ác mới đòi xem phép lạ. Sẽ không có phép lạ nào được làm ra cho họ ngoại trừ phép lạ của nhà tiên tri Giô-na. Giô-na ở trong bụng con cá lớn ba ngày ba đêm; cũng thế Con Người sẽ ở trong lòng đất ba ngày ba đêm. Đến Ngày Xét Xử dân cư thành Ni-ni-ve sẽ đứng lên kết án các ngươi là người đang sống ở thời đại nầy. Vì khi Giô-na rao giảng thì họ ăn năn hối hận...”

 

 

----------------
Dịch từ nguyên tác “The Unlikely Origin of Metaphor” của Ricardo Pau-Llosa, trong Robert Shapard & James Thomas (eds.), Sudden Fiction (Continued): 60 New Short-Short Stories (New York: W.W. Norton & Company, 1996) 79-80.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021