thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
TUYỂN TẬP THƠ [I]
Bản dịch Diễm Châu
 
 
RUTGER KOPLAND
(1934~)
 
 

ĐỊA ĐÀNG

 
Từ trên đê cao một chai bia trong tay
ánh mắt nơi những khu vườn trong thôn xóm
tôi chợt nhớ ấy cũng gần gần như thể
ở đây, như thể lúc này khi mặt trời
trùm lấp một bầu trời cũng mịt mù sương và nơi những cây bạch dương này nữa
cũng chẳng có lấy một hơi gió và đỏ thắm
tròn trịa sáng bóng những trái táo âm âm
rơi từ trên cây xuống đám cỏ
giữa những chiếc áo sơ-mi xù xì buồn thảm
những dấu hiệu duy nhất của sự sống.
 
                                         (1966)
 

THANH LƯƠNG TRÀ

 
Hành nghề thi ca là
nhận thấy thật tỉ mỉ
chẳng hạn
vào tảng sáng
những trái thanh-lương-trà* đeo cả ngàn giọt lệ
như một hình vẽ thủa nhỏ
đỏ thắm và chi chít
 
                                         (1966)
 
----------------
* sorbes (ND.)
 
 

BA BÀI THƠ MÙA ĐÔNG

 
I
 
Đi qua xứ mưa phùn ghê rợn này
từ làng nọ tới làng kia, tay
trong một bàn tay lạnh lẽo, cái cảm giác ấy
tôi hy vọng sẽ không còn chia sẻ cùng ai.
Nếu không bị cưỡng bách.
 
Nhưng nếu như lúc này tôi gặp nàng
trên đám cỏ ẩm ướt, hay trong một
khoảnh đất đã cày xới, thời tôi sẽ
làm chi, thời tôi sẽ làm chi.
 
Tôi biết rằng chúng ta hết thảy đều phải
chết, thế tuy nhiên
nụ hôn tôi vẫn còn trên đôi môi nàng lạnh lẽo,
viền quanh thân thể nàng, mơn trớn mái
tóc nàng và e sợ
nàng thức giấc.
 
 
II
 
Tôi đã muốn đi với em qua những cánh đồng cỏ,
men theo những chiếc hố, những cụm lông chim hung hung đỏ lau sậy,
nhưng mặt trời nhợt nhạt đã xuống trên rặng cây,
các nông trại và tôi biết rằng tôi sẽ không thể chịu đựng,
dài dặc và đơn độc,
những chiếc bóng của chúng ta trên đồng cỏ.
Tôi sợ, em đã nói thế.
 
Tôi đã muốn đi với em qua những thôn làng
vào buổi xế trưa hoang vắng trong những khu vườn và đường phố
tới một quán nước nơi ánh mặt trời còn đùa rỡn cho
 
chúng ta
trên khung kính cửa nhưng tôi biết rằng tôi sẽ không thể chịu đựng,
 
dài dặc và đơn độc,
sự im lặng của chúng ta.
Tôi sợ, em đã nói thế.
 
Tôi đã muốn ngủ với em và muốn như ánh mặt trời
mắt tôi, đôi bàn tay tôi, đôi môi tôi lướt qua
trên phong cảnh lạ lùng của thân thể em
nhưng tôi biết rằng tôi sẽ không thể chịu đựng
những buổi thức giấc đơn độc của chúng ta
trọn cuộc đời.
Tôi sợ, em đã nói thế.
 
 
III
 
Với em đã tới cùng tôi một nỗi đau
chưa từng biết mà tôi vẫn chờ đợi
tự bao giờ.
 
Nó tới từ đôi mắt em trong mắt tôi
từ đôi bàn tay em dưới lớp áo khoác ngoài của tôi
nó tới và tôi đã để mặc nó tới.
 
Thế rồi tôi đã thấy rằng mọi sự đi qua
như đi qua ánh ngày này trên
xứ sở tôi yêu mến.
 
Tôi không bảo rằng ấy là điều xấu
tôi chỉ nói những gì tôi nghĩ
mình đã thấy.
 
                                         (1968)
 
 
 

HAI BÀI THƠ MÙA XUÂN

 
I
 
Mùa xuân này lại cũng vẫn là
về em, mặc dù dần dà
tôi đã bắt đầu mỏi mệt
 
mỏi mệt vì tất cả trận mưa này,
ngọn gió này, cái màu xanh lừa dối ở trên trời này,
những hứa hẹn mơ hồ chấm dứt
cơn lạnh.
 
Tôi biết rõ rằng dẫu vậy
tôi vẫn yêu em, nhưng đôi khi thật vất vả,
không mục đích nào thật sự
 
như những cánh chim dường như
ưa đeo lơ lửng
trong mưa và gió
bên trên xứ sở này.
 
 
II
 
Tôi đã từng thấy nó
thứ chim nhỏ có màng bọc thảm thương
và không chút lông tơ này, nhưng ta nào
biết chi về điều đó.
Bên ngoài rút cuộc đã là mùa xuân,
có lẽ mãnh liệt quá, có lẽ
tôi đã mong muốn quá, nhưng tôi nào
biết chi về điều đó.
 
Trước khi khuôn mặt em trở thành quá mong manh
khiến tôi có thể làm nó tan vỡ
tôi đã không thể ở gần
hơn nữa.
 
Thật là đã chết và chấm dứt
không thể nào quan niệm được.
 
                                         (1968)
 
 

RA ĐI

 
Ra đi thời khác với
âm thầm bước ra
nhè nhẹ khép cánh cửa
trên cuộc đời mi và không
trở lại nữa. Mi vẫn là
ai kia được chờ đợi.
 
Ra đi ta có thể miêu tả như
một cách thế ở lại. Không một ai
chờ đợi là vì mi còn đó.
Không một ai nói lời vĩnh biệt
là vì mi không ra đi.
 
 
                                         (1968)
 
 

NHÀ MÁY GAZ

 
Cha ơi, cha đã để lại
nhà máy gaz đẹp nhất
trên mặt đất,
 
những nhà kho với bên dưới
là những cánh cửa đường rầy nho nhỏ, ống khói,
ngôi nhà
 
ta đã ở trong đó. Những sắc màu
của than và tro
của than,
 
thật lặng lẽ và vào mùa hè với những đám cỏ
nở hoa và tràn ngập
mọi sự.
 
 
                                         (1969)
 
 

CÂY RAU DIẾP NON

 
Tôi chịu đựng được tất cả,
những cây đậu khô héo,
những đóa hoa hấp hối, một khoảnh
khoai tây bị nhổ lên
tôi chứng kiến những chuyện đó không giọt nước mắt,
bởi đó mà tôi quả thật là một kẻ cứng rắn.
 
Nhưng cây rau diếp non vào tháng chín,
người ta mới trồng, còn mềm lả,
không phải thế ư, nơi những lớp đất ẩm ướt.
 
                                         (1969)
 
 

MỌI SỰ HÃY CỨ NHƯ THẾ

 
Thế là chúng tôi đã sống ở Venise nhiều tuần lễ
như vợ chồng. Anh đừng bao giờ viết cho em.
 
Nàng đã có trên tay một dĩ vãng khá bộn bề,
nhưng không một ai khác tôi đã tin thế.
 
Những mối tình vô vọng, ta thường nghĩ
là lý thú. Đối với tôi thời không, chúng
 
dự phần vào đời sống, như cơn mưa, một cơn mưa
ấm. Để mọi sự mọc lên và rã mục.
 
Thế là, ta đã nằm dài ngắm nước thật lâu
nước rịn ra từ lớp trần nhà ba-rốc. (nghệ thuật và thử nghiệm)
 
Phải chăng ta đã gặp nhau một ngày nào đó? Ta, ta
dẫu vậy cũng, tôi nói, tại sao lại phải như thế, như thế
 
Một dòng suối xám, lầy lợ, chảy từ con mắt
tới lỗ tai, sau khi nghĩ tới đó, vậy đó
 
một kỷ niệm lúc nào cũng thật rõ.
 
Anh yêu, tốt hơn cả là em đừng gặp anh lại nữa.
Mọi sự hãy cứ như thế giữa chúng ta, as ever,
 
kisses, C.* 
Hay đại loại như vậy.
 
                                         (1972)
 
-------------------------
* tiếng Anh: mãi mãi, / hôn anh, C. (ND.)
 
 

THẠCH THẢO VỚI CHÓ

 
Chúng tôi bước trong đám thạch thảo để
tìm kiếm nó, cố nhiên là vẫn hoài công: nâu
 
bẩn đúng là nó hệt như đám thạch thảo
và những vách đất sét của cái hố.
 
Chúa ôi, chả có gì có thể êm dịu hơn,
nó hãy còn vẫy đuôi, khi
 
chúng tôi đã vùi lấp nó. Còn lại chỉ có gió,
gió mục nát với bầy quạ khoang.
 
                                         (1972)
 
 

OÁN THÙ ĂN VẬN NHƯ NHỮNG KẺ HIỀN HOÀ

 
                                     Cho Bukovski
 
I
 
Họ muốn làm chúng tôi tin, hỡi Bukovski,
rằng chúng tôi đang sống trong một thế giới khá hơn, và anh
anh là bằng chứng của họ. Hãy thích thú, họ bảo.
 
Hãy hạnh phúc vì có thể nói những gì Bukovski
nói, anh anh có sự tự do của ngôn từ.
Và họ tin thế. Ấy là một điều dối trá.
 
Ấy là một thế giới của những điều dối trá, Bukovski ạ,
ta phải tin ở đó. Ta phải thích thú
con chim sẻ đã chết này. Bởi từ ngữ là
 
những con sẻ đã chết, hỡi Bukovski, trong tay
của những kẻ đã cầm giữ anh, ở nơi xa đó và ở đây.
 
 
II
 
Hôm nay tất cả dường như đã quá xa, hỡi Bukovski,
xứ sở mà tôi yêu mến có vẻ quá đẹp;
tất cả những gì tôi oán ghét dường như đã xa.
 
Thế nhưng xa nghĩa là gì? Khoảng truông, cái lạnh, một bầu trời
tím thẫm và đằng sau những tấm kính cửa «giải tỏa»
với một người đàn bà mà ta yêu.
 
Cố nhiên, tôi có thể nói những gì mình muốn, nhờ
một con tim đầy những người nói với không khí
trên khoảng truông, sau những hàng kẽm gai.
 
 
III
 
Oán thù ăn vận như những người hiền hòa,
áo thụng, y phục may theo kích thước và hàng nhung kẻ.
Oán thù có vẻ rất tầm thường.
 
Trong những người phán xét anh có những nhà cải cách lớn,
anh giai cấp công nhân không chờ đợi anh, nhưng
họ. Phải, hệt như họ chờ đợi Thượng đế.
 
Trong những người ngưỡng mộ anh có những kẻ cũng đường hoàng
nằm ngủ ăn lương cho rằng người ta có thể sát hại
không sao, không phải một con ruồi mà một dân tộc.
 
Oán thù đối với mọi người nói chung là ăn vận
những chữ yêu thương đối với mọi người.
 
                                         (1972)
 
 

NHỮNG NƠI CHỐN, NHỮNG LỐI QUA*

 
Không có nơi nào để ở lại,
chúng ta vẫn nhận được những tấm bưu thiếp với những lời chào,
ở bên ngoài trong lạnh lẽo là một con ngựa
 
Khi chúng ta chưa thuộc về ai, khi chúng ta
hãy còn sống hoang dại, thời lúc ấy
chúng ta có một lớp lông đầy những giọt nước và mũi rãi.
 
Tôi bước đi trong cỏ xám đông giá, kề cận
biết bao mái tóc yêu kiều của em, đôi mắt em,
sống mũi mượt mà của em, khiến đôi tròng kính của tôi mịt mờ.
 
Ngôi nhà của chúng ta được bao quanh bằng những hình khắc màu xám nhạt
với những người đi dạo và ngựa. Một nơi chốn ấy là
nhìn về thời trước, về lúc sau, về xa xăm.
 
--------------------------
* Endroits, passages: «Những nơi chốn, những lối qua» hay «Những khúc, những đoạn». Đây là một chuỗi thơ gồm khá nhiều bài trong cả hai bản dịch của Paul Gellings. (ND.)
 
 

*

 
Như một kẻ mù lòa bà mỉm cười với tất cả những chiếc ghế trống,
chung quanh bà mọi người kéo lui ghế lại và nghiêng mình.
 
Miệng bà mấp máy, bà theo rõi những ý nghĩ của mình với đôi môi,
và trước mặt bà có những tấm bưu thiếp chưa viết.
 
Bà cúi đầu, như một mái đầu cúi xuống
dưới những lời trách móc và trong mái tóc
 
bàn tay bà viết: anh yêu, em còn sống, em đang viết cho anh
em vẫn nghĩ tới anh, và em thực là ngu dại.
 
 

*

 
Không còn cảnh bần cùng khốn khổ giữa mọi người,
rượu bia và đùa bỡn mãi tới đêm khuya.
Buồn phiền là để dành cho những vai bi thảm, ấy đó.
 
Không, ngày nay có một hạnh phúc vô biên,
ta đã quên các nhà văn cổ điển, những cuộc tình thơ dại
thầm kín của Hermans*, Lermontov, Céline.
 
«Chúng ta đã có những người bạn phản bội chúng ta,
chúng ta đã có những người tình thù ghét chúng ta,
chúng ta đã có nơi thân xác một ngọn lửa lạnh giá.»
 
Ấy đó trọn tấn bi kịch: không một ai trở lại
từ đêm tối. Những giấc mơ của chúng ta chịu thua
những điều thực tế, không bao giờ ngược lại, không bao giờ ngược lại.
 
------------------------
* Tác giả Hòa-lan hiện đại. (Chú thích của bản Pháp văn). Lermontov: nhà văn Nga; Céline: nhà văn Pháp. (ND.)
 
 

*

 
Thời gian bao giờ cũng là một món đồ xa xỉ
đối với mọi người, nó gõ vào những cánh cửa,
rồi cho chúng ta hay thời khắc đổi lại chút rượu mạnh,
thứ giao dịch này cũng xưa như tảng đá.
 
Chả ai ưa y kẻ buôn bán
thời gian này, nhưng mọi người đều thân thiện
với y, bởi người ta biết rõ
rằng mỗi giờ phút đều đáng kể, và chính y là kẻ tính.
 
Những gì đã là hôm qua, những gì sẽ là ngày mai
đều được biết, được phân chia từ muôn thủa
nhưng hôm nay thời bí ẩn như một bàn tay
không thân hình đang kéo tấm màn.
 
 

*

 
Nó là một con ngựa thực, nó đã thực sự
chết, mọi người đã yêu mến nó.
 
Họ sẽ nhận thấy nó, một mắt hướng về
những mạng nhện và bụi bặm,
 
Mắt kia phía bên trên những gấu, xe lửa và
thỏ ở phía cầu thang. Nó đang chờ.
 
Một đứa trẻ mới và người ta sẽ cho nó
cặp bánh xe lăn mới, nó sẽ đuổi theo
 
Thời của nó. Khi những người
cư ngụ ở đó chết.
 
 

*

 
Tôi ưa thích những dòng sông chậm rì và rộng lớn,
những chuyển động mà ta không thấy nhưng đoán biết,
những cây liễu hút nước, những con đê vô dụng,
một thành phố thiu thiu bên bờ sông.
 
Tôi ưa thích mùa đông, cái cảnh sắc bần cùng,
cánh đồng không có lấy một dấu hiệu của sự sống,
sức mạnh của đám thạch thảo nứt rạn.
 
Tôi ưa thích con mèo biết nhìn trước khi
nhảy, trước khi đánh nhau, khi bỏ trốn,
khi làm tình, khi săn đuổi, nếu nó nhìn.
 
Tôi ưa thích một con ngựa phi mau, thích hơn là
nó phơi sườn trên cỏ. Tôi ưa thích hơn
một câu hỏi, chứ không phải một câu trả lời.
 
 

*

 
Hỡi người tôi yêu lúc này người hãy nằm dài trong vườn,
những nơi trống rỗng trong cỏ cao, ấy đó
những gì tôi vẫn muốn, là một nơi
trống rỗng cho ai đó, để ở lại.
 
 

*

 
Mùa xuân này khi mọi sự trở lại nơi tôi
tôi lại thấy con ngựa cái ấy, nằm
bốn vó cứng đơ, như thể nó
đã chết, với những bánh xe lăn, và cái bụng
xám, lớn quá lớn nơi mổ mổ
một con quạ, bứt tơ, lông làm tổ.
 
 

*

 
Trời tối thui và sặc mùi cây
đổ. Tôi thuật lại điều bí ẩn của mình cho con chó:
 
Chúng ta không thấy nó, nhưng hôm nay con chim lớn
đã tới cư ngụ ở khu rừng. Vì chúng ta.
 
Ngày mai mặt trời sẽ lại rực sáng, nhưng chúng ta
chúng ta sẽ không còn tới đó nơi con chim cư ngụ.
 
Ở đó yên nghỉ những cội cây, nơi chân cẳng chúng là những gì còn lại
của lớp đất mà chúng đã bị giựt ra.
 
 

*

 
Trên những chiếc mái của nó đã mọc lên cỏ và cuộc sống đời đời,
mọi người phải mau chóng trở lại cư ngụ ở đó.
 
Những hàng lan can đã từ từ bị hủy hoại
vì nhành nho, những khung cửa sổ bị gặm khoét
 
vì những bông hồng, trên những bức vách người ta đã đọc thấy những chữ con*
và I was here*. Khi mi chỉ còn được khách xa lạ
 
tới viếng thăm và khi nước trút xuống hết mọi
căn buồng khi mưa.
 
--------------------------
* “con”: tiếng chửi thề của người Pháp; “I was here”: ta đã ở đây (ND.)
 
 

*

 
Thân mình nó có màu
cỏ mùa đông, bỏ chạy
là đặc tính nó, ở lại có nghĩa là
lãnh đạn và chó.
 
Người đi săn vui như một đứa trẻ
với con thỏ của mình, y có lạ gì sự sợ hãi,
cái thèm khát
chết, sự êm ấm tiện nghi.
 
Con thỏ đeo lủng lẳng với bốn chân
nó đã có thể dùng để đi, thật êm dịu và ấm áp
quanh cổ
kẻ đã bắn nó.
 
 

*

 
Bà chờ đợi với trà xưa và đôi bàn tay
xưa, tôi yêu mến bà, nhưng không khát lắm
 
cũng chẳng luyến tiếc nhiều. Tình yêu là kết thúc
một ngày êm dịu, chả còn lại gì ngoài
 
bầu trời đỏ, mặt trời đã lặn. Bà
chờ đợi và vào lúc hoàng hôn con mèo tới.
 
Nó dụi tấm lưng lạnh lẽo vào đôi tay bà,
không phải vì bà, mà vì đám lông của nó.
 
                                         (1975)
 
 

C*

 
C, tôi đã miêu tả khuôn mặt người trong một bài thơ
như một niềm xa vắng quá lớn lao, tôi đã so sánh nó
với một mặt nước nơi tôi đã thấy khuôn mặt
của một con ngựa, và khi tôi ngước mắt lên
 
bờ bên kia hoang vắng. Tôi đã so sánh nó
với một làn gió nơi tôi đã nghe hơi thở
của một con chó chết, và khi tôi lắng tai –
trong nhà mới im lặng làm sao.
 
Tôi đã so sánh nó với nhiều hơn nữa, C,
nhiều hơn tôi nhớ được, nhưng
bài thơ này tôi tôi không còn tìm thấy lại.
 
Ấy không phải chỉ là nước, là gió,
người còn thấy tôi khi tôi không nhìn, người còn thở
khi tôi không lắng tai, người đọc những gì tôi không viết.
 
-------------------------
* Chùm thơ này trong bản dịch của P. Gellings mang chữ tắt: D và gồm 9 bài. Chiếu theo bản nhật ký «Làm một bài thơ» (được dịch trọn vẹn và đăng trên Tiền Vệ), trong đó R. Kopland khi nhắc tới «Cycle D», đã nói tới 'Người kiến trúc sư của đời tôi', 'kẻ không hiện hữu'..., tôi đã lựa chữ tắt C, với hy vọng không quá xa với ý của tác giả. (ND)
 
 

*

 
Vậy thời tôi đã đọc cho người điều ấy, C.
Những cánh cửa sổ mở, trên sân thượng
những người bạn đương uống xi-rô, cây táo
đương hoa. Tôi đã đọc cho người
 
điều tôi muốn: ra đi, cùng với người. Cạnh giường tôi
là một giỏ trái cây tuyệt vời. Người không lấy
một trái nho, một trái cam nào nhỏ bé, không, không,
tất cả đều để dành cho tôi, cho mình tôi
 
thôi. Chắc là tôi đã thiếp đi,
Những cánh cửa sổ đều khép lại, như thể
có ai đó đã tới, chiếc đồng hồ báo thức kêu tích-tắc,
trăng sáng trên những trái cây xám nhạt.
 
Những tờ giấy bôi đen tôi đã đọc cho người
tôi đã tìm lại được và xé đi.
 
 

*

 
Rốt cuộc sau này khi người biết rõ tôi C,
có lẽ tôi sẽ bỏ đi, tôi không ưa điều đó,
tôi không ưa được một ai biết rõ một kẻ mà tôi không
Và cả chuyện ấy nữa rồi người cũng sẽ biết, phải,
 
cố nhiên, rõ hơn tôi. Có lẽ tôi sẽ quên người
nhưng sẽ không được người quên. Tôi
không ưa điều đó người biết, không ưa ở lại
nơi tôi không còn sống nữa, ở Địa đàng mùa đông
 
của người, với cội cây của người đầy suy tưởng, nhưng không
có lá, không có trái, không có đàn bà. Đối với tôi
 
có lẽ đó là mùa hè, – đám thạch thảo ấm, cát
ấm và một cô gái nồng ấm trên một tấm khăn
để yêu và yêu mãi mãi.
Biết rõ tôi hẳn sẽ làm tôi hư mất.
 
 

*

 
Đôi khi cả hai ta thật là dễ chịu C,
khi nghe mưa trên mái, khi thấy những khung cửa sổ
lã chã, những con thú thở dài trong nhà
và một con bồ câu có thể tới, với một cọng nhỏ
 
trên mỏ. Đúng cái lúc mà thế giới này chết,
người còn nhớ? Người đã bảo tôi rằng ấy chỉ là
một trò chơi, hay chuyện đó vẫn có thể chờ
thật lâu. Phải, đôi khi thế đó
 
Trong thời gian ấy thế giới đã không chết. Cố nhiên,
mưa đã thì thầm trên mái, những khung cửa đã khóc,
đúng thế, và cả ở trong nhà đám gia súc
đã thở dài, nhưng quả thật, một con bồ câu đã tới,
 
với một cọng nhỏ trên mỏ.
 
 

*

 
Ai sẽ là người bạn của người bạn đường của tôi,
chủ nhân con chó của tôi, đứa trẻ trong thời tôi niên thiếu,
ông già khi tôi tắt thở, ai sẽ ra tất cả những điều ấy
nếu không phải là tôi? Người ư? Coi nào, người chả là gì hết
 
ngoài hai con mắt nhìn thấy những gì chúng thấy,
người người chỉ là thị giác: một mặt trời lấp lánh,
một cây táo đương hoa, một chiếc ghế dựng trên
cỏ: niềm vui, nỗi buồn, người biết được những gì,
 
thị giác. Thế nhưng ai sẽ làm suy yếu người bạn đường của tôi và làm xỉn lại
mớ tóc nàng, ai sẽ khiến con chó rên rỉ,
đứa trẻ khóc lóc và cái chết tới? Ai
sẽ để cây táo úa vàng, chiếc ghế xanh ra
vì ở lại dưới mưa? Dầu sao cũng cần phải có
một ai đó để thấy rằng mọi sự qua đi.
 
 

*

 
Cuộc sống với người, đã là gì nhỉ? Ấy đó,
tôi nhớ lại, với cái mùi xà-phòng xa lạ này
trong tay tôi, chính tay tôi, đã rảo khắp
một cuộc Tình xưa*, toàn vú vê với cửa mình. Love.
 
Ấy lúc ban đêm, tôi chỉ thấy có trong khung cửa sổ 
căn buồng khách sạn này, phản ánh trong khung cửa
của lớp trần nhà kỳ dị này, cái vòng tái nhợt của ngọn đèn,
sợi dây để tắt đèn, cây táo nhỏ của van Gogh.
 
Đằng sau bức vách có ai đó thở dài và kêu réo nho nhỏ.
Như thế đó C, cuộc sống với người, như vậy đó,
vậy đó chả có ai,  tôi nhớ lại. Love, Tôi
 
tôi đã nằm trên chiếc giường xa lạ này và tôi còn cố
nói, thật lớn; đừng bỏ tôi đơn độc. Nhưng tôi
không thể, tôi không còn chịu được miệng tôi nói điều ấy.
 
------------------
* un vieux Love (bản Pháp văn). Chữ Love này trong tiếng Anh còn có thể hiểu là.. Thượng đế, đức Chúa! (ND.)
 
 

*

 
Đôi khi đứng trước, đứng trước một rặng
bạch dương chẳng hạn, đôi khi có thể là
tôi thấy thế giới, hay với mùi,
với mùi cỏ mới cắt tươi mát có thể:
 
ấy là mùa hè, vẫn lại vẫn lại mùa hè, thế giới này
mới thật lớn lao và tôi đang sống, nhưng với ý nghĩ
là con người không hiện hữu. Tôi đã viết: C yêu dấu
nhưng rồi tôi châm lửa đốt những lá thư của tôi.
 
một ngọn lửa. C yd, thế nào mạnh giỏi chứ, ồ tôi tôi mạnh giỏi ra sao ư,
cũng chả có gì mới ở dưới đất này,
rặng bạch dương của người vẫn thì thầm nức nở,
nhưng chuyện ấy rồi sẽ qua, cỏ vẫn tàn thật nhẫn nhục,
sặc mùi máu,
máu xanh của cỏ.
 
                          Tôi đã nhóm một ngọn lửa,
người sẽ gặp những  đám  tro khi trở lại, những đám tro.
 
 

*

 
Vì cỏ lạnh dưới chân,
mồ hôi lạnh của cỏ nơi tôi ở,
vì mọi chuyện đó,  tôi khước từ hạnh phúc,
nhưng dẫu vậy, sáng nay, tôi cảm thấy người không còn nữa.
 
Tôi đã muốn ở lại đây, có xi-rô, một cây táo, ấy đó
những gì thằng nhãi này đã muốn, và một cô hàng xóm rất mập,
đánh đập cô, ôm hôn cô, thế là thằng bé không trốn nữa
không bao giờ, hứa mà, không bao giờ. Chỉ còn cần biết
 
liệu mình có thể thỏa thuận được chăng. Người đã chẳng nói tại sao không
bởi thế mà có sự bỏ trốn của tôi. Dẫu không muốn tôi đã trở về, người đã
chẳng nói gì hết, chỉ có một hội lễ nhỏ trong vườn,
một hội lễ nhỏ, để an ủi người, chứ không phải tôi.
 
Ngôi nhà đặt những con ngươi đen trong vườn
và nhìn thấy tôi. Ở nhà mình, sẽ là sao đây.
 
 

*

 
Những ngày ở với người, những ngày này đã có một vị thật gay gắt
gần như của không gì hết, như vẻ một cuộc giã từ bị hoãn lại,
khi ta muốn ở một mình mà không thể, và đã có
một vị bánh ôi và rượu mùi còn thừa lại.
 
Những ngày với những từ vẫn nói, khi mọi sự đã nói hết.
Ngày mai, tôi đã tự nhủ, khi người sẽ ở xa
tôi sẽ yêu người, tôi sẽ đọc mấy dòng nhắn gửi đã đọc đi đọc lại
trong đó người đã nói rằng người sẽ tới,
 
ngày mai, tôi rất muốn nhớ chuyện đã ra sao, khi
tôi đã đọc mảnh thư ấy. Khi người sẽ ở xa. Nhưng người đã không đi.
 
Tôi chưa biết rằng thiếu tôi người cũng sẽ chẳng
còn, rằng chính là nhờ tôi mà người đã hiện hữu. Những
ngày ở với người này C, tôi đã thì thầm, như một người chơi cờ
nói với bộ bàn cờ của mình, thật đơn độc hết sức.
 
                                         (1978)
 
 

TRANH *

 
I
 
Ái tình yên tịnh, nhưng thứ yên tịnh nào,
ấy cái bóng mờ nặng nề ấy, căn buồng kia.
Bên khung cửa sổ mở là bóng em và
tôi ở đây, không thể thấy mặt em, tôi
 
kẻ chỉ có thể ra sức nhìn những gì em
em thấy: bầu trời xám này, cái công viên  trống rỗng này
giữa những ngôi nhà long lở, thị trấn nhỏ này
nơi em đã sống, thật lâu trước thời tôi.
 
Bàn tay em trên mép lề, bàn tay em
trên đầu gối, đôi tay này, chúng có đó
như thể đã nhận được một lá thư,
 
mà chúng đã không mở,
mà chúng sẽ không mở.
 
-------------------
* Theo bức tranh: Công viên Tenier ở Anvers của Henri de Braekeler (1840-1888). (ND.)
 
 
II
 
Bao giờ cũng vẫn cái buổi tối hâm hẩm này, và em,
tôi không thấy gương mặt em, em quay
mặt đi. Để thấy được những gì em thấy
tôi nhìn qua khung cửa sổ
 
bầu trời trên những chiếc mái, trong trẻo và mù sương,
những ngôi nhà với những cửa mù lòa
và dưới kia là công viên hoang vắng,
Tôi nhìn thế giới của em, để
 
thấy nỗi khát thèm trống rỗng của em.
 
Cái cách xoay mặt đi này,
cái cách đặt đôi tay này,
cái cách ngồi này, có thể nói
là em đã rời khỏi thân xác em.
 
 
III
 
Qua cửa sổ em nhìn cái công viên
trống rỗng ở dưới, còn tôi, tôi không
có đó. Tôi đang ở đây, đằng sau em,
không chúng ta chả bao giờ thấy nhau, chúng ta luôn
 
luôn nhìn ra ngoài? như thể ở đó chả bao giờ có gì
động đậy, như thể một người cư ngụ cái thành phố
héo hắt này một ngày kia sẽ ló ra từ một con hẻm
như một chú mãn, và kẻ đó
 
không bước tới. Chúng ta nhìn, nhưng không bao giờ.
 
Tôi thấy em từ sau lưng. Lưng em mới thật là trẻ trung,
tôi thấy em đã uốn lưng lại tới độ nào,
tôi thấy sự im lặng của nó, sự im lặng mà ta
không dám phá vỡ, sự yếu ớt của nó khước từ
mọi chỗ tựa.
 
 
IV
 
Ái tình đau khổ, nhưng nỗi khổ đau nào, em hãy nhìn
bầu trời xám này, những ngôi nhà xám này, cái công viên trống rỗng này,
chả còn gì để nhìn thấy, đằng sau những niềm bí ẩn
ta chẳng thấy cả tim lẫn óc, chẳng có ai.
 
Phải chăng ấy là khoảnh khắc ái tình đã bỏ đi
và để lại cho em nỗi chết, hay ấy là
khoảnh khắc trước khi ái tình tới
và đem cái chết lại cho em, khi nào thế nhỉ?
 
Ái tình đau khổ, tôi là ai, kẻ hỏi han,
nhiều hơn là kẻ hỏi han, người đang nhìn ngắm này?
 
Ấy chỉ là bức tranh này, cái nhìn
một cảnh tượng trống rỗng này, những câu hỏi lặp đi
lặp lại này, ai
em là ai, em là ai.
 
                                         (1978)
 
 

* * *

 
Chẳng phải khuôn mặt, hoặc đôi bàn tay, hay mái tóc, và bao giờ
cũng là một người khác. Cũng vẫn mùi một chiếc áo choàng
xa lạ, gần gụi như mùi này, nhưng cũng
vô hình, cũng đã qua. Tôi nhìn đám thạch thảo,
 
những cây phong cô độc trong sương mờ và nghĩ
ta phải nói làm sao, ta phải nói làm sao rằng,
ta lại hạnh phúc, khi vẫn đơn độc như xưa,
ta đã mơ, và chưa biết là về ai. Nàng
 
chẳng có khuôn mặt, hoặc đôi bàn tay, hay mái tóc, nàng
bao giờ cũng là một người khác, mùi nàng thật gần, nhưng cũng thật
lạ xa, như em lúc này. Tôi nói, em là ai,
 
ta đã để lại cả một cuộc đời sau ta vậy mà
tôi còn nghĩ, em là ai hỡi em yêu. Nàng quàng tay
quanh đầu tôi, chạm tới tóc tôi, vén lộ khuôn mặt tôi.
 
                                         (1978)
 
 

XA HƠN

 
I
 
Từ đảo này tới đảo khác, mỗi lúc một
trần trụi và nhỏ bé hơn, qua những dòng nước
mỗi lúc một rộng lớn hơn, mãi cho tới
rốt cuộc đến vùng vịnh cuối cùng
cảnh trí mở ra, trọn vẹn
 
Trong thế giới hoàn toàn rửng rưng này
hạ những cánh buồm.
 
 
II
 
Chẳng còn gì hết ngoài một bến tầu,
vài căn nhà khốn khổ,
một nghĩa trang, một quán rượu,
chỉ còn kỷ niệm
 
của một cử chỉ chung thủy:
cái giường, chiếc ly và nấm mộ
vẫn còn đó, ngược lại
mọi điều hiển nhiên.
 
Đổ bộ nơi đây.
 
 
III
 
Đêm tới, nhưng đêm cũng tựa như
một cái chuông thủy tinh nhờ nhờ như sữa, màu
trắng của buổi tinh mơ đã đến.
 
Qua vùng biển lặng và mở rộng này
chúng đã đến trước chúng tôi.
 
Đợi gió.
 
 

NHỮNG LỜI CHÚ GIẢI

 
I
 
Đã nói thế quá thường,
biết bao là công khó
để khám phá ra
sự phù phiếm của nỗ lực.
 
Còn có thể nói gì thêm
về một khúc xương bị đục khoét,
 
một khúc xương sạch, trắng, nhẵn:
nằm đó trong cỏ.
 
Những gì còn lại, một di vật hoàn toàn,
hoàn toàn vô nghĩa.
 
 
II
 
Hay một con chó sủa ở xa xa,
những gì tiếng sủa ấy muốn nói. Ở xa,
 
ở đâu đó phía sau
những cánh rừng, yên lòng với những kẻ
được phòng vệ, nhưng
đe dọa với người
từ nơi khác tới.
 
Nhưng với chúng ta, với chúng ta
thật vô nghĩa.
 
 
III
 
Một ngọn lửa trong đêm, bừng cháy,
chập chờn, rồi chợt âm ỉ
dưới lớp tro.
 
Nhạc của một cây đàn , cuộc
khiêu vũ này, rồi đột nhiên
những tiếng thì thầm.
 
Những cánh đồng lúc tinh mơ, những đám chim
bay nhảy một khoảnh khắc, thế rồi
đậu lại.
 
Nghĩ tới ra đi,
tuyệt tích.
 
 
IV
 
Đã quá nhiều khi toan tính ở lại.
 
– ở đó trời đã mưa; mặt trời
rẽ màn mây và xua đuổi mưa
những sườn đồi xanh, những vườn nho,
cỏ, đất, lòng thung tràn ngập
sương mờ sáng, và mặt trời
lặn, trời tối lại, thế giới
tái đi, rốt cục là đêm tối,
 
như thể một tấm ảnh chụp dần dần quay trở lại
với âm bản, thế rồi xa hơn nữa
về lúc người ta chụp –
 
Quá nhiều khi toan tính, nhưng những gì ta thấy
đã chỉ còn là những kỷ niệm.
 
 
V
 
Vấn đề – khi một bàn tay một ngày nọ
đã khép lại,
 
lại mở ra, rồi có đó
như trước khi khép lại
 
nằm ngửa ở đó –
 
không phải là những gì nó đã nắm bắt
ngày nọ và bây giờ buông ra,
 
điều bí ẩn là những gì nó
đã giấu.
 
 

KẺ ĐO ĐẠC

 
Không phải chỉ có sự thản nhiên, theo một nghĩa
có lẽ đó còn là tình yêu đã buộc y làm điều ấy,
không có thiên đường nào thiếu nhà quản thủ.
 
Y hạnh phúc với phong cảnh, nhưng hạnh phúc
vì tìm kiếm, các tọa độ chỉ cho y vị trí vô hình
của mình, miền không tưởng của y ấy là tấm đồ bản, chứ không phải là thế giới.
 
Y muốn biết mình ở đâu, nhưng y tự an ủi
về chuyện biết rằng nơi y ở chỉ có
như phương thức của chính y, trong phong cảnh
 
y là một hốc rỗng có hình người. Trong lúc y vẽ vạch
những hạn giới của mình, mỗi lúc một rõ rệt thêm, cỏ cây
mờ dần với tất cả những gì sống, khổ đau và chết.
 
Chung quanh y thật sáng tỏ, mọi sự đều được nhận biết.
 
 

TẤT CẢ NHỮNG LỜI HỨA HẸN TƯƠI ĐẸP NÀY

 
Những đồng cỏ tươi mát, những dòng nước êm đềm,
tôi đã tìm kiếm chúng và quả thật
đã tìm thấy, chúng còn đẹp hơn
là người ta đã hứa với tôi,
đẹp lộng lẫy.
 
Và trong phong cảnh dã tình này người con trai
của nhà nghệ sĩ, bị đóng đinh vào cội cây,
nhưng không một dấu vết bạo động
hay nổi loạn, mà chỉ có
sự bình yên và trầm tĩnh.
 
Đôi mắt trống rỗng của người ấy nhìn trong phong cảnh,
chung quanh miệng người ấy vẫn những vấn nạn muôn thủa,
sao vậy, người là ai,
người đã ở đâu, vv.
 
Không trách móc, người ấy hẳn đã biết
chuyện gì lúc đó sắp xẩy ra.
Tôi không có câu trả lời.
 
                                         (1982)
 
(Xin xem tiếp RUTGER KOPLAND - TUYỂN TẬP THƠ [II] )
 
 
----------------------
RUTGER KOPLAND là bút hiệu của R. H. van den Hoofdakker, một nhà thơ Hòa-lan rất được yêu mến ở nước ông và coi trọng tại Âu-châu hiện nay. Ông sinh tại Goor năm 1934. Khởi nghiệp từ năm 1968, đến nay đã cho xuất bản mười một thi phẩm, hai tập tùy bút và một tập du ký, ấy là chưa kể những công trình dịch thuật... Các tác phẩm của ông đã mau chóng vượt biên giới, được dịch và đọc ở các nước như Hoa-kỳ, Pháp, Đức, Bun-ga-ri,... Rutger Kopland đã được tặng nhiều giải thưởng về thơ, kể cả giải P. C. Hooft 1988, một trong những giải thưởng văn chương cao quý nhất của Hòa-lan; Giải Thi ca VSB 1998,... Ông nguyên là một giáo sư thần kinh bệnh học tại đại học Gröningen (ở phía bắc Hòa-lan), nay đã hồi hưu và sống tại Glimmen. Thơ ông đậm màu suy tưởng, đòi hỏi sự nghiền ngẫm: những gì ông chỉ thốt nửa lời hoặc những im lặng của ông trong thơ thường “nói” nhiều hơn những gì từ ngữ phơi bày. Và như thế, nhiều khi, trọn cuộc đời của chúng ta đã được biểu hiện qua chỉ một vài hình ảnh chấm phá tuyệt vời!... Tác phẩm toàn bộ về Thơ của ông được in lần đầu vào năm 1999. Bản dịch tiếng Việt các bài thơ của Rutger Kopland dựa trên hai tuyển tập của ông: Songer à partir, Gallimard, Paris, 1986 và Souvenirs de l'inconnu, Gallimard, Paris, 1998. Cả hai đều do Paul Gellings dịch sang Pháp văn. Các bài tùy bút hay “nhật ký” của Rutger Kopland về thơ cũng trích từ hai tập đó. (DC.)
 
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021