thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Những bài viết cũ [2]: Thơ (ý, cảm xúc và hình tượng)

 

Lời tác giả:
Hai cuốn sách đầu tay của tôi, Tìm hiểu nghệ thuật thơ Việt Nam (1988) và Nghĩ về thơ (1989), hiện nay đã tuyệt bản. Mười mấy năm, quan niệm về văn học đã đổi, cách viết cũng đã khác, tôi không còn hứng thú lắm để in lại. Tuy vậy, vẫn có một số bạn đọc xa gần thỉnh thoảng hỏi thăm về chúng. Thôi thì, thay vì tái bản thành sách, tôi chọn một số đoạn để đăng lại trên Tiền Vệ, như một món quà tặng cho một số tri âm, nếu có, đâu đó.

 

Lê Hữu Trác viết: "Thơ cốt ở ý, ý có sâu xa, thơ mới hay". Có điều, trong thơ, ý không thể là trần trụi ý, là nguyên chất ý. Ý phải nhập thân vào cảm xúc. Nhà thơ có một ý tưởng. Chưa đủ. Hắn phải đợi ý tưởng ấy làm bồng lên trong lòng những luồng sóng vỗ. Cái nếp nhăn trên trán phải biến thành nếp nhăn trong tâm hồn. Cảm xúc phải dào lên song song với ý. Ý và cảm xúc. Vẫn chưa đủ. Ý và cảm xúc như là gió. Gió vốn vô thanh. Gió phải tìm đến lá cây để động tiếng rì rào. Ý và cảm xúc như là biển. Biển vốn vô ngôn. Biển phải tìm đến đá dựng để cất tiếng thì thầm. Để thành thơ, cần thêm điều kiện nữa: hình tượng. Ý, qua hình tượng, thành rõ ràng hơn. Cảm xúc, qua hình tượng, thành sâu sắc hơn. Ngược lại, nhờ ý và cảm xúc, hình tượng mới bay bổng vào cõi thơ, tạo nên khoảng cách xa lăng lắc giữa thơ và vè. Thử đọc mấy câu thơ sau đây của Tú Xương:

Sông kia rày đã nên đồng
Chỗ làm nhà cửa, chỗ giồng ngô khoai
Đêm nghe tiếng ếch bên tai...

Chỉ là ba câu tả cảnh không có gì đặc sắc. Cơ hồ ai làm cũng được. Thế nhưng đến câu cuối:

Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò.

thì mọi sự đổi khác hẳn. Cánh đồng dường như biến mất. Nhà cửa và ngô khoai cũng dường như biến mất. Còn lại buồn tênh những tiếng ếch kêu. Rồi ngay cả tiếng ếch kêu cũng biến mất. Còn lại, chỉ còn lại ngân nga man mác trong tâm hồn nhà thơ những tiếng gọi đò năm xưa. Không gian im của bức tranh tĩnh vật bỗng lồng lộng vang lên khắc khoải những tiếng gọi đò. Chao ôi, tiếng gọi đò. Tiếng gọi đò vang vang trong đêm khuya. Tiếng gọi đò vang vang lạnh buốt một vùng Nam Định đang trở mình thay đổi. Thời gian sững lại, xoá nhoà qua khứ, xoá nhoà hiện tại. Nhà thơ, với câu cuối, vừa làm một phép mầu: con sông lấp kia lại trở thành con sông lao xao nước chảy như trước. Cái ảo ảnh trở thành có thật. Có thật như nỗi nhớ không nguôi giữa lòng người.

 

(Trích từ cuốn Tìm hiểu nghệ thuật thơ Việt Nam, Quê Mẹ xuất bản tại Paris năm 1988)

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021