thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Vài ngày Nha Trang

 

Gửi thầy Phước An.

 

Nha Trang, tôi chỉ tới một lần, cách đây vài chục năm, trước 30-4-1975. Tới Nha Trang lần đó, tôi không biết gì nhiều hơn về Nha Trang ngoài khu vực Đồng Đế, có trung tâm huấn luyện, đào tạo hạ sĩ quan của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà. Lần đó, nhân dịp nghỉ phép, tôi ra thăm người bạn cùng khoá sĩ quan trừ bị Thủ Đức, đang làm cán bộ huấn luyện tại trung tâm. Đấy chỉ là chuyến thăm người, không phải thăm cảnh. Chúng tôi ngồi quán cà phê ở khu vực Đồng Đế, loanh quanh trong đó: giáo xứ Ba Làng, bờ vụng biển Bãi Tiên... Chuyến thăm bạn, và quen biết thêm người, vị sĩ quan mà chúng tôi quý mến, thiếu tá Lương Quang Xuyên, lúc đó là trưởng phòng quân báo thuộc trung tâm huấn luyện.

Tôi vốn đặt trái-tim-trên-cao-nguyên từ thuở nhỏ, những Di Linh-Đà Lạt-Đơn Dương trở thành những “nơi chốn — theo Giáo sư Alain — treo trên cổ con người như hình phạt”, nghĩa là tôi bị tuyên án không thể thích hợp nơi nào khác. Nên tôi tới Nha Trang lần này thì chỉ vì công việc. Xong công việc, một mình ngồi quán Bốn Mùa đẹp đẽ hiện đại trên đường phố lớn bên bờ biển. Bãi Trần Phú, tên gọi dậy sắc màu Việt cộng, nhưng bãi biển rất Tây, với du khách nước ngoài, Việt kiều, tràn ra tắm biển sớm.

Chợt cái vật bất ly thân ở thời nay — cái điện thoại di động — nó reo. Tôi mừng rỡ, vội nói cho người bạn hoạ sĩ Nguyễn Hưng Trinh biết, rằng tôi đang ngồi trong quán Bốn Mùa, trên bãi biển Trần Phú của Nha Trang đây. Tôi quen Nguyễn Hưng Trinh qua người anh, nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc. Căn nhà của Nguyễn Hưng Trinh ở quận 7, nơi Nguyễn Hưng Quốc tụ tập bạn bè thân quen trong một lần anh từ Úc về Sài Gòn. Tôi biết Nguyễn Hưng Trinh đã dời chỗ ở, ra Nha Trang từ mấy tháng nay, nhưng không biết lối đi tìm khi tới thành phố biển, và cũng không nhớ số điện thoại di động của Nguyễn Hưng Trinh để gọi.

Ngôi nhà trên Núi Sạn của Nguyễn Hưng Trinh có vị trí khá đẹp, nhìn ra vụng biển, dãy núi chập chùng sương trắng vờn quanh mỗi sớm mai. Dãy núi mà người ta huyền thoại hoá, thành chuyện cổ tích, bảo rằng các nàng tiên cư ngụ ở trên núi này vẫn rủ nhau xuống tắm ở bãi biển phía dưới. Đấy là Bãi Tiên, tôi đã cùng người bạn uống cà phê nhiều buổi, cách đây vài chục năm.

Từ cái “chòi vọng cảnh” của Nguyễn Hưng Trinh, mãi trên cao Núi Sạn, nhìn dãy núi chập chùng trước mặt, đúng là phía khu vực Đồng Đế với dáng núi y hệt nàng tiên nằm xoã tóc. Tôi nhớ bức tượng của trung tâm huấn luyện - trường hạ sĩ quan Nha Trang, một người lính trẻ đang đứng ở thế thao-diễn-nghỉ. Nhớ câu thơ không biết đích danh chàng tân binh kiêm thi sĩ nào là tác giả, loan truyền khắp nơi, khi nhắc tới trường hạ sĩ quan Nha Trang ai cũng nhớ: Anh đứng ngàn năm thao diễn nghỉ / Em nằm xoã tóc đợi chờ ai.

Tôi nói chuyện cùng vợ chồng Nguyễn Hưng Trinh về chuyến tới Nha Trang lần đầu, tôi chỉ biết khu vực Đồng Đế, và nhắc tới vị sĩ quan khả ái mà tôi quen biết qua người bạn, thiếu tá Lương Quang Xuyên. Hoá ra bác Xuyên là cha vợ Nguyễn Hưng Trinh, chị Lương Thị Mỹ Hạnh. Gia đình chị thuộc giáo xứ ba làng ngoài miền Bắc di cư vào miền Nam tự do năm 1954, chị Mỹ Hạnh sinh trưởng tại Nha Trang. Sau 30-4-1975, bác Xuyên đi học tập cải tạo, gia đình đi kinh tế mới vùng tỉnh Đồng Nai. Nguyễn Hưng Trinh gặp người hôn phối ở đấy. Tôi lưu lại Nha Trang mấy ngày, ở nhà Nguyễn Hưng Trinh trên Núi Sạn. Trong mấy ngày này, tôi đã có hào hứng đi dạo phố Nha Trang.

Những con đường nhô cao để dẫn ra biển ở những thành phố biển luôn thấy đẹp. Phố xá Nha Trang hình như không thay đổi nhiều, nhà phố hư cũ được sửa mới theo thời gian cũng giống đa số tỉnh thành khác: những cái hộp cao thấp lô nhô, kiểu dáng tạp-pí-lù. Nha Trang ít vẻ phương Tây như thành phố biển Vũng Tàu. Tôi thấy một đặc điểm thích hợp với tôi, kẻ hay la cà ngồi quán cóc vỉa hè ngó phố xá ngó người qua lại, thì ở rất nhiều đường phố của Nha Trang đã đáp ứng dư. Đi bộ dăm ba phút lại gặp một quán cóc vỉa hè, kể cả hàng ăn lẫn hàng uống. Hai con sông chạy ngang thành phố ra biển, những bến tàu thuyền, hẳn rất gợi cảm đối với nhiều hoạ sĩ, chẳng biết có Nguyễn Hưng Trinh trong số đó không. Chiếc cầu mang tên Cầu Xóm Bóng, bắc ngang sông Cái, nhìn từ bên này cầu: một vùng cây cối xanh tốt um tùm ôm lấy THÁP BÀ PONAGAR của dân tộc Chăm ở bên kia cầu.

Tháp Bà Ponagar, tức Tháp Thiên Y Thánh Mẫu ở Nha Trang của dân tộc Chăm. Thiên Y Thánh Mẫu, bà chúa xứ của dân tộc Chăm, khác với Bà Chúa Xứ thờ phụng ở núi Sam vốn không phải của người Việt Nam, mà của Vương quốc Phù Nam đã bị tiêu vong từ thế kỷ thứ IV. Tôi vào nhìn ngắm Tháp Bà Ponagar với những tháp lớn, nhỏ, là công trình kiến trúc kỳ diệu, gần với kiến trúc của đạo Hindu - Ấn Độ, nhưng có những đặc điểm riêng biệt của đất nước Chăm-pa. Ngày lễ lớn nhất của dân tộc Chăm, người Chăm ở khắp nơi tụ tập về đây.

Gặp chuyến xe buýt đi Lương Sơn, cách xa thành phố Nha Trang khoảng 15 cây số về hướng bắc, tôi chợt nhớ nơi Thượng toạ Tuệ Sỹ bị công an nhà nước đón lõng để đưa về quản thúc hồi mấy năm trước, sau khi thầy ra thăm Thượng toạ Huyền Quang nằm bệnh ở Bình Định trở lại Sài Gòn. Nhưng không phải nơi này, Lương Sơn là tên một chợ đầu mối cá sông biển của Nha Trang. Còn Lương Sơn, nơi thầy Tuệ Sỹ bị đón lõng, thuộc tỉnh Ninh Thuận. Nhớ thầy Tuệ Sỹ, tôi liền nhớ và tới thăm thầy Phước An, huynh đệ gần gũi với thầy Tuệ Sỹ, hiện vẫn ở chùa Hải Đức trong thành phố Nha Trang.

Chùa Hải Đức toạ lạc trên một trái đồi lớn trong thành phố, từ đó nhìn được gần như toàn cảnh Nha Trang. Trước 30-4-1975 chùa Hải Đức là Phật học viện lớn nhất của phía Nam Trung phần, một thời gian dài thầy Tuệ Sỹ và thầy Phước An cùng ở đây. Khi xảy ra biến cố Ba-Mươi-Tháng-Tư, thầy Phước An đưa thầy Tuệ Sỹ về nương náu nơi cánh rừng heo hút của Vạn Giã — tỉnh Khánh Hoà — thuộc một ngôi chùa ở địa phương mà thầy Phước An quen biết. Còn thầy Phước An, khi về lại chùa Hải Đức, bị buộc phải đi vùng kinh tế mới ở Đại Ninh — tỉnh Lâm Đồng.

Thầy Phước An hồi tưởng đêm cuối cùng trước khi đưa thầy Tuệ Sỹ vào rừng : “Nằm trong ngôi chùa ở thị trấn Vạn Giã chờ sáng đi vào rừng, hai anh em chúng tôi nghe tiếng xe chạy ngoài đường phố mà buồn não ruột.” Rồi thầy nhớ lại tất cả, ở chùa Hải Đức, cũng gọi là Phật học viện Nha Trang: “Hồi đó ở đây vui lắm, nhiều buổi chuyện trò văn nghệ hào hứng lắm. Nhà thơ Quách Tấn, nhà văn Võ Hồng lui tới đây luôn. Phạm Công Thiện cũng từng ở đây một thời gian dài.” Tôi hỏi thầy Phước An về tình hình hiện nay của thầy ở chùa Hải Đức, vì tôi nghe nói có nhiều bất an trong thời gian qua. “Cũng vẫn có nhiều phức tạp trong ngôi chùa này. Nhưng dầu sao bây giờ tôi cảm thấy mình không còn bị những con mắt cá chìm theo dõi từng bước chân như thời gian qua. Họ phải hiểu rằng mình chỉ là ông thầy chùa thích văn chương thơ phú, có hoạt động tổ chức xách động chống đối gì đâu. Muốn vu khống cho mình cũng không dễ.”

Thầy Phước An dẫn tôi thăm cảnh đồi chùa, tới lưng chừng lối dốc, thầy chỉ cây khế già cỗi gần bên: “Đây chính là cây khế mà ngày trước Phạm Công Thiện từng viết nên bài thơ hai câu trong thi tập ‘Ngày sanh của rắn’: Mưa chiều thứ bảy tôi về muộn / Cây khế đồi cao trổ hết bông.

Tôi chào tạm biệt thầy Phước An, rời chùa Hải Đức. Phật học viện xưa, bây giờ chỉ còn chút ít dấu vết ở nơi chưa sửa tới, của ngôi chùa đang xây dựng lại, thầy Phước An cho tôi biết vậy. Mà thầy Phước An không nói ra, tôi cũng phải biết vậy. Và tôi biết rằng, mấy ngày ở Nha Trang là quá đủ, cho cả niềm vui, nỗi buồn.

 

 

---------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021