thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Biển | Một pho tượng thời tiền-Kha Luân Bố | Gặp gỡ | Tìm kiếm | Bài bi ca thứ ba | Hậu duệ của Héraclite | Bài ca cho những người trẻ
(Diễm Châu dịch)
 
BIỂN
 
Đâu đâu cũng có những hải cảng và bến tầu,
Ngay tại Vac-xô-vi, dẫu là nơi đô thị,
Ngày ngày, trong khi chờ chuyến tầu điện
Tôi vẫn ngắm một du thuyền trong tủ kính bày hàng.
 
Ngày mai và mãi mãi, ở xa xa vươn rộng
Những vùng biển với những phản ảnh nồng cháy hay nhạt mờ:
Như một ánh mắt mãnh liệt, mau lẹ và sâu thẳm
Xô tới xô lui con thuyền tôi sẽ đáp
 
Người ta bảo mười hai năm sau cuộc chìm đắm
Con tàu Titanic, không một ai dám xuống tàu,
Thế tuy nhiên vào đêm tối, chúng tôi ra khơi
Không một lời vĩnh biệt, trên một con thuyền nhỏ
 
Và vào giờ phút này khi tôi viết cho em, lần đầu tiên, sau một cơn bệnh lâu ngày,
Không một đại dương nào còn ngăn cách chúng ta, em hãy tin đi. Tôi đang ở bên em, hỡi em yêu.
1923
 
 
MỘT PHO TƯỢNG THỜI TIỀN-KHA LUÂN BỐ
 
Trong Bảo tàng viện Con Người*
có một khuôn mặt của một vị thần ác độc
ẩn sau một khuôn mặt giật ra từ một nạn nhân,
một khuôn mặt vô hình
có thể nhận ra được
bằng đôi môi dầy gấp đôi.
Ở đó lẽ ra tôi đã hiểu được hết mọi sự —
cái nghi thức giả trang bằng mặt nạ
và nỗi buồn của một khách qua đường
nỗi buồn của một khách qua đường bị tước mất khuôn mặt
Tháng Giêng 1957
 
-------------------------
* Ở Paris. (dịch giả)
 
 
GẶP GỠ
 
Sau cuộc chiến ba mươi năm ít lâu
Tại Paris mi lang thang trong một lối đi hoang vắng
Khi một thiếu phụ xuất hiện trước mặt mi
Như lạc lõng giữa những vách tường với những bảng hiệu sặc sỡ
Nàng khá nhỏ nhắn trong một bộ đồ sậm màu
Và đôi mắt ngời sáng dưới một lớp mạng đen
Ấy là ngày mi lên đường Một giờ sau
Mi lại thấy nàng trên bến Dưới lớp mạng
Ánh mắt nàng ngỡ ngàng nói với mi Vĩnh biệt
Cái Dấu hiệu từ mi tới nàng và từ nàng tới mi
Mi hủy đi như người ta xé một bài thơ
Những tháng năm ảm đạm xóa nhòa những cuộc gặp gỡ đẹp
Hôm qua mi trở lại đây
                                   mi nghĩ tới nàng
Đại lộ Sebastopol đầu mi quay
Gió quét đi những mẩu giấy trên vỉa hè Những mái hiên
lật bật và trên không có một mùi xăng dầu
1960
 
 
TÌM KIẾM
 
Có những người cứ mười hai năm hay khoảng đó tôi lại gặp
có những người khác tôi nhớ tới mà không rõ lý do
tôi không biết họ còn sống hay không nhưng nếu họ còn sống
thời chúng tôi vẫn đi qua trước mặt nhau như những kẻ đui mù
 
Tôi thấy có những người vui vẻ lăng xăng đây đó
khoác những kỷ niệm tả tơi như những tấm áo lông lộng lẫy
lửa kết hợp với nước những niên hiệu ngày tháng đầy hào hứng
lớp han đồng là ốc đảo của cây xanh
 
Tôi muốn tìm ai đó biết rõ chuyện ngày trước ra sao
một con người bé nhỏ thân thuộc với lớp cỏ đầu tiên
tôi mới thấy anh đây từ xa xa anh mất hút vào đám đông
anh còn nhỏ bé hơn cả khi trước nữa
 
 
BÀI BI CA THỨ BA
 
Tôi không còn biết sự chói lòa thế nhưng tôi đã từng biết nó
tôi bịt mắt tôi lại trước một trận gió cát
tôi kêu gọi các từ đã tới trễ nhiều năm
những năm trống vắng bất cứ thứ gì đẹp
 
Bất cẩn tôi lọt vào mê lộ của ngôn ngữ
và muốn trồi ra trước ánh sáng ban ngày
tôi đã nói quá nhiều hay nói quá ít
các ký hiệu khiến tôi mỏi mệt tôi bám vào sự vật
 
Em người xoa dịu nỗi âu lo của chim én
em đã hiểu tôi nhưng quá sát với văn từ
thế giới đã rời xa và cánh chim là một hòn đá
khuôn mặt người biến đổi thành phong cảnh
(1972-76)
 
 
HẬU DUỆ CỦA HÉRACLITE
 
Chúng tôi không còn tin nơi vòng tròn của thời gian xoay vòng
cũng chẳng còn tin nơi ngọn núi hình xoắn ốc
quá khứ là trật tự
tương lai một bất ngờ
Người ta đã mở cho chúng tôi một khung cửa sổ
qua đó ta chẳng thấy gì hết
Người ta đã cho chúng tôi những vành môi
để chẳng bao giờ uống cùng một làn nước
Người ta đã cho chúng tôi những giấc mơ thật mãnh liệt
và kinh nghiệm
kinh nghiệm nói với chúng tôi bằng một ngôn ngữ lạ xa
mà chúng tôi đã quen dần
và hiểu ra chút một
(1972-76)
 
 
BÀI CA CHO NHỮNG NGƯỜI TRẺ
 
Ở phía bên kia cái lưỡi gỗ
nơi ngôn từ có sức nặng của định mệnh
ở đó chúng ta sẽ gặp nhau
đằng sau cái siêu hình của những khu vườn buồn tẻ
đằng sau cái ý nghĩ chết chóc gây phiền nhiễu
ở đó các bạn sẽ gặp tôi
sau khu rừng nơi người ta thấy cây
mà mỗi chiếc lá nhỏ có tên riêng của nó
ở đó chúng ta sẽ gặp nhau
nơi người ta im lặng không có cát trong miệng
nơi mỗi dòng thơ là một cuộc chuyện trò
ở đó các bạn sẽ gặp tôi
(1972-76)
 
-------------------------
Ghi chú của dịch giả:
ADAM WAŻYK (1905-1981) là một nhân vật nổi bật trong giới Tiền phong của thi ca Ba-lan. Xuất thân là một nhà toán học chuyên nghiệp, ông cũng là một thi sĩ lớn và một dịch giả tài ba từng dịch và giới thiệu thơ Apollinaire ở Ba-lan. Sau này, ông đã cho xuất bản một Tuyển tập thi ca Pháp hiện đại. Và theo Czesław Miłosz, bản dịch Eugene Ogenin (thơ Pushkin) của ông hay hơn hết các bản đã có ở Ba-lan. Đối lập với nhóm Skamander và các nhà thơ thuộc nhóm Tiền phong thứ nhất, ông được các nhà thơ thuộc nhóm Tiền phong thứ nhì rất kính trọng: Czesław Miłosz nhìn nhận rằng mình “chịu ơn Adam Ważyk rất nhiều.”
 
Sau khi cư trú tại Liên Sô trong thế chiến II, ông trở về nước như một sĩ quan trong quân đội cộng sản Ba-lan, trở thành chủ bút tờ tạp chí Kuźnica (Lò rèn), hết sức tận tụy với Đảng. Nhưng đến năm 1955, tác phẩm nổi tiếng của ông, “Bài thơ cho những người trưởng thành”, ra đời. Đây là một bài thơ gồm 15 đoạn dài ngắn không đều nhau, khoảng 260 dòng. Theo nhận định của nhà hoạt động văn hóa Ba-lan Constantin Jelenski, bài thơ này đã đánh dấu một bước ngoặt «không chỉ có tính cách cá nhân, mà còn có thể cho là có tính cách lịch sử.» Adam Ważyk còn là một tiểu thuyết gia và người viết tùy bút.
 
Các bài trên dịch theo các bản Anh văn của Czesław Miłosz trong Polish Post-War Poetry (Penguin Books, 1970); và các bản Pháp văn của Michel Manoll, Marcel Béalu, Zofia Bobowicz và Georges Lisowski trong Constantin Jelenski, Anthologie de la Poésie Polonaise (1400-1980) (L’Âge d’Homme, 1981).

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021