thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Những lá thư của một nhà thơ ngủ trên một chiếc ghế
(Diễm Châu dịch)
 

I

Chuyện có sao nói vậy
Hoặc là ta biết trước mọi sự
Hay là ta chẳng bao giờ biết gì.
 
Điều duy nhất mà chúng ta được phép
Là học nói cho đúng.
 

II

Suốt đêm tôi mộng thấy đàn bà
Có những người cười thẳng vào mặt tôi
Những người khác khiến tôi nẩy tưng tưng
Không chịu để tôi yên.
Họ gây chiến với tôi thường trực.
 
Tôi chỗi dậy mặt mày choáng váng.
 
Khiến người ta kết luận rằng tôi điên
Hay ít ra thời cũng sợ muốn chết.
 

III

Thật quá vất vả khi tin tưởng
Ở một vị thần bỏ mặc chúng sinh
Cho số mệnh của họ
Mặc cho những lớp sóng của tuổi tác
Và mọi thứ bệnh tật
Ấy là chưa nói tới cái chết.
 

IV

Tôi là một trong những kẻ chào mừng xe tang.
 

V

Hỡi những người trẻ
Hãy viết những gì các người muốn
Bằng bất cứ kiểu nào các người thích
Đã qua rồi quá nhiều máu dưới cầu
Để tiếp tục tin tưởng—tôi tin tưởng
Rằng ta chỉ có thể theo đuổi một con đường :
Trong thi ca tất cả mọi sự đều được phép.
 

VI

Bệnh tật
              Già yếu
                            Và cái Chết
Nhảy múa như những thiếu nữ thơ ngây
Quanh Hồ Thiên nga
Gần như lõa lồ
                      say khướt
Với những vành môi san hô đầy tình dục.
 

VII

Quả đã rõ
Rằng chẳng có ma nào ở trên mặt trăng
 
Rằng những chiếc ghế là những chiếc bàn
Rằng bươm bướm là những đóa hoa vĩnh viễn chuyển động
Rằng chân lý là một lầm lẫn tập thể
 
Rằng tinh thần chết đi cùng thể xác
 
Quả đã rõ
Rằng những nếp nhăn không phải những vết sẹo.
 

VIII

Mỗi lần vì một lý do nào đó
Phải bước xuống
Từ lầu ván nho nhỏ của tôi
Tôi đã lui về rùng mình vì lạnh
Vì cô đơn
               vì hãi sợ
                             vì đau đớn.
 

IX

Những đường xe điện đã biến mất
Cây cối đã bị hạ
Chân trời đầy những cây thập giá.
 
Marx đã bị chối bỏ bảy lần
Và chúng ta vẫn còn theo đuổi.
 

X

Hãy nuôi ong bằng mật đắng
Truyền tinh trùng vào miệng
Quỳ gối trên vũng máu
Nhảy mũi trong phòng hỏa thiêu
Vắt sữa một con bò
Và hắt sữa lên đầu nó.
 

XI

Từ những đám mây lớn của bữa điểm tâm
Tới sấm sét của buổi ăn trưa
Và từ đó tới những ánh chớp của bữa tối.
 

XII

Tôi không phải người dễ buồn
Thành thực mà nói
Cả đến sọ người cũng làm tôi cười.
Nhà thơ ngủ trên thập giá
Chào các người với những giọt lệ bằng máu.
 

XIII

Bổn phận của nhà thơ
Gồm bằng cải biến trang giấy trống
Tôi hoài nghi chuyện ấy có thể được.
 

XIV

Tôi chỉ hợp với cái đẹp
Cái xấu làm tôi đau.
 

XV

Tôi lặp lại lần chót
Giòi bọ là thần linh
Bướm là những đóa hoa vĩnh viễn chuyển động
Răng hư
            răng dễ gãy
Tôi thuộc về thời đại phim câm.
Làm tình là một hành động văn nghệ.
 

XVI

Ngạn ngữ Chi-lê :
Tất cả những người tóc đỏ đều có tàn nhang
Máy điện thoại biết những gì nó nói
Con rùa không bao giờ mất nhiều ngày giờ
Hơn là khi học hỏi con ó.
Chiếc xe hơi là một cái ghế có bánh xe.
 
Và kẻ lữ hành nhìn lại phía sau
Gặp nguy cơ nghiêm trọng
Là bóng mình không chịu bước theo.
 

XVII

Phân tách là tự khước từ bản thân
Chỉ có thể lý sự trong một vòng tròn
Chỉ có thể thấy điều mình muốn thấy
Sinh đẻ chẳng giải quyết được gì
Tôi nhìn nhận mình sa nước mắt.
Sinh đẻ chẳng giải quyết được gì
Chỉ có cái chết nói sự thật
Cả đến thơ cũng không thuyết phục.
Người ta dạy chúng ta rằng không có không gian
Người ta dạy chúng ta rằng không có thời gian
Nhưng dầu sao chăng nữa
Tuổi già là một chuyện đã rồi.
 
Hãy để khoa học định đoạt.
 
Tôi buồn ngủ khi đọc thơ tôi
Dẫu rằng thơ ấy đã được viết bằng máu.
 
-------------------------
NICANOR PARRA là một trong những nhà thơ danh tiếng của châu Mỹ La-tinh. Ông sinh năm 1914 ở Chi-lê, đoạt Giải Văn chương Toàn quốc (Premio Nacional de Literatura) năm 1969, giành được sự tán thưởng của nhiều nhà thơ trẻ ở trong nước cũng như ở hai vùng châu Mỹ, và thiện cảm của nhiều người khác trên thế giới.
Theo Saul Yurkevich, nhà thơ và cũng là nhà phê bình văn chương (người Á-căn-đình), «Các nhà thơ của những năm sáu mươi đã tựa vào Nicanor Parra để thách thức sự sùng bái từ chương và những thứ hòa điệu tối thượng, để tước bỏ tính cách thánh thiêng của cái thần bí, làm xẹp lại cái thần thoại, nghi ngờ cái bùa phép. Với Parra, họ đã có thể nhận chìm những thứ độc quyền mà lời thơ bãi bỏ, đem lời nhại lại đặt đối nghịch với lời sấm truyền, cái đúc sẵn hay làm-sẵn đối lại sự độc đáo, thơ hài hước đối lại thơ vũ trụ; họ đã có thể đùa giỡn, làm thất vọng sự mơ màng đào thoát bằng lời bỡn cợt, thay thế phép xức dầu thánh theo nghi thức bằng cái trào lộng. Nhờ sự bước xuống và tự lột bỏ, không kiểu cách, Parra tạo ra một thứ tâm luyện thanh tẩy. Ông giáng một đòn lớn để đặt lại thi ca trên đất liền vững chắc.» (trích «Khai từ» trong L’épreuve des mots, Stock,Paris, 1996).
 
Bài dịch trích trong Poemas de emergencia (Thơ khẩn cấp, 1972) của Nicanor Parra. (DC.)

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021