thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Ai từng nhìn thấy gió | Ta đã xếp lại những buồn đau | Đừng quên | Đáp | Có lẽ
Bản dịch Hoàng Ngọc Biên
 
BOB KAUFMAN
(1925-1986)
 
Bob Kaufman, tên thật Robert Garnell Kaufman, sinh ngày 18 tháng Tư năm 1925 ở New Orleans, Louisiana, trong một gia đình có 13 anh chị em, cha là người Đức Do thái, mẹ là Da đen đạo Công giáo. Ông thoát ly gia đình từ 13 tuổi, làm việc cho ngành Hàng hải và ở đây ông từng đi vòng quanh địa cầu cả thảy 9 lần trong vòng 20 năm. Cũng chính nơi này, ông có dịp đọc văn chương và cùng lúc có dịp gặp và quen thân với Jack Kerouac là người vừa bị đẩy ra khỏi Quân đội do không tuân lệnh cấp trên. Về sau ông đến San Francisco và cùng với Allen Ginsberg, Gregory Corso tham gia những hoạt động văn nghệ mà họ gọi là “phục hưng” văn học. Bob Kaufman gắn bó với thể thơ tự nhiên theo truyền thống ngẫu hứng và truyền khẩu nên thường khi nếu không bị đòi hỏi, ông ít viết xuống giấy những cái viết, ngược lại thường kéo theo vợ con đến những quán café ở San Francisco và trình diễn thuộc lòng những bài thơ của mình. Thơ ông “biến khúc” từ Tượng trưng qua Siêu thực, được đưa vào bài thơ là những nét đậm phản kháng chính trị và xã hội. Có thể nói Kaufman là một trong những nhà thơ từng nếm đủ mùi vị của cuộc sống trên đất Mỹ: những đe dọa bức bách từ chính quyền, những khó khăn thời ma túy và vào tù ra khám, vân vân đã đưa ông đến chọn lựa một đời sống tĩnh lặng. Một trong những giai thoại về Kaufman, là năm 1963, để phản đối chiến tranh Việt Nam, ông từng khời đầu một cuộc tĩnh tâm kéo dài mười năm, trong mười năm liền ấy, ông không nói và cũng không viết. Ngày kết thúc chiến tranh VN, ông bước vào một tiệm cà phê và đọc bài thơ “All Those Ships that Never Sailed” của mình. Ông là người từng được coi là nhà thơ jazz lớn nhất xưa nay: ở Mỹ người ta gọi ông là “con người bebop độc đáo”, không ít người tới nay vẫn cho rằng ông là người phát minh từ “beatniks”, trong khi ở Pháp, nơi thơ ông được nhiều người thích ngang hàng với thơ văn Ginsberg, Kerouac, giới văn học gọi ông là “anh chàng Rimbaud Mỹ Da đen”.
 
Thơ Bob Kaufman được City Lights Bookstore, San Francisco tuyển chọn và xuất bản trong hai ấn phẩm New Directions: Solitudes Crowded with Loneliness (1965) và The Ancient Rain: Poems 1956-1978 (1981), không kể mấy tập ra đời trước đó, như: Abomunist Manifesto (1959), Second April (1959), và Does the Secret Mind Whisper? (1960). Những bài trong tập The Golden Sardine (City Lights, The Pocket Poets Series, 1967, tái bản 1969, hiện đã trở thành hiếm) của ông được dịch và xuất bản ở Pháp (nơi ông được biết nhiều hơn ở Mỹ!) năm 1967, chung một tập với William Burroughs, Claude Pelieu. Đầu năm 1996, nhà Coffee House Press đã cho ấn hành tập thơ Cranial Guitar: Selected Poems của ông, do Gerald Nicosian biên tập.
 
Ông mất ngày 12 tháng Giêng năm 1986 ở San Francisco.
 
 

Ai từng nhìn thấy gió

 
Một nhà điêu khắc Tây ban nha tên Cherino
Đã từng nhìn thấy gió.
Ông bảo hình dáng nó giống một cuộn dây đồng cứng
Và nó xoắn vào rồi lại xoắn ra theo hình trôn ốc,
Rằng gió rất nặng
Và có thể làm dập ngón chân nếu rơi trên bàn chân ta.
Thế nên hãy cẩn thận khi bạn di chuyển gió,
Nó có thể đưa bạn vào nhà thương!
 
 
 

Ta đã xếp lại những buồn đau

 
Ta đã xếp lại những buồn đau trong vỏ phủ của đêm hè,
Chia phần cho mỗi cơn bão ngắn khoảng thời gian phân định,
Âm thầm đuổi theo những lịch sử thảm họa chôn vùi trong mắt ta.
Vâng, thế giới không phải là một Trò chơi Vũ trụ không ai tham gia,
Và mặt trời thì vẫn còn xa ta tới chín mươi ba triệu dặm,
Và trong rừng cây tưởng tượng, con hà mã tóc tỉa trở thành con
                          kỳ lân đồng tính.
Không, đường đi lại của ta không lẫn lộn những kẻ canh giữ tai họa
ngày hôm qua,
Những kẻ dám mổ ruột trên những lưỡi đâm nỗi đau hôm qua.
Những điệu blues xuất hiện trang phục như những tiếng dội
nội quang của những chuyến đi xa.
Và đúng thế, ta đã lùng kiếm những căn phòng trên mặt trăng vào
                        những đêm hè lạnh lẽo.
Và đúng thế, ta đã lại lao vào những cuộc chạm trán lở dở kia.
Giờ đây, chúng vẫn còn lở dở.
Và đúng thế, đôi khi chính ta đã mong muốn một cái gì khác.
 
Những bi kịch mỗi đêm đều được hát lên trong những buổi
tang lễ của nhà thơ;
Cái linh hồn người ta trở về thăm viếng được phủ trong hào quang
                                                                        của sự thân quen.
 
 
 

Đừng quên

 
Hãy nhớ, hỡi nhà thơ, trong khi ngao du qua bầu trời,
trong khi bay lượn, la hét, gọi tên... Hãy bước êm ái.
 
Dấu chân bạn trên mây mưa đôi mắt trần nhìn thấy được,
Những ngọn đèn bám chân bạn khúc xạ khoảng không phản chiếu.
 
Những mùi hương kỳ lạ của cái nhìn bạn che dấu bay trên
                                                   gương mặt thời gian.
 
Hãy nhớ đừng quên những sắc màu ngày hôm qua đang mất dần
Khi bạn hít vào giấc mơ nóng cháy ngày mai, thổi tới bằng đôi môi
                                                                        băng giá.
Hãy nhớ, anh bạn đại lý tay không của mọi thứ không là gì.
 
 
 

Đáp

 
gửi Eileen
 
Hãy ngủ đi, người em nhỏ, ngủ cho ta,
Ngủ thật sâu giấc ngủ tình yêu.
Em là người được yêu, dù thức hay mơ,
Em vẫn là người được yêu.
 
Những cơn gió nhảy múa sẽ hát cho em,
Những vị thần cổ sẽ cầu nguyện cho em,
Một nhà thơ nghèo lạc bước sẽ yêu em,
Như sao xuất hiện
Trên màu trời
đen tối.
 
 
 

Có lẽ

 
Ta phải hát một bài cầu hồn, khi những cạm bẫy đóng lại?
Có lẽ hét lớn những lời vô nghĩa còn thích hợp hơn.
 
Ta phải chạy ra đường, la lên những bản tình ca?
Có lẽ inh ỏi những lời thô tục còn phù hợp hơn.
 
Ta phải nhai những móng tay ta xuống đến tận cổ tay?
Có lẽ thổi điệu nhạc jazz vĩnh cửu còn hay hơn.
 
Có thể ta sẽ xếp gió lại thành những hình vuông gọn ghẽ.
 
 
---------------------
Dịch từ nguyên tác "Who has seen the Wind?", "I Have Folded my Sorrows", "Forget not to", "Response & Perhaps" trong Bob Kaufman, Solitudes Crowded with Loneliness, New Directions Publishing Corporation, 1965.
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021