thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Một kỷ niệm về bãi trường

 

Quatorze Juillet — 14 tháng Bảy — “ngày Bastille”, ngày “lễ quốc khánh” của Pháp... đã qua rồi. Cuộc diễu hành rầm rộ... dưới mưa trên đại lộ Champs Élysėes “kỷ niệm châu Phi độc lập” chỉ để gặt hái những lời... thị phi, khiến tôi nhớ đến tiếng “kêu thương” của một thằng tây con ở Sài Gòn sau hiệp định Genève: “Tội nghiệp mấy người tây quá mà... ăn hiếp mấy người tây quá mà...”

Thời “đô hộ giặc tây”, sau Quatorze Juilllet/14 tháng Bảy là... grandes vacances/nghỉ hè 3 tháng. Một khoảng thời gian “ngắn” hay “đằng đẵng” của “tuổi học trò” vào thủa ấy, nếu không tuyệt vời hạnh phúc cho tất thảy thì ít ra cũng vui cả làng nhóc... học sinh, con nhà khá giả hay con nhà nghèo nhưng được may mắn cắp sách đến trường. Vì nghỉ lúc đó là... nghỉ, chứ không nghỉ để đi... bán vė số như ngày nay, mặc dù chắc cũng đã có vài/nhiều “cô cậu” phải đi buôn đi bán cái gì đó để giúp đỡ gia đình, nhưng đó là... một chuyện khác.

Tất nhiên, tất nhiên ở mỗi cá nhân có rất nhiều chuyện vui buồn về nghỉ hè trong thời nô lệ/khai sáng đã xa xưa, kể tới mười ngày lẻ một đêm cũng chưa hết. Vì vậy hôm nay tôi chỉ xin mạn phėp kể lại một câu chuyện rất nhỏ — une toute petite histoire — về “thơ... nghỉ hè”, để chia sẻ với quí bạn. Vắn tắt (hay lê thê?) thì nó như thế này.

Năm lên 9 hay 10 tôi ở chung với anh chị Hai ở tỉnh lẻ Biên Hoà và đang học lớp nhì hay “lớp nhì hai năm” (cours moyen supėrieur?/deuxième annėe?). Sau “quatorze juillet” chị Dung — Phương Dung chị tôi, con thứ sáu trong gia đình — lên Biên Hoà chơi vài ngày rồi dắt tôi về Sài Gòn nghỉ hè trong nhà dì dượng Sáu. Trong dịp này, chị Dung có mang theo một món quà mọn cho tôi là một tập sách nhỏ (fascicule/brochure) mỏng dính, đơn sơ, không biết do ai in phát, gồm hai hay ba truyện ngắn và một bài thơ. Truyện ngắn tôi không nhớ, chỉ nhớ bài thơ, dù không nhớ trọn vẹn. Xin đọc/ngâm:

Hoa phượng đỏ sân trường
Hè sang ve kêu thương
Vụ hè này buồn quá
Em không về quê hương
 
Cửa trường đóng im dần
Xa dần nhịp gót chân
Ngày đi trong phẳng lặng
[...]
 
Quê hương em tiêu điều
Cửa nhà đều cháy thiêu
Người làng đi vắng cả
Có về cũng quạnh hiu
 
Đành sống giữa đô thành
[...]
 
Nhớ ngày vui xưa cũ
Em nhớ luỹ tre làng
Lũ mục đồng lang thang
Nghêu ngao đồng ngập nước
 

Chả nhớ tên tác giả. Là ai nhỉ? Thi sĩ hay học sinh? Bài thơ có thể đã chấm dứt một cách hụt hẫng với một khổ thơ cuối mà hai câu đầu không hợp vần như trước đó, có thể vì tác giả đã... bí thơ? Hoặc đã có thêm một đoạn cuối mà tôi không nhớ. Tất nhiên bài thơ không “phục vụ ngôn ngữ” (Sartre) mà chỉ “sử dụng chữ nghĩa” để — qua đôi mắt nhỏ bė và trái tim thơ trẻ — ghi lại... nỗi buồn chiến tranh.

Ông tây con (lai?) là một môn đệ ở lớp mẫu giáo của chị tôi. Sau 54 và hiệp định Genėve, một buổi chiều chị Dung về nhà kể chuyện anh tây con bị “ăn hiếp” khiến mọi người cười rộ. Buổi trưa hôm đó trong giờ ra chơi không biết chuyện gì đã xảy ra khiến đấng tây con (sắp xuống tàu rời Việt Nam?) đã đứng trong sân vừa dụi mắt vừa mếu máo: “Tội nghiệp mấy người tây quá mà... ăn hiếp mấy người tây quá mà...”

Một tiếng kêu ai oán hay một khẩu hiệu khôi hài mà hôm nay ta có thể/chỉ cần thay đổi cụm từ “mấy người tây” để có được một tiếng than khôi hài hay một cái khẩu hiệu ai oán mới toanh để tha hồ sử dụng trong mọi hoàn cảnh.

Mėc xì ông tây... con.

Cám ơn ông thi nhân... thần đồng.

 
 
----------------
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021