thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Proust, một kỷ niệm trong mùa mưa

 

Tháng 11 năm nay là kỷ niệm 100 năm cuốn Phía nhà Swann của Marcel Proust, một tác phẩm từng bị nhiều nhà xuất bản ở Paris, kể luôn nhà Gallimard (về sau sẽ là nhà xuất bản sách của Proust) từ chối. Proust đã phải bỏ tiền túi ra in tác phẩm của mình và quyển sách chào đời ngày 14 tháng 11, 1913, do nxb Bernard Grasset ấn hành, đánh dấu một kỷ nguyên mới cho văn chương nghệ thuật.
 
Tác giả Nguyễn Đăng Thường vì “tuổi già sức yếu, cảm hứng không còn dồi dào” nên ngại viết một bài mới. Tuy nhiên người bạn vong niên của chúng ta cũng ráng thức đêm ngồi gõ lại một bài viết cũ trong thời gian còn hăng say của tuổi thanh xuân, cùng với một bài viết của Hoàng Ngọc Biên (“a partner in crime”) gửi đến các độc giả hôm nay muốn biết về Proust hầu có thêm vài ý niệm về nhà văn tên tuổi của Pháp và tiểu thuyết Đi tìm thời gian đã mất.
 
Tiền Vệ

 

 

PROUST, MỘT KỶ NIỆM TRONG MÙA MƯA

Nguyễn Đăng Thường

 

Mùa mưa tháng Bảy năm nay là mùa kỷ niệm một trăm năm sinh của Proust.[*]

Một lần nữa, những độc giả quen thuộc của Proust cũng như những học sinh trung học Pháp sắp lên lớp mười hai ban triết lại được nghe nhắc đến, và như chính họ được nếm cái mùi vị của bánh madeleine — chiếc bánh ngọt nắn trong khuôn giống như cái vỏ hến Saint-Jacques còn giữ nguyên vẹn những đường gân — và cùng với mùi vị khó quên ấy, là căn phòng của dì Léonie, ngôi nhà màu xám tro có những bông hoa ngoài sân, khu vườn của Swann, nóc nhà thờ Martinville, dòng Vivonne êm đềm chảy làm rung rinh ánh sáng, những chiếc lá và hoa súng, và, cuối cùng, là cả thị trấn Combray và những vùng lân cận của thời niên thiếu vụt hiện về giữa mùa đông buốt giá của Paris, trong tách trà.

Một cuộc triển lãm tưởng niệm Proust đã được long trọng khai mạc tại Paris vào thượng tuần tháng Bảy vừa qua, với những nhân vật tên tuổi còn sống, với đầy đủ hình ảnh, tranh vẽ, họa phẩm, những cuốn sách đã in cùng bản dịch, những tập bản thảo dày cộm, bảo vật của Thư viện Quốc gia, với các trang vở học trò được dán thêm trang nối dài hai đầu gập lại, chi chít những hàng chữ li ti và những lời chú thích chồng chéo khiến người xem hồi tưởng lại trong giây phút căn phòng lót toàn liège và những năm cuối cùng trong đời, Proust nằm trên giường bệnh viết say mê không ngừng nghỉ để chiến thắng thời gian, với những chi tiết ngày tháng trong cuộc đời tác giả, những nơi Proust đã đi qua và ở lại.

Thế nhưng, cuộc triển lãm rất công phu và tốn hao ấy, chỉ mang đến thất vọng, và một cái gì đó tựa như là chua xót, và bất lực, bởi nó không làm cho người xem được đi vào — hay được bắt gặp lại — cái không khí dai dẳng, nhẹ nhàng, khó tả, cùng cái thế giới đậm đà, trong tác phẩm của Proust.

Một mặt, đám đông du khách (trong số này phải kể là người Nhật chiếm kỷ lục, với vô số máy ảnh, máy quay phim mang theo bên mình sẵn sàng chờ thu hình, bởi cuốn tiểu thuyết danh tiếng của Proust đã được chuyển sang tiếng Nhật, và Nhật Bản, trong đà tiến triển kinh tế và văn hóa vượt bực hiện nay, với sự hăng say sẵn có trong dòng máu và của kẻ đến sau, đang cố đi sâu và đi xa hơn các quốc gia đã tiên phong vào tác phẩm của Proust); mặt khác những khách du hành đổ xô về Illiers - Combray của Đi tìm thời gian... — đã chưng hửng khi thấy Illiers và sông Loir (xin chớ lẫn lộn với dòng Loire) — dòng Vivonne êm ả và thơ mộng trong tác phẩm — chỉ là một ngôi làng nhỏ rất tầm thường, và một con rạch tí teo gần như xấu xí nhất của nước Pháp.

Và, nếu như thế thì ít ra cuộc triển lãm nói trên cũng có phần lợi ích của nó, là nó đã cho mọi người thấy được rõ ràng rằng “thiên tài” không phải là kẻ đã ghi lại thật tỉ mỉ những thực tế hiện hữu bên ngoài, mà “thiên tài” phải là kẻ tự mình sáng tạo ra những cái đẹp chưa được biết đến, và nhất là sáng tạo ra cái thế giới riêng biệt của mình.

Đối với Proust, việc đi tìm lại quá khứ và thời gian đã mất chỉ là một cái cớ để xây dựng một một tác phẩm văn chương nghệ thuật biệt lập, tự nó đầy đủ (một quyển sách, Proust đã nói, là sản phẩm của một cái tôi khác với cái tôi mà chúng ta thường biểu lộ trong đời sống, trong các thói quen, tật xấu của chúng ta), một vũ trụ với ánh sáng của riêng nó, với những “mặt trời” của nó, tức là những nhân vật độc đáo do tác giả sáng tạo ra (Swann, Albertine, Oriane, Guermantes, Monsieur de Charlus) và những “vệ tinh” bay quanh các mặt trời ấy, theo định luật của chúng. Như một guồng máy văn chương tạo ra những hiệu quả nơi người đọc (Gilles Deleuze). Và, mặc dù tác phẩm của Proust dựa vào tiểu sử và lấy tiểu sử làm đề tài duy nhất, cuộc đời của Marcel người kể chuyện trong Đi tìm thời gian... và cuộc đời của tác giả không hẳn phải là một. À la recherche du temps perdu “vừa là lịch sử của một thời đại vừa là lịch sử của một ý thức”, Ramon Fernandez viết, “cái khám phá lớn của Proust là thế giới không những sắp đặt trật tự và tượng hình xung quanh chúng ta, mà nó còn ở ngay bên trong chúng ta, nó chính là chúng ta”.

Bởi thế cho nên bây giờ đọc Proust không phải là chỉ để tiếc thương một thời đã qua, một xã hội trưởng giả thượng lưu, hay quý phái đã về chiều, suy đồi và trống rỗng, dù có mãnh lực thu hút vô cùng của huyền thoại — một quá khứ; không phải chỉ để thấy những gác chuông nhà thờ Martinville, và Combray của những ngày xa xưa và các nhân vật một thời vang bóng hiện về trong tách trà, và thành phố Venise của những lần viếng thăm, nhà lễ Saint-Marc, bãi bể Balbec với bóng dáng yêu thương của Albertine và những cô gái tuổi hoa thấp thoáng lần đầu tiên bên ngoài khung cửa kính phòng ăn trong khách sạn, và sống lại theo những bước chân khập khễnh của người kể chuyện — một buổi sáng ngỡ ngàng chợt thấy mình không còn là đứa bé thuở nào thường hay cùng cô tớ gái Françoise ra ngồi chờ trên băng ghế hoặc đi dạo trên những lối đi ven đại lộ Champs-Élysées, thường hay ghen tương và hờn dỗi với Gilberte cô bé của mối tình đầu (cô con gái cưng của Swann và Odette, người Đàn Bà Áo Hồng ngồi xe song mã phủ kín rèm xuất hiện lần đầu tiên trong căn gác của người Ông Cậu đã khiến cậu bé Marcel mơ tưởng mãi) — mà mình đang là một kẻ, tuy chưa hẳn già nhưng mi mắt đã trĩu nặng, mái tóc đã có thêm nhiều sợi trắng, và giấc mơ (tác phẩm) của đời mình chưa có được một chữ nào — tất cả đã sống lại khi bước chân cao thấp đặt lên những phiến đá không đồng đều nhau trong sân nhà Guermantes, không phải là chỉ để tìm thấy sự minh chứng cho triết lý Bergson về thời gian và sự khơi dậy dĩ vãng bằng ký ức tự phát.

Bởi lẽ các thứ ấy giờ đây, ai ai cũng phải công nhận, chỉ là những trò ảo thuật, dù có tài tình nhưng vẫn mang tính trẻ con.

Đạo diễn người Ý, Luchino Visconti, đã cho biết đầu năm 72 ông sẽ khởi sự quay tác phẩm của Proust, nhưng chỉ chú trọng kể lại hai câu chuyện tình song đôi, gần như là một, chuyện tình giữa Swann và Odette, một “gái bao trai lơ” (courtisane, cocotte) và chuyện tình giữa Charlus với Jupien, một anh “thợ may hay thợ nón”. Odette, Jupien, hai cái tên với âm điệu cộc lốc, tầm thường như cá nhân họ, nhưng họ đã là đối tượng cho tình yêu trọn vẹn của hai con người ngoại hạng. Hiểu theo ý của Visconti thì đó là phần chính của cuốn tiểu thuyểt và là bí quyết tâm lý khiến nẩy sinh tác phẩm.

(Theo thiển ý của tôi thì những chuyện tình trong Đi tìm thời gian đã mất có thể chỉ là sự lập đi lập lại, không thôi, nhưng đã được nhân lên gấp trăm lần sự tuyệt vọng, và nỗi cô đơn đau khổ ban đầu, của cậu bé Marcel, từng đêm, từng đêm, khi cậu lo lắng, sợ hãi, bứt rứt đợi chờ chiếc hôn của người mẹ thân yêu để ru mình vào giấc ngủ).

“Một mối tình của Swann” (một phần nhưng rất quan trọng của quyển đầu Phía nhà Swann) đã kết thúc với câu nói chua chát, của Swann, về tình yêu và ảo tưởng của tình yêu: “Dire que j'ai gâché des années de ma vie, que j'ai voulu mourir, que j'ai eu mon plus grand amour pour une femme que je n'aimais pas et qui n'était pas mon genre.” Tạm dịch: “Vậy mà ta đã lãng phí nhiều năm của đời ta, đã muốn chết, đã dành trọn tình yêu lớn nhất của đời ta cho một ngưởi đàn bà ta không hề yêu, không thích hợp với ta.” (Cuối cùng, Swann đã kết hôn với Odette và kết quả là Gilberte, cô con gái cưng của Swann và mối tình đầu của cậu bé Marcel, người kể chuyện trong Đi tìm thời gian đã mất.)

Mùa mưa đã trở về, như một cái vuốt ve lên chiếc má nóng bỏng của những thị dân, những cơn mưa hè như thác lũ (tuy thế đường phố vẫn ồn ào náo nhiệt, vẫn bình thản, hình như vậy) không làm thay đổi được cuộc sống nơi đây, ngoại trừ những bực dọc nho nhỏ do chúng gây ra, những cây me trổ lá xanh non có thể làm dịu mát ít nhiều tâm hồn và trái tim những kẻ bận rộn, vất vả vì sinh kế. Mùa mưa đã trở về, cùng với mùa kỷ niệm Proust — cho “những ai biết yêu mến nghệ thuật, kẻ an ủi tài tình”, như Proust đã viết năm hai mươi tuổi, bởi vì, “những ảo tưởng của nghệ thuật là những thực tế độc nhất, và ta chỉ cần yêu thương chúng đôi chút thôi, bằng một tình yêu chân thật, đời sống của những sự vật đang bao quanh và đã nhận chìm chúng ta sẽ vơi dần; cái quyền lực khiến cho chúng ta sung sướng hoặc đau khổ rút lui khỏi chúng nó để vào nẩy nở trong trong tâm hồn chúng ta, nơi đó chúng ta biến nỗi đau ra thành vẻ đẹp — Proust, nhà văn của những khám phá mới mẻ về tâm lý phức tạp của con người, nhà văn đã sáng suốt dành trọn đời mình để đi sâu vào những ngõ ngách và hố thẳm của mọi tình yêu, tìm tòi những định luật chung về ái tình và con người, đã thẳng thắn mổ xẻ và đôi khi phóng đại cho chúng dễ được nhìn thấy hơn và có cơ hội thoát ra ngoài, những sự thật chung và những tình cảm bất ngờ ẩn núp ở những nơi thầm kín nhất bên trong chúng ta, nhà văn của bút pháp mới và hình thức mới cho tiểu thuyết. Đi tìm thời gian đã mất được đánh gíá như là một công trình kiến trúc vĩ đại, một ngôi thánh đường, theo chính lời tác giả, trong đó các tín đồ sẽ dần dà học hỏi được những thực tế và những hòa âm, một giao hưởng khúc chế ngự bởi những nhạc đề tình yêu, sự ghen tương, cái chết, ký ức và thời gian chen lấn nhau, lùi về phía xa, tách rời nhau, kết hợp lại... Chính những câu văn bất hủ, không thể bắt chước được của Proust, theo nhà phê bình Gaeton Picon, đã gọi về cái thế giới màu sắc và âm thanh hun hút của La Recherche, chớ không phải là cái thế giới ấy đã có sẵn và chúng (các câu văn) được sử dụng để ghi chép lại.

 

-----------------
Trích từ tạp chí Trình Bầy số 26, ra ngày 18 tháng Tám 1971. Tác giả có bổ sung thêm.

 

_________________________

[*]Tác giả viết bài này vào năm 1971. Marcel Proust sinh năm 1871. [Chú thích của Tiền Vệ].

 

----------------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021