thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Tranh collage của Nguyễn Ðăng Thường
Hoàng Ngọc-Tuấn phỏng vấn Nguyễn Ðăng Thường

 

Không đề (?)

Nguyễn Ðăng Thường, Sài Gòn, c.1970 (?)

 

Hoàng Ngọc-Tuấn: Anh sáng tác bức tranh này trong dịp gì và đích xác vào năm nào?

Nguyễn Ðăng Thường: Thưa anh, lâu quá nên không nhớ rõ, nhưng có thể vào khoảng đầu thập niên 70.

HN-T: Anh có đặt tên cho bức tranh không? Tên gì?

NĐT: Tôi chưa đặt tên “chính thức”. Tuy nhiên, tôi cũng có cho nó một cái “nickname”, gọi nó là “Circus/Xiệc” do cái không khí ảo thuật: màn nhung, sư tử, cái thang, cô gái lơ lửng dù chân có thể chạm trái đất, trong cảnh hoang vắng. Tôi tặng tấm hình cắt dán này cho anh Hoàng Ngọc Biên rồi quên luôn.

HN-T: Bức tranh được thực hiện như thế nào?

NĐT: Cái nền là hình chụp trái đất từ phi thuyền không gian, tôi cắt ra từ báo ảnh. Tôi thích cái không gian tĩnh lặng của nó, rồi tìm thêm các hình ảnh khác để lấp vào. Cái ảnh khoả thân có thể đến từ tờ Avant-Garde. Cái ảnh nông trại Pháp từ tờ L’Express mà tôi đặt mua mỗi tuần. Tấm màn và con sư tử thì tôi không nhớ tôi đã cắt ra từ đâu. Tôi cắt thêm một mảnh giấy và ba cái cây dán lên làm cái nền đất. Cái thang là những khung cửa của một cao ốc dán ngược. Tất cả được sắp xếp để tạo ra một ảo giác về sự thăng bằng do bố cục chặt chẽ, liên tục. Trong thực tế con sư tử và cái thang không chỗ tựa sẽ đổ nhào. Con mắt người xem có thể đi từ trên (cô gái) xuống dưới (chân thang) hay ngược lại. Tại sao có những hình ảnh “lạ lùng” như thế? Với tôi thì, trái lại, chúng rất “quen thuộc”. Tấm màn nhung đỏ từ trong tranh Magritte, tạo không khí kịch, sân khấu. Cô gái khoả thân bị trói tay hay nắm cái thòng lọng từ các cuốn phim hoang tưởng về bạo dâm của Alain Robbe-Grillet tôi xem ở Trung tâm Văn hoá Pháp thời đó. Con sư tử đến từ trong tranh Henri Rousseau. Cái thang đến từ câu ca dao “bắt thang lên hỏi ông trời...” Cô gái cũng có thể là hạt mưa. Cái nông trại để tạo một không gian biệt lập, vắng vẻ, thích hợp cho “màn kịch” đang xảy ra. Dạo đó mỗi tuần tôi đặt mua nhiều tạp chí, báo ảnh Pháp, Mỹ. Ngoài ra tôi còn mua thêm các tạp chí phế thải của lính Mỹ, nhân viên tòa đại sứ Mỹ, mà người ta bày bán la liệt trên vỉa hè đường Lê Lợi. Thấy có nhiều ảnh đẹp, bỏ uổng, tôi nghĩ đến chuyện làm collage để “save”. Tôi bắt đầu với thiệp Noël, thiệp Xuân, để khỏi tốn tiền mua. Trong tờ L’Express hay tờ Nouvel Observateur có một bài giới thiệu các collage “tìm thấy lại” của Jacques Prévert, tôi rất thích, và bài đó cũng đã gợi hứng cho tôi.

HN-T: Bức tranh này mang tính chất siêu thực, vì thế nó có thể được “hiểu” theo nhiều cách. Theo anh, người xem nên diễn giải bức tranh này thế nào?

NĐT: Đúng như anh nói, có nhiều cách hiểu về bức tranh này, vì nó là một thử “liên bản” do cắt dán, do đó tất nhiên cách hiểu hay cách diễn giải tuỳ rất nhiều vào trình độ của người xem. Người xem muốn diễn dịch tuỳ hứng thế nào cũng được, cũng hay, đó là cái quyền của họ. Nếu tôi đưa cho một chị giúp việc nhà coi, tất nhiên chị sẽ phì cười và nói “cậu vẽ cái gì mà kỳ cục quá”. Thay vì diễn giải, tôi chỉ xin gợi ý. Ðây có thể là một cảnh mà một người ngồi trong nhà nhìn ra cửa sổ một hôm bỗng dưng thấy nó hiện ra trước mắt. Hay nó có thể là giấc mơ của một anh nông dân cô đơn đang sống trong nông trại. Hay của một lữ khách lỡ bước tạm nghỉ chân qua đêm trong căn nhà bỏ hoang. Con sư tử là người xem tranh, là tôi, là anh, là anh nông dân, là người lữ hành. Cô gái là tình yêu/tình dục, hay một cái gì đó bị chế ngự, mà con sư tử muốn vươn tới khi trèo lên chiếc thang. Vân vân và vân vân. Tuy nhiên tôi nghĩ “diễn giải” chỉ là gấm thêm hoa. Susan Sontag chống diễn giải/diễn dịch. Thôi thì ta chọn sự trung dung vậy. Nếu cần thì diễn giải/diễn dịch, không cần thì thôi. Các bức tranh vẽ hoa của Georgia O’Keffe có thể là bộ phận sinh dục của hoa, hay của người. Nhưng trước tiên chúng chỉ là hoa. Dù sao các lọ hoa hướng dương của Van Gogh không thể là những cái giống của phái đẹp. Mà sao lại không nhỉ, nếu ta muốn? Với tôi, nếu người xem có một trình độ về nghệ thuật nào đó mà thấy bức tranh cắt dán hay tranh vẽ của tôi không xốn mắt, có thể treo tường hay để trên giá sách mà vẫn sống chung với nó được, là được rồi. Tôi không đòi hỏi gì thêm.

HN-T: Cảm tưởng của anh khi bức tranh đã thất lạc này được anh Hoàng Ngọc Biên tình cờ phát hiện và “cứu sống”?

NĐT: Rất vui, như tình ngỡ đã... Nhưng vui và hạnh phúc chừng năm, mười phút thôi. Do bởi tôi dị ứng những cái gì mình làm ra, viết, vẽ, cắt dán... nên không thiết giữ. Ngược lại, tôi rất trân trọng tác phẩm của người khác mà tôi thích, nên tôi sưu tầm, cất giữ. Nhưng tồn kho nhiều quá thì không đủ chỗ mà cũng chẳng biết sẽ để lại cho ai, vì gu tôi chưa chắc hợp khẩu vị người khác. Tôi có xé bỏ hai ba cái tranh cắt dán, nghĩ lại hơi tiếc. Nhưng may thay tôi đã giữ tập Thánh Ca của thi sĩ Nguyễn Tôn Nhan.

HN-T: Trước 75, anh thường sáng tác những bức tranh collage. Từ khi sống ở nước ngoài, anh có thường sáng tác tranh collage nữa không?

 

Just What Is It That Makes Today’s Home So Different, So Appealing?

Richard Hamilton & John MacHale, 1956

 

Batman / Người dơi

Nguyễn Ðăng Thường, Sài Gòn, c.1970 (?)

 

NĐT: Thưa anh không. Tôi gần như bỏ hẳn, vì không có nhiều thì giờ rảnh như ở quê nhà, và vì đã có máy vi tính để thay thế. Một trở ngại khác nữa, tuy nhỏ mà rất to, là vì các loại keo bây giờ (super glue) không thích hợp với kỹ thuật của tôi. Collage có thể bị dơ do dính keo, mà tôi thì muốn tác phẩm của mình phải toàn hảo, sạch sẽ, không tì vết, trên phương diện kỹ thuật. Ngày xưa, từ thời tiểu học, tôi xài một loại keo trắng của Pháp. Loại “colle” này — hình như chế biến bằng bột khoai tây — rất sạch khi làm các collage nho nhỏ trên giấy. Tôi xài từ nhỏ nên đã quen. Trong thập niên 90 người ta vẫn còn bán thứ “colle” đó, nhưng phải mua tận... bên Tây. Nay tôi muốn tìm mua lại nhưng không nhớ tên, mà cũng có thể là họ đã thôi sản xuất rồi. Nếu làm collage lớn thì tôi khuấy hồ dán, rồi phết lên một lớp vẹc-ni. Tôi có làm được một cái collage trừu tượng khá lớn, dán trên khung bố, với các ô vuông gamme đỏ, phỏng theo các hoa văn của Klimt, treo trên gác, được anh Hoàng Ngọc Biên và anh Nguyễn Ðồng thích. Anh Nguyễn Ðồng cũng có đem bốn tấm collage đóng khung của tôi ra Vũng Tàu triển lãm chơi: 1/ Tấm “Batman/Người dơi”; 2/ tấm “Crépuscule/Hoàng hôn” (một chiếc thuyền trôi trên nhánh sông nhỏ về phía chân trời có mặt một trời tròn vo, đỏ hồng, cái thuyền là đôi chân của một cô gái khoả thân mà tôi cắt từ tờ Avant-Garde, cái nền là một tấm ảnh cắt từ tờ National Geographic); 3/ tấm “La Tour/Tầng tháp” (là một cái tháp cao có hai cánh bướm đêm màu xám làm bằng những cặp vú, bay lượn), cả hai tấm “Crépuscule/Hoàng hôn”“La Tour/Tầng tháp” đều đã thất lạc; 4/ tấm “Ulysse/Quê hương người về” (anh Nguyễn Ðồng nói có cô vợ trẻ của một ông dân biểu muốn mua với giá 2, 3 ngàn, một số tiền khá to cho một cái collage cỡ trang giấy học trò, nhưng vì tôi dặn không bán nên anh Ðồng mang về trả lại cho khổ chủ, nên vẫn còn).

Tuy thế, tôi cảm thấy tranh của mình quá lai căng, khổ nhỏ, thiếu dân tộc tính, nên tôi không tiếp tục. Tóm lại, khi sáng tạo lúc ấy — và ngay cả bây giờ — tôi cảm thấy cô đơn, không đối tượng. Khi “chạy” ra xứ ngoải năm 74 tôi tháo bỏ mấy cái khung khá đẹp mà tôi đã đặt làm tại một tiệm các chú ở khu Chợ Cũ phía đại lộ Nguyễn Huệ, gần kho bạc.

HN-T: Anh thích tranh collage của những hoạ sĩ nào? Picasso, Braque...?

NĐT: Picasso, Braque, nhóm Dada, dĩ nhiên. Rồi Prévert. Còn các collage cubiste của Braque và Picasso về sau này thì tôi thấy quá trừu tượng, quá kỷ hà, hơi khô khan. Khi khám phá mấy bức collage của Romare Bearden trong tờ Time Magazine, tôi mê quá, lại muốn bắt chước, nhưng rất khó chuyển cái không khí, cái thế giới da đen ấy sang da vàng, chí ít là vì không có chất liệu, không có những tấm hình thích hợp. Collage của Romare Bearden khổ rất lớn, có khi là những tấm bích hoạ (mural) dài cao cả mấy thước.

 

Return of the Prodigal Son

Romare Bearden, 1967

 

Three Folk Musicians

Romare Bearden, 1967

 

HN-T: Trong số những bức tranh collage của anh, anh hài lòng với bức nào nhất? Bức nào gợi lại những kỷ niệm thú vị nhất?

NĐT: Với tôi, tranh cũng như thơ, cái nào cũng nhất. Vài phút sau thì tôi chán ngấy. Tôi còn rất nhiều thơ đã làm xong nhưng không muốn/không dám gởi đi, nhiều bản dịch, nhiều bức tranh vẽ trên bố và tranh digital bỏ dở. Mấy bức chân dung của anh, khổ nhỏ, khổ lớn, vẫn còn để đó. Xấu hổ quá. Shame on me. Phần vì lười, cảm hứng đột phát đột tàn. Phần vì e người mẫu bất đắc dĩ không thích. Nhưng tôi sẽ cố gắng hoàn tất một bức gởi anh giữ làm kỷ niệm. Thú vị nhất thì có thể là cái collage “The Beatles/Tứ quái” tôi tặng cho một anh bạn Mỹ vì anh ta xin. Tôi lấy tấm cận ảnh khá to của bốn chàng tứ quái, khoét bỏ các khuôn mặt rồi lồng vào đấy với các đôi mông hay cái gì đó tôi không còn nhớ, rất tếu. Một bức khác sử dụng các quả táo (pomme) xanh, bắt chước tranh Magritte, tặng cho một anh bạn Việt Nam vừa tốt nghiệp dược sư treo phòng khách khai trương căn nhà mới mua. Tôi cũng có làm một cái sculpture-collage với các vật dư thừa trong nhà như đinh ốc, chui đèn, lò xo, xịt sơn kim nhũ (mạ vàng) khá xinh, tôi còn giữ nhưng trong tình trạng khá bi đát.

 

Hè/L’Été

Nguyễn Ðăng Thường, Paris, 1975

 

Hè/L’Été (digital)

Nguyễn Ðăng Thường, London, 2010

 

HN-T: Một bức tranh collage của anh — bức “Quê hương, người về” — đã gợi hứng cho anh Hoàng Ngọc Biên viết hai bài tuỳ bút: “Quê hương, người về” (1971, Sài Gòn) và “Quê hương, người về [âm bản]” (2000, Salt Lake City). Cả hai bài tuỳ bút này đã được đăng chung thành “QUÊ HƯƠNG, NGƯỜI VỀ [& âm bản]” trên Tiền Vệ.

Anh đã thực hiện bức collage “Quê hương, người về” vào năm nào, ở đâu, và nguyên nhân nào đã khiến anh thực hiện?

 

Ulyssé / Quê hương người về

Nguyễn Ðăng Thường, Sài Gòn, c.1969-1970 (?)

 

NĐT: Năm nào thì tôi không nhớ, nhưng chắc chắn là vào cuối thập niên 60 đầu 70. Ðề tài “quê hương người về” thì do trí tưởng tượng dồi dào của thi sĩ Hoàng Ngọc Biên, có thể qua giải thích sơ sài của tôi về nội dung cái tranh. Bởi lẽ lúc đó chưa có ai nghĩ đến chuyện ra đi hay trở về. Tấm ảnh làm nền cắt ra trong tờ Life, cái hình khoả thân án ngữ chân trời là một bức “nu” của một danh họa nào đó có thể trong cuốn L’érotisme của Georges Bataille. Hình ảnh một kẻ lang thang trên bờ biển, không hiểu sao, đã khiến tôi nghĩ đến Ulyssé trên đường về sau mười năm xa cách. Pénélope hiền thê khoả lấp chân trời, ám ảnh người về. Tôi dán thêm ảnh Mécropole của Hy-lạp và các tượng khoả thân màu đỏ bên tay phải để gợi lại không khí của cổ thi Hy-lạp. Mé trái, dưới cánh tay của hình khoả thân, cũng có hai hình phụ nữ bán khoả thân tí teo. Biển và bờ Ðịa Trung Hải cũng khiến tôi nhớ đến cuộc đi dạo của Meursault, ngưới xa lạ trong cuốn truyện của Camus. Nhiều ý tưởng cùng đến trước khi lựa chọn, cắt dán. Ngoại cảnh ở đây chính là nội tâm của kẻ đang bước đi.

HN-T: Cảm tưởng của anh về hai bài tuỳ bút của anh Hoàng Ngọc Biên?

NĐT: Thi vị và thú vị. Chí ít là vì bởi các trò chơi nghệ thuật của tôi không quá uổng công.

HN-T: Không hề uổng công chút nào cả, thưa anh. Mong anh tiếp tục các trò chơi nghệ thuật đầy thi vị và hứng thú.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021