thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Kẻ chờ xe
Bài đọc sách Chuyến xe (truyện của Hoàng Ngọc Biên)
đăng lần đầu trên tạp chí Văn số 15 tháng Ba 1998, California.

 

Nguyễn Đăng Thường

 

KẺ CHỜ XE

 

Từ lúc lọt lòng mẹ cho tới khi về lòng đất, con người luôn sống trong chờ đợi. Chờ đợi là hy vọng. Ngay cả khi chờ đợi chuyến tàu suốt, người ta cũng hy vọng. Hy vọng đến thật sớm, thật muộn, hay không bao giờ đến. Chờ đợi, hy vọng là lẽ sống, mà cũng là bi kịch của con người.

Chuyến xe của Hoàng Ngọc Biên là một chờ đợi được lồng vào bối cảnh miền nam Việt Nam sau 75. Chờ đợi ở đây là chờ đợi một chuyến xe lửa để lên đường. Kẻ chờ xe là một người đàn ông không trẻ chưa già. Nơi đợi là một công viên cỏ khô lá khô với vài thân cây khẳng khiu, và một chiếc ghế băng đóng bằng gỗ tạp đã ngả qua màu trắng của nắng mưa. Thời gian chờ đợi có thể là một khoảnh khắc đôi ba ngày, hay là cả một thiên thu.

Cái phố quận đìu hiu, cái ga xép, cái công viên nhỏ xíu, là một thứ no man’s land – một nơi hoang vắng – có thể thuộc về Việt Nam hay ở bất cứ đâu. Tựa như căn lều tròn trắng xoá trong cái truyện Beckett, nó là một không gian khép kín, chật hẹp, nhưng cũng rất bao la, có thể là biểu tượng của cuộc đời – của cõi sống.

Chuyến xe là “truyện”, là “chuyện hư cấu”, là “ficcion” (Borges). Tôi nghe nói một nhà thơ tên tuổi nọ có dịp đọc tác phẩm trước khi in, đã có gợi ý dùng “thơ” thay cho “truyện”. Mỗi chương, như vậy, sẽ là một bài thơ văn xuôi? Gợi ý như vậy kể cũng... hay, nhưng e sẽ gây ngộ nhận. Chuyến xe lai láng chất thơ, nhưng tranh trừu tượng đôi khi cũng toả thơ. Mặt khác, bút pháp của Hoàng Ngọc Biên không thuộc loại “prose poétique”, hiểu theo nghĩa thông thường là có mỹ từ và hình ảnh được làm đẹp. Chuyến xe gồm cả thảy tám chương. Để độc giả có vài ý niệm về cái/cuốn truyện tiếc thay không được phát hành rộng rãi này, người viết xin thử làm cái công việc lẽ ra không nên làm, là đặt tiểu đề cho mỗi chương.

Chuyến xe, hay là

1. Công viên – ngày

2. Cái gì đã qua cho qua luôn

3. Bệnh nói năng loạn xạ

4. Công viên – đêm

5. Người bạn đầm lai

6. Những kỷ niệm của nhà hoạ sĩ tút hình

7. Tờ báo cũ

8. Con ruồi

Tôi không rõ chất thơ trong Chuyến xe phát xuất từ đâu. Có thể từ những tình huống bi thảm, trớ trêu, siêu thực, buồn cười, mà lịch sử ưa nghịch ngợm thường xô đẩy con người vào. Hay giản dị hơn, rất có thể từ chính cái không gian/không khí trống trải, từ chính cái giọng nói ôn tồn, kể lể, thản nhiên, không thơ? Được cấu trúc bằng những từ/cụm từ lặp đi lặp lại, câu văn Hoàng Ngọc Biên rất dài nhưng cân đối, đầy âm nhạc. Cái đẹp, cái nghệ thuật từ ngòi bút Hoàng Ngọc Biên khiến tôi thấy phấn khởi vô cùng. Với tôi, hình ảnh đứa bé “đi ỉa ngoài đồng chỉ cần lấy cục đất tròn chùi đít rồi nhảy xuống sông bơi lội trên cây chuối” cũng đẹp, cũng thơ như “một cơn gió mạnh từ hướng sông thổi vào, hất tung những đám lá khô trong công viên... bây giờ cuộn tròn trên không trung lẫn vào đám lá vàng trên cây bay tơi tả, lá cũ và lá mới lao xao, lấm tấm hai sắc vàng và nâu phủ kín cả trời đất...”

Có phải viết về những cái mà người khác không buồn để ý tới là đối tượng chính của các ngòi bút sáng tạo? Nếu không thì ít ra nó cũng là trọng tâm của tác giả Chuyến xe. Trong giới viết lách Saigon ngày xưa, tên tuổi Hoàng Ngọc Biên gắn liền với nouveau roman hay tiểu thuyết mới, cuộc cách mạng văn chương cuối cùng trong thế kỷ này, đã đột ngột xảy ra ở Pháp vào khoảng đầu thập niên 50. Đại khái nó đề nghị một lối viết mới, một cách nghĩ khác, một cái nhìn tỉ mỉ đặt lên sự vật trong đời thường, tường trình/miêu tả từng chi tiết bé nhỏ và tránh nhân cách hoá. Sự việc (chứ không phải tình tiết) tràn ngập tiểu thuyết của Michel Butor. Đồ vật xâm chiếm truyện của Alain Robbe-Grillet. Đồ vật dĩ nhiên là phải có mặt trong Chuyến xe để thay thế cho những tình tiết. Chúng – một khung ảnh nhỏ không còn hình, hai cái lược đồi mồi, dăm ba cuốn kinh mỏng bìa vàng, một bài báo nói về bệnh gan... – là vết tích “lạ lùng” và “bí hiểm” của yêu thương mộng ước đã tiêu tan, của một thời đại đã quá vãng, của những năm tháng đã vĩnh viễn phai tàn.

Ngoài các thứ lỉnh kỉnh là của cải duy nhất mà hôm trước khi đi, người đàn ông đem bán, cho, hay vứt bỏ hết, cái gì đã qua cho qua luôn, ta còn thấy, chẳng hạn, một cái vòi nước rỉ chỉ giọt những giọt nhỏ tí xíu màu gạch đỏ, một chiếc sơ mi nội hoá cổ đính nhãn hiệu made in usa, một miếng bánh mì không với mùi bột cháy rẻ tiền... Tôi nhớ gì kể nấy. Chúng có thể là biểu tượng hay chỉ là những thứ sẵn có để cho người đàn ông ngắm nghía, khoác lên mình, bỏ vô miệng, hay đúng hơn chỉ mút mút vài cái (miếng bánh mì không) như người ta ăn kẹo. Miếng bánh mì, đâu cỡ một phần tư cánh tay, đựng trong cái túi vải đỏ, là thức ăn duy nhất người đàn ông mang theo mình để phòng thân, “yên trí là nếu chẳng may nổ ra thêm những cuộc đổi đời khác nữa, tôi vẫn có cái để nhấm nháp qua ngày...”

Chuyến xe là một cái truyện không giống ai trong văn chương Việt Nam. So với Người đạp xe vào thành phố buổi sáng (ra mắt đồng thời ở Nhà xuất bản Trình Bầy), nó có da có thịt hơn vì đã lên tới 68 trang chữ lớn. Chạm mặt với cái khác lạ, những kẻ yếu bóng vía thường vắt giò lên cổ. Riêng tôi, tôi mua vui rất nhiều với Chuyến xe. Mỗi đoạn, mỗi trang là một khám phá tuyệt vời đầy ngạc nhiên hứng thú. Cười gần bể bụng với câu chuyện tút hình “các đồng chí”. Buồn muốn đứt ruột với câu chuyện lá thư của người vợ gửi cho chồng trong kháng chiến. Và còn nhiều, còn rất nhiều những xúc cảm khác nữa. Đó là cái chắc. Cái không chắc... là những suy gẫm trong bài này!

Theo thiển ý, mục đích chính của truyện và tiểu thuyết hẳn là để mua vui, nói rõ là đem vui đến cho người khác. Không, hãy thành thật, và hãy nghiêm chỉnh, dù chỉ là ở chỗ này: đọc truyện, ta mua vui trước, suy gẫm sau, nếu muốn suy gẫm. Có vui mới có đọc, mới có suy gẫm. Không vui thì không đọc, không suy gẫm. Tất nhiên cũng có những cuốn truyện chỉ để mua vui mà thôi. Nhưng xét cho cùng thì mọi thứ đều đáng cho ta nghĩ ngợi. Luận bàn về loại văn chương “rẻ tiền” (nhưng hốt bạc) vẫn khó hơn là tấm tắc về Truyện Kiều. Có khác nhau chăng là ở cái quan niệm mua vui nơi mỗi người. “Đã đành con người ta có óc để suy nghĩ, nhưng tôi không suy nghĩ làm gì cho mệt óc”, người đàn ông nói, người đàn ông vô danh như từng nhân vật chợt hiện về trong trí nhớ mình, người đàn ông ngồi/nằm độc thoại trên chiếc ghế băng chờ chuyến xe lửa đã từ mấy hôm. Chờ, và sau cùng, trong buổi trưa nắng như thiêu đốt, chiếc xe đã đi qua mất trong lúc hắn thiếp ngủ. Thế là hắn phải bắt đầu lại từ đầu: tiếp tục ngồi/nằm trên chiếc ghế băng cũ trong cái công viên vắng vẻ kia, tiếp tục chờ đợi một chuyến xe...

Xin trích dẫn một đoạn tôi cho là khá tiêu biểu: “Thế nhưng càu nhàu cũng là càu nhàu thế thôi, rửa mặt hay không rửa, đó đâu phải là vấn đề, và có thể nói từ gần cả năm nay, nói thành thật, tôi chỉ rửa mặt khi tự nhiên thấy vui, mà tôi thì ít khi vui, và cũng có thể nói, do đó, là với tôi rửa mặt là một việc làm tuyệt nhiên có tính tâm lý, nó như những hiện tượng ta vẫn gọi là nổi hứng, là động cỡn...”

 

 

Kẻ chờ xe là một anh chàng kỳ cục không giống ai, vì tóc bù xù râu xồm xoàm, hay vì những cảm nghĩ, những hành động ngoài khuôn khổ?

Một trong những hành động “ngoài khuôn khổ” đó là bóp cổ huyền thoại tình nhớ/thương hoài ngàn năm – cái gì đã qua cho qua luôn – dẫu hắn cũng có bồi hồi “khi quơ phải tấm hình một người bạn gái thời tiểu học, con bé người Minh hương có đôi mắt đen và sâu”. (Ậy, tôi đâu có bảo hắn là một con người khô khan tình cảm!). Hắn có thừa điều kiện để đóng vai con người lạc loài cô đơn trong một xã hội luôn luôn xa lạ, xã hội (cộng sản hay tư bản) không ngừng thay đổi từng giờ, từng phút, mặc dù hắn không than van hay hờn oán ai cả, mà chỉ tỉnh bơ nhỏ nhẹ tìm cách lý giải cuộc sống và những cái dị biệt của mình. Thời gian tạo dựng và tiêu diệt, trí nhớ là vòi nước rỉ, là miếng bánh mì thỉnh thoảng ta lấy ra mút mút vài cái: không còn gì không có ai, cô độc và trơ trụi là số phần của kẻ chờ xe, là thân phận của con người hiện đại trong một thế giới không “phi lý” hay “có ý nghĩa”, mà chỉ “hiện hữu”, vì đã vắng bóng Thượng Đế. Tuy có vẻ mâu thuẫn, ta vẫn có thể bảo là cốt chuyện của Chuyến xe vừa trừu tượng (một ẩn dụ) vừa hiện thực (một cái ảnh thời sự). Hư cấu, nhưng từ một hoàn cảnh thật, một cuộc đời thật.

Các truyện của Hoàng Ngọc Biên không lê thê bề bộn, vì chữ nghĩa được nâng niu đãi lọc kỹ càng, mỗi từ được ông sử dụng như một nốt nhạc. Ông thường tỏ ý muốn vứt bỏ hết những cái ông viết, mà (ít ra là hơn một lần trong Chuyến xe) ông nghĩ chỉ là chuyện nhảm nhí, “chắc gì có người đọc”.

Làm hoài. Thất bại mãi. Chả sao. Làm nữa. Thất bại thêm. Thất bại rực rỡ hơn. Nói theo kiểu Beckett, thì Chuyến xe là thất bại rực rỡ nhất của nhà văn Hoàng Ngọc Biên. Thông thường mà nói thì nó là một kiệt tác.

Kẻ chờ xe đã lỡ chuyến. Thế nhưng nếu đuổi kịp, chiếc xe sẽ đưa hắn đến đâu? Chính hắn cũng không chắc đã rõ. “Và ngay cái giây phút tuyệt vọng đó, ngay cái giây phút người ta có thể đập đầu vô đá đó, tôi nghe có ai nói với tôi, hoặc chính tôi nghĩ, hoặc chính tôi nói không chừng, một nội dung thật là vô nghĩa, vang lên như một lời hăm dọa giễu cợt: cũng tốt thôi!”

Cũng tốt thôi! Bởi chiếc xe có thể là con tàu cứu nguy, cũng có thể là chuyến tàu suốt, hoặc cả hai.

Cũng tốt thôi. Bởi ở đâu chúng ta cũng đều là những kẻ chờ xe...

 

NGUYỄN ĐĂNG THƯỜNG
London, tháng Chạp 97.

 

Chuyến xe của Hoàng Ngọc Biên,
sách khổ 53/8 x 83/8, 68 trang,
bìa Nguyễn Hồng, ảnh bìa Nhan&Dan Studio,
Trình Bầy xuất bản, 1997.

 

 

----------------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021