thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Nhà thơ nói về thơ tình: Nguyễn Đăng Thường
Chân thành cảm ơn nhà thơ Lý Đợi đã thay mặt tôi,
tiếp xúc với nhà thơ Nguyễn Đăng Thường, để thực hiện bài phỏng vấn này.
Trần Nhuệ Tâm

 

 

Thời thanh niên ông đã yêu bài thơ tình nào? Nếu ngay lúc này, trở lại tuổi mười tám và người yêu của ông muốn nghe ông đọc một bài thơ tình, trong những bài thơ tình ông biết (sau thời kỳ tiền chiến) ông chọn bài nào?

 

NĐT: Hồi nhỏ ở trường có môn ám đọc nên tôi phải học thuộc lòng vài bài thơ tình, tuy chúng không được phân biệt như thơ tình, mà chỉ là thơ của một tác giả có trong chương trình, như bài “Le lac” của Lamartine.[1] Thích nhất lúc đó là những bài sonnet của Ronsard[2] viết tặng các nàng Cassandre, Marie, Hélène. Thơ Việt tôi thích “Khóc Bằng Phi”, “Khóc ông Phủ Vĩnh Tường”, “Thương vợ” (Trần Tế Xương). Đây là những bài thơ tình với tình cảm chân thật về những con người bình thường, vợ chồng có thật, không xinh như mộng chẳng đẹp như trăng. Với tôi, chúng là những bi kịch ít lời, đau nhói, so với những tuồng cải lương sướt mướt của thơ tình lãng mạn. Vũ Hoàng Chương, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bính, Đinh Hùng và vài nhà thơ khác, tôi chỉ đọc khi đã ra hải ngoại và tìm đọc lại văn chương Việt Nam. Tác giả bài “Ghen” có một câu lục bát lắc rumba-cha cha cha khá thú vị: “Buồn hương bóng bóng mình mình / Gió hiu hiu hắt qua mành mành hoa...” Thời thanh niên tôi đọc thơ tình Apollinaire, Aragon, Éluard, Cendrars, Genet, Neruda, Shakespeare (sonnet). Và thi tập Toi et Moi của Paul Géraldy,[3] một best-seller của thập niên 30-50, nhất là đối với phụ nữ. Tác giả này chỉ là một nhà văn nhỏ. Tập thơ do người anh rể tặng chị tôi, tôi tò mò lấy đọc. Bài “La chanson du mal-aimé” của Apollinaire rất tuyệt. Bài “Le condamné à mort” của Genet, đồng tính, táo bạo, trữ tình, cũng là một tuyệt tác của thơ Pháp. Aragon có bài "Les yeux d'Elsa" nổi tiếng. Éluard có thi tập “Derniers poèmes d’amour” tuyệt vời. Phía ta, tôi thích bài thơ văn xuôi “Lễ tấn phong tình yêu” của Tô Thùy Yên. Bài thơ này khá dài, có nhiều câu rất dễ thương: “Em là chiếc thuyền thời thượng cổ chở đến anh hoa trái tốt tươi ngọt ngào của miền đất anh biết qua thần thoại. Em là dòng suối trong veo nhí nhảnh chảy mang theo nhan sắc của bầu trời, dòng suối đưa chân anh vào hứa địa. / Tháp đôi thân thể vào nhau, anh nhân lên với em thành vô vàn khoái cảm. Với linh hồn xao xuyến của rừng thu, anh trút sạch lá vàng đau khổ cũ.” Tôi thích thơ Yên thời kỳ Sáng Tạo, Văn Nghệ. Tôi chưa được hân hạnh gặp ông lần nào, nhưng mới đây ông có gởi tặng tôi tập Thắp Tạ của ông qua một người bạn thân của tôi là họa sĩ Nguyễn Đồng ở California, khiến tôi rất xúc động. Của nhà thơ Viên Linh tôi mến bài thơ này:

Nàng đi đã xa rồi
Bấy giờ một mùa rét lại
Tôi co ro cánh chim
Lủi vào thành phố tiêu điều
Thôi chẳng còn chi
Tấm gương rạn trên bàn
Cùng bóng tối
Tôi nuốt lệ ngồi yên lặng chơi.
                ("Mùa rét trước")

 

Giả sử một ngày mai ông đối diện với ba sự kiện — Thứ nhất: Người yêu muôn thuở bước ra từ giấc mơ. Thứ hai: Cuộc cách mạng nhân văn. Thứ ba: Người ngoài hành tinh mời ông đi du lịch một chuyến. Trong ba sự kiện, chỉ được phép chọn một. Ông chọn sự kiện nào để làm bài thơ lớn của đời ông? Tại sao?

 

NĐT: Cả ba đều không hấp dẫn đối với tôi, mặc dù số một có thể giúp tôi trả thù duyên kiếp. Rủi thay, tôi không có người trong mộng như ông Hàn Mặc Tử. Cách mạng là con dao nghìn lưỡi, là máy chém, dù đứng về phía nào sớm muộn gì rồi cũng tới cái mạng mình. Hành tinh tôi muốn đến là Hollywood.

 

Ông có tin một bài thơ tình biết phản bội không? Ông có từng rơi vào trường hợp bị một bài thơ tình đưa vào cảnh trớ trêu, thậm chí vì một bài thơ tình nào đó mà ông bị em đá đít không? Ông có nghĩ hiện nay mọi người đang có nhu cầu đọc thơ tình thuần khiết không?

 

NĐT: Đừng gán đức tính con người cho thơ. Chỉ có con người mới có những hành động tuyệt vời như phản bội, nếu nói theo Genet. Tôi có làm một bài thơ tình, độc nhất. Hay đúng hơn một bài nhại thơ tình, đăng trên Hợp Lưu hay tạp chí Thơ khá lâu rồi:

yêu em
           tôi vác
           cày
qua núi
      ("Nông phu")

Với bài này tôi muốn nhắc lại và minh họa kiểu làm tình “vác cày qua núi” trong Kama Sutra: người nữ (hay nam) làm cày nằm gác chân lên vai người cày. Hai chân người nữ (hay nam) được thể hiện bằng cụm từ “yêu em” và “qua núi”. Chẳng biết độc giả có hiểu được ý tôi không. Làm để kỷ niệm một buổi tối nghe chuyện tiếu lâm ở Quang Trung, lúc một số giáo chức phải nhập ngũ chín tuần. Cũng có cái nháy mắt hài về phía thơ xã hội chủ nghĩa (nông phu), nhưng chắc không ai đọc hay để ý. Nhu cầu thơ tình thuần khiết? Có chứ. Dù tôi chưa rõ nó phải thuần khiết như thế nào.

 

Một quan niệm chung cho rằng cái đẹp tình yêu và những bài thơ viết về tình yêu là bất biến. Ông có cho rằng trong 10.001 năm nữa thơ tình chẳng cần thay đổi? Rằng mặc kệ các thời đại, không cần phải đưa chất liệu mới vào thơ tình? Ngày mai ông có tin rằng con ông sẽ đọc cho người yêu nghe thơ tình của ông hoặc bài thơ tình mà ông đã thích?

 

NĐT: 10.001 năm là một quãng thời gian mịt mù. Nhân loại còn sống tới đó hay không? Nhưng thôi, đừng thắc mắc. Tôi nghĩ thơ Việt và nhạc Việt tới nay vẫn quan trọng hóa mối tình đầu và đối tượng nữ độc nhất quá mức, khiến nhạc sĩ nhà thơ như ký sinh trùng, không thể sống một mình khi người tình cũ đã “sang sông”. Ông Vũ Hoàng Chương viết: “Đời vắng em rồi say với ai”. Trên thực tế, ta vẫn có thể say được chứ (á phiện và rượu như nhà thơ) dẫu đời ta đã nhẵn nhụi hết cả, trừ á phiện và rượu, tất nhiên. Cũng có thể hiểu say là say tình, say đời, say nhạc, say thơ, say phở hay say cái gì khác, nhưng vẫn không thể bác bỏ lập luận của tôi. Tôi có được vinh hạnh thấy mặt ông Chương xa xa, vài lần, ở Chu Văn An. Tác giả câu thơ “lui đôi vai / tiến đôi chân / bốn tường gương điên đảo bóng giai nhân” ("Say") vang lừng một thủa, lúc đó đã già yếu, má hóp, nhưng áo quần vẫn chỉnh tề, luôn luôn cà vạt com-lê trắng, và nón nỉ, rất thanh niên Hà Nội 30. Ông Chương dạy Việt văn.

Vài hình bóng cũ: Trong phòng giáo sư vào giờ ra chơi, nơi chiếc bàn formica mênh mông đỏ có những tách trà con con, các cụ ngồi một đầu gần cửa ra vào cạnh chiếc bàn nhỏ có bình trà và tẩu thuốc lào, bọn trẻ mới ra trường ngồi một đầu ở cuối phòng, không lẫn lộn. Nhà thơ Nguyên Sa, giáo sư triết, không trẻ chẳng già, ngồi chung với các cụ. Anh Lê Hữu Phụng, phụ tá giám học, có kể cho tôi nghe giai thoại này. Rằng khi sang Pháp (không nhớ năm nào) cụ Chương đã bị giữ lại ở phi trường vì trong va li có gói á phiện. Sau nhờ có André Malraux, lúc đó làm bộ trưởng văn hóa, gọi điện thoại can thiệp, cho biết Vũ Hoàng Chương là thi sĩ, á phiện để riêng cho nhà thơ sử dụng, chứ không để buôn lậu, cụ mới được thả. Tác giả áo lụa “nói chẳng nên lời” (nhưng vẫn có một thi nghiệp đồ sộ) thì tròn trịa, luôn luôn mỉm cười trông rất duyên dáng, nên tôi không thể hình dung chàng đã từng bị một em đá đít.

Ở Chu Văn An, tôi cũng có gặp rồi chơi thân với Đỗ Quý Toàn. Nhà thơ có tặng tôi một cuốn thơ tình mỏng dính, Nàng, do văn thi hữu[4] chung tiền in nhân ngày vui của đôi trẻ. Phạm Duy phổ nhạc “Mùa xuân yêu em”, Nguyễn Trung vẽ bìa, một nàng cổ dài (rất Modi) trên đầu có trăng có chim. Nàng là một... dược sĩ. Thi tập gồm bốn bài thơ nhiều khổ (“Tự tình”, “Mặt trời nàng”, “Đêm nàng”, “Xuân nàng”) về một chuyện tình tuyệt đẹp, vì chàng-nàng gặp nhau khi đi thi tú tài, ngồi cạnh nhau. “Mặt trời nàng” và “Đêm nàng” có hương vị Tagore, một Tagore nhâm nhi điếu thuốc lá và tách cà phê hiện sinh tại một quán cà phê lộ thiên ở Ngã tư Bảy Hiền, hay trong quán Cái Chùa trên đường Tự Do. Đỗ Bằng Lăng, ái nữ của nhà thơ và cô sinh viên trường dược, hiện là một nhạc sĩ dương cầm tài ba ở Canada.

Diễm Châu có thi tập Sáng muôn thu, đã tuyệt bản. Sáng là tên cô sinh viên du học ở Thụy Sĩ vừa mới trở về Sài Gòn, sẽ là hiền thê của nhà thơ. Vì thi tập này đã thất lạc, tôi xin trích dẫn lời nhà thơ để độc giả biết thêm đôi điều về nó:

Sáng muôn thu là một thi tập mỏng khoảng mười bài hay ít hơn. Ngoại trừ bài dùng làm tựa khá dài và khá Prévert, toàn tập đã bắt đầu nhuốm những âm hưởng màu sắc địa phương mà tôi ưa dùng. Tất cả các bài khác, trong đó có bài "Utopia" mà tôi thích dịch là "Miền không tưởng", Thế Uyên có trích dẫn trọn bài này trong tập Lính tiền đồn (?) nhưng lại trích sai. Tất cả các bài khác đều manh nha tình tự chống-chiến tranh, đi từ nhẹ nhàng như một mơ ước hòa bình đến rất violent trong nhiều bài khác. Thủa ấy tôi chịu ảnh hưởng bài “Thăm lúa” của Trần Hữu Thung nên đã viết một bài theo lối ấy, có nhắc tới hình ảnh cần kín nước,[5] và ruộng lúa quanh Sài Gòn, bây giờ nghĩ lại còn thấy tiếc là không bao giờ tìm lại được nữa. Bìa của tập thơ mỏng ấy cóp lại những tảng đá lót đường của Pháp (lấy trong Paris-Match).”

Điều mà tôi, người trả lời phỏng vấn ông, rất muốn lưu ý ở đây, là qua cái tựa đề của tập Sáng muôn thu, khi ta đã biết rõ hơn, là cái ý định muốn dứt khoát với truyền thống thơ nhân cách hóa vẫn còn khá thịnh hành vào thời điểm ấy. Đối tượng tình yêu không còn là trung tâm vũ trụ khiến “hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh”, hay “cỏ cây cũng muốn nổi tình mây mưa”, mà ngược lại, người tình của nhà thơ đã hòa lẫn với thiên nhiên, đã biến thành ngoại giới: người con gái tên Sáng đã hóa thành những buổi sớm mai, rồi nàng chính là Ánh Sáng, ánh sáng trên không gian và thời gian của cõi vĩnh hằng.

 

Cũng là ánh mắt, ngôn ngữ, cử chỉ, hoa hồng, trong không gian tràn ngập cảm xúc hoa hồng... một bài thơ tình điên điên cất lên. Ông có nghĩ là thiếu văn hoá, là đáng bị em/anh cho là đồ yêu quái rồi “bái bai”&? Hay ông cho đó là liệu pháp cảm xúc chống lại bệnh não hoá biểu tượng tình yêu? Ông có làm thơ tình khùng, hay từng đọc tặng người yêu mình bài thơ khùng của ai khác không? Ông có thể bộc bạch cảm xúc nghệ thuật không kềm giữ của ông với bạn đọc không?

 

NĐT: Hồng, tôi không thích hồng trong thơ. Trừ hai đóa. Của Ronsard: “Rose, elle a vécu ce que vivent les roses / L'espace d'un matin”.[6] Và của Gertrude Stein: “Rose is a rose is a rose is a rose.” [7] Thơ tình nói riêng và thơ ca nói chung đều điên điên, khùng khùng hết cả. Mà điên nhất, khùng nhất là độc giả thơ. Rimbaud, nhà thơ thiếu niên mà cũng là ông tổ của thơ hiện đại và hậu hiện đại, Rimbaud kẻ điên khùng nhất, đã hiểu rõ điều này hơn hai hết, nên một hôm chàng đã tự nhủ “nhiêu đó thừa rồi” và giũ áo thi nhân, xuống tóc bốn phương, khoác bộ com-lê bố trắng sang châu Phi buôn lậu vũ khí và nô lệ. Thơ điên, thơ khùng, một phần lớn vì thơ sử dụng ẩn dụ, vì thơ thích nhân cách hóa, nhất là thơ Việt và nhạc Việt đặt đối tượng nữ vào trung tâm vũ trụ: biển nhớ tên em gọi về / đồi núi nghiêng nghiêng đợi chờ / sỏi đá trông theo từng giờ. “Biển nhớ” là ca khúc lý tưởng để tưởng niệm nạn nhân sóng thần tsunami, ông đồng ý chứ? Điểm chót: Bộc bạch cảm xúc nghệ thuật không kềm giữ không phải là vấn đề của tôi (người làm thơ), mà của các gia trang, đặc san, và độc giả, có đăng, có đọc hay không. Tóm lại, họ có cho tôi bộc bạch hay không.

 

Trên đỉnh cảm xúc lãng mạn của một đôi tình nhân trẻ. Nếu được phép nghe lén (trừ lúc lên giường) ông cho rằng sẽ nghe được gì?

 

NĐT: Sáu câu. Nhưng nghe lén cái kiểu này các cụ Nguyễn Du, Shakespeare đã làm rồi. Thật ra, đó là nghe lén chính mình nhiều hơn nghe lén tha nhân. Thúy Kiều là phát ngôn viên, là sứ giả của ông Du, dù Truyện Kiều được phóng tác từ một tác phẩm ngoại. Những lời tỏ tình, tựa những lời chúc, đã sáo mòn hết cả rồi. Nếu có nghe lén thật sự một đôi tình nhân trẻ chắc tôi cũng chẳng thu nhặt được điều gì mới lạ đâu. Nhưng có thể họ sẽ nói “anh yêu em / em cũng vậy” hay “em yêu anh / anh cũng vậy” theo kiểu Mỹ “I love you / Me too”. Me too / em cũng vậy / anh cũng vậy với nghĩa “em cũng yêu em như anh yêu em / anh cũng yêu anh như em yêu anh”.

Ở thời kỳ hậu hiện đại, theo Umberto Eco, một người đàn ông muốn tỏ tình với một phụ nữ trí thức, không thể nói: “Anh yêu em một cách tuyệt vọng” vì chàng biết nàng biết (và nàng biết chàng biết nàng biết) Barbara Cartland viết câu đó. Tuy nhiên, theo Eco, vẫn còn một giải pháp. Chàng có thể bảo, với giọng pha chút châm biếm: “Anh yêu em một cách tuyệt vọng như Barbara Cartland có thể nói”. Do vậy, tôi nghĩ đôi tình nhân trẻ của chúng ta có thể rù rì thế này. Chàng: “Em là lá biếc là mây cao là tiếng hát. Em là cánh hoa là khói sóng đêm màu hồng, như Thanh Tâm Tuyền có thể nói”. Và nàng: (xin để quí vị tùy nghi điền vào đây). Nhưng không được tếu với “Khổ lắm, biết rồi, nói mãi”. Chàng-nàng cũng có thể ca sáu câu Thành Được-Út Bạch Lan như đã nói ở trên. Nếu vậy thì rất ngầu. Nếu vậy tôi chẳng ngại nghe lén đâu.

Nguyễn Du đã suy bụng ta ra bụng Kim-Kiều, khiến họ lắm mồm lắm miệng, tỏ tình mà lý luận như một ông già thâm nho. Nhưng may thay, có vài ông nhạc vàng Sài Gòn thập niên 60 đã tiết kiệm lời ăn tiếng nói của lứa đôi, khai sinh những cặp chàng-nàng kiểu “thương / còn thương những chiều / đời chưa biết nhiều / ngại ngùng nhìn nhau không nói” (Mạnh Phát) hoặc “nhớ nhớ nhớ đêm nào / trên bến tìm sao / hai đứa nhìn nhau / không nói một câu” (Văn Phụng).

 

Nếu một chàng trai-cô gái 18 tuổi nào đó, như mọi chàng-nàng trẻ tuổi trên đời, bỗng một hôm bị cái đẹp tính dục quyến rũ không cưỡng được. Anh-chị ta muốn làm bài thơ “hai trong một” tình yêu và tính dục. Bỏ qua lời khuyên “anh-chị hãy giấu trong cõi riêng”. Ông sẽ nói gì với chàng trai ấy?

 

NĐT: Nhớ viết đủ ba mươi sáu kiểu nhé. Nhưng xin rỉ tai độc giả: với camcorder, digital camera, ta sẽ có những “visual poetry” tuyệt vời hơn nhiều!

 

Xin cảm ơn sự cộng tác của ông.

 

_________________________

[1]Alphonse de Lamartine (1790-1869). Tập truyện thơ Jocelyn của Lamartine gồm 8.000 câu (1836), kể lại mối tình bạn thắm thiết giữa Jocelyn một sinh đồ chủng viện (séminariste) và một thiếu niên mồ côi 16 tuổi tên Laurence trong một tu viện, cho đến một hôm một tai nạn bất ngờ khiến Jocelyn phát hiện Laurence là gái giả trai, có thể đã gợi hứng cho Khái Hưng viết Hồn bướm mơ tiên. Câu “Những người muôn năm cũ / Hồn ở đâu bây giờ” trong bài “Ông đồ” của Vũ Đình Liên có thể đã mượn ý câu “Mais où sont les neiges d'antan” (Đâu rồi những đóa hoa tuyết của ngày xưa?) trong bài “Ballade des dames du temps jadis” (Thi khúc giai nhân đời xưa) của Francois Villon (1431-1489). Câu “Yêu, là chết ở trong lòng một ít” (Xuân Diệu) là phỏng dịch câu cách ngôn Pháp “Partir, c'est mourir un peu” (Ra đi, là chết ở trong lòng một ít).

[2]Pierre de Ronsard (1524-1585), nhà thơ trữ tình.

[3]Paul Géraldy (1885-1983), nhà thơ và kịch tác gia.

[4]Danh sách bạn thân của thi sĩ Đỗ Quý Toàn in trong thi tập Nàng (nxb Tiến Nói, 1965): Chu Tử, Dương Nghiễm Mậu, Đằng Giao, Đỗ Ngọc Yến, Phạm Duy, Trần Đức Uyển, Nguyễn Thụy Long, Trần Dạ Từ, Nhã Ca, Lý Hoàng Phong, Vũ Dzũng, Anh Đào, Nguyễn Trung, Viên Linh, Duy Nghiệp, Lê Tất Điều và Trần Tuấn Kiệt.

[5]Quanh Saigon là vùng người nhà quê (Bắc kỳ di cư) trồng lúa, họ đào giếng nhưng thay vì thả thùng xuống lấy nước (quá nặng), họ dùng một thứ mécanisme gồm một cây tre to và dài, gắn vào một cây cột và ở một đầu cây tre là sợi thừng có sẵn cái thùng. Họ nhấn một đầu cây tre để thả thùng xuống giếng và khi muốn lấy nước (kín - tiếng Bắc kỳ) chỉ cần nhấn đầu kia của cây tre (theo nguyên tắc đòn bẩy-levier)... Nhân vật trong bài thơ là một thiếu phụ (đã mang thai) chờ chồng buổi tối nhưng chồng vì chiến tranh không về. Người ấy ra kín nước ngoài vườn, và vì thùng nước quá nặng hoặc sao đó đã ngã ngồi, văng ra đất: “Cần nước vút lên trời / Em ngã ngồi đau lắm”. Người chồng thì: “Đầu cúi đôi vai nghiêng / Anh vẫn hoài như thế...” Ấy chỉ là một vài hình ảnh (trong hồi tưởng của thiếu phụ) chỉ sự thiếu thốn đôi tay người đàn ông hoặc chính người đàn ông ấy vì... (Diễm Châu)

[6]Dịch sát: “Hồng, nàng đã sống như các đóa hồng / Không gian của một buổi sáng”.

[7]“Bông hồng là một bông hồng là một bông hồng là một bông hồng”.

 

(Nguyễn Đăng Thường ghi chú)
------------------------------------
Hình ở đầu bài: Chân dung tự hoạ

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021