thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
[Phỏng vấn Nguyễn Đăng Thường] CHUNG QUANH SỰ KIỆN CÁC TÁC PHẨM VĂN CHƯƠNG XUẤT BẢN DƯỚI HÌNH THỨC PHOTOCOPY Ở SÀI GÒN
Trần Tiến Dũng thực hiện

 

Lời toà soạn: Trong văn học Việt Nam đương đại, có những tác phẩm không được chính thức xuất bản tại Việt Nam, mà chỉ đến với độc giả như những văn bản được photocopy và chuyền tay; thậm chí có những nhà thơ / nhà văn chỉ hiện hữu bằng phương tiện ấy. Để tìm hiểu những góc nhìn khác nhau của văn giới về sự kiện này, nhà thơ Trần Tiến Dũng tổ chức một cuộc phỏng vấn rộng rãi bằng cách gửi một số câu hỏi đến nhiều người cầm bút ở trong nước và ở hải ngoại. Tiền Vệ xin đăng tải loạt bài này theo thứ tự hồi âm của những người tham dự cuộc phỏng vấn.

 

Trần Tiến Dũng (TTD): Thời gian vừa qua, ở Sài Gòn xuất hiện hình thức xuất bản bằng cách photocopy và phân phối một cách không chính thức đến những người yêu văn nghệ. Ông/bà nghĩ sao về hình thức xuất bản ngoài luồng này? Tại sao có hình thức xuất bản ấy? Và liệu hình thức xuất bản ấy có ảnh hưởng gì đến diện mạo nền văn học Việt Nam đương đại không?

Nguyễn Ðăng Thường (NĐT): Có thể coi như là sách samizdat của thời điện tử. Samizdat, tiếng Nga, có nghĩa là "tự xuất bản". Nếu như chúng không ít tốn kém, không ít nguy hiểm hơn, thì chắc cũng đỡ nhọc nhằn hơn in thạch (xu xoa), đánh máy, quay ronéo. Có ảnh hưởng gì hay không thì tôi không thể trả lời. Tôi ở hải ngoại mấy chục năm chưa nhục quy bái phở lần nào. Tôi cũng không theo dõi tình hình sách vở báo chí trong nước. Yves Bonnefoy nói thơ có thể cứu vãn thế giới. Tôi nói thế giới, nhất là xã hội, đã biến đổi thơ. Thơ Hồ Xuân Hương không cứu vãn xã hội phong kiến suy tàn. Ngược lại, chủ nghĩa thực dân thời cực thịnh, đèo theo chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa lãng mạn đã thay đổi thơ Trần Tế Xương, thơ Việt Nam. Thơ Dada, thơ Siêu Thực, hệ quả, thoát thai của thế chiến một, chống chiến tranh, chống văn minh, vẫn không ngăn chặn được thế giới chiến thứ hai. Thơ không cứu nổi thơ, thơ không cứu nổi người làm thơ, nói chi thế giới. Nhưng thơ - như cỏ - vẫn mọc và có thể hữu dụng vào việc gì đó biết đâu. Ai cấm ta mơ hiệu quả cánh bướm.

 

TTD: Ông/bà đã đọc được bao nhiêu tác phẩm thuộc loại xuất bản bằng cách photocopy này rồi? Theo ông/bà, những tác phẩm ấy có đề ra khuynh hướng sáng tác nào đáng kể không? Liệu các khuynh hướng ấy có quyến rũ gì với những người mới bước vào nghiệp cầm bút trước những ngăn trở của hệ thống kiểm duyệt nhà nước?

NĐT: Trước tiên là bầu trời lông gà lông vịt của Trần Tiến Dũng. Kế là Khoan cắt bê tông gồm nhiều tác giả. Mới đây: Hai đóa hoa cho công dân hạng hai cũng của Trần Tiến Dũng. Và trước đấy, thơ jác từ jưởi, và cailonbodi & những bài thơ chửi rủa [bới, lộn] của Bùi Chát, và hầm bà lần của Khúc Duy.

Tập thơ jác từ jưởi bìa nâu. Bìa trước trống trơn, là một bức tranh trừu tượng. Bìa sau là hình vẽ một giai nhân bán khỏa thân, mang dớ đen tới bẹn, tranh Egon Schiele, một họa sĩ Áo ở Vienna vào đầu thế kỷ 20, thuộc nhóm họa sĩ "suy đồi" (Klim, Kokoschka...) bị đốt tranh trong thời Hitler. Phía dưới có ghi câu trích dẫn Tadeusz Rózewics: "Tôi không thể hiểu được tại sao thơ được phép tồn tại khi những con người tạo tác ra nó thì đã chết. Thơ sống sót buổi tận thế, làm như không có chuyện gì mới xảy ra trên trái đất này ngày hôm qua. Tôi kinh tởm sự phi lí ấy", rút từ trang "Thơ Trung Âu" do Thường Quán chuyển ngữ, nhưng đã ghi sai/trại xuất xứ: "Tạp chí Thơ 19, mùa xuân 2000", thay vì "mùa thu" (đúng).

 
 

Tập cailonbodi & những bài thơ chửi rủa [bới, lộn] của Bùi Chát bìa nâu non, có bức "Tranh chó" do Đinh Linh minh họa thơ Lý Đợi. Chú khuyển bị chặt làm bốn khúc, nằm vắt vẻo trên trang giấy màu cà phê sữa. Chữ "thơ" không hoa viết tay, xếp theo chiều đứng ngay dưới mõm và hai chân trước, tên tác giả "lý đợi" cũng cùng một kiểu chữ, một kiểu layout, để dưới bụng, giữa chưn trước và chưn sau. Phía dưới có thủ bút: Bản tặng anh Nguyễn Đăng Thường, Lý Đợi (chữ ký), và, Sàigòn 06.05. Bìa sau là một hình pointilliste tôi không nhận diện được. Bùi Chát cho biết tập thơ này của anh nhưng lại dùng bức tranh của Đinh Linh vẽ về thơ Lý Đợi để làm bìa "như một ý niệm về việc sử dụng sản phẩm". Vì thế, xem ngoài bìa, độc giả có thể tưởng đó là tập thơ của Lý Đợi, nhưng khi giở vào bên trong, tất cả các số trang đều có ghi kèm tên tác giả Bùi Chát.

 
 

Tập thơ Khúc Duy bìa da cam. Bố cục ít cách tân hơn hai thi tập vừa kể, và hơi... mờ mờ nhân ảnh. Ít cải cách hơn, vì tên tác giả còn để vị trí cũ, nghĩa là trên cao. Cái tít hầm bà lần chữ lớn, đen viền trắng, nằm trên ba hình tam giác đen (Malevich?), không đồng cạnh và không bằng nhau - vẫn đặt ở giữa. Nét sổ của chữ rung rinh bóng hình, lăn tăn sóng gợn. ở trong, nơi trang thứ nhứt, ghi theo thứ tự trên dưới: KHÚC DUY - tuyển tập - HỪM BÀ LẦN (viết bằng bút nỉ đen trước khi đem photocopy), cho thấy sự biến thái linh động của ngôn ngữ, một trong các cách làm mới ngôn từ của nhóm này. Trang kế có tấm hình photo montage đen trắng chụp vú bụng đùi của một nàng ghép với con đường cỏ cao dẫn vào "Hừm" một đường hang sâu sâu mấy cũng chưa vừa bước chân mòn lãng du, cộng lời đề tặng khổ chủ. Bìa sau là hình một thằng cu Mỹ, cởi truồng, ngồi moi trái ớt hiểm của nó. Phía trên có phụ đề: And the fascination never ends!!

 
 

Bên trong cả ba tập đều có tranh, hình. Các designers (Trần Kiến Quốc và Bùi Chát cho tập thơ jác từ jưởi; Giang, Hữu Thắng, Phan Bá Thọ cho tập cailonbodi & những bài thơ chửi rủa [bới, lộn] ; còn tập thơ hầm bà lần không thấy ghi gì hết, kể cả ngày, tháng, năm xuất bản), các nhà thiết kế tỏ vẻ là những tay nhà nghề sử dụng computer. Nhìn chung, tôi thấy rất đạt trên phương diện hình thức. Nội dung, lập trường, phá miễu... đã có hoan hô đả đảo náo nhiệt rồi, nên xin để qua một bên. Tuy nhiên, nếu cần đáp lễ những lời phê bình xây dựng tôi cũng có thể thêm: Dada chưa chết, còn sung sức, và hiện có mặt toàn cầu. Ngoài ra, Mark Twain, William Faulkner... đã nói tiếng nói của người da trắng nghèo, của người da đen nô lệ ở miền Nam. Nhóm Mở Miệng cũng đang làm một công việc tương tợ. Thơ dơ không tạo rác. Thơ dơ chỉ lấy rác của chế độ liệng trả lại. Cuộc sống thường ngày ở đây là một ngày xáo chộn trong đời con hẻm 47, là cái lồn què của một con cặc tầm thường.

 

TTD: Biết rằng các tác phẩm xuất bản dưới dạng photocopy đều tới tay độc giả chỉ như một thứ quà tặng ông/bà thấy điều đó có thoả đáng không? Ông/bà có vui lòng mua một tác phẩm xuất bản dưới dạng photocopy có đề giá bán hoặc thậm chí quên đề giá bán không?

NĐT: Tôi nghĩ mua thơ tối thiểu cũng phải có hai lý do: say đắm hay khích lệ. Mấy năm trước tôi có mở một nhà xuất bản samizdat loại bỏ túi, mỗi cuốn bán 5 đô la (để xin lại tiền giấy mực cước phí) nhưng vì không hội đủ hai điều kiện trên nên đã sập tiệm. Một độc giả (duy nhất) đã tò mò đặt mua bốn cuốn. Tôi giữ tờ giấy xanh ($20) làm kỷ niệm được vài tháng thì gởi tặng lại ai đó quên rồi. Cả sự nghiệp văn chương vĩ đại của tôi tới nay đã thu hoạch được số lợi nhuận chung to tát là 50 đô la, kể luôn 20 đô la bán sách, và một ngân phiếu 15 đô la thiếu một chữ ký của hai vị chủ biên nên vô dụng, tôi cất làm "kỷ vật cho em" nhưng đã thất lạc khi dời nhà.

 

TTD: Cám ơn sự cộng tác của ông/bà.

 

 

------------
Để xem những bài phỏng vấn khác đã đăng, xin độc giả bấm vào link này:

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021