thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Đàn em Việt

 

Khi xem Phố Sài Gòn, một dvd mua giá hạ $2.99, tôi sững sờ phát hiện trễ tràng rằng Sài Gòn cũ đã có thêm một cô em gái mới, một mẹ khác cha ở Tân Thuận, đẹp gấp trăm lần chị, chí ít là trên phương diện khang trang, tiện nghi, thẩm mỹ hiện đại, đúng tiêu chuẩn "năm sao" quốc tế. Nói cách khác, đó là một cái ghetto lộng lẫy dành cho tỷ phú ngoại quốc Nam Hàn, Đài Loan, Trung Quốc, Pháp, Mỹ, Úc... đến giúp Việt Nam cởi áo mở quần cho rộng thêm các lỗ chủ nghĩa xã hội từ đầu đến chưn, có trường học riêng cho con cái của họ, có nhà thương riêng cho bệnh nhân của họ, khiến tôi mặc cảm, suy gẫm miên man: Nếu với tư cách một Việt kiều về thăm quê, tuy chưa là đại tỷ phú như Bill Gates, dù cũng có chút tiền còm để bia ôm vài bữa, chắc tôi vẫn không được "welcome" vào cấm thành, nói chi lũ trẻ bụi đời. Nghĩ tới nghĩ lui, nghĩ bậy nghĩ bạ như vậy, tôi nổi hứng viết lại ca lời Bến xuân / Đàn chim Việt chơi.

Có thể lũ trẻ lang thang ở Thành Hồ chỉ là do trí tưởng tượng còn quá nghèo nàn của tôi, chưa thoát khỏi cú sốc của cơn ác mộng tuổi thơ lúc chị tôi — một học sinh nội trú Gia Long đã nhảy rào đi biểu tình với Trần Văn Ơn, nhưng chỉ bị đập bể đầu và bị đuổi học thôi, tuy vậy vẫn phải lánh mặt công an "phòng nhì" ở Sài Gòn, lên Biên Hòa ở nhà chị ruột và anh rể làm chánh lục sự có đồng lương khá cao, có "bông" mua vải, sữa hộp mỗi tháng, nên má tôi trước đấy đã gởi tôi lên đó học tiểu học để tránh xe cộ bụi bậm Sài Thành, lúc gia đình tôi bắt đầu sa sút với cuộc đổi đời đột ngột lần thứ nhứt — lúc chị tôi sau khi cho tôi một hộp viết chì màu và mấy tấm hình tài tử xi nê (Deanna Durbin, Michèle Morgan — đóng vai cô gái mù trong phim La symphonie pastorale chúng tôi đã xem ở Sài Gòn), lúc chị Phương Dung trong giờ nghỉ trưa đã mở tập thơ Tố Hữu chép tay, đọc bài "Mồ côi" cho tôi nghe, rồi hỏi tôi "có hay hông em?":

 
Mồ côi
 
Con chim non rũ cánh
Đi tìm tổ bơ vơ
Quanh nẻo rừng hiu quạnh
Lướt mướt dưới dòng mưa.
 
Con chim non chiu chít
Lá động khóc tràn trề
Chao ôi buồn da diết
Chim ơi biết đâu về?
 
Gió lùa mưa rơi rơi
Trên nẻo đường sương lạnh
Đi về đâu em ơi
Phơi thân tàn cô quạnh!
 
Em sưởi trong bàn tay
Cho lòng băng giá ấm
Lìa cành lá bay bay
Như mảnh đời u thảm!
 
Con chim non không tổ
Trẻ mồ côi không nhà
Hai đứa cùng đau khổ
Cùng vất vưởng bê tha
 
Rồi ngày kia rã cánh
Rụi chết bên đường đi
Thờ ơ con mắt lạnh
Nhìn chúng: "Có hề chi!"
 

Tôi không trả lời chị. Hình như lúc đó tôi chỉ xoay mặt đi để giấu "ngấn lệ". Nhưng tôi còn nhớ rõ chị tôi đã đọc sai "lá động khóc tràn trề" thành "là giọng khóc tràn trề", và "rụi" thành"rủi". Vì nhiều bài thơ Tố Hữu, gởi từ các chiến khu về, không hiểu sao đã có nhiều bài không có dấu, hay có thể vì in "thạch" nên nét mực tím đã phai mờ chăng? Một thí dụ khác. Câu thơ đầu của bài "Vú em" cũng trong tập Từ ấy: "Nàng 'gởi' con về nương xóm cũ" khi về thành đã có dị bản: "Nàng 'gọi' con về nương xóm cũ"...

Đàn anh, hay Đàn chim Việt, học trường Tây thụ hưởng tình cảm lãng mạn, trước tiên, đã ra Bến Xuân xây nhà "bên chiếc cầu soi nước". Rồi cách mạng tháng tám đến, nhờ tinh thần khai sáng "tự do, bác ái, công bằng" của Voltaire, Rousseau trộn lẫn với tinh thần thế giới đại đồng Việt Nam thống nhứt "Ngày mai đây tất cả sẽ là chung / Tất cả sẽ là vui và ánh sáng... " (Tố Hữu), đã van xin Cho tôi sống lại một ngày (một ca khúc in lậu trên giấy xấu nhưng có hình vẽ màu đỏ / đen tuyệt đẹp, đã xuất hiện trong gia đình tôi đồng thời với Tiếng hát trên sông Lô chữ bìa màu xanh lá tuyệt xinh, khi Phạm Duy và Ban Hợp ca Thăng Long còn ở chiến khu chưa về thành).

Cái ngày mà họ muốn được sống lại đó sẽ:

Có nắng vàng Paris có heo may Hà Nội
Bụi trắng dâng triều
Tiếng hát muôn vạn con người nô lệ
Tưng bừng vang không gian xanh
Trên hè đường ngoài góc phố
Bên quán chợ dưới máy nước
Chân cột đèn nơi xưởng thợ
Cung điện Louis ngục Bastille và Paris
Và cả miền xa xôi đồng ruộng
Tiếng hát tháng Tám vẳng đâu đây
Sao chửa vọng trong lòng người tháng Bảy
Sao chửa vọng trong lòng tôi chút mấy
Bàn tay
Chờ không thấy một bàn tay
Cho tôi sống lại một ngày...
 

Tiếng hát tháng Tám của cách mạng kháng chiến Việt Nam chưa vọng lại trong lòng người tháng Bảy của cuộc cách mạng Paris 1789:

Đã lật đổ một hoàng thành,
Đã xô ngã một ngai vàng quân chủ
Cứu con người khỏi vũng máu hôi tanh
Ý tự do bác ái công bằng
Được gởi gắm trên ngọn cờ dân chủ
Tôi từng lao lung một thế giới lao tù
Và xiềng xích chân còn bước tay còn máu
Não còn say đấu tranh
Tôi người đã hát những thu qua
"Đoàn quân Việt Nam đi..."
Thuở ấy cũng như anh
Tôi tuốt gươm đứng dậy
Cũng như anh
Tôi mang hồn tháng bảy
Làm mùa tháng Tám nơi đây
Và cũng như anh
Tôi không muốn sống đọa đày
Không muốn mãi ở trong vòng trói buộc
Không muốn mãi ở trong vòng nhơ nhuốc
Ngàn năm
U tối
Tôi... chờ không thấy một bàn tay
Cho tôi sống lại một ngày...
 

Tất nhiên bàn tay ấy là bàn tay của nhân dân Pháp lúc đó, tất nhiên. Và họ phải kiên nhẫn chờ tới cuộc đánh Mỹ diệt Ngụy thì nó mới theo chân ông Jean-Paul Sartre xuống đường với sinh viên Sorbonne "Hãy bạo tàn / Đừng bao giờ lao động nữa / Tôi đã sướng trong những phiến đá lát đường" rồi bay sang Mỹ "Làm tình đình chiến" (Make Love Not War)!

Kết luận: Đàn anh tung cánh, đàn em rã giò. Dù họ đều xây nhà bên cầu soi nước...

Ngày hôm nay tất cả đã là chung

Tất cả đã là vui nhờ... bánh vẽ

 

_____________

 

ĐÀN EM VIỆT

 

Riêng tặng "fan" Nguyễn Cai Lậy
của quê hương ổi xá lị và ốc gạo vàng
đã thắp sáng tuổi thơ của một cây bút
đang xa đàn.
NĐT.

 

1.

 

Về đâu khi gió mùa hiu hắt

Ôi lũ em giang hồ

Tung gót chân mềm lạc loài trên khắp cố đô

Từng đôi chân run bước vang tiếng chim u ù u ú

Mờ mờ trong nắng ven đường

Quên bao cay đắng

Như chim ca u ù u ú

Lệ nhòa xanh má ngày thơ

Về đâu hoàng hôn gió mưa tơi bời

Rời bến xe lam tìm nơi trú

Tới đây anh thấy lòng ngập ngừng

Nhớ ai mơ tháng ngày êm ái

Từ nước non xa bao kiếp đời mịt mùng

Ngoài bến xuân

 

Thời gian trôi qua sáng sang trưa

Mà anh còn nghe lòng anh xót lúc xa

Anh tha hương nghe héo hắt oanh ca

Bóng nhạn vào mây thiết tha

Lưu luyến một trời xa

 

2.

 

Về đâu khi nắng chiều thoi thóp

Ơi lũ em bụi đời

Tung gót chân mòn lạnh lùng qua khắp các nơi

Từng đôi chân run bước theo tiếng ca ơ ờ ơ ớ

Mờ mờ trong phố hoa đèn

Chưa quen âu yếm

Nghe ai ca ơ ờ ơ ớ

Lệ hờn thêm nóng ngày thơ

Về đâu bờ sông vắng hay chân cầu

Về mái hiên ai tìm nơi trú

Tới đây anh thấy lòng thẹn thùng

Muốn quên bao kiếp đời đen tối

Từ nước non xa mưa nắng còn mịt mùng

Ngoài bến xuân

 

Thời gian trôi qua nhớ sang quên

Mà anh còn nghe lòng anh xót lúc xa

Anh tha hương ôm bóng dáng ngây thơ

Bước nặng vào đêm gió mưa

Thương nhớ một trời xa

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021