thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Đôi điều không cần nói với Thơ

 

Trong nước, giữa những tiếng than ai oán của dân oan xuống đường khiếu nại từ ba miền — và cái vui là vui thiệt khi tỉnh ngủ lúc tàn ca của các nàng kiều hà nội đu bay — và những giọt nước mắt khô chan cơm nguội của các gia đình nạn nhân sập cầu cần thơ — và những thành tích thành tuồng dài hơn cửu long giang chưa cạn dòng mà biển đông đã dậy sóng, của một đất nước càng ngày càng rực rỡ thăng hoa đào nhiệm, choá phượng vĩ cuồng, và nhất là từ một chính quyền trung ương vì dân vì nước ngày ngày lo tồn kho đô la đỏ để dành xây biệt thự hạ long nòi giống tiên rồng nghỉ mát.

Trên cái mạng lưới ế văn, có một thi nhân không biết thuộc miền đất nào của “hãy cười đi hỡi quê hương yêu quý”, có một chàng thi sĩ nghiêm nghị trầm ngâm “vươn tìm mặt trăng” với “đôi tay thoát thân”, bên cạnh những cái tin đôi mách của tờ báo tả khuynh The Guardian, diễn đàn lý tưởng của các nhà “chủ nghĩa xã hội caviar-champagne”, chống mỹ cực đoan từ thời chiến tranh việt nam, các phương danh như “harold pinter”, “colin redgrave”, “john pilger”, “tariq ali”... — là những chùm thơ “thôi miên”, “nhịp gốm”, “không đề”, “mây chiều”, “mùa đông phương trinh tiết”, “lũng đoạn đêm”, “đêm buồn bỏ lại”, “dưới vầng trăng bạc tình”, “rêu phong”, “nghịch cảm”, “đàn một khúc trăng chảy tràn mắt ướt”, và “trái đất mang hình giọt nước mắt”, mà tôi chưa có thì giờ thưởng thức, nên chỉ xin ghi lại gần đúng theo thứ tự trên dưới trước sau để cho thấy cái đỉnh cao trí tuệ của thơ Việt ở đầu thế kỷ hăm mốt.

Tuy nhiên, không cần thành thực nhưng cũng cứ nói thiệt cho bà con lối xóm mình nghe chơi, tui cũng có tò mò mở ra xem thử “chùm thơ” mới nhất “Viết trong ngày sinh” (thứ ba, 06/11/2007) và tui kinh hãi giật mình khi đọc câu thơ tình này: “cô tiên xanh!... ngày bình yên nhất Hoàng đế Quang Trung rước dâu về quê nội. / ba mươi sáu kiệu vàng lọng xanh long lanh đoá sen thạch bích. Át-ti-la em lướt nhẹ không mênh mông màu nắng. Váy dài váy ngắn áo đỏ áo xanh cào cào bay nhanh chuồn chuồn bay thấp...” Nàng tiên xanh At-ti-la này là ai? Dù gì thì chắc nàng cũng không thể là “attila the hun, 406-453” (attila tên hung nô) một lãnh tụ man di khát máu, “chân giẫm tới đâu cỏ không thể ngóc đầu ở chỗ đó”.

Sự sùng bái trăng và ánh trăng — ánh sáng mặt trời phản chiếu — trong giới thơ thẩn trẻ và không trẻ của ta, đã tới mức buồn cười. Họ yêu trăng thực sự, hay đó chỉ là một thói quen — đã trở thành tật xấu — khi làm thơ? Trăng là bột ngọt để tăng hương vị cho một món ăn tồi tệ khó nuốt? Ở loại thi nhân thoát tục này, mà trần thế đối với họ chỉ là cõi trú tạm, thể hiện một sự miệt thị nhân loại, yếm thế, tối đa. Một cô gái, nếu mỹ miều, thì không thể xinh như con người mà phải đẹp như tiên. Khi trăng và ánh trăng xuất hiện trong cổ thi Trung Hoa trên những lầu hoàng hạc, của các ông Đỗ ông Lý, vẻ đẹp của trăng dù còn tươi trẻ đáng được ngắm nhìn, nó cũng đã là biểu trưng của mộng mơ, quay lưng lại với cuộc đời vất vả trước mắt, của các thi nhân móng tay dài trốn tránh lao động, chỉ thích uống rượu nhìn trăng mơ tưởng những chuyện hão huyền. Ngày nay vẻ đẹp của trăng đã phai tàn, lộ liễu, vì những cận ảnh do các phi thuyền không gian mang về. Hằng Nga mặt rỗ, cơ thể bụi bặm vì không có nước tắm. Và ánh trăng ngoài đồng nội hay trên đường phố hôm nay không những không thể che đậy những cái gớm ghê phơi bày dưới ánh mặt trời mà chỉ khiến chúng thêm quái đản, gái ăn sương trong ánh đèn mờ ảo dưới ánh trăng lu như lũ chuột thấy phó-mát bò ra đường mỗi khi xuất hiện một khách chơi hoa cỡi xe máy chạy tới. Dù muốn dù không trăng đã trở thành một cục bướu, để tránh nói là ung thư, trên cơ thể của thơ.

Tôi không thích trăng, nói chi say đắm. Ờ thì trăng và ánh trăng xanh vàng trắng, đôi khi cũng bắt mắt trắng vàng xanh của tôi, vài giây. Thế thôi. Trăng thuộc về đêm. Mà với tôi, đêm là để ngủ hay để làm tình, và đọc sách (tục) và coi phim (dâm) và nghe nhạc (sến) những khi gặp hứng. Nói tóm lại, đêm, là để làm những cái chuyện tạp nhạp nói trên, mà ta vẫn có thể làm ban ngày — như thiếu nữ ngủ ngày gây đậm đà ấn tượng nhục dục của hồ nữ sĩ — làm ban ngày thoải mái và thú vị hơn, mà lại đỡ hao đèn bớt tốn điện. Với tôi, đêm tối và ánh trăng luôn luôn gợi nhớ tới những câu chuyện trộm cướp bất lương, án mạng giết người rùng rợn, tiếng chó tru tiếng sói hú, người này hoá sói, kẻ kia hiện nguyên hình quỷ hút máu, há mồm cộng đỏ lòm nhe nanh hồ trắng toát, bá tước dracula trong lâu đài trung cổ, cú dơi bay loạn xị, gián chuột bò ngổn ngang. Đó là chưa kể những đêm trăng liêu trai, gái chồn xuất hiện hút tinh dịch của các anh học trò dâm đãng.

Dân tộc nhà thơ vẫn còn không ít — nếu không muốn nói là đa số — thi nhân ngộ nhận rằng đã có sẵn một ngôn ngữ thơ trữ tình vĩnh cửu, những hình ảnh thơ mộng vĩnh hằng, mà người làm thơ chỉ cần lắp ráp chép lại y chang, là sẽ có ngay một bài thơ hay, đọc liền. Thơ hay, theo định kiến bất lay chuyển của các thi nhân này, là thơ tỉ tê về tình yêu đau khổ, về cuộc đời hoang vắng, và các thứ lãng mạn khác. Nhưng nghĩ cho cùng thì hình như đó là cái nét chung của cả một dân tộc: thích mơ mộng viển vông, ưa sùng bái, mê tín, dị đoan, tế lễ, dựng miếu, xây lăng. Đạo phật, đạo cao đài, đạo hòa hảo, đạo bà la môn, bên cạnh những dạo dừa, đạo chuối, đạo xôi, hay đạo tặc, đạo chích, đạo văn, đạo dụ, đạo mạo. Vân vân và vân vân. Đồng chí dựng lăng bác. Trí thức đắp lăng kiều. Bợm nhậu bày lăng cẩu. Ôi, kể tới lễ rước võng bà chúa xứ đón kiệu tướng cá voi, vẫn chưa hết. Thử hỏi: thơ tố hữu và công ty là gì, nếu chẳng phải là những bài thơ tình lãng mạn trữ tình, sùng bái một cá nhân và tôn thờ một tôn giáo mới?

Ở hải ngoại, website tân hình thức của giáo trưởng khế iêm đã gời đến các thi hữu câu hỏi khá hóc búa sau đây cho mục góp ý: “Thế nào là một bài thơ hay?” Ừ nhỉ, thế nào là một bài thơ hay? Và hay cho ai? Ở giai đoạn nào? Ở thời kỳ nào? Vân vân và vân vân. Kẻ hậu sinh này rất muốn hồi âm góp ý, muốn lắm chứ. Nhưng suy gẫm mãi vẫn chưa tìm ra được một câu trả lời thoả đáng, nên đành phải chờ các bậc cao minh .

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021