thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
“Chỉ là một Con Người của Chữ Nghĩa”

 

Bản dịch của Phan Quỳnh Trâm,
với sự hiệu đính của Hoàng Ngọc-Tuấn.

 

JORGE LUIS BORGES

(1899-1986)

 

Lời giới thiệu:
 
Không được giải Nobel, không ăn khách và cũng không hề viết tiểu thuyết, nhưng Jorge Luis Borges vẫn được xem là một trong vài nhà văn lớn nhất và có ảnh hưởng sâu rộng nhất trên thế giới trong thế kỷ 20 vừa qua. Ông được khen ngợi là một cây bút không ngừng cách tân và không ngừng khai phá. Ngay từ lúc còn rất trẻ, ông đã tham gia vào nhóm Ultraismo, cộng tác với tờ báo Martín Fierro và đồng sáng lập viên của tạp chí Proa: Cả ba đều nổi tiếng với tinh thần tiền vệ (avant-garde). Ngoài ra, mỗi sáng tác của ông, từ thơ đến truyện ngắn đều là những thử nghiệm độc đáo làm xô lệch hẳn những quy ước quen thuộc gắn liền với từng thể loại. Borges cũng được khen ngợi là một cây bút thông thái hiếm có. Từ nhỏ, ông đã học được nhiều ngoại ngữ (sinh ra ở Buenos Aires, Argentina, nhưng ông lại học tiếng Anh trước khi học tiếng Tây-ban-nha!), và gần như cả đời làm việc trong thư viện (lúc đầu là nhân viên soạn thư mục, sau là giám đốc Thư viện Quốc gia), ông đọc và hiểu sâu sắc rất nhiều nền văn học và văn hoá khác nhau. Chính sự thông thái này là nền tảng vững chắc cho các nỗ lực cách tân không mệt mỏi của ông.
 
Cả sự thông thái lẫn tinh thần cách tân này đều thể hiện khá rõ trong bài phỏng vấn dưới đây. Bài phỏng vấn này do Denis Dutton và Michael Palencia-Roth (đồng chủ bút của tập san Philosophy and Literature) thực hiện cùng với sự hợp tác của Lawrence I. Berkove (thuộc Đại Học Michigan – Dearborn) vào ngày 14 tháng 4 năm 1976, lúc Borges được mời làm giáo sư thỉnh giảng tại đây. Sau đó, bài phỏng vấn được đăng tải trên tạp chí Philosophy and Literature số 1 năm 1977, và mới đây được đưa lên website của Dennis Dutton.
 
Phan Quỳnh Trâm

 

_______

 

“CHỈ LÀ MỘT CON NGƯỜI CỦA CHỮ NGHĨA”

 

Denis Dutton: Tại sao ông không nói cho chúng tôi biết về những triết gia đã gây ảnh hưởng đến tác phẩm của ông, những người ông ưa thích nhất?

 

Jorge Luis Borges: Vâng, chuyện đó thì dễ thôi. Tôi nghĩ anh có thể nói về hai người: Berkeley và Schopenhauer. Nhưng tôi nghĩ cũng có thể nói về Hume nữa, bởi vì, xét cho cùng thì, tất nhiên Hume bác bỏ Berkeley. Nhưng sự thật thì ông lại đi ra từ Berkeley — ngay cả khi Berkeley đi ra từ Locke. Chúng ta có thể xem Locke, Berkeley và Hume như là ba mắt xích trong một cuộc tranh luận. Thế nhưng trong triết học, khi một người bác bỏ một người khác thì có nghĩa là hắn ta đang tiếp tục cuộc tranh luận.

 

Michael Palencia-Roth: Như vậy thì vị trí của Schopenhauer là ở đâu?

 

Borges: Schopenhauer rất khác Hume. Tất nhiên, Schopenhauer có ý tưởng riêng về Ý Chí. Đó là điều không thấy ở Hume. Nhưng dĩ nhiên ở trường hợp của Berkeley thì khác. Tôi cho rằng ông ấy nghĩ về Thượng Đế như là người biết tất cả mọi thứ ở mọi thời điểm, tôi muốn nói rằng nếu tôi hiểu đúng về ông ấy. Nếu chúng ta đi vắng, căn phòng này có biến mất không? Đương nhiên là không, bởi vì, Thượng Đế đang nghĩ về nó.

Bây giờ, nói về trường hợp của Schopenhauer, tôi đang đọc cuốn Die Welt als Wille und Vorstellung, Thế Giới Ý Chí và Ý Tưởng, tôi khá sửng sốt, hay có thể nói rằng tôi cảm thấy hoang mang, lúng túng bởi một điều gì đó cứ liên tục tái diễn trong Schopenhauer. Dĩ nhiên có thể đó chỉ là một sơ sẩy của ngòi bút, nhưng vì ông ấy hay trở lại vấn đề đó, thêm nữa vì ông ấy là một nhà văn rất cẩn trọng, tôi ngờ rằng đó phải chăng chỉ là một sơ sẩy. Ví dụ như, đầu tiên Schopenhauer cho rằng mọi thứ, vũ trụ, các tinh tú, các khoảng không gian giữa các tinh tú, các hành tinh, quả đất này, tất cả đều không tồn tại, ngoại trừ trong tâm thức của những ai có thể nhận biết được chúng — đúng không?

 

MP-R: Vâng.

 

Borges: Nhưng rồi, đến lượt tôi ngạc nhiên — và tôi nghĩ rằng điều này thì các anh có thể giải thích cho tôi biết, bởi vì các anh là triết gia, còn tôi thì không — Schopenhauer cho rằng tất cả những thứ đó đều không tồn tại ngoại trừ trong trí óc. Và rằng vũ trụ — tôi vẫn còn nhớ những chữ này, và tôi không nghĩ rằng tôi đang “chế” ra nó — “ist ein Gehirnphänomen,” nghĩa là thế giới chỉ là một hiện tượng trí não. Đấy, khi đọc đến đấy tôi thấy hoang mang. Bởi vì, tất nhiên, nếu suy ngẫm về vũ trụ, tôi nghĩ rằng trí não chỉ là một phần của thế giới bên ngoài cũng như các tinh tú hay mặt trăng. Vì xét cho cùng thì — tôi không chắc — trí não cũng chỉ là một hệ thống của thị giác, xúc giác và các cảm quan. Nhưng ông ấy cứ nhấn mạnh về bộ não.

 

MP-R: Vâng.

 

Borges: Nhưng tôi lại không nghĩ rằng, chẳng hạn, đức giám mục Berkeley lại khăng khăng nói về bộ não, cũng như Hume mà lại khăng khăng nói về trí óc, về ý thức...

 

DD: Đôi khi có người cho rằng người ta có thể thấy Berkeley trong những truyện ngắn kiểu như “Orbis Tertius”.

 

Borges: Vâng, tôi cũng nghĩ thế. Tất nhiên rồi. Nhưng trong truyện đó, tôi cũng được dẫn dắt bởi những phương tiện văn chương nữa.

 

DD: Ông phân biệt phương tiện văn chương và phương tiện triết học trong truyện ấy như thế nào? Ông có thể giải thích điều đó chứ?

 

Borges: Ồ, vâng. Tôi sẽ giải thích một cách rất dễ dàng... Bách khoa toàn thư, có thể nói, là nguồn đọc chính trong đời tôi. Tôi luôn quan tâm đến những bộ từ điển bách khoa. Trước kia tôi thường đến Thư viện Quốc gia ở Buenos Aires — và bởi vì tính tôi nhút nhát, tôi cảm thấy rất khó khăn khi phải mở miệng hỏi tìm một cuốn sách, hay hỏi người quản thủ thư viện, thế nên tôi tìm trên kệ sách bộ Bách khoa toàn thư Britannica. Tất nhiên, sau đó, tôi có bộ sách đó ở nhà, ngay bên cạnh tôi. Và tôi có thể với lấy bất kỳ tập nào để đọc một cách ngẫu nhiên. Thế rồi một đêm tôi được tưởng thưởng một cách xứng đáng, bởi tôi đọc hết tất cả những thứ về Druses, Dryden và Druids[*] — một kho tàng, phải không? — tất cả đều ở cùng một tập, dĩ nhiên, ở tập “Dr–.”

Thế rồi tôi có ý tưởng rằng hay biết mấy nếu nghĩ đến một bộ từ điển bách khoa của một thế giới có thực, rồi nghĩ đến một bộ từ điển bách khoa, dĩ nhiên là một bộ rất chính xác, của một thế giới tưởng tượng, nơi mà tất cả mọi thứ đều có liên hệ với nhau. Nơi, chẳng hạn, anh có thể nói, một ngôn ngữ và rồi một nền văn học đi với ngôn ngữ ấy, và rồi một lịch sử đi liền với nó, cứ như thế. Rồi tôi nghĩ, ừ, tôi sẽ viết một câu chuyện về một bộ từ điển bách khoa giả tưởng. Và tất nhiên sẽ cần rất nhiều người khác nhau để cùng viết nó, để đến với nhau và thảo luận rất nhiều điều — các nhà toán học, các triết gia, các nhà văn hoá, các kiến trúc sư, các kỹ sư, và rồi có cả các tiểu thuyết gia hay các sử gia. Và bởi vì tôi cần một thế giới rất khác cái thế giới chúng ta đang sống — nếu chỉ đặt ra những cái tên giả tưởng thì chưa đủ — tôi mới nghĩ, tại sao không đặt ra một thế giới dựa trên, chẳng hạn, những ý tưởng của Berkeley?

 

DD: Một thế giới trong đó Berkeley là lương thức chứ không phải Descartes?

 

Borges: Vâng, đúng như vậy. Thế rồi ngay hôm đó tôi viết truyện “Tlön, Uqbar, Orbis Tertius”, một truyện thu hút được nhiều độc giả. Và tất nhiên, toàn thể câu chuyện đặt cơ sở trên lý thuyết của chủ nghĩa duy tâm, cái ý tưởng rằng không có vật thể mà chỉ có các diễn biến, không có danh từ mà chỉ có động từ, không có vật thể mà chỉ có những cảm thức...

 

Lawrence I. Berkove: “Tlön” là một ví dụ xác đáng về một trong những câu chuyện của ông, qua đó — dù cho câu chuyện kết thúc như thế nào đi nữa — độc giả vẫn được khuyến khích để tiếp tục áp dụng những ý tưởng của ông.

 

Borges: Vâng, tôi hy vọng thế. Nhưng tôi tự hỏi không biết đó có phải là những ý tưởng của riêng tôi hay không. Bởi vì thực sự tôi không phải là một nhà tư tưởng. Tôi đã dùng tư tưởng của các triết gia cho những mục đích văn chương riêng của tôi, nhưng tôi không nghĩ rằng tôi là một nhà tư tưởng. Tôi cho rằng ý nghĩ của tôi đã được nghĩ giùm bởi Berkeley, bởi Hume, bởi Schopenhauer, bởi Mauthner, có lẽ thế.

 

MP-R: Ông nói rằng ông không phải là một nhà tư tưởng...

 

Borges: Không, ý tôi muốn nói là tôi không có một hệ thống triết học nào của riêng mình. Tôi cũng không bao giờ thử làm điều đó. Tôi chỉ là một con người của chữ nghĩa. Cũng giống vậy, ví dụ như — à, tất nhiên, lẽ ra tôi không nên chọn ví dụ này — cũng như cách Dante sử dụng thần học cho mục đích của thơ ca, hay Milton cũng sử dụng thần học cho mục đích của thơ ông ấy, thì tại sao tôi không thể dùng triết học, đặc biệt là triết học duy tâm — thứ triết học đã thu hút tôi — để viết một câu chuyện hay một truyện ngắn? Tôi nghĩ rằng tôi được phép chứ, phải không?

 

DD: Ông chắc chắn có một điểm chung với các triết gia, đó là niềm đam mê với sự phức tạp và nghịch lý.

 

Borges: Ồ vâng, dĩ nhiên — tôi nghĩ rằng triết học bắt nguồn từ tình trạng phức tạp của chúng ta. Nếu anh đã đọc những cái mà tôi mạn phép gọi là những “tác phẩm” của tôi, nếu anh đã đọc những bản thảo của tôi, bất cứ cái nào — anh có thể thấy rằng có một có một biểu tượng rất hiển nhiên của sự phức tạp, đó là cái mê cung. Tôi cho rằng đó là một biểu tượng rất rõ của sự phức tạp. Cái mê cung và sự kinh ngạc đi song song với nhau, đúng không? Cái mê cung chắc hẳn là một biểu tượng của sự kinh ngạc.

 

DD: Nhưng có vẻ như các triết gia không bao giờ hài lòng với việc chỉ đương đầu với sự phức tạp, họ muốn những câu trả lời, những hệ thống.

 

Borges: Vâng, họ làm đúng đấy.

 

DD: Họ đúng à?

 

Borges: Vâng, thì có lẽ không một hệ thống nào là hoàn chỉnh cả, nhưng cuộc truy tầm cho ra một hệ thống thì quả là rất thú vị.

 

MP-R: Ông có cho rằng tác phẩm của ông là sự truy tầm một hệ thống nào đó?

 

Borges: Không tôi không có tham vọng đến như vậy. Tôi muốn gọi nó, không phải là truyện khoa học giả tưởng, nhưng là truyện hư cấu về triết học, hay truyện hư cấu về những giấc mơ. Thêm nữa, tôi rất quan tâm đến thuyết duy ngã, vốn chỉ là một hình thức cực đoan của chủ nghĩa duy tâm. Tuy vậy, kể cũng lạ, rằng tất cả những ai viết về thuyết duy ngã đều viết về nó để mà bác bỏ nó. Tôi chưa từng thấy một cuốn sách nào ủng hộ thuyết duy ngã. Tôi biết anh muốn nói gì: bởi vì chỉ có một kẻ mơ mộng, thì tại sao ông lại viết một cuốn sách? Nhưng nếu chỉ có một kẻ mơ mộng, thì tại sao anh lại không thể mơ mộng về chuyện viết một cuốn sách?

 

DD: Bertrand Russell có lần đề nghị rằng tất cả những người theo thuyết duy ngã nên họp lại để hình thành Hội-những-người-theo-thuyết-duy-ngã.

 

Borges: Vâng, ông ấy viết về thuyết duy ngã một cách rất thông minh. Bradley trong cuốn Bề Ngoài và Thực Tại cũng vậy. Thế rồi tôi đọc một cuốn sách có nhan đề là Thuyết Duy Ngã của một nhà văn Ý, trong đó ông ấy cho rằng toàn bộ hệ thống là một bằng chứng của thuyết vị kỷ, của tính ích kỷ của thời kỳ này. Điều đó thật ngớ ngẩn.Tôi không bao giờ nghĩ về thuyết duy ngã theo cách đó.

 

MP-R: Ông nghĩ về thuyết duy ngã như thế nào?

 

Borges: Tôi nghĩ rằng thuyết duy ngã là không thể tránh khỏi.

 

MP-R: Có thể hay không thể tránh khỏi?

 

Borges: Tôi nên nói, không thể tránh khỏi nó một cách có logic, bởi vì không ai tin vào nó. Nó hơi giống như những gì Hume nói về Berkeley: “Lập luận của ông ta không thừa nhận một sự bác bỏ nào mà cũng không đưa ra một khẳng quyết nào.” Thuyết duy ngã cũng không thừa nhận một sự bác bỏ nào mà cũng không đưa ra một khẳng quyết nào.

 

DD: Ông có nghĩ rằng một câu chuyện có thể trình bày một quan điểm triết học hiệu quả hơn là một triết gia có thể biện luận cho nó?

 

Borges: Tôi chưa từng nghĩ đến điều đó, nhưng tôi nghĩ rằng anh nói đúng, thưa anh. Tôi cho rằng anh — vâng, vâng, tôi nghĩ anh nói đúng . Bởi vì — tôi không nhớ ai đã nói, có phải Bernard Shaw không nhỉ? — ông ấy nói, các lý lẽ không thể thuyết phục được ai cả. Không phải, Emerson nói. Ông ấy nói, các lý lẽ không thể thuyết phục được ai cả. Và tôi cho rằng ông ta nói đúng, ngay cả nếu anh nghĩ đến những bằng chứng về sự tồn tại của Thượng Đế, ví dụ như thế — có phải không? Trong trường hợp đó, nếu các lý lẽ không thuyết phục được ai, thì một con người có lẽ bị thuyết phục bởi những dụ ngôn hay những ngụ ngôn hay cái gì khác chăng? Hay những truyện hư cấu? Những thứ đó có sức thuyết phục hơn tam đoạn luận nhiều — và đúng thế, tôi cho là vậy. Vâng, dĩ nhiên khi tôi nghĩ về điều gì đó theo cách của Chúa Kitô. Nếu tôi nhớ không lầm thì ngài không bao giờ dùng đến lý lẽ; ngài dùng văn phong, ngài dùng những ẩn dụ nào đó. Thật là lạ — vâng, và ngài luôn luôn dùng những câu nói gây ấn tượng rất mạnh. Ngài không nói: “Ta không đến để mang lại hoà bình nhưng mang lại chiến tranh — Ngài nói: “Ta không đến để mang lại hoà bình nhưng mang lại một lưỡi gươm.” Chúa Kitô suy nghĩ bằng dụ ngôn. Vâng, theo như... — tôi nghĩ chính là Blake đã nói rằng một con người — ý tôi muốn nói, nếu y là một Kitô hữu — không nên chỉ là kẻ chính trực mà còn nên là kẻ thông minh... y cũng nên là một nghệ sĩ, bởi vì Chúa Kitô đã dạy nghệ thuật qua cách thuyết giảng riêng của ngài, bởi vì mỗi một câu nói của Chúa Kitô, thậm chí từng lời nói của Chúa Kitô, đều có một giá trị văn chương, và có thể được xem như một là ẩn dụ hoặc là một dụ ngôn.

 

DD: Như vậy thì rốt cuộc, theo ông, cái gì phân biệt tính triết học với tính văn học, nếu chúng đều có những điểm chung này?

 

Borges: Tôi cho rằng một triết gia thì nhắm đến một đường lối chính xác của tư duy, và tôi cho rằng một nhà văn thì lại ưa thích tự sự, anh ta kể chuyện, với những ẩn dụ.

 

MP-R: Có thể nào một tự sự, đặc biệt là một mẩu tự sự ngắn, lại có thể chính xác trong ý nghĩa triết học?

 

Borges: Tôi cho rằng có thể. Dĩ nhiên, trong trường hợp đó, nó phải là một truyện ngụ ngôn. Tôi nhớ lúc tôi đọc cuốn tiểu sử Oscar Wilde do Hesketh Pearson viết. Trong đó có một cuộc bàn luận kéo dài về số mệnh và tự do ý chí. Rồi ông ta hỏi Wilde nghĩ thế nào về tự do ý chí. Thế rồi Wilde đã trả lời bằng một câu chuyện. Câu chuyện có vẻ không xác đáng, nhưng thật ra không phải thế. Ông ta kể — vâng, vâng, vâng, một vài cái đinh, chốt, và kim sống lân cận với một thỏi nam chân, và một kẻ trong đám đó nói, “Tôi nghĩ chúng ta nên đến thăm thỏi nam châm.” Và kẻ khác nói “Tôi nghĩ nhiệm vụ của chúng ta là phải đến thăm thỏi nam châm.” Rồi một kẻ khác lại nói, “Chúng ta phải đi ngay, không được phép chậm trễ.” Thế rồi trong lúc chúng đang nói, một cách không ý thức, chúng chạy vội về phía thỏi nam châm, kẻ đang mỉm cười vì biết tất cả đều đang đến thăm hắn. Anh có thể tưởng tượng một thỏi nam châm đang mỉm cười. Anh thấy đấy, Wilde đưa ra ý kiến của ông ấy, và ý kiến của ông ấy là: chúng ta nghĩ rằng chúng ta là những tác nhân tự do, nhưng dĩ nhiên là không phải thế...

Nhưng tôi muốn nói cho rõ rằng nếu người ta có thể tìm thấy bất cứ ý tưởng nào trong những gì tôi viết, thì những ý tưởng đó đã đến sau khi viết. Ý tôi là, tôi đã bắt đầu bằng cái viết, tôi đã bắt đầu bằng câu chuyện, tôi đã bắt đầu với sự mộng tưởng, nếu anh muốn gọi nó như vậy. Rồi sau đó, có lẽ thế, một ý tưởng nào đó mới sinh ra. Nhưng tôi đã không bắt đầu, như tôi nói, bằng cái luận đề rồi mới viết một ngụ ngôn để chứng minh nó.

 

****

 

Đến đây chấm dứt phần thu âm của buổi nói chuyện với Borges dù cuộc nói chuyện ấy đã bắt đầu sớm hơn và sẽ còn tiếp tục vài phút sau đó trong phòng cũng như trong giờ ăn trưa.

 

_________________________________

[*]Druids: các thành viên của dòng tu Celtic.

 

_________________________________________________________________
Độc giả có thể nghe cuốn băng thu âm cuộc nói chuyện này Ở ĐÂY.

 

 

------------

Những tác phẩm của Borges đã đăng trên Tiền Vệ:

Kẻ bị giam cầm (truyện / tuỳ bút)
... Tôi muốn biết anh đã nghĩ gì trong cái khoảnh khắc choáng váng khi quá khứ và hiện tại trộn lẫn vào nhau; tôi muốn biết liệu đứa con bị thất lạc đã được tái sinh và đã chết ngay trong giây phút ngây ngất đó, hay anh đã có thể, ít nhất như một đứa trẻ hay như một con chó, nhận ra được bố mẹ mình và ngôi nhà của mình... [Bản dịch của Phan Quỳnh Trâm] (...)
 
Để nhìn dòng sông của thời gian và nước / và nhớ rằng Thời Gian cũng là một dòng sông khác, / để biết ta cũng phù lãng như dòng sông / và khuôn mặt của ta cũng trôi đi như nước... (có kèm băng ghi âm nguyên tác bài thơ qua giọng đọc của Jorge Luis Borges) [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn]
 
Bản ngã song trùng (truyện / tuỳ bút)
Được gợi ý hay gợi hứng bởi những tấm gương, bởi mặt nước phẳng lặng và những người sinh đôi, cái ý niệm về bản ngã song trùng rất phổ biến ở nhiều xứ. Rất có thể những câu nói như câu “Một người bạn là một bản ngã khác của tôi” của Pythagoras, và câu “Hãy tự biết mình” của Plato, đã được gợi hứng từ ý niệm này... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
[14.06.1986 - 14.06.2006: tưởng niệm 20 năm ngày mất JORGE LUIS BORGES] Có vẻ như không thật chút nào, nhưng câu chuyện cái đêm quá kỳ quặc ấy đã bắt đầu trong một cỗ xe ngựa thật gai mắt có hai cái bánh xe đỏ thắm, đầy oặp những người, cà dịch cà tang chạy qua những con đường nhỏ bằng đất nện, giữa những lò gạch và những lằn bánh... [Bản dịch Diễm Châu] (...)
 
[14.06.1986 - 14.06.2006: tưởng niệm 20 năm ngày mất JORGE LUIS BORGES] Sợi dây đã mất tích. Cả cái mê lộ kia cũng đã mất hút. Giờ đây, chúng ta cũng không còn biết, phải chăng đó là một mê lộ bao quanh chúng ta, một vũ trụ bí ẩn, hay một cõi hỗn mang thật tình cờ... | Cái ý tưởng về một toà nhà dựng nên cho thiên hạ đi lạc có lẽ còn lạ lùng hơn là cái ý tưởng về một con người có đầu bò mộng, nhưng cả hai ý ấy bổ túc cho nhau và hình ảnh mê cung thật hợp với hình ảnh con Minotaure... | Đối với người An-nam, cọp hay những vị thần hiện thân nơi cọp cai quản các phương hướng của không gian... [Bản dịch Diễm Châu] (...)
 
Mười ba bài thơ của Jorge Luis Borges (1899-1986) — nhà văn, nhà thơ Á-căn-đình, và một trong những khuôn mặt văn chương hàng đầu của thế kỷ 20. [Bản dịch Diễm Châu]
 
Bài giảng về thơ [kỳ 3] (tiểu luận / nhận định)
Có một kinh nghiệm mỹ học khác, cũng lạ lùng không kém, đó là khoảnh khắc lúc nhà thơ trầm tư về tác phẩm sẽ viết, khoảnh khắc lúc nhà thơ đang khám phá hay phát minh tác phẩm... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Chín bài thơ tuyệt vời của Jorge Luis Borges về bông hồng do Diễm Châu sưu tầm từ nhiều tác phẩm khác nhau và dịch sang Việt văn...
 
Thày bói (truyện / tuỳ bút)
Ở Sumatra, có một người muốn thi lấy bằng tấn sĩ về khoa phù-thủy... [Bản dịch Diễm Châu] (...)
 
Bài giảng về thơ [kỳ 2] (tiểu luận / nhận định)
Có người nói rằng văn xuôi gần với hiện thực hơn thơ. Tôi nghĩ điều này là sai. Có một ý tưởng được truyền tụng là xuất phát từ nhà viết truyện ngắn Horacio Quiroga: nếu một cơn gió lạnh thổi từ bờ sông, ta phải viết đơn giản là “một cơn gió lạnh thổi từ bờ sông.” ... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Bài giảng về thơ [kỳ 1] (tiểu luận / nhận định)
Chúng ta thay đổi không ngừng, và mỗi lần đọc một cuốn sách, mỗi lần đọc lại, mỗi hồi ức về cuộc đọc lại ấy, đều phát minh cái văn bản thêm một lần nữa. Ngay cái văn bản ấy cũng là dòng sông luôn thay đổi của Heraclitus... Chúng ta vẫn sai lầm khi tưởng rằng ngôn ngữ phản ảnh điều bí ẩn mà chúng ta gọi là hiện thực. Thật ra, ngôn ngữ là một điều gì khác... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Bông hồng của Paracelse (truyện / tuỳ bút)
Trong xưởng thợ gồm hai gian ở tầng dưới mặt đất, Paracelse cầu xin Thượng đế của ông, Thượng đế mơ hồ của ông, bất cứ Thượng đế nào, gửi đến cho ông một môn đệ... [Bản dịch Diễm Châu] (...)
 
Mê lộ (truyện / tuỳ bút)
Đây là mê lộ Crète. Đây là mê lộ Crète mà trung tâm là con quái vật Minotaure... [Bản dịch Diễm Châu] (...)
 
Ngay cả sự thân mật của vầng trán em trong trẻo như một ngày hội / ngay cả sự riêng tư của thân thể em, hãy còn huyền bí và câm nín, hãy còn trẻ thơ... [Bản dịch Diễm Châu]
 
Một vấn nạn (truyện / tuỳ bút)
Chúng ta hãy tưởng tượng một tờ giấy trên đó có một văn bản tiếng Ả Rập được phát hiện ở Toledo... [Bản dịch Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Hoả ngục, I, 32 (truyện / tuỳ bút)
... Ngươi chịu đựng sự giam cầm, nhưng ngươi sẽ ban một chữ cho bài thơ ấy... [Bản dịch Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Những giây phút quằn quại giãy chết đã qua, giờ đây hắn nằm một mình -- cô đơn, tan nát và bị phế thải... [Bản dịch Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Cốt truyện (truyện / tuỳ bút)
Định mệnh yêu thích những sự tái hoàn, biến thể, đối xứng... [Bản dịch Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Nhà dân tộc học (truyện / tuỳ bút)
Tôi nghe chuyện này ở Texas, nhưng nó đã xảy ra ở một tiểu bang khác... [Bản dịch Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Tưởng niệm J.F.K. (truyện / tuỳ bút)
Viên đạn này là viên đạn cũ... [Bản dịch Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Những chiếc móng chân (truyện / tuỳ bút)
Đôi vớ mềm nuông chiều chúng mỗi ngày, và đôi giày da làm chúng cứng cáp hơn, nhưng những ngón chân của tôi chẳng màng biết đến. Chúng chỉ chú tâm vào một việc là nặn ra những chiếc móng chân... [Bản dịch Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Đoá hồng vàng (truyện / tuỳ bút)
... Marino đạt khoảnh khắc khai ngộ ấy vào giờ hoàng hôn của đời ông, và Homer và Dante có lẽ cũng đã đạt điều ấy... [Bản dịch Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Một lời nguyện cầu (truyện / tuỳ bút)
... Tôi muốn chết hoàn toàn; tôi muốn chết với thân xác này, kẻ đồng hành của tôi... [Bản dịch Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Huyền thoại (truyện / tuỳ bút)
Cain và Abel gặp lại nhau sau khi Abel chết. Đang hành cước qua sa mạc, họ nhận ra nhau từ xa, vì cả hai đều cao lớn... [Bản dịch Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Dreamtigers (truyện / tuỳ bút)
Thuở thơ ấu, tôi là một kẻ sùng phụng nhiệt thành của con hổ -- không phải là con báo đốm, loại “cọp” có đốm sống trên những phù đảo của loài thủy lan dọc theo miền đất Paraná và vùng rừng rậm Amazon, nhưng là con hổ thật... [Bản dịch Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Argumentum Ornithologicum (truyện / tuỳ bút)
Tôi khép mắt lại và thấy một bầy chim. Hình ảnh ấy thoáng qua trong một giây đồng hồ, hay có lẽ ít hơn; tôi không chắc tôi đã thấy bao nhiêu con chim. Số lượng chim cố định hay bất định?... [Bản dịch Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
... Tôi đề nghị với Macedonio rằng chúng tôi tự tử để cuộc luận đàm đạt kết quả mà khỏi phải tốn công biện luận dài dòng... [Bản dịch Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Borges và tôi (truyện / tuỳ bút)
... Tôi sẽ còn lại trong Borges, chứ không phải trong tôi (nếu, quả thực, tôi là một kẻ nào đó có chút gì đáng kể), nhưng tôi nhận ra chính mình trong những cuốn sách của ông ấy còn ít hơn trong sách vở của những người khác... [Bản dịch Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Chiếc đĩa (truyện / tuỳ bút)
Tôi là một người đốn củi. Tên tôi không đáng kể. Túp lều nơi tôi được sinh ra, và nơi tôi sắp chết đi, nằm ở bìa rừng. Họ nói những cánh rừng này tiếp tục trải dài, đến tận biển lớn vây quanh cả trái đất... [Bản dịch Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021