thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Nghệ thuật văn chương hư cấu [V]

 

Bản dịch của Phan Quỳnh Trâm,
với sự hiệu đính và chú thích của Hoàng Ngọc-Tuấn.

 

MARIO VARGAS LLOSA

(1936~)

 

Nhân dịp nhà văn Mario Vargas Llosa đoạt giải Nobel Văn chương năm 2010, chúng tôi xin gửi đến văn hữu và độc giả một bài phỏng vấn do Susannah Hunnewell và Ricardo Augusto Setti thực hiện cách đây 20 năm trên tờ Paris Review (Fall 1990, No. 116), trong đó Mario Vargas Llosa đã phát biểu những ý tưởng hết sức thú vị về nghệ thuật văn chương hư cấu.
 
Vì giới hạn của thời giờ, chúng tôi không thể dịch một lần trọn vẹn bài phỏng vấn, mà sẽ chia thành vài đoạn và dịch mỗi ngày một đoạn. Xin mời quý bạn theo dõi cho đến khi bài phỏng vấn kết thúc.
 
Phan Quỳnh Trâm

 

________________

 

Đã đăng: kỳ [I] - [II] - [III] - [IV]

 

MARIO VARGAS LLOSA: NGHỆ THUẬT VĂN CHƯƠNG HƯ CẤU

(tiếp theo kỳ trước)

 

Susannah Hunnewell và Ricardo Augusto Setti thực hiện

 

NGƯỜI PHỎNG VẤN

Rất nhiều tác phẩm của ông được sáng tác bên ngoài đất nước Peru, trong cái mà người ta có thể gọi là một sự lưu vong tự nguyện. Có lần ông đã phát biểu rằng sự kiện Victor Hugo sáng tác bên ngoài đất nước của chính mình đã góp phần làm nên sự vĩ đại của một cuốn tiếu thuyết như Những người khốn khổ. Thấy mình tách xa ra khỏi sự “quay cuồng đến chóng mặt của thực tại” thì ít nhiều là một lợi thế cho việc tái hiện chính cái thực tại đó. Ông có thấy thực tại là một nguồn cơn của sự quay cuồng đến chóng mặt không?

 

VARGAS LLOSA

Vâng, theo nghĩa là tôi chưa bao giờ có thể viết về cái gì gần gũi với tôi. Sự gần gũi kiềm chế tôi trong ý nghĩa rằng nó không cho phép tôi làm việc một cách tự do. Điều rất quan trọng là được làm việc với đầy đủ sự tự do thì bạn mới có điều kiện để chuyển hoá hiện thực, để thay đổi con người, để làm cho họ hành động khác đi, hay để mang một yếu tố cá nhân vào trong câu chuyện, một điều gì đó hoàn toàn tuỳ ý. Điều đó cực kỳ cần thiết. Đó mới chính là sự sáng tạo. Nếu bạn có một thực tại trước mặt, tôi có cảm tưởng, nó sẽ trở thành một sự ước thúc. Tôi luôn cần một khoảng cách nào đó, về thời gian, hoặc tốt hơn nữa, trong thời gian và không gian. Trong ý nghĩa đó, sự lưu vong rất hữu ích. Nhờ đó, tôi đã khám phá ra kỷ luật. Tôi đã phát hiện rằng việc viết là việc làm, và đa phần, là một trách vụ. Khoảng cách bao giờ cũng cần thiết bởi tôi tin vào tầm quan trọng to lớn của sự cảm hoài đối với nhà văn. Nói chung, sự vắng mặt của đề tài lại làm cho ký ức phong phú thêm. Ví dụ, đất nước Peru trong cuốn Thanh Lâu [*] không chỉ là một sự mô tả hiện thực, mà còn là đề tài về nỗi hoài hương cho một con người bị chia lìa khỏi đất nước ấy và cảm nhận một niềm khao khát đau đớn về nó. Đồng thời, tôi nghĩ rằng khoảng cách tạo ra một góc nhìn hữu ích. Nó thanh giản cái hiện thực vốn đã làm cho mọi thứ thành rắc rối và làm ta chóng mặt. Rất khó để chọn lựa hay phân biệt cái gì là quan trọng và cái gì là thứ yếu. Khoảng cách làm cho sự phân biệt đó khả thi. Nó thiết lập được những hệ thống thứ bậc cần thiết giữa những gì thiết yếu và những gì thoáng qua.

 

NGƯỜI PHỎNG VẤN

Trong một tiểu luận xuất bản cách đây vài năm, ông viết rằng văn chương là một niềm đam mê, và niềm đam mê đó là độc quyền và nó đòi hỏi phải hy sinh tất cả nhưng lại không được hy sinh chính nó. “Bổn phận tiên quyết không phải là sống mà là viết,” câu này làm tôi nhớ đến một câu mà Fernando Pessoa, nhà thơ người Bồ Đào Nha, đã viết: “Tìm phương hướng là cần thiết, sống thì không cần thiết.”

 

VARGAS LLOSA

Bạn có thể nói rằng viết là cần thiết và sống thì không cần thiết... Có lẽ tôi nên nói điều gì đó về bản thân tôi, để người ta có thể hiểu rõ tôi hơn. Từ khi còn là một đứa trẻ, tôi đã xem văn chương là điều rất hệ trọng. Nhưng ngay cả khi tôi đã đọc và viết rất nhiều trong thời gian còn đi học, tôi cũng không bao giờ tưởng tượng nổi rằng một ngày nào đó tôi sẽ dấn thân hẳn vào con đường văn chương, bởi vì vào lúc ấy thì chuyện đó có vẻ quá phù phiếm đối với một người Châu Mỹ Latin, đặc biệt là một người Peru. Tôi theo đuổi những thứ khác: tôi dự định theo ngành luật, làm một giáo sư hoặc một ký giả. Tôi chấp nhận gác những gì thiết yếu đối với tôi ra đằng sau.

Nhưng khi tôi đến Âu Châu với một suất học bổng sau khi tốt nghiệp đại học, tôi nhận ra rằng nếu tôi tiếp tục suy nghĩ theo cách đó thì tôi sẽ không bao giờ có thể trở thành một nhà văn, rằng cách duy nhất là phải quyết định chính thức rằng văn chương không chỉ là mối bận tâm chính của tôi mà còn là nghề nghiệp của tôi. Đó là lúc tôi quyết định dấn thân hẳn vào văn học. Và bởi vì tôi không thể tự nuôi sống bản thân mình bằng cách đó, tôi đã quyết định sẽ tìm những công việc làm có thể cho tôi thời gian để viết và những việc làm đó không bao giờ trở thành ưu tiên. Nói cách khác, tôi lựa chọn những việc làm thích hợp với công việc của tôi như một nhà văn. Tôi cho rằng quyết định đó đã đánh dấu một bước ngoặt trong đời tôi bởi vì từ đó tôi có đã sức mạnh để viết. Có một sự thay đổi về tâm lý. Đó là lý do tại sao văn chương đối với tôi có vẻ giống như một niềm đam mê hơn là một nghề nghiệp. Rõ ràng, nó là một cái nghề vì tôi nhờ nó để mưu sinh. Nhưng ngay cả nếu tôi không thể tự nuôi sống bằng nó đi nữa, thì tôi sẽ vẫn tiếp tục viết. Văn chương thì khác hơn là một thứ thoả hiệp. Tôi tin rằng một nhà văn chọn dấn thân hoàn toàn vào công việc, dốc lòng phục vụ cho văn chương thay vì gộp nó vào với các mối quan tâm khác, là điều tuyệt đối quan trọng.

Một số người xem văn chương như là một sinh hoạt bổ sung hoặc trang trí cho một cuộc đời vốn dành để theo đuổi những thứ khác hay thậm chí như một cách để đạt được thanh thế và quyền lực. Trong những trường hợp đó, có một sự tắc nghẽn, đó chính là văn chương đang trả thù chính nó, nó không cho phép bạn viết với một chút tự do, táo bạo hay độc đáo nào cả. Đó là lý do tại sao tôi nghĩ rằng việc dấn thân hoàn toàn vào văn chương là điều rất quan trọng. Điều lạ là trong trường hợp của tôi, khi quyết định điều đó, tôi nghĩ là tôi đã chọn một cuộc sống khó nhọc, vì tôi chưa bao giờ tưởng tượng văn chương sẽ nuôi sống tôi nổi, chứ đừng nói là sống một cách sung túc. Nó như là một thứ phép lạ. Tôi vẫn chưa hiểu hết. Tôi đã không phải tự tước bỏ bất cứ thứ gì thiết yếu ra khỏi bản thân mình để viết. Tôi còn nhớ cảm giác thất vọng và buồn chán với bản thân khi tôi không viết được, lúc còn sống ở Peru trước khi đi Âu Châu. Tôi đã lập gia đình khi còn rất trẻ và tôi phải làm bất cứ công việc gì có thể tìm được. Có lúc tôi có đến bảy việc làm! Dĩ nhiên là tôi không thể viết gì được. Tôi đã viết vào Chủ nhật hay ngày lễ, nhưng phần lớn thời gian tôi phải dành cho những công việc nhàm chán không dính dáng gì đến văn chương và tôi cảm thấy thất vọng khủng khiếp vì điều đó. Giờ đây, mỗi sáng thức dậy, tôi thường ngạc nhiên trước ý nghĩ rằng tôi có thể dành thời gian trong đời để làm những việc đem lại cho tôi niềm vui sướng lớn lao nhất, và hơn nữa, có thể sống nhờ nó, và sống sung túc.

 

NGƯỜI PHỎNG VẤN

Văn chương có làm cho ông trở nên giàu không?

 

VARGAS LLOSA

Không, tôi không phải là một người giàu có. Nếu bạn so sánh lương của một nhà văn với lương của một chủ tịch công ty, hay so với một người đã nổi danh trong một nghề nghiệp chuyên môn nào đó, hoặc so với một người đấu bò hay một vận động viên hàng đầu ở Peru, bạn sẽ thấy văn chương vẫn còn là một nghề rẻ mạt.

 

NGƯỜI PHỎNG VẤN

Có lần ông nhắc lại là Hemingway đã cảm thấy cùng lúc vừa trống rỗng, vừa buồn bã, vừa sung sướng sau khi viết xong một cuốn sách. Còn ông thì cảm thấy như thế nào trong những trạng huống như thế?

 

VARGAS LLOSA

Cũng y như vậy. Khi viết xong một cuốn sách, tôi cảm thấy trống rỗng, bần thần, vì cuốn tiểu thuyết đã trở thành một phần của tôi. Ngày này qua ngày khác, tôi cảm thấy như chính mình bị tước mất nó — như một người nghiện bỏ uống rượu. Nó là cái gì đó không đơn thuần là phụ kiện; chính cuộc sống đột nhiên như bị tước rời khỏi tôi. Cách chữa trị duy nhất là lập tức lao vào một công việc khác nào đó; điều ấy không phải là khó bởi tôi có hàng ngàn dự án để nhúng tay vào. Nhưng tôi luôn phải trở lại làm việc ngay lập tức, mà không có một giai đoạn chuyển tiếp nào dù ngắn nhất, với mục đích là tôi không để cho sự trống rỗng tự nó đào sâu hơn giữa cuốn sách trước đó và cuốn tiếp theo.

 

đọc tiếp kỳ [VI]

 

------------------
Dịch từ bản tiếng Anh, “Mario Vargas Llosa, The Art of Fiction No. 120”, Interviewed by Susannah Hunnewell, Ricardo Augusto Setti, Paris Review (Fall 1990, No. 116).

 

_________________________

[*]Thanh Lâu: nhan đề nguyên tác là La Casa Verde (1965). Trong cuốn tiểu thuyết này, La Casa Verde (Ngôi Nhà Xanh) là tên một ổ điếm trong vùng hoang mạc gần thị trấn Puira, ở phía bắc Peru.

 

------------

Đã đăng:

[NOBEL VĂN CHƯƠNG 2010] ... Khi còn trẻ, tôi rất mê đọc Sartre. Tôi cũng đọc các tiểu thuyết gia người Mỹ, đặc biệt của thế hệ lạc loài — như Faulkner, Hemingway, Fitzgerald, Dos Passos — nhất là Faulkner. Trong số các tác giả tôi đọc khi tôi còn trẻ, Faulkner là một trong số ít những người vẫn còn có ý nghĩa rất lớn đối với tôi. Tôi chẳng bao giờ thất vọng khi đọc lại ông, như cái cách mà tôi vẫn thỉnh thoảng cảm thấy khi đọc lại Hemingway, chẳng hạn. Tôi cũng sẽ không đọc lại Sartre vào lúc này. So với mọi thứ tôi đã đọc từ thuở đó đến nay, thì tác phẩm hư cấu của Sartre có vẻ đã lỗi thời và đã mất đi phần lớn giá trị của nó... [Bản dịch của Phan Quỳnh Trâm, với sự hiệu đính và chú thích của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
[NOBEL VĂN CHƯƠNG 2010] ... Tôi chưa bao giờ có cảm giác rằng tôi đã quyết định một cách duy lý, một cách lạnh lùng, để viết một cái truyện. Trái lại, những sự kiện hoặc những con người nào đó, đôi lúc những giấc mơ hay những gì đọc được trong sách vở, bất ngờ bám lấy tôi và đòi hỏi sự lưu tâm. Đó là lý do tại sao tôi nói rất nhiều về tầm quan trọng của những yếu tố hoàn toàn phi lý của công việc sáng tạo văn chương. Tôi tin rằng sự phi lý này cũng phải được chuyển tải đến người đọc. Tôi muốn những cuốn tiểu thuyết của tôi được đọc như cách tôi đọc những cuốn tiểu thuyết mà tôi yêu thích... [Bản dịch của Phan Quỳnh Trâm, với sự hiệu đính và chú thích của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
[NOBEL VĂN CHƯƠNG 2010] ... Tôi không bao giờ biết khi nào thì tôi sẽ kết thúc một câu chuyện. Một mẩu chuyện tôi tưởng chỉ mất vài tháng đôi khi có thể mất vài năm để hoàn thành. Đối với tôi một cuốn tiểu thuyết dường như chỉ hoàn thành khi tôi cảm thấy rằng nếu tôi không kết thúc nó sớm, nó sẽ vượt qua khỏi tôi. Khi đã đạt đến độ bão hoà, khi tôi thấy đã đủ, khi tôi không còn chịu đựng được nữa, thì câu chuyện kết thúc... [Bản dịch của Phan Quỳnh Trâm, với sự hiệu đính và chú thích của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
[NOBEL VĂN CHƯƠNG 2010] ... Lúc đầu có điều gì đó rất mơ hồ, một trạng thái cảnh giác, một điềm báo, một điều gây thắc mắc. Một cái gì đó tôi nhận ra trong cõi mù mịt và chập chờn quanh tôi khiến tôi chú ý, tò mò, và phấn khích, và rồi tự nó biến thành công việc, những thẻ ghi chú, bản tóm tắt cốt truyện. Rồi đến khi tôi có cái sườn truyện và bắt đầu sắp đặt mọi sự việc theo trật tự, thì một điều gì đó rất tản mạn, rất mơ hồ vẫn còn lởn vởn. Giây phút “bừng sáng” chỉ xảy ra trong khi làm việc... [Bản dịch của Phan Quỳnh Trâm, với sự hiệu đính và chú thích của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021