thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Con gián của nhà hoạ sĩ

 

Bản dịch của Nguyễn Đăng Thường

 

Mana Neyestani

 

CON GIÁN CỦA NHÀ HOẠ SĨ

 

“Câu chuyện của tôi, thậm chí đối với tôi, nó càng có vẻ khó tin, thảy như là chuyện bất khả,” Mana Neyestani, nhà hoạ sĩ biếm hoạ tâm sự. Đằng sau cặp mắt kiếng gọng sắt, đôi mắt dường như lưỡng lự khi anh tìm cách lý giải về cuộc hành trình đã đưa anh đi từ Iran sang Pháp. “Để được tiếp nhận vào một nước Âu châu thì cần phải giải thích cặn kẽ mọi nghịch lý của một nước Cộng hoà Hồi giáo, một việc bất khả,” anh khẳng định trong một nụ cười châm biếm.

Với chiếc mũ dạ luôn luôn gắn chặt trên đầu, thân mình trùm kín trong chiếc áo khoác đen dài tới chân, anh có thể dễ dàng hoà lẫn vào bối cảnh Khu phố quốc tế của nghệ thuật, ở Paris, nơi anh đang sống và tiếp khách. Anh cho biết từng chi tiết một về tiến trình đã đưa tới cuộc “hoá thân” của anh. “Cứ nghĩ rằng từ tư thế một người vẽ truyện tranh cho thiếu nhi tôi đã trở thành một tù nhân, một kẻ phải di chuyển lén lút, một anh sinh viên giả mạo và cuối cùng là một đứa con nuôi của nước Pháp.”

Anh đã phải chiến đấu để tìm lại lý lịch đằng sau những cái nhãn mà người ta đã dán lên người anh. “Năm 2006, người ta đã gán cho tôi cái tội kỳ thị chỉ vì tôi đã vẽ một con gián nói một tiếng ‘azéri’, trên trang phụ bản dành cho thiếu nhi của một tờ nhựt báo lớn của Iran.” Đó là một tiếng thường được sử dụng trong ngôn ngữ Ba Tư, và cái anh hoạ sĩ còn non tuổi đời ấy đã không thể tưởng tượng nổi rằng cái tộc thiểu số nhưng rất quan trọng đó của Iran đã coi đấy như là một lời sỉ vả trực tiếp. Thế là, cả suốt mấy tuần lễ liền họ đã kéo nhau xuống đường phản đối. Và chính quyền đã nhanh tay trấn áp cuộc nổi loạn vấy máu ấy.

Trực diện những xác chết, Mana cảm thấy mình bị nghiền nát bởi một guồng máy vượt quá sức anh. “Các hoạ sĩ người Iran chuyên vẽ biếm hoạ, nhứt là những người chuyên về phạm vi chính trị, họ thường xuyên chờ đợi một việc gì đó sẽ xảy ra. Nguy cơ đó luôn luôn có mặt, chính quyền có thể tìm thấy một khía cạnh chính trị trong các hình vẽ để kiếm chuyện làm khó dễ. Thế mà tôi đã chẳng hề nghĩ rằng vẽ tranh cho lũ con nít xem chơi chuyện đó cũng có thể xảy ra.”

Mana Neyestani bị bắt vào tháng năm 2006 vì tội gây rối và bị giam giữ vài tháng cùng với ông tổng biên tập. Lợi dụng một dịp được trả tự do tạm, anh bỏ chay ra nước ngoài. Thế là khởi sự một chuỗi dài những ngày tha hương qua ngã Dubai, Thổ-nhĩ-kỳ, Nam Dương và Pháp hiện nay. “Khi hoàn tất [bản thảo] ‘Một cuộc hoá thân kiểu Iran’,[*] những kỷ niệm tự nhiên trở về với tôi, từng cảnh một, như trong chiêm bao, hay đúng hơn, như trong ác mộng, và tôi chỉ cần vẽ chúng ra như vậy, minh hoạ từng giai đoạn một, với những tới lui trong thời gian.”

Để qua một bên những cơn ác mộng, tìm lại và phục hồi lý lịch, là điều đã khiến anh kể lại câu chuyện riêng tư trong cuốn truyện. Tuy thế, cuộc hành trình ấy đồng thời cũng là đấu tranh, anh nhấn mạnh. “Tôi viết, vẽ cuốn truyện tranh đó không phải để nói ‘hãy xem nỗi khổ của tôi’. Không, không phải vậy đâu. Tôi thực sự muốn cho thấy hoàn cảnh của giới trí thức ở Iran và cho tới mức độ nào những biến cố vừa bi vừa hài, không đầu không đuôi ấy có thể xảy đến cho một gã vẽ biếm hoạ người Iran.”

Mana Nayestani sử dụng hài hước đen rất tài tình. Thời trẻ, tất nhiên anh đã chịu ảnh hưởng các tác giả tranh biếm hoạ của Pháp, như Jean Bosc hay Jean Gourmelin. Kể cả khi anh tự nhận mình chỉ là một kẻ “tầm thường” thì anh cũng đã không trưởng thành trong một gia đình tầm thường, ở quê hương. Ba má anh đều là giáo sư văn học Ba Tư. Bố anh là một nhà thơ tên tuổi. Thời thơ ấu của anh thấm đượm không khí văn chương. “Trong nhà đầy ắp sách vở, truyện tranh du nhập vào nước trước cách mạng [Hồi Giáo năm 1979] hoặc lén lút chuyền tay nhau. Tôi được khuyến khích lúc bắt đầu vẽ.”

Ðược dưỡng nuôi trong bầu khí văn nghệ nổi bật trên cái nền của một nước Iran đang bị Hồi hoá tối đa, ngay từ năm lên 16, tranh anh đã xuất hiện trên nhiều tạp chí. Về sau, dưới thời Khatami [tổng thống từ năm 1997 đến 2005] trùng hợp với sự nới lỏng tự do báo chí, các hình vẽ của anh đã nhuốm sắc chính trị, mặc dù anh luôn luôn chuộng ẩn dụ thay vì cáo buộc trực tiếp.

Năm 2009, từ nơi lưu vong ở Mã-lai, anh thẳng thắng ủng hộ Phong trào Xanh phản kháng sự đắc cử của Mahmoud Ahmadinejad ở ngôi vị tổng thống, và tiến xa hơn nữa, tố giác sự thiếu tự do. Các tranh vẽ của anh, đậm nét biểu trưng mạnh bạo, được giới chống đối chế độ hiện hữu của Iran từ ngoài nước tiếp đón nồng nhiệt, một việc khá hiếm hoi. Tin tưởng rằng quê hương anh, nhứt là sau “mùa xuân Ả Rập”, còn có thể đứng lên, anh liên lạc thường xuyên với các hoạ sĩ tha hương khác cùng với thân nhân trong nước. Thiển nghĩ của anh là các hoạ sĩ có thể làm được rất nhiều chuyện. “Công việc duy nhứt tôi có thể làm là vẽ tranh biếm hoạ. Tôi không mổ xẻ phân tích chính trị, tôi không có giải pháp nào cả. Nhưng tôi tin chắc rằng các hoạt động văn hoá và xã hội nho nhỏ chúng tôi đang làm mỗi người một nơi có thể trở thành một lượn sóng. Một cộng đồng trí thức Iran mạnh mẽ đã hình thành ở hải ngoại và cũng đang xê dịch được nhiều thứ.”

Tại Paris, Mana, rụt rè quá mức và không thoải mái trong việc xã giao, thường ở trong nhà với bà xã và con mèo. Vẫn bám trụ nhà, như lúc còn ở Iran, ngoại trừ “những hôm trời đẹp mà không đi viếng thành phố là phạm tội ác!” Nhưng trên hết là sự cố được nếm mùi tự do và lòng tri ân các hiệp hội đã giúp anh đặt chân vào nước Pháp. “Tôi nghĩ rằng người Iran, do sự giáo dục, gia đình, và nói chung là do hệ thống chuyên chế độc tài mà họ phải sống hoà mình trong một trăm năm qua, thậm chí qua nhiều thế kỷ, đã có một cái khung hạn chế sự tự do của họ. Tôi cũng có cái khung đó: thoát khỏi nó và cái hệ thống đó rất khó. Ngày nay, tôi không còn sinh sống ở Iran, nghĩa là tôi đã được tự do hoàn toàn, thế nhưng trong tâm khảm, tôi có cảm tưởng rằng mình vẫn tự kiểm duyệt.”

 

 

-------------
Nguồn: “Le cafard du dessinateur” trong mục Gặp Gỡ / Phỏng Vấn (Rencontre) do Hamdam Mostafavi thực hiện. trên tờ Le Monde des Livres (17.02.2012).
 
Từ “cafard” cũng có nghĩa là “muộn phiền”. Nhan đề “Le cafard du dessinateur” như vậy mang hai nghĩa: “Con gián của nhà hoạ sĩ” (nghĩa đen) và “Nỗi buồn của nhà hoạ sĩ” (nghĩa bóng).

 

 

_________________________

[*]‘Một cuộc hoá thân kiểu Iran’, tức là cuốn Une métamorphoes iranienne của Mana Neyestani (Bussy Saint-Georges: Editions Çà et Là, 2012), do Fanny Soubiran dịch sang tiếng Pháp, từ nguyên tác tiếng Anh - chưa xuất bản.

 
 
Bìa trước của Une métamorphoes iranienne

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021