thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Nói chuyện với nhà văn Nguyễn Viện

 

Chúng tôi đang ngồi ở góc phố, cà phê vỉa hè Metropolitan, góc đường Đồng Khởi, đối diện là tượng Đức Mẹ đứng ôm trái tim mình. Buổi sáng Sài Gòn, trời xanh nắng cao.

Nguyễn Viện, gọng kính trắng tròn, ria mép bạc, hay cười hóm hỉnh. Anh hút thuốc lá nhiều, chốc chốc lại đốt điếu mới. Chúng tôi bắt đầu câu chuyện.

 

Thận Nhiên [TN]: Xin anh cho biết đôi điều về nhà văn Nguyễn Viện: nhân thân, sinh hoạt…

Nguyễn Viện [NV]: Hắn sinh năm 1949, tại một làng quê Bắc bộ, tỉnh Hải Dương, mà mãi tới hơn 50 năm sau, hắn mới thật sự bước trên mảnh đất ấy, thôn Đồng Xá, với một cảm giác kỳ lạ là tất cả những người đã chết (ở ngôi làng ấy) đều sống lại soi mói nhìn hắn.

Hắn phải chạy loạn nhiều lần, do đó cũng đã ở nhiều nơi, làm nhiều nghề khác nhau.

TN: Anh khởi sự nghiệp văn như thế nào?

NV: Tôi đã viết feuilleton từ rất sớm. Sau năm 1975, đã tưởng cuộc đời chấm dứt với một cái xác vất vưởng. Năm 1992, tôi ế ẩm ở chợ giời khu Dân Sinh, tình cờ gặp anh em văn nghệ cũ, thế là ma đưa lối quỉ đưa đường, tôi vào làng báo và viết lại, cũng chỉ hy vọng kiếm cơm.

TN: Điều gì ám ảnh ngòi bút, bàn phím của anh? Đề tài nào, ý tưởng chủ đạo nào anh muốn gởi đến người đọc hôm nay, kỹ thuật và suy tưởng…?

NV: “Anh em hãy sám hối vì nước trời đã đến gần” (phúc âm Matthiew), tôi luôn bị ám ảnh bởi sự tận diệt, nhất là sau những ngày đầu giải phóng 30.4. Tôi cảm thấy đời mình không còn bất cứ một cơ hội nào. Một cảm thức lưu đày bám lấy tôi. Tôi trở nên ngoan đạo và muốn sống trong đức hy sinh. Nhưng tôi không thể nào thoát khỏi một tình cảm xa lạ và đơn độc. Cuộc sống hỗn độn, thay đổi càng làm tôi chán chường. Tôi thuộc về một thế hệ bỏ đi. Tôi luôn luôn cảm thấy thế giới đang đổ vỡ. Tôi nhìn thấy rõ tôi, bởi thế tôi cũng nhìn thấy rõ cuộc sống chung quanh. Hợp lý và bất hợp lý. Ảo ảnh và thực tại.

Khi tôi viết, tôi viết bằng tâm trạng thật, bằng cả cái hư ảo và hiện thực của một thực tế. Đi đến tận cùng bản thể. Có lẽ vì thế mà chị Thụy Khuê gọi bút pháp của tôi là song song. Chị Thu Hồng gọi là thái hiện thực. Anh Dương Tường gọi là phi thời gian, phi tuyến tính.

Cái bi kịch lịch sử là bi kịch của chính trị. Bởi thế, tôi thích viết về đề tài chính trị như một bi kịch về con người trong mối tương quan của số phận. Mặc dù đây là một đề tài hết sức nhạy cảm và nguy hiểm. Hẳn nhiên tôi không làm chính trị. Đối với tôi, chính trị, hay tình dục, tâm lý xã hội… cũng chỉ là những đề tài mà về mặt chất liệu ngôn ngữ như nhau. Nó chỉ có giá trị gợi hứng. Tuy nhiên, tôi có thể nói rằng: Đối với một nhà văn Việt Nam, bối cảnh xã hội đương đại Việt Nam là một loại chất liệu tuyệt vời nhất cho một nghệ sĩ sáng tạo. Nó mang đến đủ mọi tình cảm hỉ nộ ái ố… cũng như sự thúc giục bày tỏ.

Cái bi kịch của con người là bi kịch về sự nô lệ. Bởi thế, tôi đã viết bằng một ý thức giải phóng.

TN: Độc giả của anh là ai? Anh mong chờ gì ở họ? Văn chương mang lại và lấy mất của anh những gì?

NV: Khi in “Thời của những tiên tri giả” ở Việt Nam, tôi thấy độc giả của tôi là các nhà báo, các nhà văn, nhà thơ, họa sĩ, nhà phê bình… Tôi cũng tình cờ biết thêm, các truyện của tôi in trên mạng “tienve”, ngoài anh em trong giới, còn được các bạn sinh viên in ra truyền tay nhau đọc.

Ngoài sự tò mò về việc “tác phẩm có vấn đề”, tôi hy vọng mang đến một cảm thức mới về một văn chương mới, đủ sức làm khao khát những nhu cầu sáng tạo.

Văn chương mang lại cho tôi hạnh phúc được sáng tạo, sự ngạo nghễ của một con người và nó lấy đi của tôi nỗi buồn, sự hèn mạt trong cuộc sống.

TN: RỒNG VÀ RẮN, THỜI CỦA NHỮNG TIÊN TRI GIẢ, HỒI ỨC TRONG MÁU, ĐÂM SỪNG VÀO BÓNG TỐI, CHẾT KHÔNG NHẮM MẮT, NGƯỜI DẪN ĐƯỜNG ĐÃ TỚI, THỜI GIAN CỦA VẬT NUÔI, CỬA ĐỊA NGỤC… Những tựa đề này có vẻ như mang những ẩn dụ, hoặc ít nhiều ám chỉ sự nghi hoặc, hoang mang, bất định về những giá trị tinh thần, niềm tin… có phải đó là tâm thức của người Việt hôm nay? Anh lí giải sao về điều này?

NV: Cuộc chiến tranh Việt Nam để lại nhiều hậu quả, trên những số phận khác nhau. Người thắng có vấn đề của người thắng. Người thua có vấn đề của người thua. Có những người không thua không thắng. Cũng có những người không bao giờ giải ngũ. Xã hội Việt Nam vẫn tiếp tục chuyển biến mà dấu ấn của cái cũ vẫn còn đậm nét, trong khi cái mới chưa hình thành rõ rệt. Những giá trị xã hội thay đổi. Những tâm thức cũng thay đổi.

TN: Ý kiến của anh về sự tương quan giữa bản sắc, truyền thống dân tộc và ý thức làm mới, hiện đại hóa trong nghệ thuật Việt Nam nói chung, văn chương Việt Nam nói riêng?

NV: Tôi nghĩ rằng, ý thức làm mới, hiện đại hóa trong nghệ thuật và văn chương của người sáng tạo không bao giờ mâu thuẫn với bản sắc, truyền thống dân tộc. Bởi thế, vấn đề này không cần đặt ra. Người sáng tạo được mặc định dân tộc tính trong đời sống và sản phẩm của hắn mang tính nhân loại. Điều ấy là một tương quan tất yếu. Hiện tại là truyền thống của tương lai. Sự tách bạch hai phạm trù này chỉ là việc của kẻ rỗi hơi.

TN: Cảm tưởng và ý kiến của anh về sự kiện THỜI CỦA NHỮNG TIÊN TRI GIẢ bị (được) thu hồi? Sự kiện này có điểm gì tương đồng với những tác phẩm văn học đã bị thu hồi trước đây; ví dụ: ĐI TÌM NHÂN VẬT của Tạ Duy Anh, THƯỢNG ĐẾ THÌ CƯỜI của Nguyễn Khải; CHUYỆN KỂ NĂM 2000 của nhà văn Bùi Ngọc Tấn.

NV: Xin miễn bàn.

TN: Một người bạn của tôi “chê”truyện “Ăn ngủ và các thứ còn lại”của anh là truyện “zâm zật và đểu cáng” nhất Việt Nam hiện nay, anh có “ngượng” vì lời chê này không?

NV: Bất cứ lời khen hay chê nào đến với tôi cũng là một tín hiệu tích cực.

TN: Anh có học triết ở đại học trước 75? Triết học có những tác động thế nào trong công việc sáng tác của anh?

NV: Vâng, trước 75 tôi học triết ở Đại học Văn khoa Sài Gòn. Vốn kiến thức ấy đóng góp vào sự suy nghĩ cũng như sáng tác của tôi như một yếu tố căn bản. Văn chương và triết học không thể tách rời nhau. Tôi vẫn có tham vọng lập ngôn bằng văn chương.

TN: Nhận định của anh về tình hình văn học Việt Nam hiện nay? Sự khác biệt nào giữa ba không gian văn học: miền Bắc, miền Nam và hải ngoại? Có chăng một dòng chảy văn học ngoài luồng bên cạnh dòng chảy văn học chính thống?

Những người viết, đồng nghiệp nào có ấn tượng với anh?

NV: Quả thật, tôi cũng cảm nhận được chúng ta có ba không gian văn học: miền Bắc, miền Nam và hải ngoại. Ở đây, tôi nói chuyện thuần túy văn học. Văn chương phía Bắc đa phần rất cũ. Chỉ có một số ít khao khát làm mới. Tuy nhiên, cái mới của họ cũng chỉ là một tiếp nối của cái cũ. Nó không bứt khỏi cái cũ để trở thành tinh khôi.

Văn chương phía Nam, một phần đi ở ẩn, một phần tung ra hải ngoại hoặc trên mạng. Một số những người trẻ đang nổi lên trong sự sùng bái hình thức. Tôi có cảm tưởng họ không biết họ muốn gì. Họ có khuynh hướng chạy theo sự tục tĩu như một thứ thời thượng. Bạn tôi bảo đó là cuộc cách mạng muộn.

Văn chương hải ngoại, qua những gì tôi được đọc, tôi thấy họ vùng vẫy và tôi thấy họ mắc cạn.

Tôi không có dịp được đọc nhiều cái anh gọi là văn chương ngoài luồng, nhưng tôi nghĩ rằng có thật một dòng chảy văn học không qua các nhà xuất bản. Các tác giả tự in ấn và dĩ nhiên mức độ phổ biến cũng hạn chế.

Người viết, thực sự gây cho tôi ấn tượng là Bùi Hoằng Vị với tác phẩm Tầng trệt thiên đường (NXB Trẻ).

TN: Anh có thể cho biết nhận định của anh một cách khái quát về xã hội Việt Nam hiện nay: văn hóa, đạo đức…

NV: Cái thiếu nhất là tính trung thực và biết xấu hổ.

TN: Ý kiến của anh về văn chương trên mạng internet và văn chương in ấn?

NV: Hẳn nhiên là tính phổ biến của văn chương trên mạng càng lúc càng chiếm ưu thế. Nó xóa bỏ mọi địa lý. Nhưng tôi vẫn ước ao được cầm quyển sách sau khi truyện của mình đã “bắn” lên mạng. Cái tính lưu giữ của sách vẫn vô cùng thú vị.

TN: Trước đây, đã có người từng cho rằng: “Nhà văn Việt Nam khổ như chó”. Riêng anh, anh có định nghĩa nào mới cho chủng loại nhà văn Việt Nam hôm nay?

NV: Tôi gọi là loại người “Tuần chay nào cũng có nước mắt”.

TN: Anh là một nhà văn best seller hay là một nhà văn sẽ đặt để một ý thức sáng tạo mới cho văn chương?

NV: Có lẽ, tôi không bao giờ có thể trở thành một nhà văn best seller theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Tuy nhiên, tôi thực sự tin rằng tôi đang “đặt để một ý thức sáng tạo mới cho văn chương” chứ không phải sẽ, đúng như những từ anh đã dùng. Hơn thế, tôi cũng nghĩ, tôi đang thiết lập một không gian mới cho văn chương Việt Nam. Không giả vờ khiêm tốn.

 

THẬN NHIÊN (thực hiện)

(8.10.2003)

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021