thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
"Thơ hậu-hiện đại: hình thức là vỏ đạn bọc thuốc nổ là ngôn từ"
(phỏng vấn Nguyễn Hữu Hồng Minh)

 

1. ĐI? (Đi lang thang trong mộng. Đi trong sự huyễn hoặc. Đi ất ơ về một nơi nào đó không xác định. Đi...)

 

Một nhà thơ có thể tách làm hai khái niệm TôiChữ. Tôi đi trên đại lộ và chữ đi trong...mê lộ (!). Nói đại lộ là nói thơ phải có tham vọng mở những con đường lớn ra với thành tựu văn hóa thế giới, đạt tầm cao nhân bản. Nói mê lộ là nói đến mê cung chữ, hay thế giới sáng tạo của nhà thơ với những vấn đề liên kết huyền ảo giữa nội lực và tài năng, giữa kinh nghiệm và xuất thần... là những điều bí ẩn, ma lực, vẫn còn chưa thể giải thích. Tôi đã nhiều lần định viết một tiểu luận về tiềm thức sáng tạo đó. Theo tôi nó là những chuỗi sóng mà mỗi đợt là một hình xoắn kép. Tư duy sáng tạo không chuyển động thẳng tiếp từ đầu này đến mút đầu kia mà phổ theo hình xoắn. Bởi thế, đọc một bài thơ có trọng lực là cảm giác bị rơi vào một ma trận. Nhà thơ làm thơ là một ma lực. Đường đi của những bài thơ là mê lộ sóng từ.

Về câu hỏi này của anh, cho phép tôi không trả lời cụ thể vào nghĩa đen tích cực của việc đi. Bởi lẽ, điều đó ai cũng biết. Tôi chỉ xin nói về nghĩa bóng, đó là việc đi của chữ. Nhà thơ đi nghĩ cho cùng là để nuôi chữ, ấp chữ. Chờ chữ đẻ (!). Chữ của nhà thơ là chữ Nghiệp. Chữ Tầng và chữ Vỉa (tham khảo thêm bài “Tựa Vỉa Từ”). Bởi không thể bỏ chữ, nên phải thường xuyên nghĩ sâu, nghĩ nặng, nghĩ cắt lớp, nghĩ dày thêm. Chữ với nhà thơ là mối quan hệ biện chứng trong đời sống cộng sinh. Nhà thơ sáng tạo chữ và chữ đặt định thế giá họ. Tôi nhớ nhà văn Mai Thảo khi bàn về chữ, ông có nói, đại ý: “ Bọn ta giàu chứ! Vì bọn ta có tiền tệ riêng!” Tiền tệ ở đây là ngôn ngữ. Tùy theo tài năng và cấp độ xài của mỗi người mà định vị giá trị của nó. Nhưng phải ở mức độ “phiêu”, độ nghiêng, một đẳng cấp nào đó anh mới thấy vân của chữ hay sóng của từ. Đó là ảnh xạ, độ dao động vật lí. Một phản ứng “big bang” của một vụ nổ nhỏ. Từ đây mới xuất hiện kênh chữ chấn động. Hoặc những vỉa từ hay, mẻ chữ lạ.

Những cuộc đi lớn của chữ dù có xảy ra những biến cố khủng hoảng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm hồn của nhà thơ thì cũng vẫn kịp xóa sạch mọi dấu vết trong tinh thần của một bài thơ đã hoàn chỉnh. Ví dụ bài Đất hoang của T.S.Eliot chẳng hạn. Tôi bắt gặp ở đây một chuyến đi hoang dã tìm về những đô thị đang chết, đã chết và sẽ chết. Chuyến đi tàn khốc và mửa máu. Một tuyên ngôn hay bản tường trình Thơ cho mọi ngã rẽ về của thơ hiện đại? Thơ trẻ, thơ Hiện đại hay Hậu-hiện đại Việt Nam cần khởi động vì những chuyến đi như thế. Những chuyến đi giã từ cái cũ, sẵn sàng mất dấu để tìm thấy những địa hạt mới.

 

2. ĐẾN? (Đến những nơi mang tính địa lí và đã chạm được (hoặc bắt gặp) những suy tưởng ngoài địa danh ấy. Đến được điều gì như đã mong muốn. Đến...)

 

Với tôi, đến là một khái niệm trừu tượng. Bởi nghệ thuật sáng tạo là những cuộc chơi không bao giờ đến đích. Các thế kỉ tuy liên tục tiếp nối nhau nhưng vẫn bị chia cắt bởi các vấn đề riêng của từng thời đại. Mỗi thời đại có thể trải rộng đôi cánh của mình qua nhiều thập kỉ nhưng rồi vẫn sẽ kết thúc để chuyển tiếp cho một thời đại khác với những vấn đề khác lớn lao, cấp thiết, riêng biệt hơn. Truyền thống không dễ bị phủ nhận hay thay đổi, mà nó liên tục là một quá trình kế thừa. Anh Dương Minh Long hỏi câu này làm tôi sực nhớ hình như trong lịch sử Thi ca trên thế giới chưa có một thời đại nào đáng được gọi là thời đại thực sự của thi ca cả. Càng hiện đại thơ càng khó tìm thấy nơi cư trú trong tâm hồn con người và càng tiến dần tới nguy cơ bị đe dọa xoá sổ Thơ sẽ bị xóa sổ như cái chết của một thể loại. Khảo cứu vấn đề này không khó. Chẳng phải hiện nay thơ Tự do đang loại trừ triệt tiêu dần các tiêu chí, các chức năng đã thuộc về cơ cấu của thơ Cổ điển, thơ Mới, thơ Truyền thống… đó sao? Chúng ta sẽ lí giải tương lai của Thơ thế nào khi đi tìm chứng nhân chúng ta chỉ bắt gặp sự gãy đổ của các trào lưu, các trường phái? Xin lỗi, tôi đã dẫn chứng không theo trình tự. Từ chủ nghĩa Hiện thực (Realism), Siêu thực (Surrealism), Siêu hình (Metaphysics), đến Hậu-hiện đại (Post-modernism), và gần đây nhất là những trường phái trong hệ mĩ học Hậu-hiện đại (Post-modernism)... là những cuộc thể nghiệm phá đổ các quan niệm chính thống về Thơ một cách nghiêm trọng. Đã thế, theo nhiều nhà phê bình, xu hướng phát triển của nền văn học thế kỉ 21 sẽ là thế kỉ của một nền Văn học tưởng tượng (Imaginative literature). Ở đó các trường phái sẽ liên ngành (interdisciplinary) với nhau và các ngoại ngành (extradisciplinary)… các thể loại độc lập và độc đáo, sẽ bổ sung cho nhau. Nếu nói phỏng theo ý của nhà văn Malraux, thì tất cả các nhân chứng từng có của các trường phái cỡ như Breton, Robbe-Grillet, Nezval, Vladimir Mayakovsky, Vladimír Holan... đều đã bị “cắt cổ”. Vì thế, theo tôi, nhân chứng duy nhất còn lại, vẫn là Ngôn từ. Nói hình tượng, thơ hậu-hiện đại hay bất cứ trào lưu thơ nào tiếp theo nữa, hình thức chỉ là vỏ đạn bọc thuốc nổ là ngôn từ. Ngôn từ, chính là nền tảng cuối cùng để dẫn tới hậu cấu trúc (post-structuralism) và giải cấu luận (deconstruction).

 

3. ƯỚC? (Ước cho thơ, cho mình, cho hạnh phúc, cho người không tên, cho đám đông, không cho ai cả, cho một không gian quá xa lạ, cho một quyền lực không định nghĩa và cho một điều ước không để làm gì. Ước...)

 

Ước, nói lên khát vọng hay thất vọng? Theo tôi là cả hai. Không có, mới ước. Có rồi mà không hài lòng, vẫn ước. Tôi không bao giờ ước sẽ làm được những bài thơ hay mà ước sẽ hoàn thành, sẽ đi đến cùng con đường mà mình, một kẻ làm công việc sáng tạo, đã chọn lựa. Tôi nghĩ thế kỉ này không phải là thế kỉ của những bài thơ lưu truyền, những nhà thơ sống nhờ vào số phận may rủi của vần vè mà phải là của các hệ thống lập trình thơ (Thi pháp), các quan điểm, các quan niệm về thơ (như Siêu hình), hoặc các tổ chức, các công trình mở ra từ thơ (như các tổ chức mới về cơ cấu tiếng Việt, những tìm tòi chuyên biệt ngôn ngữ)... chẳng hạn. Và chúng có chung tính năng phục hiện tâm hồn và phát hiện tâm thế mới của con người đương đại. Gần đây, khi đọc kĩ lại Trần Đức Thảo tôi thấy ông đặt ra vấn đề nhân bản này khá sớm trong cuộc tranh luận với nhà văn, nhà triết học J-P.Sartre nổi tiếng thế giới. Ông đã viết nguyên văn: “La conscience dans son appel à soi-même pose l’exigence du bien dans l’action, du vrai dans la connaissance et du beau dans l’achèvement des processus vécus. Par là, la conscience fait du monde naturel un monde humain valable pour l’homme...” [Khi tự vấn mình, ý thức đòi hỏi cái Thiện trong hành động, cái Chân trong tri thức, và cái Mỹ trong sự hoàn thành các quá trình nghiệm sinh, qua đó ý thức biến thế giới tự nhiên thành một nhân giới, xứng đáng với con người]. Mỗi nhà thơ có lương tri bao giờ cũng thao thức trong tim mình giấc mơ cuộc sống luôn được cải thiện để thế giới có thể trở thành nhân giới (le monde humain) tốt đẹp của con người. Đó cũng là phép luyện ngôn thuật của Thi ca.

 

4. LÀM? (Say mê. Chán nản. Bỏ cuộc. Ê chề. Rất gấp gáp. Cố săn lùng. Không dám. Lười cố hữu. Làm...)

 

Tôi thường cảm thấy mình không đủ thời gian nhưng lại viết rất chậm và rất khó. Bởi vậy tôi rất xem trọng thái độ viết. Khi thấy mình có thể bắt đầu, tôi sẵn sàng tạm chia tay bạn bè, môi trường sống, những điều bình dị thân thuộc... để về một nơi xa hẻo lánh, nơi yên ổn để có thể bắt đầu những trang đầu tiên cho cuốn sách. Hai năm qua, khi ý thức được rằng mình đã có đủ năng lượng cho những khởi động mới, tôi từ bỏ công việc làm báo ở Sàigòn, về một tỉnh nhỏ miền Tây là Sóc Trăng để hoàn chỉnh tập Chất Trụ và viết mở đầu cuốn Vỉa Từ. Và tôi đã sống lang thang suốt 12 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Tôi viết những bài thơ siêu hình dưới bóng những ngôi chùa tháp. Tôi nhớ mãi cái xưởng in hoang tàn gần như bỏ trống ở một thị xã nhỏ toàn người Miên. Và họ đã đỡ đầu cho những trang thơ còn thơm mùi mực của tôi khi tôi quyết định in tập thơ này ở đây.

Về những ý kiến xoay quanh công việc sáng tạo, lao động nghệ thuật, tôi rất thích quan điểm của nhạc sĩ Dương Thụ. Trong một lần cùng kiến trúc sư/họa sĩ Nguyễn Tri Phương Đông đến nhà ông chơi, chúng tôi đã ngạc nhiên và thú vị khi nghe ông phân tích lập luận: “Nghệ thuật là một khoa học”. Điều này mới nghe thì rất sốc và rất vô lý. Tôi chưa thấy ai có đủ bản lĩnh để phát biểu như thế cả. Nhưng Dương Thụ đã chỉ ra tiềm ẩn trong mỗi nghệ sĩ đích thực đã có điều ấy. Ông phân tích những động thái múa nhịp nhàng trong tranh Điệu múa cổ của họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm. Tưởng là rối, là vẽ cho có, là sao cũng được nhưng thật ra động tác dưới lôi cuốn, dẫn tới động tác trên. Tất cả rất lôgich, rập ràng dẫn đến toàn bộ bức tranh như đang chuyển động. Hay thơ của Đặng Đình Hưng chẳng hạn. Đừng tưởng những cái an-pha, những chuyến mê-ta trong Bến Lạ, Ô Mai nhà thơ muốn viết gì thì viết. Tất cả chúng đều có lí do tồn tại. Làm nên những giá trị mới trong nghệ thuật không đơn giản. Bởi nó là cái không phải cố mà thành, mà là một quá trình có logic trình tự, có quan điểm đàng hoàng. Cái gì trước, cái gì sau. Rất biện chứng và khoa học. Có lẽ vì theo quan điểm đó mà nhạc Dương Thụ rất độc đáo và khác lạ chăng? Ảnh nghệ thuật của nghệ sĩ nhiếp ảnh Dương Minh Long cũng vậy. Khó có thể nói rằng tất cả ảnh của anh là chỉ “chờ thời”, ăn may vào cảm xúc. Ví dụ như bộ ảnh chụp chân dung các nhà văn Việt Nam hiện đại của anh. Từ cái đầu hói lơ thơ tóc của Tô Hoài đến những ngói tay to bè đan vào nhau như những quả chuối mắn của Hoàng Hưng. Nó nói một điều gì khác bên ngoài ảnh. Đó là số phận và nghiệp chướng của họ. Đặc biệt đó là nghệ thuật của bố cục, của buồng tối, ánh sáng, của sắp đặt khoa học mà không phản nghệ thuật. Nó đã tôn vinh cái đẹp trong tính định hướng và quan điểm.

 

5. NGHĨ? (Vẩn vơ. Nghĩ hộ. Không mạch lạc. Rối bời. Cho một khát vọng. Thảng thốt. Tất nhiên mình không điên. Che giấu. Nghĩ về... Nghĩ...)

 

Tôi đã đi và sống ở nhiều nơi. Từ tỉnh lẻ u buồn đến đô thị phồn hội. Cho đến một ngày tôi chợt nhận ra thực sự mình không đi đâu, không ở đâu. Mình chỉ chuyển động thẳng đứng giữa một không gian hỗn loạn. Tôi là cây ăng-ten dò những vùng sóng lạ. Tôi là một cái com-pa vẽ cuộc đời từ những góc khuất của riêng mình. Từ đó, tôi thay đổi khái niệm đi và đã sống rất bình ổn cho dù ở bất cứ đâu. Bên biển vắng Đà Nẵng, trong rừng đước Cà Mau, dưới những ngôi chùa Miên Sóc Trăng, giữa cuồng nhiệt Sàigòn hay phố cổ trầm tư Hà Nội. Nhà văn Trần Vũ (Pháp) vừa gửi cho tôi bản thảo truyện ngắn “Chuyến săn của Ernest” anh ấy đang viết có xây dựng một nhân vật một vị thần tên là M. đã biểu diễn ăn hết một hải cảng trong 3 tiếng đồng hồ và sau đó suốt ba tháng (hay 3 năm, hay cả phần đời còn lại?) không còn thiết ăn uống gì nữa. Trần Vũ muốn giễu ngầm bài thơ "Ăn Hải Cảng" của tôi chăng? Nhưng anh ấy đã đúng. Hình như đến một lúc nào đó những chuyến đi thực trong đời không còn đem lại cho chúng ta những sung sướng với những giác cảm mới lạ mà chỉ còn là những cảm nghiệm đau đớn. Albert Camus trong tác phẩm L'Exile et le royaume (Lưu đày và quê nhà) có viết rằng ngoài tuổi ba mươi nhịp tim của con người đã bắt đầu thay đổi. Chúng ta không thể sống vượt ra ngoài thời gian. Chúng ta bơi trong thời gian như những con cá đớp bọt không khí. Rồi một ngày nào đó chúng ta chết, chúng ta tiếp tục nhìn về thời gian này với đôi mắt hoang hoải, phi lí và trầm tư. Bởi thế, Marcel Proust đã nổi tiếng với tác phẩm bất tử À la recherche du temps perdu (Đi tìm thời gian đã mất). Từ cảm nghiệm về thời gian cho các nhà thơ sự cảm nghiệm về chữ. Một lần ở Hà Nội khi trò chuyện với nhà thơ Lê Đạt tôi rất thú vị khi ông đưa ra thuật ngữ "Chữ quỉ". Mỗi nhà thơ không bao giờ khám phá hết tiềm lực của chính mình cũng như sẽ không bao giờ phát hiện được hết những khả năng độc địa của chữ. Đó là hai địa hạt vô giới hạn. Vì thế hãy tìm kiếm. Tự do suy luận (libre penseur), chúng ta đã nhìn thấy những kho báu ngôn từ ẩn sâu trong vỉa tầng của suy nghĩ nhưng vì những lí do thầm kín vẫn chưa chịu hé lộ và cất tiếng.

 

6. SEX? (Đi tìm. Giải thoát. Kèm tình yêu. Quan niệm bất ngờ. Theo thói quen. Chạy trốn. Bỏ mặc. Không là gì cả. Nhìn những người bạn. Đồng tính. Sex...)

 

Là cái mỏ neo của Thượng đế “quăng” vào thế giới hỗn loạn mà ông đang thống trị để xác tín quyền lực và sức mạnh của ông ta. Là sợi dây neo của loài người tình nguyện xích vào nhau hoan lạc đớn đau, trầm luân hạnh phúc. Tôi còn nghĩ sex là cái phao của nhà thơ trên biển cả chữ nghĩa. Khi mọi ảo tưởng về mọi con đường của thơ đã bị dập tắt. Một mê lộ kinh hoàng thăm thẳm mở ra. Khi những tìm kiếm bị nuốt trọng, mọi thể nghiệm trôi tuột vô tăm tích, sex là dấu vết cuối cùng để nhà thơ lần đường quay trở lại. Tôi nghĩ với các nhà thơ, ám tượng về sex cao hơn và mạnh hơn khả năng có thực về sex. Trong quan điểm và cái nhìn của văn nghệ hiện đại, trên cả tính dục, sex chính là một Biểu Tượng Sáng Tạo. Những tác phẩm được viết ra phải tràn đầy lạc thú, sung mãn và năng lượng. Những cảm giác tràn bờ. Nếu không, những bài thơ ấy chết trước khi ra đời hay hấp hối trên những trang bản thảo.

Sex đã là một đề tài để các nhà thơ thể nghiệm nhiều góc cạnh và góc độ. Hưởng thụ tới nơi như Apollinaire “Lưỡng lự các lạc thú của ta ơi / Nào chúng mình cùng nhau đi thôi / Đi như loài tôm ấy / Cứ giật lùi giật lùi”. Ám thị như Hoàng Hưng “Tuột quần chửi thề / Con gà quay / Con gà quay” mà cũng đầy ám ảnh như Đỗ Kh.“Lin-da mặt ngang / chỉ biết cắn không biết hôn”. Hoặc tung hê như Nguyễn Quốc Chánh “Sàigòn gãy cặc” hay sỗ sàng, đanh đá như Phan Huyền Thư “Thằng này đểu con kia kinh / Con này cởi áo quần nhanh lắm / Không phải bạ ai cũng vén miệng tụt lời”. Nhưng cho đến gần đây khi hiện tượng thơ sex của Vi Thùy Linh “Uống nhau không biết mệt / Cho cả thế giới nhìn / Em ngã tình ca Tây Ban Nha vào anh” xuất hiện trong thơ trẻ Việt Nam mà như nhận định của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo “ con ngựa chữ nghĩa dậy thì độc mã” thì theo tôi đã đem đến một chuyển động khác mang tính dự báo lớn hơn. Đó là đã có sự cắt lớp mạnh mẽ vào thơ truyền thống và tín hiệu thay đổi sâu sắc trong xu hướng tiếp nhận các giá trị văn hóa, thẩm mỹ và đạo đức. Cái tôi độc lập xuất hiện mạnh dạn rõ nét hơn trong lớp trẻ mới. Dám công khai bộc lộ chính mình và dám chịu trách nhiệm với bản thân mình. Kể cả những vấn đề phòng the vốn kín đáo cũng “phăng” teo 1 cách dân chủ (!). Chấp nhận được nó là chấp nhận một thế hệ @ với cách nghĩ, cách sống hoàn toàn khác.

 

7. BI? (Loại bỏ. Không nhất thiết. Gắng sống. Tới điểm cuối. Đặt mình vào. Và cứ cho rằng... Bi...).

 

Đọc triết học Phật giáo, tôi thấy khi Phật Thích-Ca nhập thế, tìm cách giải thoát con người ra khỏi “bể khổ trầm luân”, tôi đã nghĩ nhiều đến ngồi tòa sen, gốc cây bồ đề nơi ông vẫn thường ngồi thiền niệm “lục tự di đà” để ngộ ra ông đã chấm dứt viễn hành (theo nghĩa đen). Ông không còn “đi” nữa. Bởi lẽ còn đi là sẽ còn lạc. Lạc, rồi bi trong đời sống là chuyện hiển nhiên. Bởi cuộc đời đến từ bên ngoài và những dự định từ bên ngoài. Nhà văn Milan Kundera có một tiểu thuyết đặt cái tựa mà Nguyên Ngọc dịch rất hay Cuộc sống ở mãi ngoài kia. Bất an cũng chính là chỗ ấy.

Điều tôi thỉnh thoảng có bi quan chính là nỗi ám ảnh sáng tạo. Liệu con đường mình đã chọn lựa trong nghệ thuật thơ có không tưởng, không là lối thoát? Nhưng gần đây tôi rất thích các quan điểm sáng tạo của nhà văn Ý Italo Calvino trong tác phẩm Six Memos for the Next Millennium mà nhà nghiên cứu, nhà lý luận phê bình Hoàng Ngọc-Tuấn (ở Úc) bước đầu mới giới thiệu trên website Tiền Vệ: “Những dự án mang tham vọng quá trớn có thể bị chối từ trong nhiều lĩnh vực nhưng không thể bị chối từ trong lĩnh vực văn chương. Văn chương chỉ còn sức sống nếu chúng ta tự đặt ra cho chính mình những mục tiêu bất khả lượng đạt, vượt quá tất cả những hy vọng về sự thành tựu. Chỉ chừng nào các nhà thơ và nhà văn tự đề ra cho chính mình những công tác không có bất cứ ai dám tưởng tượng đến thì văn chương ấy mới đạt được tác dụng của nó...”. Thế nhưng thực trạng lý luận phê bình của văn học chúng ta hôm nay ra sao? Những nhà phê bình tâm huyết thì không nhiều. Độc chiếm diễn đàn là các nhà báo nấp áo nhà thơ, tập tọng bước qua làm nhà phê bình, hành xử như những cai đầu dài, vung vẩy “gậy gộc” văn nghệ. Họ cho rằng họ được quyền sắp xếp lại ghế, đặt định lại vị trí chỗ ngồi trên chiếu văn chương. Thậm chí còn hạnh hoẹ, “nắm quyền sinh sát” cho người này loại bỏ người kia ra khỏi những tuyển tập Thơ mà họ cho rằng danh giá và đồ sộ dưới sự đỡ đầu của nhà nước. Những tuyển tập đáng ra nghiêm túc, công bằng ấy đã trở thành nhộn nhạo, áp-phe chẳng khác gì trò bán vé chợ đen vào rạp xiếc chỉ để xem những con khỉ diễn trò chuồng thú. Và những đốm lửa ma trơi chập chờn phê bình ấy đang là nỗi ám ảnh của những nhà thơ yếu bóng vía cũng như bão táp sa mạc đe dọa những nhà thơ trẻ tiên phong, avant-garde. Giới phê bình thực sự đang ở đâu và trên thực tế họ là ai? Vai trò của họ ở vị trí nào trong văn học? Thật thú vị khi vừa qua tôi tìm được một tư liệu dịch của nhà văn Phạm Thị Hoài về nhà nghiên cứu phê bình văn học Đức George Steiner. Người vừa được nhận giải thưởng phê bình lí luận Đức năm 2003. Hãy nghe Goerge Steiner thú nhận về sự bi đát của công việc viết phê bình của mình: “Tôi biết giữa kẻ sáng tạo và kẻ bình phẩm là một khoảng cách phải đo hàng năm ánh sáng. Đấy là điều cấm kị lớn. Đám văn phiệt ấy quá quan trọng hóa bản thân mà quên mất rằng, ta chỉ là bọ chét trong lông sư tử mà thôi!...” Nếu lí luận phê bình mà đi kịp với sáng tác văn học, hay tốt hơn nữa, có thể dự cảm được những khả tính của sáng tác văn học, thì những giá trị mới mới dễ dàng được thẩm định và ghi nhận. Bằng không, đó là thảm họa trên một hố lầy văn nghệ.

 

8. CƯỜI THẦM? (Điều trớ trêu. Đời sống tẻ nhạt. Sao phải như thế. Niềm vui quá riêng. Bổng lộc của sự ích kỉ. Câu thơ của một bài thơ quá dở. Cười thầm...)

 

Cười thầm chính là khôi hài (humour) hay cái cười hiện đại. Càng văn minh người ta càng dễ cười thầm một mình hoặc cười trong máy điện thoại di động (!). Bergson đã viết về triết lí cái cười của ông rất thâm thúy. Cười chính mình. Khi con người bị bao quanh giữa một thế giới đồ vật và cũng là một thứ đồ vật duy nhất biết cười thì tại sao lại không cười? Đã thế, lại là một đồ vật mong manh đáng thương, dễ vỡ. Thứ đồ vật nhạy cảm nhất lại dễ bị biến mất nhất trong khi một biển đồ vật vô tri, vô giác, lạnh lẽo thì còn lại.

Cười nữa cho chính mình là cứ đuổi theo những đề tài cho là to tát, là nhân loại mà lại bỏ quên cái bồn tiểu của Marcel Duchamp. Sáng tạo đôi khi là thế giới hoang tưởng và đã bỏ quên biết bao đề tài gần gũi nhưng vĩ đại ở quanh mình. (Cái bồn cầu mà không vĩ đại à? Xin lỗi, anh cần nó và ngày nào cũng phải đi tìm nó đến hết đời!). Cười nhiều chứ! Nhưng đã có lúc phát hoảng là phát hiện thấy tại sao trong xứ sở mình cái gì cũng có thể cười được. Ngay cả những vấn đề tưởng là nghiêm túc không đáng cười. Nhưng rồi lại chột dạ. Cười bâng quơ, cười lạc quan tếu, thiếu nghiêm chỉnh như thế là tức rằng mình có vấn đề. Nhưng suy nghĩ đi nghĩ lại rồi tiếp tục cười thầm khi quả quyết rằng bản thân mình không có vấn đề gì nghiêm trọng mà chính xã hội đang có vấn đề (!).

 

9. ĐÁNH MẤT? (Sự bâng quơ của những câu thơ. Bản thân với đời sống thơ. Hắn đã mất gì. Không lấy lại cố tình. Đánh mất là dâng tặng. Đánh mất...)

 

Tôi thường có suy nghĩ, điều sung sướng nhất của con người là làm sao đánh mất, hay quên được cái đồng hồ. Trần Dần viết: “Không có gì chống nổi cái kim đồng hồ”. Rất hay. Nhà thơ là những kẻ coi thường thời gian nhưng lại rất sợ thời gian. Bởi họ thường vung phí nó một cách hào phóng trong những cuộc chơi trật lề ngày tháng. Kinh nghiệm này, trước khi chết, nhà thơ Trinh Đường, một người tâm huyết với thi ca đã hối tiếc và cảnh báo các nhà thơ trẻ phóng đãng: “Sẵn tháng ngày trong túi / Cứ rút ra tiêu dần”.

Làm thơ không phải lúc nào hay thời gian nào cũng viết được. Cảm hứng mỗi thời, mỗi độ tuổi đều khác. Tôi đã tiếc một ngày trẻ lẽ ra mình đã phải được đọc nhiều và học nhiều hơn nữa. Nhưng thời sinh viên của tôi khá vất vả. Vừa phải học hành vừa phải kiếm sống. Phải làm đủ thứ nghề ba lăng nhăng ngoài sách vở và giảng đường để tồn tại. Ngay cả việc Viết. Tôi có ý thức viết là một quyền sống như bây giờ đâu. Những sáng tác của tôi giai đoạn ấy vừa buồn cười vừa ấu trĩ. Nhưng không hiểu sao lại được báo chí thời đó lăng-xê một cách dễ dàng. Không phủ nhận rằng nhờ những sáng tác dễ dãi và non nớt đó tôi đã kiếm được tiền nhuận bút cùng với những nguồn khác để theo hết những năm đại học. Nhưng đến khi tôi trực tiếp thanh toán những cuốn sách kiểu hố thẳm tư tưởng của Phạm Công Thiện thì tôi mới vỡ lẽ ra rằng mình chưa trang bị được những kiến thức cơ bản để có thể bước vào “nghề làm người” (ý của Sartre), để hành nghề văn chương. Tôi phải phá bỏ tất cả, kể cả xé bỏ tấm bằng đại học của mình để ý thức làm lại từ đầu. Tôi phải tự giải phẫu bằng cuộc lột xác mới. Đó là lí do tại sao những tác phẩm đầu tiên của tôi có tên Tháo Đáy hay Giọng Nói Mơ Hồ. Tháo bỏ những rãnh lề, những giới hạn của cuộc sống để lắng nghe mơ hồ những tiếng vọng đầu tiên. Tôi đã đánh mất nhiều thời gian cho đoạn đời quí nhất trong năm tháng tuổi trẻ của mình. Để cảnh tỉnh điều đó, bây giờ trên bàn làm việc của tôi bao giờ cũng treo sẵn bức tranh “Đồng hồ nhão” Salvador Dali.

 

10. CÁI TÔI? (Rộng lớn. Chật hẹp. Thây kệ. Cứ tưởng. Rằng hay... Thật không. Tồn tại. Bám riết. Hãy là... Xua đuổi. Thôi thì. Đóng góp. Đổi tôi lấy thơ. Bán thơ lấy tôi. Tất cả là tôi. Mở tôi. Gấp thơ lại lật thơ đi. Cái tôi...)

 

Trong tập Vỉa Từ tôi có viết “ Bản thể hay bẩn thể?”, nói về cái “Tôi” của chúng ta trong hành trình tự đi tìm chính mình. Nhưng phải lưu ý cái Tôi khác cái Tên. Nếu diễn giải theo René Descartes “tôi tư duy vậy tôi tồn tại” thì có nghĩa sẽ hoàn toàn khác với “tôi tư duy bởi vì... cái tên tôi” (!). Bởi vì khi anh chỉ vì cái tên anh, cốt bằng mọi cách để được nổi tiếng (mà ngay cả điều này nghĩ cho cùng vẫn là vô nghĩa) thì đúng là bi kịch. Sartre cũng đã cho rằng tội ác cũng bắt đầu từ khi anh quá ý thức sự quan trọng của cái tên mình mà ra: nguyên cớ của sự ngộ nhận. Vì thế ở ngay những câu thơ đầu tiên đề từ cho tập Chất trụ tôi đã khẳng định lại quan điểm của mình. Đó là nghệ thuật bắt rễ sâu từ trong bản chất và đôi khi người sáng tạo phải biết quên sự cám dỗ của cái tên mình để truy tìm bản lai diện mục: “Tôi mất cái tên còn / Cái tên ở ngoài tôi / Tôi thuộc về tôi không thuộc về nó / Tôi từ tên tôi”. Từ chối chính tên tôi không có nghĩa là từ chối bản thể tôi. Bởi một cái thuộc về nội thể và một thuộc về ngoại thể. Hai phạm trù hoàn toàn khác nhau. Tôi từ chối cái ngoại thể là từ chối sự sa đọa, cám dỗ, quyến rũ chết người của nó. Để tìm về và giữ vững cái Tôi bản nguyên hay cái nột thể vô thường an nhiên, tự tại trong lẽ sống chết.

Bản thể của mỗi người còn do tự ý thức của chính mỗi người. Bản thể của tôi là sự tự do tối thượng trong cái hạn hữu cho phép. Vượt thoát nỗi đau, chế ngự nỗi cô đơn và sự kinh hoàng của nỗi chết. Sau những trang viết nổ tung, đảo lộn, ngỡ mình đã vượt lên trên mọi thứ tình yêu, danh phận, nghệ thuật... nhưng mỗi khi ngoái đầu lại mới thấy mình vẫn nằm sau barie số phận. Bi kịch của con người là một sứ mệnh ẩn giấu trong một số mệnh. Đó là cái gót chân Achilles, là chàng Sisyphus đẩy tảng đá lên đỉnh núi. Tôi thích các phạm trù của Siêu hình chính là thế. Nó mở rộng tiếp cận và đối đầu được nhiều phía hơn. Bởi bản chất cố hữu của con người tuy cao cả, vĩ đại, nhưng lại quá mong manh và nhỏ bé giữa vũ trụ. Suốt thời gian sống đến thời gian chết đều không thể vượt qua cái bóng của mình.

 

11. ẢNH HƯỞNG? (Quan niệm lí lịch. Thơ sở hữu cá nhân. Tổ tiên tôi là ai? Ai đi trước thơ tôi? Họ làm đảo điên tôi. Nhân vật vĩ đại ấy... Cuối cùng không ai cả. Rồi vẫn chính là người ấy... Ảnh hưởng?)

 

Ảnh hưởng trước hết là dấu hiệu tích cực, nghĩa là sự tiếp nối. Giữa quá khứ và hiện tại, giữa hiện đại và truyền thống. Ảnh hưởng để đi xa hơn, phù hợp hơn với sự phát triển và yêu cầu của thời đại. Thơ thường không thể lặp lại với chính cái đã có trước, cái có sẵn. Hai thành tựu là Thơ Mới (1930-1945) của các nhà thơ Thế Lữ, Hàn Mạc Tử, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Huy Cận..., đến Nhân văn Giai phẩm (1954) của các nhà thơ Trần Dần, Lê Đạt, Đặng Đình Hưng, Hoàng Cầm, Phùng Cung... vừa chớm ra đời đã bị dập tắt nhưng vẫn để lại dấu vết mạnh mẽ và có thật về ý hướng một cuộc cách mạng Thơ... Từ đó về sau 1975, cho đến nay, chỉ là một sự rập khuôn tê liệt của hệ thống thi pháp Thơ Mới. Nhưng nghệ thuật không chuyển động đó chỉ là những “cũi nghệ thuật”, “cũi thơ” chứ không phải thơ.

Tôi không cho là bắt chước hay lặp lại phong cách của người khác mà có thể dựng nên lí lịch thơ hoành tráng của mình. Nếu có được viết nên, thì bản lí lịch đó chỉ là những dòng chữ chết. Thơ là một cuộc chơi cá thể. Tự mình chịu trách nhiệm với chính mình. Sự giả trá và bội phản không thể che giấu mọi thời. Tác phẩm được sáng tạo không chỉ do tài năng của nhà thơ mà còn chính là bi kịch và máu của chính họ. Vì thế từ chối sự ảnh hưởng hay không ảnh hưởng không bằng từ chối thời gian và sự thật. Danh họa Picasso đã có nói: “Nghệ thuật là ngôn ngữ của các tín hiệu”. Tín hiệu quan trọng đó cho dù lặn sâu trong tác phẩm của mỗi nhà thơ nhưng đã được gửi gắm thì cuối cùng cũng sẽ được thời đại phát hiện nhìn thấy. Tín hiệu đó là nhân chứng của tài năng anh và cũng là bằng chứng để tố cáo anh lấy cắp lửa từ tay kẻ khác.

 

Dương Minh Long thực hiện

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021