thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Phỏng vấn Raúl Rivero
(bản dịch Diễm Châu)

 

Christine Ockrent: Tại sao lại ở lại Cuba trong lúc mọi sự thúc đẩy ông ra đi?

 

Raúl Rivero: Tôi tin một cách hoàn toàn giản dị rằng tôi có quyền sống và làm việc ở Cuba. Nhưng xin đừng coi đó như chuyện hăm hở hay một cơn chướng thất thường.Trong nhiều năm tôi đã cộng tác với báo chí chính thức. Đôi khi tôi có cảm giác là mình có tội vì đã tham dự vào một điều dối trá, vào một dự án mà nhiều người đã tin tưởng và tôi, đã từ lâu tôi không còn tin tưởng. Một dự án, trên lý thuyết, có thể đưa Cuba ra khỏi cuộc khủng hoảng. Sự kiện đã góp phần vào điều dối trá này khiến tôi ở lại Cuba. Đối với tôi, ra đi có lẽ sẽ là một giải pháp dễ dãi. Chuyện khó khăn nhất, là ở lại đây.

 

C. O.: Đời sống thường ngày ở Cuba ra sao?

 

R. R.: Phần lớn dân chúng sống trong một tình trạng rất khó khăn. Không nguyên trên bình diện vật chất, đó vẫn là điều người ta thường nhắc tới về Cuba. Những vấn đề vật chất luôn luôn có thể được giải quyết. Đối với tôi, cái tai họa thực sự, chính là cái tình trạng tinh thần của xã hội Cuba. Tôi nghĩ tới những gia đình tan nát, tới sự hỗn độn về đạo đức đưa người ta tới chỗ nghĩ một điều, nói một điều khác và hành động một cách khác nữa. Tất cả chuyện đó biến xã hội Cuba thành một xã hội phức tạp và khó khăn.

 

C. O.: Ông sẵn sàng nói: “Nghề báo, cũng như một thói xấu, người ta không bao giờ có thể ngưng lại được.” Tại sao ông tiếp tục làm nghề này?

 

R. R.: Ở đây, chúng tôi làm việc trong những điều kiện rất bấp bênh. Hạnh phúc lớn nhất của chúng tôi, đó là soi rọi cho mọi người. Hiện có cả một mảng dân chúng ngoài lề mà người ta không bao giờ công khai nhắc tới những nỗi âu lo và các vấn đề và là những người đã từ bao năm nay sống trong tăm tối. Chúng tôi, những nhà báo độc lập, chúng tôi muốn soi rọi vào vùng bóng tối này, để công việc của chúng tôi trở thành một chiếc gương soi cho lớp dân chúng ấy.

 

C. O.: Các cơ quan báo chí độc lập không được nhìn nhận chính thức. Làm cách nào các ông hiện hữu được?

 

R. R.: Mỗi người cố thu xếp theo khả năng mình. Các nhà báo độc lập mỗi ngày lại bày ra một phương pháp khác nhau để sống còn. Ở mức độ chuyên nghiệp, phải vượt qua rào cản kỹ thuật. Chúng tôi ở trong một xã hội cổ sơ về vấn đề truyền thông. Toàn thế giới hiện có fax, những máy điện toán, Internet. Chúng tôi, chúng tôi chỉ có một cái máy điện thoại, chúng tôi bị nghe lén và, điều nghiêm trọng hơn, đó là các nhà chức trách đều đặn cắt các đường dây của chúng tôi.

 

C. O.: Ông đã làm việc cho báo chí chính thức, và ngày nay ông điều khiển một cơ quan báo chí độc lập. Ông giải thích ra sao về việc các nhà chức trách dung túng tình trạng này?

 

R. R.: Các nhà chức trách biết rất rõ rằng tất cả những thông tin mà tôi đưa ra đều thật, được kiểm thực ít ra là hai lần, và các nguồn tin của tôi đáng tin cậy. Tôi không tìm cách biến đổi thực trạng Cuba, nhưng tôi cho thấy thực trạng ấy, thực trạng mà báo chí chính thức triệt để giảm nhẹ. Thêm nữa, tôi buộc mình phải nói một cách đích xác những gì đã xẩy ra mà không chêm ý kiến của tôi. Tôi theo đuổi một lối báo chí gồm bằng các sự kiện, thuần thông tin. 

 

C. O.: Tại sao chính quyền lại không bắt buộc ông phải ngưng tất cả?

 

R. R.: Toàn thế giới quan sát Cuba. Một cuộc trấn áp ồ ạt (giam giữ tất cả các nhà báo, chẳng hạn) sẽ quá mắc đối với chính quyền. Thế nên, chính quyền thực hành một lối trấn áp chọn lựa: xách nhiễu một nhà báo và buộc ông phải ra đi, bằng cách tạo ra cả một loạt những sức ép, kể cả đối với gia đình ông, để khiến cho ông không thể sống nổi nữa. Chúng tôi phải cảnh giác không ngừng để người ta khỏi tịch thu vật dụng của chúng tôi: một cái máy chữ hay cả đến mấy cây viết!

 

C. O.: Trong cuộc đua chịu đựng bền bỉ này giữa chế độ và ông, bên nào sẽ cứng đầu hơn?

 

R. R.: Đó là một cuộc tranh đua không đồng đều. Ê-kíp chính quyền hội đủ mọi điều kiện vật chất để thắng, trái với chúng tôi. Nhưng, thành thực mà nói, tôi dám đánh cuộc chúng tôi. Tôi chắc chắn rằng chúng tôi có thể thắng là vì chính quyền cũng phải chịu những sức ép. Tôi nghĩ rằng chúng tôi hết thảy có thể sống chung ở Cuba, những kẻ đồng ý với chính quyền tại vị và những người không nghĩ như chính quyền ấy.

 

C. O.: Trong chiều hướng này, áp lực quốc tế lại chẳng nên mạnh mẽ hơn sao?

 

R. R.: Quả thế, áp lực ngoại giao cần phải mạnh mẽ hơn, nhất là từ phía Âu châu, là vì chế độ rất chăm chú tới những lời tuyên bố chính trị của Âu châu. Huyền thoại Cuba vẫn còn hiện hữu rõ rệt trong não trạng người Âu châu, điều này giải thích việc người ta bỏ ngày giờ tìm hiểu tình trạng của chúng tôi. Chế độ hiện thời đã hoàn toàn thất bại, nó đã trở thành không thể chịu nổi. Cuba, đó không phải là một vài người nắm quyền, mà là những con người ngoài đường phố.

 

C. O.: Bằng cách nào người ta có thể giúp đỡ các ông một cách cụ thể?

 

R. R.: Chúng tôi cần giấy, máy chữ. Nhất là, chúng tôi cần cộng đồng quốc tế biết rằng một nhóm nhà báo đang làm công việc của mình một cách đúng đắn ở Cuba. Về chuyện này, chúng tôi muốn nhấn mạnh đến vai trò của các hiệp hội như Phóng viên không biên giới, mà chúng tôi vô cùng cảm ơn. Mỗi lần có vụ giam cầm, họ lại gửi kháng thư đến Fidel Castro. Họ làm sức ép để giành lại sự giải phóng chúng tôi. Ấy đúng là điều chúng tôi cần hơn cả. Ấy cũng tựa như một cái dù che. Tôi nói theo sự hiểu biết của người có liên can: mỗi lần tôi bị gọi ra chất vấn, tôi cảm thấy mình được bảo vệ, là vì tôi biết rằng có những người đảm trách trường hợp tôi.

 

C. O.: Ở một trong các văn bản của ông, ông viết rằng Cuba là một «quốc gia-phòng thí nghiệm». Ông muốn nói gì với kiểu nói đó?

 

R. R.: Các chuyên viên, các nhà Cuba-học hay các sử gia lại có mặt ở Cuba như trong một phòng thí nghiệm khổng lồ, để quan sát một xứ không còn nữa. Đây không phải là Cuba của những năm sáu mươi, với sự thành khẩn, cuồng nhiệt cách mạng, một xứ phải đổi thay thế giới. Đây là một xứ ở cuối thế kỷ, bị kẹt trong một mê cung nơi mọi người không có tương lai, cả cho cá nhân lẫn cho tập thể. Thế nhưng tôi muốn nhắc lại rằng ở lại đây không có gì là anh hùng cả. Tôi biết rằng có nhiều nhà báo đã phải ra đi. Riêng về phần tôi, tôi chỉ đơn giản tin rằng mình hãy còn đủ sức để ở lại đây và làm công việc của mình một cách đường hoàng đứng đắn, với sự bình dị và tính cách chuyên nghiệp.

 

 

------------------------------------------------------------
Theo ghi chú của Fanchita và François Maspéro:
Christine Ockrent, nhà báo, tổng biên tập tại đài truyền hình France 3, ủy viên giám đốc của BFM, đi công cán tại La Habana cho tổ chức «Phóng viên không biên giới», đã gặp Raúl Rivero tại hãng thông tấn Cuba Press vào tháng mười một 1997. Trên đây là cuộc phỏng vấn R. Rivero nhân dịp ấy. Bài in trong Rául Rivero, Signé à la Havane, La Découverte/ Reporters sans frontières, Paris, 1998. (người dịch)

 

------------------------

Đọc thơ Raúl Rivero:

Ký tại La Habana

Mộng dữ | Tự hào dân tộc | Những cuộc đời và một ngôi nhà

Liên tấu khúc của cái chết

Bài ca của những người thua thiệt

Tổ quốc và "Lời nhà thơ"

Ca tụng sự mở cửa

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021