thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
VAI TRÒ NHÀ THƠ [phỏng vấn Đinh Linh]
Phan Nhiên Hạo giới thiệu và dịch

 

The Village Voice , tuần báo phổ biến của thành phố New York, cũng là tờ báo quen thuộc trong giới nghệ thuật Hoa Kỳ, đặc biệt giới nghệ thuật tiền phong, vừa chọn tập truyện ngắn Blood and Soap (1) của Đinh Linh là một trong số 27 tác phẩm được yêu thích năm 2004 (2). The Village Voice, thường gọi tắt The Voice, thành lập bởi Dan Wolf, Ed Franche, và nhà văn nổi tiếng Norman Mailer năm 1955. The Voice từng đăng sáng tác của những tên tuổi như Ezra Pound, Henry Miller, James Baldwin, e.e. cummings, Allen Ginsberg... The Voice nhận xét về Blood and Soap như sau: “truyện của Đinh Linh, được đẽo gọt để dụ ngôn, đủ để dinh dưỡng đầu óc của bất cứ đọc giả nào”. Sự công nhận của The Voice mang lại tôn trọng từ nhiều người làm văn nghệ “thứ thiệt” Hoa Kỳ. Đinh Linh là một nhà văn từ chối con đường văn chương “dòng chính” để theo đuổi một kiểu văn chương tiền phong đầy khó khăn. Làm một nhà văn tiền phong da trắng trong xã hội Hoa Kỳ đã rất khó, làm một nhà văn tiền phong da vàng còn gian truân gấp bội. Đinh Linh là một nhà văn tài năng, và như thường thấy trong trường hợp những tài năng thật sự, cũng là một nhà văn rất can đảm.
        Sau đây là phỏng vấn mới nhất của Đinh Linh do nhà thơ Lance Phillips (3) thực hiện trong loạt bài mang tên Here Comes Everybody của Lance Phillips.

 

PNH

 

_____________________________________

 

Lance Phillips: —Bài thơ đầu tiên mà anh yêu thích? Tại sao?

Đinh Linh: Tôi đã đọc nhiều thơ tồi trước khi phát hiện ra “Phrases” của Rimbaud. Tôi choáng ngợp trước cái trạng thái tinh thần đã sản sinh ra một điều kỳ diệu như vậy. Rimbaud và Vallejo là hai nhà thơ kỳ diệu nhất mà tôi từng biết.

Anh đọc những thứ “phi văn chương” nào có thể khiến các đồng nghiệp ngạc nhiên? Vì sao anh đọc chúng?

Tôi từng viết đâu đó về sự say mê của tôi đối với những thứ cặn bã như các quảng cáo cá nhân, thông báo tìm người lạc, tâm sự tuổi mới lớn, bình luận thể thao. Lúc sống ở Ý, tôi đọc rất nhiều báo lá cải. Đọc báo lá cải Ý, tôi cảm thấy gần với người Ý hơn. Báo lá cải Ý cho phép tôi tiếp cận trực tiếp với tinh thần Ý, và tạo cân bằng với những món như Boccaccio, Dante. Tôi không rõ về Dante, nhưng qua tác phẩm của Boccacio, tôi chắc tay này cũng đọc nhiều thứ cặn bã. Người ta nói Cervantes đọc cả những mẩu giấy đang nhảy cà tưng trên mặt đất. Tôi cũng “đọc” tỉ số bóng chày của đội Mariners suốt 20 năm qua, thay cho việc xem các trận đấu. Tôi từng đọc Ring Magazine [tạp chí quyền Anh] (4). Cú đấm của hắn mẫn cảm hơn, vân vân. Joe Kozumi, tay phóng viên miền Viễn Đông, gọi mỗi hiệp đấu là một ‘khổ thơ” hay “đoạn thơ”.

—Triết học có vai trò quan trọng thế nào với chuyện viết lách của anh? Tại sao?

Tôi chẳng đọc triết học mấy. Cách đây hai thập kỷ, trong một cơn khủng hoảng, tôi chăm chú đọc Simone Weil. Đó là thời kỳ tôi đang bị thần kinh. Tôi đọc Weil, Emanuel Swedenborg, và tìm cách gia nhập CIA. Họ cho bác sĩ tâm thần phỏng vấn tôi, thực hiện xét nghiệm chất ma túy, và sau 6 tháng, quyết định nhận tôi, nhưng lúc đó tôi đã hết điên rồi. Từ đó tôi chỉ đọc tiểu thuyết, thơ, và mấy thứ rác rưởi.

—Những nhà văn “không Anh-Mỹ” nào anh yêu thích? Vì sao?

Tôi cũng viết thơ bằng tiếng Việt và vẫn dịch thơ Việt. Phan Nhiên Hạo và Nguyễn Quốc Chánh là hai nhà thơ Việt mà tôi ngưỡng mộ. Anh có thể đọc những bài thơ của họ ở đây [http://www.tinfishpress.com/vietnamese.pdf].

Tôi cũng hâm mộ nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, một số tác phẩm của ông được dịch ra tiếng Anh trong tập “Crossing the River”. Hầu hết những nhà văn tôi ngưỡng mộ đều không phải người Mỹ, mà tại sao không? Tiếng Anh chỉ là một trong cả ngàn thứ tiếng trên thế giới. Đây là danh sách ngắn gọn những nhà văn “không Anh-Mỹ” tôi ngưỡng mộ: Borges, Rabelais, Celine, Dostoevski, Michel Houellebecq, Ingo Schulze với “33 Khoảng Khắc Hạnh Phúc”, Kawabata với “Truyện Trong Lòng Bàn Tay”.

—Anh đọc thơ nhiều lắm không? Chuyện này quan trọng thế nào với việc việt lách của anh?

Tôi đọc những gì cần đọc nhưng tôi đọc khá chậm. Tôi hiếm khi đọc một cuốn thơ từ đầu đến cuối. Lướt qua nhiều bài, tôi dừng lại và tìm hiểu cẩn thận những bài có thể dạy tôi điều gì đó.

—Những tác phẩm nào mà các đồng nghiệp của anh tưởng là anh đọc rồi nhưng thật ra anh chưa đọc? Và tại sao chưa?

Là một người tự học, có nhiều thứ lẽ ra tôi phải đọc nhưng lại chưa. Tôi đọc những thứ nuôi dưỡng sự viết lách của tôi vào một thời điểm nhất định. Tôi yêu mến và chịu ảnh hưởng bởi Kafka nhưng chưa đọc tiểu thuyết của ông. Nhưng tôi đọc đi đọc lại truyện ngắn của ông.

—Làm thế nào để giải thích thơ là gì cho một đứa bé bảy tuổi?

Bài thơ là một chuỗi cô đọng những hình ảnh không dự đoán được. Tôi nhớ từng đọc về một tay chơi bóng rổ được mệnh danh là “Nửa Người Nửa Tuyệt Vời”. Chỉ cụm từ đó thôi cũng đã là một bài thơ.

—Anh có tin vào “Vai trò nhà thơ” không? Nếu có thì nó khác thế nào với “Vai trò công dân”?

Các nhà thơ hãy xem cách mà Whitman định nghĩa tính cách của một quốc gia. Ông tự gánh lấy vai trò vĩ đại nhất mà một nhà thơ có thể gánh lấy. Tất cả chúng ta có thể tham gia vào kế hoạch này của Whitman. Là một nhà thơ Mỹ trong thời buổi này, tôi nghĩ mỗi chúng ta nên tự cảm thấy trách nhiệm cá nhân trong việc khôi phục tư cách và sự minh mẫn, đúng đắn cho quốc gia này.

—Những từ liên hệ (từ đầu tiên chợt đến, một cách trung thực):

Bánh**Chanh

Mặt**Đục

Kinh**Dịch

Của**Người

Phi**Thể

—Trong sáng tác của anh, đâu là sự liên hệ giữa văn bản và thân thể?

Tôi là người ý thức cực độ về mỗi phân vuông cơ thể và bất cứ gì nó đang làm ngay lúc đó. Nhiệm vụ hàng đầu của tâm trí là để suy ngẫm về thân thể. Tôi là nhà thơ của thân thể. Luôn cả thân thể anh.

 

Phan Nhiên Hạo dịch từ nguyên bản tiếng Anh

 

-------------------------------------

Chú thích của người dịch:

Tựa bài do người dịch đặt

(1) Blood and Soap [Máu và Xà-phòng], Linh Dinh. New York: Seven Stories Press, 2004.
(2) The Village Voice, 6 thang 12, 2004, “Our 27 Favorite Books of the Year”
(3) Lance Phillips, tác giả của Corpus Socius (Ahsahta Press, 2002) và Cur Aliquid Vidi (Ahsahta Press, 2004).
(4) Ring Magazine: tạp chí chuyên về quyền Anh, thành lập năm 1922.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021