thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Một khoảng riêng với nhà thơ Phan Đan

 

Phan Đan, những năm 1980...

 

Trong hơn hai chục năm im lặng, không tham gia vào đời sống văn học, với tư cách một nhà thơ, ông có cảm thấy bổn phận của mình đối với thơ Việt?

 

PĐ: Chúng ta ai cũng có nhiều bổn phận. Việc thực hiện các bổn phận ấy tuỳ thuộc vào những hoàn cảnh cụ thể, vào tính cách cá nhân, vào việc chúng ta đặt định giá trị ưu tiên cho mỗi bổn phận. Hơn nữa, với đời sống văn học, cũng có nhiều cách tham gia. Nhưng có lẽ tôi thấy mình embarqué hơn là engagé.

 

Và rồi thơ ông đã có cơ hội tới độc giả qua website Tiền Vệ?

 

PĐ: Đó không phải là một cơ hội, tôi cũng không quá quan tâm tìm kiếm cơ hội để thơ tôi tới được độc giả, tuỳ duyên thôi. Thơ tôi qua Tiền Vệ là từ đề nghị của bạn bè, trong đó có các bạn đang chủ trương Tiền Vệ, tôi cảm ơn họ.

Nhà văn Phạm Thị Hoài cho rằng, văn chương là một trò chơi vô tăm tích. Trong thế giới duyên khởi trùng điệp này, không có cái gì thực sự vô tăm tích cả. Nhưng với nhiều người, văn chương còn là một trò chơi nguy hiểm.

 

Chế độ toàn trị là nguyên nhân của sự nguy hiểm ấy?

 

PĐ: Chế độ toàn trị (totalitarianism) là một sản phẩm lịch sử, nhưng dường như nó cũng gắn liền với bản chất con người. Chế độ toàn trị phôi thai từ xã hội nô lệ và được hàm dưỡng qua nhiều vương triều. Từ xa xưa, nó đã từng được lý thuyết hoá, Hàn Phi Tử chẳng hạn. Dưới góc độ kinh tế - xã hội, nó là một tồn tại hợp lý theo tinh thần Hegel.

 

Còn cái ác, cái xấu?

 

PĐ: Chẳng ai mong có cái ác, cái xấu trong cuộc đời. Nhưng nếu không có cái ác, cái xấu thì làm sao có cái thiện, cái đẹp? Và làm sao chúng ta biết cái thiện, cái đẹp để mà ca ngợi, tôn vinh? Lương tri hay cảm quan thẩm mỹ là thiên tính nhưng cũng là di sản văn hoá. Thế giới lúc nào cũng cần được cái đẹp cứu chuộc, dẫu sự cứu chuộc có thể là vô vọng. Nhưng dù vô vọng, chúng ta vẫn thấy được nụ cười toàn giác của Đức Phật.

 

Ông quan niệm thế nào về thơ?

 

PĐ: Đối với tôi, làm thơ là khám phá và soi sáng chính mình. Thưởng thức hay sáng tác nghệ thuật là một quá trình tự nhận thức. Trong quá trình này, chúng ta thực hiện hành vi mà Aristotle gọi là catharsis (thanh lọc), đồng thời, bồi đắp và kết tinh đời sống nội tâm.

Sáng tạo có thể là một chu trình khép kín, từ kẻ sáng tạo tới tác phẩm rồi trở lại kẻ sáng tạo, nhưng hiệu ứng của nó vẫn lan toả, bởi ngay khi sáng tạo, kẻ sáng tạo đã đổi khác và qua đó tác động tới cuộc đời.

 

Có nhà nghiên cứu ngôn ngữ đã nói vui rằng thơ ông là thi pháp “cực đại”, còn loại thơ với các “con âm, con chữ” là thi pháp “cực tiểu”. Ông thấy sao?

 

PĐ: “Con người là sinh vật tạo nghĩa”. Để cấp nghĩa cho sự vật, chúng ta sáng tác nghệ thuật, sử dụng ngôn ngữ và các hệ thống ký hiệu khác. Ngôn ngữ là một hệ thống ký hiệu. Trong hệ thống đó, âm vị, hình vị, cú pháp - và ngay cả các ký tự latin - đều có thể dẫn đến ngữ nghĩa. Các từ trong văn bản thơ không được bao quanh bởi một đường viền rõ nét như nội hàm của các thuật ngữ khoa học, mà có một ranh giới mờ ảo bởi hiện tượng giao thoa giữa các nét nghĩa, các lớp nghĩa. Những vân giao thoa ấy còn nhiều hơn khi các từ va chạm nhau trong những tổ hợp từ khác thường, trong những tương quan cú pháp, ngữ pháp không quen thuộc, nhất là khi văn bản thơ lấn sang địa hạt truyền thống của âm nhạc, hội hoạ … Không có ranh giới nào cho sự sáng tạo.

Trong nghệ thuật, phương tiện cũng có thể là cứu cánh. Có người quan tâm đến việc đẽo gọt tỉ mỉ cán đao, chuôi kiếm; có người quan tâm đến quỹ đạo chuyển động của lưỡi đao, mũi kiếm trong đao thuật, kiếm thuật; có người quan tâm đến việc bố cục những tay đao, tay kiếm trong một thế trận … Đó là những trường thẩm mỹ khác nhau, những thi pháp khác nhau. Mọi nỗ lực cách tân thơ, dù thành công đến mức độ nào cũng đều góp phần mở rộng trường thẩm mỹ của người đọc và người viết.

 

Có một câu hỏi được nhiều người quan tâm: “Thơ Việt đi về đâu?” Theo ông, nó sẽ đi về đâu?

 

PĐ: Tôi không nghĩ đó lại là một vấn nạn day dứt đến thế. Muốn biết mình đi về đâu thì phải biết mình đang ở đâu và có bao nhiêu năng lượng để đi. Thơ Việt cũng như nhiều lãnh vực khác, chúng ta chỉ thấy nó ở dạng tiềm năng và loay hoay không biết làm cách nào để giải phóng tiềm năng ấy. Nói vui một chút: Theo nguyên lý Heisenberg, nếu chúng ta xác định được vị trí thì sẽ không xác định được mức năng lượng, còn nếu xác định được mức năng lượng thì sẽ không xác định được vị trí. Thường là chúng ta mù mờ cả hai.

Giờ đây, xung quanh chúng ta đang rền vang tiếng còi báo động về quá trình sa mạc hoá thơ trước sự xâm lấn của văn hoá nghe – nhìn. Tôi không tin điều đó mà tin vào sự vĩnh hằng của thơ - với tư cách là nghệ thuật ngôn từ - như một phần thiết yếu của đời sống tinh thần nhân loại.

 

Ông không thấy thú vị với những câu hỏi về thơ tình và tình yêu của cuộc phỏng vấn trên Tiền Vệ mà nhiều nhà thơ khác đã tham gia?

 

PĐ: Một số câu trong bài phỏng vấn đó, tôi không hiểu rõ ý anh muốn hỏi. Vì vậy, cho phép tôi trả lời chung về vấn đề mà anh quan tâm như sau:

Cũng như tình dục hay chính trị …, tình yêu là một chiều kích của con người. Thơ tình là hình chiếu của chiều kích ấy trên trang giấy. Schopenhauer nói rằng, tình yêu chỉ là một dạng thức văn hoá của bản năng truyền chủng. Nhưng, sự bành trướng hay tàn lụi của thơ tình trong thời đại chúng ta đang sống cũng là một biểu hiện của cung cách mà chúng ta ứng xử với tình yêu, với các giấc mơ và với chủ nghĩa nhân văn.

Kinh Thánh có câu: “Vậy nên, hễ điều mà các ngươi đã nói nơi tối sẽ nghe ra nơi sáng, còn điều mà các ngươi đã nói bên tai trong buồng kín, sẽ rao ra trên mái nhà” (Luca 12:3) . Sáng tạo nghệ thuật là “rao ra trên mái nhà” những lời thì thầm yêu đương, những tiếng khóc nấc, những âm thanh bị bóp nghẹt của khổ đau và hạnh phúc mà nếu không được “rao ra”, chúng sẽ tan biến trong hờ hững, mòn mỏi và quên lãng của con người.

 

Xin cảm ơn sự cộng tác của ông.

 

Trần Nhuệ Tâm thực hiện

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021