thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
BA MƯƠI NĂM: KHOẢNG CÁCH & DẤU NỐI [Hoàng Hưng]
phỏng vấn Hoàng Hưng

 

Ông gặp một thi sĩ/văn sĩ Việt kiều lần đầu ở: phi trường, quán…? Trước đó, ông biết họ qua tác phẩm nào? Điều gì từ tác phẩm đó đã gây ấn tượng cho ông?

 

HH: Có lẽ Đỗ Kh. là nhà văn-thơ “Việt Kiều” đầu tiên (hoặc là cây bút “Việt Kiều” gây ấn tượng mạnh đầu tiên) tôi gặp ở Việt Nam (cụ thể là TPHCM, tại nhà riêng của nhà văn Nhật Tuấn – em ruột nhà văn “Việt Kiều” Nhật Tiến). Anh cho tôi mấy tập văn và thơ, tôi khoái liền (và đến nay đọc lại vẫn khoái) tập Ký sự đi Tây và không ít bài thơ của anh. Ký sự Đỗ Kh. khiến tôi khâm phục vì những cảm nhận sống động, độc đáo liên kết với những liên tưởng phong phú thể hiện sự giàu có về vốn du hành và vốn văn hoá, tiếng Việt của anh tinh anh và xác đáng một cách bất ngờ. Thơ của anh là thơ của một con… dương vật lúc nào cũng căng cứng – cái mà thơ trong nước lúc ấy thiếu thốn. Mạnh mẽ, tự do, bất chấp, là những phẩm chất mà tôi tán thưởng ở Đỗ Kh.

 

Người thi sĩ/văn sĩ Việt kiều mà ông thân nhất đã nói cho ông nghe điều gì về thơ/văn hải ngoại và thế giới? Những quan điểm nào ông đồng tình và không đồng tình? Ông nghĩ sao về các khuynh hướng sáng tác như Hậu hiện đại, Tân cổ điển… Ngoài những quan hệ có tính cách cá nhân như thế, ông có thường đọc các tác phẩm văn học bằng tiếng Việt ở nước ngoài không? Nếu thường, thường như thế nào? Những tác phẩm ấy thuộc thể loại gì (thơ/truyện/tiểu luận/phê bình)?

 

HH: Đỗ Kh. cho tôi không ít tạp chí có in văn-thơ hải ngoại như Hợp Lưu, Thơ và nhiều tập thơ của Mỹ. Về thơ Việt hải ngoại, tôi chú ý những bài viết của Đỗ Kh, Phương Sinh, Khế Iêm… Quan điểm của các bạn ấy về yêu cầu tất yếu hiện đại hoá thơ Việt, vượt qua thời kỳ hát ca than thở kể lể khúc nhôi (ở trong lẫn ngoài nước) khá trùng hợp với suy nghĩ của tôi. Riêng quan niệm “Tân hình thức” thì tôi vẫn băn khoăn. Có lẽ nó xuất phát từ chủ trương “New Formalism” của Dana Gioia, muốn khôi phục và làm mới những thể thức thơ truyền thống với hy vọng đưa thơ trở lại với công chúng đông đảo, nhưng tôi e rằng các sáng tác thực tế chưa đủ sức thuyết phục người đọc về cái ưu việt của lối thơ ấy (các bạn thơ người Mỹ của tôi cũng chia sẻ nhận xét tương tự đối với khuynh hướng “New Formalism”trong thơ Mỹ).

 

Theo ông, văn học Việt Nam trong và ngoài nước có những khác biệt gì đáng kể?

 

HH: Ở thời điểm hiện nay, sự khác biệt giữa văn học trong-ngoài nước đã bớt đi rất nhiều nếu so sánh với cách đây gần 20 năm. Tập 26 nhà thơ Việt Nam đương đại xuất bản ở Mỹ cách đây vài năm bao gồm cả thơ trong và ngoài nước là một thí dụ đẹp đẽ.

 

Ông có tin là văn học trong và ngoài nước một ngày nào đó sẽ nhập làm một hay không? Điều kiện để dẫn đến sự “thống nhất” ấy là gì?

 

HH: Tin chứ. Chỉ có điều là sốt ruột vì lâu quá, lâu một cách không cần thiết. 30 năm rồi còn gì. Song điều kiện để “thống nhất” chính là vượt qua được tính phe phái vốn dĩ ăn sâu nhiều đời qua các cuộc “chia xôi thịt” ở đình làng Việt. Trách nhiệm nặng hơn đương nhiên là về phía “phe” đang nắm được quyền diều hành nền văn học trong nước (chiếm đa số tuyệt đối). Tôi mà là họ (nói phét cho vui thôi) thì tôi “phấn khởi, hồ hởi” đón mừng mọi sáng tác của người Việt bốn phương, vì chỉ cần vẫn tha thiết với tiếng Việt là đủ tiêu chuẩn công nhận “Việt kiều yêu nước” quá rồi còn gì nữa. Nhưng cũng không nên quên rằng những thơ/văn của “phe thiểu số” ở ngay trong nước còn phải đợi 30 năm mới được “cho qua” kia mà. Vậy chắc phải đợi thêm… 30 năm nữa để có sự “thống nhất” trong-ngoài nước.

 

Trong cuộc “thống nhất” của nền văn học bằng tiếng Việt ấy, đóng góp chính của mỗi bên (trong/ngoài) là gì?

 

HH: Dù ở trong hay ngoài, đóng góp chính là ở sáng tác của từng người. Cứ viết cho trung thực, cho hết mình, đúng với hoàn cảnh, lưng vốn của riêng mình, là đóng góp.

 

Với những thi sĩ/văn sĩ hải ngoại, ông muốn cho họ thấy điều gì quí nhất trên trán ông và trong túi ông?

 

HH: Điều quí nhất in trên trán cũng như nằm trong túi tôi chắc chỉ có thơ. Tôi mong muốn thơ mình có cơ hội đến với bạn đọc cả trong và ngoài nước, họ sẽ đọc thấy những gì họ đọc thấy.

 

(Trần Nhuệ Tâm thực hiện)

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021