thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
BA MƯƠI NĂM: KHOẢNG CÁCH & DẤU NỐI [Lý Đợi]
phỏng vấn Lý Đợi

 

 

 

Ông gặp một thi sĩ/văn sĩ Việt kiều lần đầu ở: phi trường, quán…? Trước đó, ông biết họ qua tác phẩm nào? Điều gì từ tác phẩm đó đã gây ấn tượng cho ông?

 

LĐ: Hẳn nhiên tôi đã gặp nhiều người mà ông muốn hỏi [han]; nhưng cái tật [nguyền] của tôi là hay quên, nên không biết mình đã gặp ai trước, ai sau. Và cũng thiệt khó nói khi phải phân biệt sự trước sau trong chuyện này, bởi có người, dù chưa gặp nhưng luôn muốn gặp: thi sĩ Nguyễn Đăng Thường là một trong số ít những người đó. Có những người gặp rồi thì không muốn gặp nữa, và tiếc rằng mình đã gặp; bởi tôi cũng có tật hay buồn mửa [ý nói buồn nôn ấy mà], sợ mửa ra bàn [tràn xuống ghế] thì ghê quá…

Tại hải ngoại, có những người sau đây mà tôi đã biết và trân quý họ qua tác phẩm mà chưa bao giờ gặp: Nguyễn Đăng Thường, Diễm Châu, Hoàng Ngọc Biên, Đỗ Kh., Nguyễn Xuân Hoàng, Phạm Thị Hoài, Lê Thị Huệ, Lê Thị Thấm Vân, Trần Vũ, Thuận, Barbara Trần, Monique Trương, Hoa Nguyễn [Nguyễn Hoa], Lan Cao, Đào Strom, Miên Đáng, Trần Minh Quân… và một số người khác nữa…

Trong những người đã gặp, cũng nhiều như chưa gặp, tôi thấy mình có quan tâm thường xuyên tới tác phẩm của Đinh Linh, Mộng Lan, Nguyễn Hưng Quốc,… Đến bây giờ, tôi vẫn còn nhớ được cái cảm giác khi lần đầu đọc tập Thơ Trơ của Đinh Linh…

Cái không khí và tình trạng văn chương của các tác phẩm được sinh ra ở hải ngoại… có một phần cơ bản khác với văn chương trong nước, điều này làm tôi quan tâm. Còn cụ thể khác như thế nào, thì phải cần một câu trả lời kiểu khác.

 

Người thi sĩ/văn sĩ Việt kiều mà ông thân nhất đã nói cho ông nghe điều gì về thơ/văn hải ngoại và thế giới? Những quan điểm nào ông đồng tình và không đồng tình? Ông nghĩ sao về các khuynh hướng sáng tác như Hậu hiện đại, Tân cổ điển… Ngoài những quan hệ có tính cách cá nhân như thế, ông có thường đọc các tác phẩm văn học bằng tiếng Việt ở nước ngoài không? Nếu thường, thường như thế nào? Những tác phẩm ấy thuộc thể loại gì (thơ/truyện/tiểu luận/phê bình)?

 

LĐ: Lúc này, tôi hay liên lạc với 4 thi sĩ hải ngoại: Nguyễn Đăng Thường, Miên Đáng, Đỗ Kh., Đinh Linh; cộng với 3 thi sĩ trong nước: Nguyễn Quốc Chánh, Bùi Chát, Khúc Duy… 7 người này cho tôi thấy 7 nhân cách độc lập nhau, nhưng vẫn hoà hợp được trong tôi. Dân chủ, tự do, trí thức và văn minh là điều hiếm thấy trong thể chế và con người đang sống tại Việt Nam. Vì thế, tôi thích chơi với 7 thi sĩ này... Nếu muốn tìm hiểu về tính cách, tài năng, và muốn có một thi sĩ vĩ đại nhất đương đại Việt [nếu có được thực tế về điều này]… thì hãy gộp 7 người này lại làm 1…

Trước đây tôi hay photo các tạp chí được xuất bản ở hải ngoại như Tạp chí Thơ, Việt, Hợp Lưu… nay thì tôi đọc chúng trên Internet. Tác phẩm của tôi cũng có xuất hiện tại các nơi này. Hiện nay, tôi có thêm các web để đọc và in bài. Nói kiểu một thi sĩ giang hồ (Vũ Ngọc Giao), chính những nơi này lôi tôi ra ánh sáng, dù thực tế bóng tối vẫn tràn ngập quanh tôi…

Tôi quan tâm tới thơ và tiểu luận [viết, dịch] tại hải ngoại. Còn truyện, trừ Phạm Thị Hoài, Đinh Linh và một phần tư Trần Vũ… đa số còn lại vẫn viết như cố gắng kể một câu chuyên hay [ho ra máu], còn cách viết thì ôi thôi: cũ và rề rà.

 

Theo ông, văn học Việt Nam trong và ngoài nước có những khác biệt gì đáng kể?

 

LĐ: Cái đáng phỉ mửa nhất của văn hoá-văn học Việt là thái độ nguỵ tạo và giả dối. Mà điều này thì tràn ngập bốn phương tám hướng, người Việt đi đâu cũng mang theo bản sắc này. Và hình như chỉ có mỗi thứ này.

Cái khác biệt của một người làm văn học có ý thức và không là ở chỗ: có biết được tình trạng nguỵ-giả này không. Mới và cũ, tốt và xấu, đúng và sai… là những tiêu chí mà bất cứ nền văn hoá-văn học nào cũng thường hay quan tâm; nhưng với văn hoá-văn học Việt hiện nay thì điều này thật chưa cần thiết. Thậm chí quá xa xỉ.

Văn học Việt lúc này chỉ có vài cá nhân đơn lẻ có ý thực và ý thức; còn cái tên gọi văn học chính thống [khổ] trong nước, hay văn học hải ngoại [vi] chỉ là một cách nói gượng ép-giả dối và ngụy tạo. Vì thế không cần đặt ra: có hay không có sự khác biệt.

 

Ông có tin là văn học trong và ngoài nước một ngày nào đó sẽ nhập làm một hay không? Điều kiện để dẫn đến sự “thống nhất” ấy là gì?

 

LĐ: Trong mỗi cá nhân người Việt đều có một cơ chế tự nghi kị với văn chương-nghệ thuật. Còn cộng đồng người Việt thì bảo thủ, ấu trĩ… thích chơi trò ôn cố tri tân, thậm chí ôn cố vi tân. Viễn cảnh thống nhất chỉ xảy ra khi những tên bảo thủ, cơ chế bảo thủ này phải chơi gái thời xưa, nghĩa là những xương cốt hay cát bụi bây giờ. Đi chơi đĩ thì thằng nào cũng giành gái trẻ, gái mới [mấy tay lãnh đạo thì thích gái còn trinh, vị thành niên]… mà đụng tới văn học-nghệ thuật thì cứ Kiều với chả Kiều. Mà ừ nhỉ, Kiều cũng là một mỹ nữ lầu xanh có nghề mà... làm gì không có thằng bị tơ tưởng

 

Trong cuộc “thống nhất” của nền văn học bằng tiếng Việt ấy, đóng góp chính của mỗi bên (trong/ngoài) là gì?

 

LĐ: Câu này dường như bị thừa, vì hai câu trên tôi đã gián tiếp trả lời nó theo hướng khác. Tôi chỉ biết ước mơ thế này, mọi người không phải Cộng sản nữa; bởi Tư sản còn chưa có thì lấy gì mà góp vào. Nói rõ hơn để tránh suy diễn: văn học của từng cá nhân tự do còn chưa có thì làm sao dám nói đến MỘT NỀN VĂN HỌC.

 

Với những thi sĩ/văn sĩ hải ngoại, ông muốn cho họ thấy điều gì quí nhất trên trán ông và trong túi ông?

 

LĐ: Tôi chẳng có gì quý ở trên trán và không có gì bí mật ở trong túi. Tôi có quen một số Kiều [đực, cái và chính giữa đều có]; và biết địa chỉ một số quán thịt chó… ai có nhu cầu thì tôi dẫn đi. Nói khác đi, tôi có thể làm xe ôm và lấy tiền thù lao [phổi] kha khá.

 

(Trần Nhuệ Tâm thực hiện)

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021