thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
BA MƯƠI NĂM: KHOẢNG CÁCH & DẤU NỐI [Nguyễn Thuý Hằng]
phỏng vấn Nguyễn Thuý Hằng

 

Bà gặp một thi sĩ/văn sĩ Việt kiều lần đầu ở: phi trường, quán…? Trước đó, bà biết họ qua tác phẩm nào? Điều gì từ tác phẩm đó đã gây ấn tượng cho bà?

 

NTH: Tôi gặp Thận Nhiên, lần đầu tại Nhà Thờ Đức Bà, Sài gòn. Qua mấy lần gặp sau, do chủ yếu là nhậu và nói dóc nên cũng chưa dịp đọc thơ của Nhiên nhiều. Sau này, khi qua Mỹ du học thì nhóm viết người việt hải ngoại tôi gặp lần đầu tiên là Lê Thị Thấm Vân, Trần Minh Quân và một số người không nhớ tên. Trong lần gặp này, mọi người có đọc thơ của nhau nhưng rất tiếc (lại một lần nữa), do ăn nhậu mà không nhớ mình và họ đã đọc và trao đổi cái gì.

 

Người thi sĩ/văn sĩ Việt kiều mà bà thân nhất đã nói cho bà nghe điều gì về thơ/văn hải ngoại và thế giới? Những quan điểm nào bà đồng tình và không đồng tình? Bà nghĩ sao về các khuynh hướng sáng tác như Hậu hiện đại, Tân cổ điển…

 

NTH: Khi tôi bắt đầu dọn về ở gần căn hộ của Trần Minh Quân thì phần lớn chúng tôi nói về thơ của nhau. Có nói về văn học hải ngoạI, nhưng không nhiều. Thật ra, lí do chúng tôi không bàn sâu về tình hình văn học hải ngoại vì thấy cách sống, hướng đi của chúng tôi, thế hệ trẻ sau này hoàn toàn khác biệt với những thế hệ trước (cả trong và ngoài nước, thậm chí tính luôn một số cây bút sinh sau 1976). Điều đầu tiên tôi thấy ở văn học hải ngoại là sự tẻ nhạt, rời rạc và đang rơi vào điểm “lì” trong sáng tác. Nghĩa là họ vẫn viết, vẫn trăn trở, cố gắng tìm con đường mới nhưng đều chuyển động rất chậm. Tôi nhận thấy ngườI viết hải ngoại có sự thiệt thòi rất lớn so với người viết trong nước là họ hầu như thiếu những cây bút trẻ, sôi động và đủ sức “náo loạn”, đem lạI cho họ một cách nhìn mới, trực tiếp hơn, cụ thể hơn. Họ phải chống chọi từ vựng tiếng Việt giữa mới và cũ. Giữa tin tức về văn học trong nước và ngoài nước. Tôi cố gắng liên lạc vài cây bút sống quanh vùng nhưng khi gặp thì thất vọng nhiều hơn là thích thú, tư duy của họ rất cũ mặc dù có khả năng/cơ hội đọc nhiều văn bản lí luận, sáng tác hơn. Họ làm tốt công việc chuyền tải thông tin, tài liệu dịch thuật, những vấn đề thuộc về lý thuyết hơn là khả năng sáng tác tác phẩm.

Còn về văn chương Việt Nam hiện nay đối với thế giới thì những cuốn sách được giảng tại các trường đại học lớn ở Mỹ, đa phần là hồi kí hoặc viết về chiến tranh Việt Nam. Chưa có cuốn nào được đánh giá như tác phẩm văn học nghệ thuật thật sự. Gần đây, tôi thích một nhánh thuộc về gốc Việt - nhưng không nằm trong nhóm người việt hải ngoại viết tiếng Việt hoặc vừa Việt, vừa Anh - đó là nhánh Linda Lê, Monique Trương, Lê Thị Diễm Thúy - chỉ viết một ngoạI ngữ duy nhất là Anh hoặc Pháp. Cũng như tư cách một người đọc, tôi hy vọng ở những cây bút nữ này và tôi chờ họ vượt qua giai đoạn viết dưới dạng “kí ức Việt Nam tiềm ẩn” mặc dù Việt Nam xa lạ, rất còn “tưởng tượng” trong họ. Tôi chờ những tác phẩm được viết như người có cuộc sống bình thường, viết cho riêng họ, cho chính đời sống cơ thể ham muốn hiện tại mà không phải vướng vào đôi chút “kí ức Việt Nam”. Với phần dự đoán nhỏ, tôi tin rằng các cây bút nữ thuộc nhánh này sẽ góp phần làm thay đổi không khí cho cách nhìn từ bên ngoài lẫn bên trong vào văn chương Việt Nam nói chung và đánh dấu một khởi đầu tốt đẹp cho thời đại lành lặn, bình quyền của các cây bút nữ gốc Việt nói riêng.

Tôi không quan tâm lắm về các khuynh hướng sáng tác như Hậu hiện đại hoặc Tân cổ điển. Tôi nghĩ nó chỉ là công cụ, một đồ vật để dùng hơn là nâng nó lên thành trường phái hoặc chủ nghĩa, vì nó cũng phải vào sọt rác nếu tôi không thích, không xài hoặc thấy nó không thể sử dụng cho trường hợp của tôi.

 

Ngoài những quan hệ có tính cách cá nhân như thế, bà có thường đọc các tác phẩm văn học bằng tiếng Việt ở nước ngoài không? Nếu thường, thường như thế nào? Những tác phẩm ấy thuộc thể loại gì (thơ/truyện/tiểu luận/phê bình)?

 

NTH: Tôi có lướt sơ bộ qua Tiền vệ, Hợp lưu, Talawas với tính chất đọc tin tức hơn là đọc tác phẩm.

 

Theo bà, văn học Việt Nam trong và ngoài nước có những khác biệt gì đáng kể?

 

NTH: Tất nhiên có những khác biệt đáng kể. Tôi chỉ nêu một khía cạnh điển hình, là nhìn vào số lượng độc giả. Văn học trong nước có cơ hội “sống” nhiều hơn ngoài nước.

 

Bà có tin là văn học trong và ngoài nước một ngày nào đó sẽ nhập làm một hay không? Điều kiện để dẫn đến sự “thống nhất” ấy là gì?

 

NTH: Câu hỏi này có vẻ thừa, theo tôi, quan trọng là có tác phẩm nào “máu” hay không. Nếu thống nhất mà vẫn chẳng có gì ra hồn, cũng vứt.

 

Trong cuộc “thống nhất” của nền văn học bằng tiếng Việt ấy, đóng góp chính của mỗi bên (trong/ngoài) là gì?

 

NTH: Chữ. Nếu có bia bọt thì càng tốt.

 

Với những thi sĩ/văn sĩ hải ngoại, bà muốn cho họ thấy điều gì quí nhất trên trán bà và trong túi bà?

 

NTH: Khi gặp sẽ biết.

 

(Trần Nhuệ Tâm thực hiện)

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021