thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
BA MƯƠI NĂM: KHOẢNG CÁCH & DẤU NỐI [Đỗ Quyên]
(phỏng vấn Đỗ Quyên)

 

Lời toà soạn:
Ðỗ Quyên tham gia cuộc phỏng vấn do Trần Nhuệ Tâm thực hiện không phải chỉ với tư cách một nhà thơ hiện đang sống ở hải ngoại mà còn với tư cách một độc giả trung thành của Tiền Vệ, người đã theo dõi loạt bài phỏng vấn này một cách thích thú. Chính vì sự thích thú ấy, anh đã không chỉ hài lòng với việc trả lời phỏng vấn mà còn, từ cảm nhận riêng của anh, bình luận về cuộc phỏng vấn, về ý kiến của những người trả lời phỏng vấn trước anh. Hằng ngày, tiếp xúc với bạn bè gần xa qua các phương tiện truyền thông như email hay điện thoại, chúng tôi cũng được biết có không ít người như Ðỗ Quyên. Họ cũng say sưa theo dõi các bài trả lời phỏng vấn. Cũng tâm đắc với ý này, phân vân trước ý nọ. Những phản ứng như thế, rất chính đáng, có lẽ làm cho Trần Nhuệ Tâm cảm thấy việc làm của mình có ý nghĩa. Và những nhà văn và nhà thơ tham gia cuộc phỏng vấn cũng có thể an tâm là tiếng nói của mình đã được lắng nghe.
Tiền Vệ
 

------------------------------------------

 

I- Bình bàn về cuộc chơi:

I.1- Cuộc chơi này thành quả!

Sau thơ một khoảng cách xa xa, giữa các thể loại văn học quen thuộc, tôi rất thích phỏng vấn. Bàn tròn phỏng vấn này của Trần Nhuệ Tâm trên sân chơi Tiền Vệ, nói theo ngôn ngữ nhà binh, là thắng ngay từ trước loạt đạn đầu. Bởi tính thời cuộc của nó. Ai cũng nhìn ra. Tôi muốn tìm xem ở mặt văn chương nó có gì khác lạ. Là người ham đặt tâm ưa để ý đến sinh hoạt chữ nghĩa Việt Nam đương đại, và lại là kẻ say sưa làm không ít các phỏng vấn, tôi dzô cùng thú vị và đánh giá cao trận này của ông bạn thơ họ Trần. Ngay khi nó mới ở vài màn đầu túi bụi các e-mail từ các bạn văn thơ rủ chơi, tôi đã nhủ lòng nếu bận không vô chơi được thì cũng phải ngó kỹ xem bà con ta chơi thế nào.

Kiểu phỏng vấn “bề hội đồng” (tung ra mớ ba mớ bảy câu hỏi, gửi đi tá lả địa chỉ) như thế này khó hay lắm. Đến với văn học Việt hải ngoại, ở lãnh địa phỏng vấn, tôi đã không đi vào nẻo này của Nguyễn Mạnh Trinh, Phan Huy Đán - được biết là một bút danh của Nguyễn Hữu Nghĩa (?)-, Hồ Trường An… Đó là bậc cao thủ, gặp các vị võ lâm, sao mà nhìn đường gươm mũi lao của họ thấy buồn tẻ. Được bài hay thật khó, họa chăng với người đáp khéo, và ở vấn đề “hot” nào đó.

Tôi thấy không nhiều các nghiên cứu tương quan văn học Trong–Ngoài Việt Nam lại mạnh, gọn, khá chính xác như loạt bài phỏng vấn này. Cái khác ở đây – tất nhiên là nhờ đặc thù thể loại phỏng vấn - mà các tiểu luận bài bản, hệ thống của những người làm phê bình quen thuộc về đề tài này (Thụy Khuê, Nguyễn Hưng Quốc, Bùi Vĩnh Phúc, Nguyễn Mộng Giác, Hoàng Ngọc Hiến, Nguyễn Huệ Chi, Phạm Xuân Nguyên…) không có được: cái lấp lánh mang tính người ở ngoài văn bản, ngoài tác phẩm.

 

Có thể có 4 lý do khiến cuộc chơi này thành quả:

1- Chủ xướng là người trong nước, có sinh hoạt văn chương rộng khắp “trong luồng ngoài lạch” và có giao du tương đối rộng với báo chí, văn giới hải ngoại. Anh hiểu được cái nhân của vấn đề.

2- Là người làm thơ, và thơ của anh khá kỳ khôi, (kỳ lạ ở sự ngây ngô, ương tái của ngôn ngữ, khôi ngô trong một am hiểu xã hội tình người), các câu hỏi của anh ở đây (và nhất trong cuộc chơi “Nhà Thơ Nói Về Thơ Tình”, cũng trên sân Tiền Vệ 2-3 tháng trước) có những câu xuất thần kiểu ấm ớ. Nhiều câu ú ớ khiến người đọc không hiểu hẳn nhưng biết rõ nó chứa cái gì đó chưa hiểu ngay được. (Người ta hay ca tụng sự lắp bắp trong thơ Paul Celan. Cũng vì lý do này?)

Có lẽ chính độ tỏ mờ đó làm nên cái duyên ở các câu hỏi “bề hội đồng”, và người trả lời hợp duyên với tỏ nào mờ nào mà đưa ra những câu đáp rất khác nhau.

Xét về cấu tứ chung của toàn bộ câu hỏi thì người chủ xướng đã làm với sự lành nghề: Các câu số 6 đến 8 (cho người hải ngoại), số 4-6 (người trong nước) là nơi cần chứa các thông tin chính; Các câu 1-5 (ngoài), 1-3 (trong): trích ngang đời tư đời văn; Câu chót: hoặc cho điểm bonus, hoặc xét vớt.

3- Tinh thần của công cuộc phỏng vấn Ba Mươi Năm này, xét ra, là nan đề quan hệ Văn chương và Thời thế. Cũng như các nan đề Tình yêu, Thị hiếu, Chuyện vợ chuyện chồng, rồi Trí thức, Văn hóa, Yêu Nước… - đây là đại dương không khi nào thái bình cho các con thuyền thảo luận.

Đề tài quan hệ Văn học Việt Nam Trong nước và Hải ngoại, từ hơn 15 năm nay, luôn được xuất hiện một cách đàng hoàng trên các văn đàn, song cái lõi của “câu chuyện dài nhân dân tự vệ” này chưa (thể) được là chuyện văn chương thuần túy. Chính trị - xã hội Việt Nam đã cưỡi lên nó ở từng mức. Bên trong thay đổi, dễ chịu hơn ra sao, căng thẳng đi thế nào, đều hiện rõ theo các nghiên cứu này.

4- Tính đến ngày 16-03-05, qua 16 bài trả lời của Nguyễn Trọng Tạo, Trần Minh Quân, Nguyễn Cảnh Nguyên, Nguyễn Thuý Hằng, Võ Đình, Phan Nhiên Hạo, Nguyễn Thị Ngọc Nhung, Nguyễn Đăng Thường, Đỗ Kh., Lưu Hy Lạc, Lý Đợi, Inrasara, Hoàng Hưng, Ngô Tự Lập, Đinh Linh, và Nguyễn Viện, ta thấy có bài tràn dư, có bài hụt hẫng, có bài khoái tỉ, có bài tức anh ách, có bài nhà nghề vẫn trong trắng, có bài trong trắng mà như nhà nghề… Cái đáng giá là tôi không thấy có bài tệ dở. Nhìn bao cả sân chơi, ta sẽ thấy sự có lý có tình của cuộc liên hoan. Tôi khó tin là Trần Nhuệ Tâm nhìn trước. Như làm một bài thơ, còn là cái hên xui.

Trừ 4 trong 16 vị khổ chủ, tôi – ở các cung bậc khác nhau kẻ tí ti người bề bề – đã có giao thiệp theo đủ các loại hình phương tiện giao tiếp khác nhau. Sáng tác của 16 người với tôi thì khỏi nói. Nên, hãy cho tôi được mách lớn với các nhà nghiên cứu văn học sử Việt Nam đương đại rằng: Quý vị nên coi đây là tư liệu tốt khi tìm hiểu các chuyện liên đới. Tin tôi đi mà!

(Về con số 16 với tôi, xin coi Chuyện dưới bài #1)

 

I.2- Tôi chơi kiểu nào?

Về địa lý và về giấy tờ hành chính, tôi đang là hải ngoại, còn về tâm lý thì tôi là cả trong nước lẫn hải ngoại (như một kiểu “bi-…” vậy). Trong văn thế của một người lưỡng tính về văn học Trong-Ngoài Việt Nam, tôi cả nghĩ mình có thể hiểu được cả hai giống, (thậm chí ba giống!) và do đó có thể tông cửa vào phòng ngủ (biểu tượng của cái hay, cái quí), rồi vào toilet (cái dở, cái bỏ đi) của cả hai giới trong sự bất lịch sự chấp nhận được giữa những bạn chơi.

Nhưng, không lẽ tôi lại đá ở cả hai sân. Mà khi loạng quạng chạy lộn xộn như vậy, việc sút vào sân nhà là cái chắc! Nên, để cho dễ theo dõi, và không muốn làm kẻ phá bĩnh cuộc vui, về hình thức tôi vẫn cứ trả lời các câu hỏi dành cho người viết hải ngoại, và xen kẽ các cú “đổi giống” phù hợp.

 

I.3- Một chút thôi về thể loại phỏng vấn!

Thấy ít người khảo sát về thể loại phỏng vấn, tôi đã có một luận bàn rồi. Nho nhỏ, đang nuôi nó lớn dần. Tại đây xin nói một tí tèo tẹo…

Trên tờ “Thế Kỷ 21”, đã lâu, Túy Hồng có lần gọi phỏng vấn là “Phút nói thật”. Tôi coi câu này như một cẩm nang cho việc làm phỏng vấn, sự đọc phỏng vấn của mình.

“Nói”: phỏng vấn mà không “nói” là mất toi ngôn ngữ đặc thù cho bộ môn này. Cái ông “Anh-tè-nét” làm phỏng vấn thành một… công nghệ. (Như Trần Nhuệ Tâm đang làm). Đành chịu!

“Phút”: ở đây tôi hiểu là sự xuất thần. Cũng như tranh chân dung, “thần” là cái Số 1. Hạng con cháu của tranh chân dung còn có danh là “tranh truyền thần” cơ mà! Phỏng vấn mà không có “thần” thì là phỏng vấn trả bài. Ở vùng này, Melbourne, Úc, trên một tờ báo hàng ngày, tên MX, loại lá cải, free, vứt như rác trên xe lửa nối các thành phố nhỏ (train), có trang phỏng vấn khá thú vị, tên chuyên mục phỏng vấn đó là “The Mad Minute”“Phút Dại Điên”. Như ý niệm của Túy Hồng, nhưng mạnh, hình tượng hơn: Đúng, phải hơi điên điên một chút, hoặc đủ dài dại một chút thì mới “thật” được. (Coi Chuyện dưới bài #2)

“Thật”: cái mà người đọc tin và muốn tin rằng nó phải có ở phỏng vấn. Không thật, đó là phỏng vấn luỡi gỗ, phỏng vấn trận giả. Thật, ở mức nào? Thật, kiểu nào? Còn tùy người tùy việc. Và, cực kỳ tùy duyên cơ. Trong các phỏng vấn giới văn sĩ, tính thực-ảo không thua gì trong thơ văn của họ. Có thể coi như một thể loại kép ở các trả lời của Đỗ Kh., Lý Đợi, Nguyễn Đăng Thường, và cả Lưu Hy Lạc; nhưng nhứt vẫn là của Đinh Linh với những câu sinh đôi như: “Trong thơ ông Thiều, ở cuối mỗi hàng là một dấu chấm khổng lồ.”; “Tôi đã về Việt Nam 3 lần. Trước khi về, tôi luôn hớn hở. Trước khi đi, tôi cũng hớn hở.”, (…) ông Thiệp chỉ thích uống sữa tươi.” “Chỉ một dân tộc mù chữ, tự ti và không biết đếm mới dám bô bô là mình có 4,000 năm "văn hiến."; “Tôi nghĩ người Việt nên phân tích và khai thác cái mọi rợ ngàn năm đang bị lãng quên ở dưới đáy tâm hồn. Đừng làm mọi dỏm cho du khách mà hãy về nguồn thật sự. Hãy chui vô cái bầu của đàn bầu mà nằm. Hãy ráp mình lên mặt trống đồng và vùi mình xuống cái nền của thành Cổ Loa. Nhà thơ phải là những người mở đường cho công cuộc này.” Sẽ xuống cấp, chỉ còn thể loại đơn, nếu như cả bài của Đinh Linh thiếu câu cuối cùng này.

Trong đời, có những câu hỏi không cần câu trả lời. Thì những câu hỏi của Trần Nhuệ Tâm ở đây không phải là vậy.

Một họa sĩ Trung Hoa nói về nghệ thuật tranh chân dung: “Giống mà lại không giống; Không giống mà lại giống – Thế mới là vẽ vậy!”. Cuộc đại hồi đáp của 16 văn-thi sĩ cho phỏng vấn của Trần Nhuệ Tâm có thể xem là thế: “Đúng mà lại không đúng; Không đúng mà lại đúng.”

 

II- Vào chơi:

 

Thưa ông, hiện ông đang sống ở đâu, việc chính hiện nay của ông là? Ông đã về Việt Nam vào khoảng thời gian nào? Xin ông cho biết tâm trạng của ông trong đêm trước lúc về Việt Nam và trong đêm trước lúc rời Việt Nam?

 

ĐQ: Thưa, tôi từ Canada di dạt tiếp qua Úc được 8-9 tháng nay. Hiện tôi đang có hai việc chính: làm bột bánh (cho mọi sắc dân ở Úc ăn) và làm báo (cho người Việt ở Úc, Canada đọc).

Nguyễn Cảnh Nguyên (“Đêm trước khi rời đất nước mình quả là tôi rất hồi hộp, chỉ sợ không được đi thì bỏ mẹ. Đêm trước khi về, chắc cũng vậy.) rồi Phan Nhiên Hạo nói dùm tôi một phần nhỏ. “Vô cùng xao xuyến, bồn chồn” (kiểu Võ Đình). Xúc động, lo âu về các bất trắc này nọ với khí hậu, vệ sinh thực phẩm, môi trường (tiếng ồn, bụi bặm), với hải quan, công an, chính quyền… lan tỏa suốt 5 tuần (mà hoặc là thằng tôi hên hoặc là giời có mắt, nên không có chuyện gì!) Còn cảm giác nơi cố quận làm người ngoại quốc, lạc lõng, khó hội nhập như ở nhiều “Việt Kiều” khác: thật sự, tôi không hề có. (Đến mức, chính các nàng dâu, chàng rể mới của nhà tôi, của họ hàng nhà tôi, cũng ngạc nhiên tự hỏi họ rằng sau lưng tôi đâu là sự lìa xa Việt Nam 15 năm dâu bể.) Chỉ sau 1-2 ngày áo bào đang muốn rớt hết bụi đường, tôi đã có thể nhận ra đâu là đâu, ai là ai trước cái thay đổi lớn của cảnh cùng cái đổi thay cũng lớn luôn của người.

Các chuyện “đất (nước)” của tôi: Cũng như những giai thoại tương tự với những ai cùng trang lứa ở miền Bắc thời đó, câu chuyện “Bác Hồ hôn nắm đất” ấn tượng với tôi lắm lắm. (Coi Chuyện dưới bài #3). Bỏ qua vấn đề chính trị mà các bác các thím ở hải ngoại cứ hay nhảy đông đổng lên, tôi thấy điều đó không hay thật, song là nó bình thường. Các sử gia đã ghi nhận người Việt mình quen sống với huyền thoại từ lâu rồi.

Khi ở sân bay Nội Bài, tôi nhìn xuống khoảng cuối cùng của nền bê-tông phi trường, ngay trước cầu thang lên leo phi cơ. Khoảng vật chất đó căng ra trong nắng như muốn khóc, nếu bàn chân tôi lạnh lùng dẫm lên nó. Tôi đã kịp gỡ chiếc kính cận ra (kẻ đã làm hỏng nhiều cú hôn của tôi!), đã cúi thâm thấp xuống… Nhưng kẹt vì cả một dòng đầu người ở phía sau, nhấp nhô nhô nhấp như sóng vỗ theo kiểu Hoàng Cầm trong “Đêm Liên Hoan”. Đã tính chạy ra khỏi hàng. Nhưng, nói thật nha (giữa cánh văn nghệ văn giềng nhân chi sơ tính bản hèn với nhau): cho kẹo cậu cũng đếch dám! Nhân viên an ninh ấy à, họ là tinh mắt lẹ tay lắm. Họ sẽ xách tay nhà thơ quẳng về cơ quan chủ quản, tịch thu vi-già, treo giò bát-xì-bo, v.v… Cũng phải thôi! Bên các anh ấy bận lắm! Rách việc! Làm sao các anh ấy có thời gian và những tài liệu tham khảo để thơ hóa một hành vi yêu đất (nước) của một nhà thơ, trong khi đó lại là giốp của giới độc giả, của cánh phê bình – tức là của thời gian, của lịch sử. Song, cái khó ló cái thơ! Tôi sáng tạo ngay ra một thao tác: hôn nhìn. Đôi mắt luôn buồn mênh mông ấy đã kịp buồn thêm, kịp mêng mông ra mà chùm lên khoảng đất nhỏ những cái hôn nghiêng trời nghiêng đất. Tôi hôn nhìn nó với cái ngoái đầu lại khi đã bị dòng người xô lên cầu thang vào máy bay. Tôi hôn nhìn nó trong những tháng ngày về sau (Khác với thơ Nguyễn Đình Thi, tôi đi xa đầu có ngoảnh lại cơ mà!) Sau 5-7 năm di dạt, đến một khi tôi chợt nhận thấy, cái hôn nhìn đó không còn là ở những lúc ngoái nhìn lại mà là những khi tôi ngẩng đầu nhìn về phía trước. Thì ra, thời gian đã làm chuyển vế cho một số phương trình nào đó của đời.

Cứ thế, cứ thế… 15 năm. Nội Bài, năm 2002. Từ khi cô nhân viên hàng không áo dài thông báo máy bay sắp hạ cánh, tôi đã đầu tư trong đầu cái câu của phi hành gia người Mỹ nọ khi chân (không thấy tài liệu tham khảo nào nói rõ chân trái hay phải!) của ổng thay mặt của các bàn chân của cả loài người đặt lên mặt trăng hồi thế kỷ trước: “Một bước chân của con người, một bước chân của lịch sử”. Nhưng, vì lần này chui ra từ máy bay bằng hệ thống đường ống, nên tôi chả biết thời khắc nào, tọa độ nào là chân của con người tôi đặt trở lại mảnh đất Việt trong lịch sử (tất nhiên là của) đời tôi (rồi, không nhẽ lịch sử đời… Lý Đợi?!) Rồi, nhận ra mình sắp chui vào tòa nhà chính, tôi nhủ nhanh: “Bỏ cha rồi! Chưa tìm ra mảnh đất Việt nào là đầu tiên khi chân ta gặp đặt trở lại, để mà nhìn hôn nó?” Khi trước mặt đứng đó là một số nhân viên chức năng kính thưa các thể loại, là thằng bé tôi cuống lên (Người Nam kêu là bị khớp). Mải tìm nơi để nhìn hôn, hai chân nó chảng hảng lúc bước qua lằn ranh của đường ống và tòa nhà. Bước đi lạng khạng hệt như thời nó còn “ti-nhây-giờ” đang ngủ trưa hè khách đến chơi dậy mở cửa vơ chổi quét nhà che dấu cái cu ngổng. Nay, ngồi viết những dòng này phục dịch cho cao trào phỏng vấn của bạn Trần, Đỗ tôi nghĩ mà tội cho cái đời thơ thẩn thẩn thơ của nó!

Hôn đất ở Tây Berlin tại buổi đầu tiên chui qua Tường thành từ Đông sang: Tôi bốc nắm đất ở bờ tường Tây Berlin lên… cho đại vào mồm. Không thể lãng mạn mà hôn kiểu da diết được! Lúc đó còn lo chạy vãi phở ra. Cảnh sát Tây Đức họ túm được thì họ đuổi về, “nại” còn tịch thu tiền bạc nữa cơ! Nữa, đi với mấy thằng đàn em dẫn đường, thấy ông anh hờ này hâm quá thể, e chúng nó bỏ rơi thì chỉ có ôm đất mà khóc!

Mỹ: lần đầu tiên tôi đặt chân vào, qua lối Seattle, bằng xe hơi. Cùng một nhóm bạn văn ở Vancouver. Khi cả bọn dừng xe trước cột biên giới Canada-Mỹ để chụp hình, tôi hoàn toàn thoải mái bốc một mớ đất cùng cỏ của đất nước Hoa Kỳ lên… ngửi. (Không hôn cho xúc động được, vì ngay khi nhìn thấy vậy mấy tên bạn kia đã chọc quê rồi. Giữa văn sĩ với nhau ấy à, ông có treo cổ lên trước mắt chúng nó cũng cười, hôn đất húp cát đã là cái đinh gì!)

Đến Canada, Úc, Tiệp, Pháp, Hà Lan và vài nước khác (du lịch): không có vụ hôn đất. Kể cả hôn nhìn. Trầm ngâm ngắm thì có. Các mảnh đất đó không là nhân vật điển hình trong cuốn tiểu thuyết của đời tôi.

Cuối cùng và quan trọng: Nước Nga Xô Viết - nước ngoài đầu tiên tôi đặt chân - chắc chắn là có vụ hôn đất rồi. Tôi còn nhớ chính xác: Khi ấy run lắm. Lần đầu tiên xuất ngoại, lại bổn tánh hay lơ đãng, loạng quạnh mất thiếu giấy tờ thì bỏ bu! Lại mang hàng họ lỉnh kỉnh những son phấn cùng quần bò áo phông (hải quan Nga nó vứt ra thì chỉ có mếu!) Phải nhủ lòng liên tục: không được lãng mạn vớ vẩn khi đang lu bù ở phi trường Tcheremenchevo. Mãi đến khi hạ cánh bình an, qua các cửa khẩu vô sự, trên đường về khách sạn, từ taxi xuống đi tiểu (cũng lại giống giống với Võ Đình!) tôi mới hoàn hồn và được lãng mạn. Sự thơ thẩn lại nhẹ nhàng về với trái tim của một thằng bé không bao giờ lớn nổi trong tôi. Vừa đi tiểu xối xả vào một gốc bạch dương tuyết phủ - khác Võ Đình sau này tôi cũng không nhớ khi đó mình có khóc không, chắc là không quá! – tôi chợt nhớ mẹ cha vừa mất (chừng hơn tháng sau khi đến Nga, thơ tôi có bài “Con chỉ đi khi mẹ cha nằm xuống!”), nhớ người thân bạn hữu xa gần, và nhớ khoảng đất Việt cuối cùng nâng chân tôi lên cầu thang phi cơ. Chỉ có một khoảng thời gian để dị hóa phần chất lỏng mà đã kịp nhớ đến các điều lớn lao ấy, tâm trí tôi khi đó cũng khá đấy chứ, ông Trần Nhuệ Tâm? Cuối cùng thì sau khi làm hết các thao tác của thằng đàn ông đi tè xong (trong mớ ba mớ bảy những khăn cùng mũ, áo mùa đông nước Nga) tôi chậm rãi cúi xuống (một gốc bạch dương khác), bốc hai tay tuyết lên. Tôi hôn tuyết, âu yếm tuyết, da diết tuyết. Tuyết hôn lại tôi. Khắp mặt tôi. Anh bạn đồng nghiệp cùng trường ra đón tôi, chờ tôi và tuyết hôn nhau. Ra khỏi xe, anh cười lớn nói to (khi nhìn về ông Nga “ngố” tài xế đang ngủ gật) mà đánh giá toàn bộ lòng yêu đất thương nước của tôi thế này: “Thôi, mời lên xe! Rét bỏ xừ! Buổi đầu ai cũng thích nghịch tuyết! Vài lần là chán. Chỉ có bọn nhóc, như hai thằng con nhà anh, nhai tuyết như nhai kẹo!”

 

Tác phẩm văn học nào xuất bản trong nước, ông muốn đọc đầu tiên? Sau đó ông đã đọc…? Và ấn tượng nhất là?

 

ĐQ: Gì tôi cũng muốn đọc. Trước để biết cái Mới (cho việc làm báo), sau là tìm cái Hay (để còn mần thơ). Tôi quan tâm đến chuyện chữ nghĩa trong nước “trên từng cây số” trong mọi khả năng cho phép. Nhất là từ khi có thằng “Anh-tè-nét”. Trong 2-3 năm nay, một ngày không đáo qua được các Web Talawas, VnExpress, eVăn… tôi còn khó chịu hơn là sáng sớm ra chưa kịp đi toa-lét! (Nói cho ngay, văn nghệ hải ngoại với tôi cũng vầy vậy! Có điều, trong tầm tay tầm chân nên bớt “máu” hơn. Nếu biết sóng thần có quẹo từ Nam Dương vào xứ Úc này, tôi sẽ phải lanh tay leo lên lần cuối các Web Tiền Vệ, Tạp Chí Thơ, Thơ Tân Hình Thức… rồi vác cái laptop cà khổ này mà chạy thủ thân.) Nhưng vốn tính sợ tiếng nói của đám đông, gần như Nguyễn Thị Ngọc Nhung, cái gì thiên hạ càng bình bàn, tôi càng chậm tìm đọc. Mà dính vào cái trò làm báo lại phải đọc theo miệng lưỡi bầy đàn. Chuyện đọc với tôi có giống như người khổ dâm không nhỉ! (Coi Chuyện dưới bài #4)

+ Ngô Tự Lập: “Văn sĩ Việt kiều đầu tiên tôi gặp ở Hà Nội là Trần Thiện Đạo (…) Ấn tượng của tôi về các văn sĩ Việt kiều đầu tiên tôi gặp (khá nhiều) là họ có rất nhiều định kiến về các nhà văn trong nước. Các định kiến này đang giảm đi, nhưng vẫn còn rất nhiều trên các sách báo hải ngoại. Tôi sưu tập và in hai tập tiểu luận của Trần Thiện Đạo một phần cũng là để "phá tan" những định kiến như thế.”

ĐQ: Ngô Tự Lập nói vậy: đúng, chưa đủ. Mong ước phá tan các định kiến như thế có lẽ là công việc đầu tiên (sẽ nói dưới đây khi bàn về các bàn viết chung, các diễn đàn) của nhà văn chúng ta nếu muốn cải thiện chuyện văn nghệ Trong-Ngoài. Để “phá tan”: không dễ, nếu vẫn còn ở trên một hệ qui chiều cũ và thiếu chiều. Trần Thiện Đạo thì coi như là “phe ta” rồi. Bác này còn “trong nước hơn cả trong nước”. Việc làm của Trần Nhuệ Tâm trên Tiền Vệ cả tháng nay là một đóng góp, mà cũng chửa nhớn lắm đâu, vì bạn chơi (8-9 người hải ngoại) trong sân Tiền Vệ là ai? Đã đủ thay cho cái bản mặt của văn học hải ngoại chưa? Chưa! 8-9 thửa ruộng đó chưa thể làm nên cánh đồng được. Lâu nay, tiền thân của họ vẫn được xem là “băng Hợp Lưu – Văn Học”.

Cuốn sách phỏng vấn – phóng sự của Trần Văn Thủy, "Nếu Đi Hết Biển", Thời Văn, 2004 (kết quả nghiên cứu cho chương trình Rockefeller về Người Việt Ở Nước Ngoài , Trung tâm William Joiner, Đại Học Massachusetts Boston tổ chức và tài trợ) dường như là tài liệu hấp dẫn và tin cậy hơn cả cho đến nay (được in ấn đàng hoàng, tạm gọi là phổ biến đường được ở trong nước) về cộng đồng hải ngoại, về văn nghệ hải ngoại do nhà văn trong nước viết. Thế nhưng – ý này tôi chôm của Mao Trạch Đông - cái cán bút nhà văn Việt Nam đương đại chúng ta còn ngắn, không lê quét được dài: cuốn sách đã nhanh chóng gây bão tố – có nhiều điều như trong ly trà và cũng có nhiều điều trên biển dư luận - tại hải ngoại. Lý do chính: Đại đa số các nhân vật của “Nếu Đi Hết Biển” nếu không trong “băng Hợp Lưu – Văn Học” thì cũng là “Việt Kiều Yêu Nước”. Trần Văn Thủy có đầy tài, tràn tâm và dịp này lại có điều kiện để kéo dài cây bút, ống kính của mình: vượt Thái Bình Dương. Thế nhưng cái đại dương lòng gan người Việt vẫn còn sâu xa lắm. 30 năm chưa lấp vơi nó được là bao. Lúc mới qua Mỹ, trong khi sắp tư liệu cho cuốn sách, anh thổ lộ mong muốn tiếp cận với các văn nghệ sĩ hải ngoại sao cho đa diện, tôi – trong quan hệ chiếu dưới (bạn thân của một người cháu) - không dám làm ông chú của bạn mất hứng nên đã không nói ngay thẳng rằng cái đó với anh còn khó hơn Ê-dốp muốn uống cạn nước biển. Mà chả nói một Trần Văn Thủy từng trải và tử tế cũng quá hiểu. Chính anh đã nhận ra: trong tập sách mới này có một chương giới thiệu kịch bản cuốn phim tài liệu nhiều người đã biết, được anh làm ở châu Âu hồi 1988-90, cùng tên bộ phim - chương “Thầy Mù Xem Voi”.

Mươi năm nay, đại gia đình văn nghệ Việt Nam Trong-Ngoài ngày càng có nhiều con cái ở các giống pha, lưỡng tính, bất định. Ra hải ngoại làm việc như Ngô Tự Lập, du học như Nguyễn Thúy Hằng, định cư như Phạm Thị Hoài, Thuận, Đoàn Cầm Thi, Hoàng Ngọc Biên… Văn thế rồi hoàn cảnh cá nhân, nhất là sáng tác, sinh hoạt văn học của họ, cho thấy họ đang và nhiều phần sẽ còn là “trong”, hay gần như “trong”. Cũng như Thận Nhiên, Hoàng Hạc, Trịnh Cung… đang về trong nước sống vài năm nay, đây chính là các cây bút có điều kiện nhất để lê cán quét rộng và dài hơn về vấn nạn Trong-Ngoài này. Báo diễn đàn liên mạng Talawas với Phạm Thị Hoài là người trụ trì là một ví dụ sáng giá. Các trả lời phỏng vấn của Hoàng Ngọc Biên, Thận Nhiên… trên VnExpress (khoảng cuối 2004, đầu 2005) là các ví dụ nhỏ và đẹp. Diễn đàn “Hậu Hiện Đại Việt Nam 2005”, chủ xị là Hoàng Hạc khai trương tuần mới rồi là một ví dụ có cơ hy vọng.

 

Sau thời gian ở Việt Nam, trước thực trạng mọi mặt của Việt Nam, giờ phút đẹp nhất và tồi tệ nhất của ông là?

 

ĐQ:Cho nói một giây rất thật nha, Trần Nhuệ Tâm? Thâm tâm, tui ngấy nhất câu hỏi na ná thế này trong các câu hỏi cửa miệng mà cuộc phỏng vấn nào cũng có (dù khi tra tấn tha nhân tui vẫn xài chúng vô tư!) Ừ thì vì tính chất của cuộc chơi mà ông có câu hỏi này. (May mà không thấy câu “Sau thời gian ở Việt Nam, trước thực trạng mọi mặt của Việt Nam, ông / bà thích màu gì, con số nào nhất?)

Lần về Việt Nam vừa kể của tôi như một kỳ lên đồng. Hằng số mê tín khiến mọi cảm xúc kiểu “đẹp nhất và tồi tệ nhất” không còn nghiệm đúng trong phương trình ĐQ này nữa. Những người bạn thân trong-ngoài của tôi, bảo: “Mới về có 5 tuần sau 15 năm thì vậy. Thử năm nào cũng về, về cả sáu tháng nửa năm xem…” Đành wait & see thôi. Nhưng tôi hiểu tôi chứ. (Tri thiên mệnh rồi mà ông ơi!)

 

Sau thời gian về Việt Nam thơ/văn ông đã chuyển động ra sao ?

 

ĐQ: Tôi càng thấy mình cần sống chết thêm nữa với văn chương chữ nghĩa. Nếu không có thời gian vừa rồi ở nước ngoài, chưa chắc tôi đã được (người khác nhìn vào coi là “bị’) sinh tử cùng văn vẻ như thế này. Còn văn chương nó có sống chết với tôi hay không - đó là chuyện của nó. Trước còn “ke”, giờ “ai-đông-ke”. Nó có “Say No”, tôi vẫn hòa trong ván đời ở kiếp này. Nếu như 17 năm qua mà còn ở trong nước, chắc là tôi sẽ viết văn làm thơ thôi, nhưng có lẽ đó chỉ như một sở thích sở thú, một sở trường sở lớp cùng các thứ “sở” đời thường khác bay quanh cái nghề nghiệp chính có được nhờ công cha mẹ nuôi nấng, ơn thầy cô dạy dỗ. Và nếu vậy thơ của tôi hẳn sẽ khác như hiện nay. Nên sau chuyến đi Việt Nam về, đường (thơ) tôi thế nào tôi lại đi tiếp…

Đã lạm ngôn “sống chết với văn chương”, tôi phải lạm bàn thêm một ý. Văn chương là của chung thiên hạ – như Cao Bá Quát từng bảo – nó ghé bàn viết của ai đêm nằm năm ở lâu bao nhiêu thì là mưa móc là may phúc đến đó. Ông bà nào cứ nằng nặc đòi văn chương phải ăn nằm ở dề cả đời trọn kiếp với mình, coi chừng bệnh hoạn: Lắm khi ý tứ nó lồ lộ ra cả đấy mà chữ nghĩa mình có lên nổi đâu! (Bất lực - căn bệnh dễ thấy và dễ thương ở người cầm bút chân chính.) Từ lâu, cách nói “Sống chết với văn chương”, “Ăn nằm với chữ nghĩa”, nhất là “Văn chương đã chọn tôi”, “Thi ca đã chọn nhà thơ lớn X.” … thường được người đọc dễ chấp nhận miễn là đối tượng đó có đủ một thành tích văn chương nào đó trên tác phẩm cũng như cuộc đời. Nhưng, mấy ai nhìn ra rằng biết bao tai ương sinh ra từ sựï vơ vào tưởng như nên thơ đó? Những bế tắc thường gặp tại các cuộc luận chiến văn học, văn hóa xét ra là vì mọi bên đều coi văn chữ là của riêng họ, chỉ họ mới có cái may mắn được bảo vệ hoặc tấn công chữ nghĩa, được yêu chiều hoặc ghét bỏ văn chương. Các luận điểm chính của văn học vô sản, văn học Hiện thực Xã hội chủ nghĩa dường như có xuất phát điểm “Văn học đã chọn Đảng”, “Thi ca đã chọn giai cấp vô sản”, v.v… Không thể nào phủ nhận được việc văn học cách mạng đã sử dụng văn chương thành công ra sao trong mục đích của mình. Và việc phủ nhận tính nghệ thuật của văn học cách mạng cũng là một loại mỹ học “mũ ni che tai”. Khi đã nghĩ Bà Chúa Văn chương, Nàng Thơ như là của riêng mình và đã được lạm dụng như một thứ vũ khí, dưới danh nghĩa bảo vệ và sử dụng nó, các hệ thống lý luận cực đoan đã đánh ghen với bất kỳ một quan niệm, một thẩm mỹ nào khác. Lịch sử văn học Việt Nam và thế giới cận-hiện đại đã ghi nhận các vụ “tạt a-xít” dơ bẩn, các vụ “thuê du côn đầu gấu” rùng mình mà tòa án lương tâm của chữ nghĩa vẫn còn mắc nợ với tác giả, với độc giả.

Từ chủ nghĩa Hiện thực Xã hội chủ nghĩa đến các chủ nghĩa, trường phái, trào lưu, khuynh hướng khác như Lãng mạn, Hiện thực, Tượng trưng, Siêu thực, rồi gần đây, Hậu hiện đại, Thơ Tân hình thức, Thơ Mở rộng, Thơ Tân truyện kể – bằng mỹ học riêng của mình – mỗi phương pháp sáng tác nghệ thuật đó phải coi mình như một người trong một mớ đàn ông Tây Tạng có cùng chung một người đàn bà làm vợ. Nàng Thơ thực ra không thuộc về một ai cả, kể cả chính Nàng. Văn chương, Nghệ thuật còn có một thứ tính mà ở đây xin được đề nghị gọi là tính Vô sở hữu. Xét cho cùng, phàm những gì thuộc về tri thức thì đều là tài sản tinh thần chung của nhân loại. Nhưng, có lẽ sự Vô sở hữu của văn chương, của nghệ thuật nổi trội hơn cả. Phải chăng đó là vì cái Đẹp thì vô định?

 

Sau thời gian dài sống và viết ở hải ngoại, có nhiều người nay muốn quay về mái nhà “tinh thần lục bát / tinh thần văn kể” ông nghĩ sao?

 

ĐQ: Phan Nhiên Hạo, Trần Minh Quân, Nguyễn Đăng Thường, v.v… cho thấy câu hỏi này gây nhiều hiểu lộn. Không sao. Chuyện nhỏ! Tôi hiểu thế này có không nhỉ? “Tinh thần văn kể”: ý là ông muốn nói đến vụ Thơ Tân hình thức lấy truyện kể làm cốt cách của bài thơ. Nếu vậy, nêu một ý thiệt nhanh (đã trình bày trong một dịp phát biểu trên web Thơ Tân Hình Thức): Thơ Việt Nam có tính chuyện, mà ít có tính truyện; và đây là một tiêu chí phân biệt tính Đông – Tây trong văn học. Nên thơ Tân hình thức Việt chưa hay được, như thơ Tân hình thức Mỹ chẳng hạn.

[(…) Về thơ / văn hải ngoại và thế giới? Ông nghĩ sao về các khuynh hướng sáng tác như Hậu hiện đại, Tân cổ điển?]

ĐQ: Nguyễn Viện, Nguyễn Thúy Hằng và không ít người sáng tác khác theo trường phái “em chã” trước các trường phái lý thuyết. Tôi thì tôi quan tâm các lý thuyết phê bình, lý thuyết sáng tác theo kiểu cò con. Hai lý do:

- Tôi (vốn) là thằng bé con có tính tò mò và ưa thay đổi. Mà lý thuyết là cái xét cho cùng để thỏa mãn hai cái tính (đờn bà, con nít) này. Có lẽ vì thế đoạn đầu đời của tôi là dạy và làm về vật lý lý thuyết, chửa nên cơm cháo gì thì bỏ ngang sang đường khác. (Chuyện dưới bài # 5)

- Lý thuyết, tính tư tưởng, sự hệ thống: Đây là một nơi yếu kém (lại nhân chi sơ!) của văn hóa, của tri thức Việt.

Nhưng, tiếc, tôi chơi với lý thuyết không đến cùng được, vì:

- Thành thật khai luôn: tôi không được giời thương khi ổng cấu đi cái “dây thần kinh ngoại ngữ” trong tôi, nên tôi gần như “mù” (rồi gần như “câm” luôn!) về 3-4 ngoại ngữ dù ăn dầm ở dề trên 4-5 quốc gia xài các sinh ngữ đó. Tức là, nói như Nam Cao, coi như “phí rượu” – về mặt này - suốt 17 năm lê la ở các xứ tràn ngập các lý thuyết, trường phái! Không ẵm được nguyên con các lý thuyết đó từ bản gốc, hễ có cơ hội là tôi lại chạy theo nhìn dõi các trào lưu đó qua các sách, báo chí, web Việt hải ngoại, gần đây là sách, Web trong nước. Với thể chất ngu lâu hết đào đạo như tôi, thế là tạm đủ với quỹ thời gian lổn nhà lổn nhổn và kho tri thức khập khà khập khễnh này.

Trời cũng đầy tôi ở khoản không cho một trí nhớ con voi, thành thử đến khi sáng tác là tôi quên hết những gì đọc được. Tóm lại, tôi chỉ đọc các i-dầm này nọ cho mở mang bờ cõi kiến thức. Và, vốn không ưa bị là đám đông, dù chỉ là một đám đông nho nhỏ, tôi ít cảm thấy khoái tỉ khi “viết chung” với một vài ai đó. Ngay với Thơ Tân hình thức, những gì “giáo chủ” Khế Iêm thảy đến, tôi đọc cả, rồi thư hồi âm ngoan đạo, mỗi hai ngày vô "nhà thờ" web Thơ Tân Hình Thức rửa tội thơ. Song le, chưa thấy lòng mở cho thơ ra thì cũng chả dám sáng danh Nàng Thơ mà phá đập lòng mình. Ép dầu ép mỡ không ai nỡ ép thơ, ông còn lạ gì! Có 1-2 đêm nọ, đêm giao thừa tình thiếu, ông ạ! Bỗng trào ra được 5-6 bài thể thơ này. Thế ra tinh trùng Tân hình thức nó đã dính vào mình từ lâu rồi a? (Chuyện dưới bài #6)

Như thế, cùng các Việt tính khác tôi là người Việt ở cái tính lý thuyết nửa vời. (Nhà em chỉ là lý thuyết nửa vời thôi đấy, quyết không phải là “lý thuyết đểu” đâu, thưa bác Hà Sĩ Phu!)

+ Nguyễn Trọng Tạo: “Tôi khá chú ý Thơ Tân hình thức, nhưng nhiều bài thơ đã làm tôi buồn cười hơn là thích thú. Tôi nghĩ, nếu trong hồn người viết không có thơ thì dù có bày trò giỏi mấy cũng chỉ dựng lên được những xác chữ mà thôi.” (…) “Gần đây tôi được đọc mấy cuốn lý thuyết về Thơ Tân hình thức rất thú vị, nhưng đọc những bài thơ Tân hình thức thì chưa sướng được. Không biết bao giờ thì nhà lý thuyết Tân hình thức và nhà thơ Tân hình thức gặp nhau? Hình như tôi còn có một nghi ngờ gì đó về thơ Tân hình thức giữa các ngôn ngữ tiếng Anh, tiếng Pháp... và tiếng Việt; sự giãn cách khoảng trống cố ý (hay vô ý) giữa các từ? Liệu chúng ta có thoát khỏi bức tường phương Tây để bay tới bầu trời thơ ca Tân hình thức Việt Nam?”

ĐQ: “Giáo chủ” Khế Iêm đâu rồi? Một nhận xét gây kích động về Thơ Tân hình thức Việt. Đề nghị cho pốt ngay lên Web Thơ Tân Hình Thức và mở liền trong tuần này một bàn tròn (gấp quá thì bàn hơi méo cũng được!) để thảo luận. Tôi đã thủ sẵn (vô tình, trong “Vạch Áo Nàng Thơ”) dăm ý đáp lại Nguyễn Trọng Tạo rùi!

 

Theo ông, văn học Việt Nam trong và ngoài nước có những khác biệt gì đáng kể?

 

ĐQ: Từ câu 6 này đến câu 8 là linh hồn của chân dung Ba Mươi Năm: Khoảng Cách & Dấu Nối. Các sự đúng mà lại không đúng; không đúng mà lại đúng có thể tìm thấy ở 3 câu này. Nguyễn Trọng Tạo (đâu ra đấy, tung tăng trên đường rày), Nguyễn Viện (sao bỗng nghiêm trang thế, chả kích dục chút nào, khác xa khi sáng tác), Hoàng Hưng (tinh và chuẩn) là 3 vị như là đi guốc trong bụng Trần Nhuệ Tâm, nên có các trả lời 3 câu này đúng ý người hỏi. Lý Đợi, Đỗ Kh.: dư tài hiểu, nhưng cương cường trả lời theo ý mình, quyết không bị sa vào mìn chữ của bạn thơ!

Câu 6 này khó nhai nhứt đó các vị. Đỗ tui cũng đã vác nó đến khảo cả dăm chục miệng văn rồi. Báo chí hải ngoại đã bàn muốn nát nó luôn! Có một số nguyên nhân làm vấn đề ở đây bị rối mù đưa đến việc người phỏng vấn hỏi gà người trả lời nói vịt, mà vẫn ô-kê sa-lem! Sau đây chỉ là một.

Trong nước, vì nhiều lý do nhãn tiền, sự nhận diện trong văn học “ai là ai” có thể rất nhanh. Sau khi các tác giả Nhân văn – Giai phẩm lần lượt được “hồi hương” kể từ cuối thập niên 80, gần như các tác phẩm của họ được bạn đọc biết đến bằng mọi hình thức dù đi thẳng hay chui lách. Các tác giả họ hàng hang hốc bắn ca-nông mới tới của Nhân văn – Giai phẩm và của nhiều án văn nghệ khác cũng dần dần ra ánh sáng. (Trên Tiền Vệ lâu nay Phan Đan hiển hiện - với một đường lối thi ca tri thức, tư tưởng và hình thức đi trước người cùng thời cả 30 năm mà cảm xúc và ngôn ngữ thơ vẫn mang dấu thời đại mình sống chết - là một trong nhiều sự kiện. Xin sẽ trở lại vụ này dịp khác, nếu có thể.) Không kể loạt tác giả miền Nam thời trước 1975 vẫn bị coi là “quân nó” (với một số rất ít được chính thức phổ biến như Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Nguyên Sa, Bùi Giáng, Lệ Hằng, Nguyễn Mộng Giác, Nguyễn Ước...), ở trong nước có lẽ đến 5 năm nay, dường như không còn cái gọi là tác giả (kể cả nhiều người đã chết!) sống trong bóng tối của dư luận, của văn giới, thậm chí của dòng văn học chính thống, nữa. Bài của Inrasara ( “Khủng Hoảng Thơ Trẻ Sài Gòn” , viết cho Đại hội Nhà văn TP. HCM, 10-11.03.2005, và mới chạy trên Tiền Vệ hôm kia hôm kìa) là một ví dụ nóng hổi vừa thổi vừa xem. Gần như các dòng thơ đương đại ở Việt Nam, trong luồng ngoài lạch so với dòng chính thống, đều được anh điểm danh kẻ thưa người mau.

Ở ngoài nước thì thế nào? Tôi… đố 6-7 vị trong nước (trong số 16 vị đang chơi cuộc này) các tác giả sau “ai là ai” đấy: Lê Hữu Mục, Viên Linh, Hà Thúc Sinh, Nguyễn Ngọc Bích, Hà Huyền Chi, Trần Nghi Hoàng, Trần Lam Giang, vân vân rồi vân vân? (Đây chỉ là một danh sách viết ra rất ngẫu hứng, miễn là không có trong “băng Hợp Lưu – Văn Học”!) Tôi không ngớ ngẩn để trách ai đó trong nước chỉ có thể đọc Hợp Lưu, Tạp Chí Thơ, Văn, Văn Học… rồi gần đây là Talawas, Tiền Vệ… khi bàn về văn học hải ngoại. Tôi cũng không còn ngẩn ngơ (như dạo mới nhập tịch quốc gia Việt Hải ngoại) để trách các bạn văn hợp gu văn chương chung (một phần nào) chính kiến sao không chơi, không đọc, không nhắc đến (trong các bài viết) các bè nhóm, phe phái văn nghệ khác. Nhưng cả một nền văn học Việt hải ngoại phong phú và rắm rối sẽ từ cười ruồi cho đến mắng thẳng vào bút vào văn của những ông thày bói (trong nước) xem voi (hải ngoại). Bài có tính tổng quát “Đọc Văn Học Hải Ngoại” của Hoàng Ngọc Hiến (cho Đề án nghiên cứu Người Việt Hải Ngoại của Trung tâm William Joiner, trước ba niên khóa so Trần Văn Thủy nêu trên) - đã được trích đăng trên một số báo chí hải ngoại, năm ngoái báo mạng Talawas đi lại toàn bộ - đúng như dư luận nhận xét, có phần thấp cơ so với kiến văn của riêng tác giả và tầm vóc vấn đề chung. Song, trên mặt bằng các bài nghiên cứu về văn học Việt ngoài nước, phải nói đó là một tư liệu tốt ở một văn cảm tinh tường và không thấy có so với các nhà nghiên cứu khác, nhất là ở sự hiện diện tác phẩm, tác giả của đa số các nhánh trong dòng văn học hải ngoại. Mấy tháng trước, ông chủ tạp chí Văn (San Jose, Mỹ) Nguyễn Xuân Hoàng đã có một cú chơi “đẹp vô cùng Tổ quốc Hải ngoại ta ơi”: cho ra số tạp chí Văn Đặc Biệt về Viên Linh - một trong rất ít nhà thơ, nhà văn, nhà báo quan trọng nhất của miền Nam trước 1975 mà suốt 30 năm hải ngoại vẫn sinh hoạt văn nghệ (hiện với nguyệt san Khởi Hành, Nam California, chừng 10 năm nay) trong một văn kiến, mà thực chất là một chính kiến, cương cứng (bất hợp tác với giới văn nghệ chính thống ở trong nước) và biệt lập của mình. Không dễ gì mà chúng ta bàn được cho rốt ráo ai đúng ai sai trong chuyện văn giới hải ngoại dùng thước đo thời cuộc – mà nói huỵch toẹt ra là: có chơi với trong nước hay là không? – định hình khuôn viên văn nghệ. Hãy ghi nhận đó là sợi chỉ đỏ xuyên suốt sự hình thành, phát triển và không phát triển của văn học - nghệ thuật hải ngoại, 30 năm qua. Tất nhiên, việc sợi chỉ này đỏ thế nào, xuyên kiểu nào, thì ta phải vui rằng sự thể vận hành theo hướng tốt đẹp và hướng thượng, theo thời gian; dù không phơi phới, không tuyến tính. Theo tôi, về lý thuyết, đỉnh cao của tính chính trị trong văn học hải ngoại là các chuỗi tranh luận trên các diễn đàn quan trọng về vụ “nền văn học ghetto”, có lẽ, khởi đi từ bài của Nguyễn Mộng Giác (Văn Học, số Xuân Tân Mùi 1991), của Thụy Khuê (Thế Kỷ 21, số tháng 9-1991), nhất là của Trần Vũ (Hợp Lưu, số 2, 12- 991 & 1-1992) và bài có tham vọng sơ kết cuộc tranh luận của Bùi Vĩnh Phúc (dẫn số liệu theo sách “Lý Luận Và Phê Bình – Hai Mươi Năm Văn Học Ngoài Nước 1975-1995”, Bùi Vĩnh Phúc, Văn Nghệ 1996, California); Còn về thực tế, đó là vụ động đất làng văn nghệ Việt Hải ngoại với Triển lãm tranh Võ Đình Montréal 1992.

Giải tỏa bức xức của Ngô Tự Lập, “(…) thấy đáng ngạc nhiên là mặc dù sống trong hoàn cảnh chẳng bị ai trói buộc, nhiều nhà nhà văn hải ngoại vẫn tự trói buộc mình quá nặng nề. Nhiều người tự trói buộc còn hơn các nhà văn trong nước. Cảm giác ấy khiến tôi phải viết một bài thơ: "Sợi dây xích vô hình/ Như chuỗi ngày vô tận...", tôi không có tham vọng. Nói theo kiểu người miền núi: Khắc sống ở hải ngoại, khắc hiểu! (Nhưng không được sống khơi khơi đâu, mà phải “sống, chiến đấu, lao động và học tập” cơ!)

Trả lời câu hỏi 6, Võ Đình hạ hai chữ viết hoa TỰ DO cô đọng, hổng có các mệnh đề phụ bệ đỡ (như ở Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Viện). Thành ra nó “đúng mà lại không đúng” và nó hổng thể có được vế sau “không đúng mà lại đúng”. Phần đúng của bác Võ thì rõ rành rành như canh nấu cẫu rồi. Đỗ em xin nhéo ra phần không đúng ở hai chữ Tự Do bự của bác mà mân mê nha?

Sự phản Tự Do của cơ chế toàn trị, chuyên chính vô sản ở Việt Nam quốc nội nó làm mình tức, đến mức nhiều người dễ dàng bỏ ra đi. Còn phản Tự Do của cái phi cơ chế (đòi mang danh) cộng đồng trị, chuyên chính hữu sản, ở Việt Nam hải ngoại nó làm mình ức, tới độ không dễ gì bỏ nó mà đi (Chuyện dưới bài #7). Những tháng ngày đi làm thuê mần mướn ở hải ngoại, để thời gian nó giết nhanh mình khi làm việc tôi hay nghĩ thơ thẩn rồi nghĩ vớ vẩn. Trong các sự nghĩ đó có việc tìm hiểu nan từ Tự Do. Chân cẳng của sự ví von sau đây rất què cụt, tôi biết chớ (rành là khác!) nhưng cái bo-đì của nó thì chắc ít sai hỏng: Nếu coi sự áp bức của một chính quyền phi tự do như thái độ xấu của người chủ, thì sự đè nén của một cộng đồng phi tự do, của các thành viên cộng đồng phi tự do như hành vi tồi của các manager (người điều hành) ở các hãng lớn, supervisor (cai), foreman (thợ cả) ở các hãng nhỏ. Ức nhất là các trò văn bẩn, đêu đểu của những tên cai, thợ cả. Tiện nơi diễn đàn văn chương đây, chửi thề một câu cho đã: “Này thì cái Đan Mạch chúng nó!” (Chuyện dưới bài #8) Cái tức nhà đương cục hành quyền, thi nhân có nhiều cách hành xử đẹp: ôm thơ nhảy xuống đáy biển Đông thủ tiết là một. Cái ức giới cộng sinh bình quyền, thi nhân không còn biết phải làm chi cho xứng, không lẽ ôm ly rượu nhảy vào đũng quần vợ cho rồi đời!

 

Ông có tin là văn học trong và ngoài nước một ngày nào đó sẽ nhập làm một hay không? Điều kiện để dẫn đến sự “thống nhất” ấy là gì?

 

+ Nguyễn Đăng Thường: “Chúng là anh em sinh đôi dính nhau chưa được giải phẫu. Tay trái có thể làm khác tay mặt, hai cái đầu có thể nhìn ra hai phía khác nhau nhưng chân vẫn bước chung đường chung hướng.”

ĐQ: Cái nhìn quái thai về hình hài văn nghệ Việt Nam Trong-Ngoài coi bộ mà đúng đó ơi “anh giai” Nguyễn Đăng Thường! Thằng em, ngẫm ra, thấy đau. Nhớ láng máng câu nọ nói về người Việt trong cuộc chiến 1954-1975: “Tay trái bắn tay phải” (Dương Thu Hương luộc lại ý của ai đó). Lại nhớ bốn câu thơ phải làm trong ba bước của Tào Thực (hay Tào Phi gì đó - xin lỗi nha, quên mất rồi, đại để thằng em bị ông anh Tào Tháo bày đặt làm khó!) thời Tam Quốc bên Tàu: “Cẳng đậu đun hạt đậu / Hạt đậu khóc hu hu / Cùng sinh ra một gốc / Nỡ hại nhau thế ru?”

+ Đinh Linh: “Nếu viết bằng tiếng Việt thì đã là văn chương Việt Nam rồi. Sự chia rẽ giả tạo hiện thời là do chính sách độc tài của chính quyền Việt Nam mà thôi.”

ĐQ: Nhưng ấy là nguyên nhân mẹ (Chính trị).

Nguyên nhân con (Xã hội): các chính sách độc tài của các loại chính quyền vô hình hữu danh trong cộng đồng Việt hải ngoại, trong làng văn nghệ hải ngoại.

Nguyên nhân bà (Tâm lý): tính ghen ăn tức ở, chia bè kéo phái… của mỗi con người Việt.

Nguyên nhân bà cố (Thời thế): “Chung quy chỉ tại Vua Hùng / Đẻ ra một lũ vừa khùng vừa điên / Thằng điên thì đã vượt biên (làm văn học ngoài nước) / Còn thằng ở lại điên điên khùng khùng (làm văn học trong nước) / Chung quy chỉ tại Vua Hùng.”

+ Nguyễn Thị Ngọc Nhung: “(…) tôi chưa nghe tới một "thống nhất" văn học bao giờ (ở cái nghĩa hẹp nhất của nó), ở bất cứ đâu, thì tại sao lại chỉ xảy ra ở Việt Nam mà thôi?”

ĐQ: Câu đáp trật đường rày mà người hỏi muốn câu chuyện lao vào, nhưng chính nó là nhát dao làm đau. So với các dòng văn chương khác, văn chương Việt Nam có lẽ bị chính cuộc ăn hiếp nhất chăng? Hỏi có một sắc tộc di dân nào có các câu hỏi phỏng vấn văn học nặng nề như thế này không?

 

Trong cuộc “thống nhất” của nền văn học bằng tiếng Việt ấy, đóng góp chính của mỗi bên (trong/ngoài) là gì?

 

ĐQ: Với người viết, cả trong và ngoài: bằng tác phẩm. Nhưng cái quan trọng không kém tác phẩm – và quan trọng hơn tác phẩm trong lúc này - là thái độ hành xử văn chương đối với tác phẩm, với sinh hoạt chữ nghĩa của “bên kia”. (Cũng không xa với lời Nguyễn Thúy Hằng đáp: “Chữ. Nếu có bia bọt thì càng tốt.”)

Với các vị, các giới cầm chịch những báo chí, diễn đàn, văn đoàn, bút nhóm, phái nhóm (tức là ở trong nước tính luôn cả chính quyền): thực hiện cho ngon cho lành quyền tựï do báo chí, tự do tư tưởng.

+ Trần Minh Quân: “Thật là nhiều những câu hỏi trong/ngoài. Lấy điều kiện gì để quyết định trong/ngoài?”

ĐQ: Dễ ợt! Hãy cho tôi biết ông / bà trả lời phỏng vấn của Trần Nhuệ Tâm ra sao, tôi sẽ cho biết ông / bà là Trong hay là Ngoài.

+ Lý Đợi: “(…) Tôi chỉ biết ước mơ thế này, mọi người không phải Cộng sản nữa; bởi Tư sản còn chưa có thì lấy gì mà góp vào. Nói rõ hơn để tránh suy diễn: văn học của từng cá nhân tự do còn chưa có thì làm sao dám nói đến MỘT NỀN VĂN HỌC.”

ĐQ: Ý này tôi đã (vô tình trùng hợp) bàn đến trong một loại bàn luận văn chương khác, “Vạch Áo Nàng Thơ” (về 10001 thứ chuyện trong ngoài trên dưới thơ, nên ắt có chuyện Mở Miệng.) Lý ơi, hãy Đợi đấy! Qua một bàn chơi, một sân chơi khác…

+ Phan Nhiên Hạo: “Là tác phẩm. Và chỉ bằng tác phẩm hay. Chứ không phải bằng phe nhóm, lực lượng gì cả.”
+ Nguyễn Viện: “Văn học của người Việt ở bất cứ đâu cũng là văn học Việt. Nó chưa bao giờ bị tách rời và không thể tách rời. Sự tách rời chỉ có ở trong đầu những kẻ làm chính trị. Mà những kẻ làm chính trị thì không thể sống lâu hơn tác phẩm văn học.”

ĐQ: Cho tôi ký tên chung dưới các quan điểm này của Phan Nhiên Hạo, Nguyễn Viện. (Chuyện dưới bài #9)

+ Đinh Linh: “Những nhân vật như Khánh Trường, Khế Iêm, Nguyễn Hưng Quốc, Hoàng Ngọc-Tuấn và Phạm Thị Hoài đã dựng lên những diễn đàn chung để văn chương Việt Nam có thể nẩy nở, không phân biệt trong hay ngoài nước. Công của họ lớn vô cùng. Họ chính là những cột trụ của văn chương Việt Nam đương đại.”

ĐQ: Cho tôi ký tên chung dưới quan điểm này của Đinh Linh! Một vùng đất ngó ngàng đã lâu, mỗi khi được nhìn vào bịnh tình văn học Việt Nam. Đã và sẽ bàn dông dài. (Ví dụ, “Vạch Áo Nàng Thơ”). Nói nhanh: Khác và thua thiệt so với người viết ở các nền văn học lớn (thể hiện qua tác phẩm lớn), người viết Việt dường như thiếu hẳn những bàn viết chung, sang cả và độc lập, những sân chơi văn nghệ, tử tế và chuyên nghiệp. Nghĩ đến những xa-lông văn nghệ Pháp cách nay non nửa thế kỷ, đến các đại gia Mạnh Thường Quân Trung Hoa thù tiếp năm này tháng khác tao nhân mặc khách thập phương cách nay cả ngàn năm… mà thèm thay cho giới văn nhân Việt! Với tình trạng của văn học Việt Nam lúc này, xin mời tác phẩm văn chương lùi xuống hàng… con chó (Thứ tự số Hai, số Ba theo thang bậc phương Tây). Số Một phải là sinh hoạt văn chương; trong đó các diễn đàn văn chương, các thảo luận văn giới phải được kể như đầu tiên của đầu tiên. Ở các thời kỳ tiền và hậu sáng tác, nhà văn cần các địa chỉ văn chương đủ công cộng đủ riêng tư như thế làm nơi gửi đi chốn nhận về trăm sự quay tít mù quanh con chữ cái nghĩa. Với tôi - ở các diễn đàn gia mà Đinh Linh đã kể, và như Phạm Quỳnh, Nhất Linh, Mai Thảo, Lê Đạt, Hoàng Cầm, Nguyễn Hữu Đang, Nguyên Ngọc, Nguyễn Trọng Tạo, v.v… – cái mà nhiều vị ấy đặt vào đời tôi là các trang báo chí, các mạch diễn đàn hội thảo, chứ không phải hoăïc chưa hẳn là các trước tác của họ. Xét về mặt cá nhân, ở hải ngoại có một số địa chỉ xanh cho văn nghệ như Thụy Khuê, Lương Châu Phước, Trương Vũ, Lê Bi-Nguyên Hương… Ở trong nước thì nhiều, người ta hay nói đến Dương Tường, Nguyễn Trọng Tạo… (Hai chục năm trước, còn ở trong nước, tôi có đôi lần theo đến Nguyễn Thụy Kha). Với công cụ Internet, dòng văn chương Internet đã có thể xem là thành hình, ngay cả với tiếng Việt. Hồn vía của dòng văn học – báo chí này, đó là hình thái thảo luận, là tính khí đối thoại. Các nhà văn, nhà thơ, nhà báo còn là những nhà diễn đàn. Những người làm văn học sử Việt Nam đã kịp theo sự thay đổi này đến đâu rồi?

 

Bao giờ ông trở lại Việt Nam? Ngày ấy trên trán ông và trong túi ông điều quí nhất là?

 

ĐQ: Một câu hỏi đáng ngả bút kính phục. Nó không mới về nội dung mà sao sáng láng? Ở cách diễn đạt hiện sinh, “trên trán”, “trong túi”? Thi nhân ra đòn có khác! Hầu hết các câu đáp cũng đáng thưởng huy chương! Văn nhân đỡ đòn có khác!

Lúc nào tôi cũng muốn trở lại Việt Nam. Không lẽ lại nhái câu “Anh chẳng đêm nào chẳng nhớ em” thì Nguyễn Bính quá, nhưng sự thực là vầy vậy. Ông có tin không? Không thì tôi phải Trần Dần mới xong vụ này: “Có vợ (tôi) nằm kế bên làm chứng / Và các trang thơ này sẽ cãi cho tôi!”

Lý tưởng nhất với tôi là khi chân giang hồ chưa mỏi thì đi đi dzề dzề Việt Nam – Hải ngoại; không thì cũng về một thời gian nào đó mà “sống, chiến đấu, lao động và học tập” ở Việt Nam như các bạn Thận Nhiên, Đinh Linh, Phan Nhiên Hạo, Hoàng Hạc… đang hoặc đã từng. Còn khi cắt đầu gối ra thấy hết máu “vui chơi giữa đời” - đó là lúc “biết đâu là nguồn cuội”.

Ông hỏi về tài sản? Thì tôi lại phải liên văn bản một phát nữa:

Hành trang tôi chẳng có gì

Ngoài đôi dép mỏng đã lỳ… hải ngoại!”

Vậy nên, ngày về trên trán tôi cái quí nhất là câu hỏi lớn và lời đáp (một phần nhỏ thôi!) “Người Việt thế nào?”, “Văn học Việt ra sao?” và “Thơ (Việt) là gì?” Được trả lời 3 câu đó bằng miệng lưỡi của mình, tức là tôi có được sự hỏi đáp “Tôi là ai?” Còn trong túi: Tiền! Chứ còn gì nữa?! Tiền là thứ với tôi quí nhất cho việc về Việt Nam. (Khi đã có các thứ khác rồi, con người ta chỉ quí cái mà họ thiếu.)

Với những thi sĩ/văn sĩ hải ngoại, ông muốn cho họ thấy điều gì quí nhất trên trán ông và trong túi ông là?
+ Nguyễn Viện: “Quí nhất ở trên trán tôi có hai chữ TỰ DO. Và trong túi quần tôi là chiếc điện thoại di động, thẻ ATM và cái Passport.”

ĐQ:

- Tự Do: Nó là một sản phẩm văn hóa phi vật thể (Nếu UNESCO còn tham lam vơ nó vào kho của tổ chức này, thì nó nên có tên như vậy).

- Chiếc điện thoại di động, thẻ ATM và cái Passport: Không cần lập trình, chỉ bằng tư duy của các đầu ngón tay, cũng ngoại suy ra được đó là 3 biểu hiện bằng vật thể trong 3 mục đích riêng của Tự Do.

- Có thể bàn loạn tay bo, thành một chương hồi độc lập về câu trả lời này của Nguyễn Viện, khi mà chính bản cái thân tôi đây (từ trán cho đến túi!) đang bị 3 biểu hiện cụ thể cùng 1 sự trừu tượng của Tự Do ràng buộc. Ta cho nhau cái hẹn đi nào? Một câu tôi muốn bán xới ngay cho Nguyễn Viện trong vụ này: Làm sao để vuợt thoát các ràng buộc của Tự Do? Đó mới là Tự Do đích thực.

 

(Trần Nhuệ Tâm thực hiện)

 

--------------------

Chú thích:

Chuyện dưới bài:

 

[#1] Có không ít tác giả từng nhắc tôi con số 16 trong văn thơ của họ: Trần Dạ Từ với hai câu thơ “Em mười sáu tuổi trăng mười sáu / Áo lụa phơi buồn sân gió mưa”; Thời chiến tranh, khi còn là một trong vài “sao” sáng nhất trong các nhà thơ mặc áo lính, Phạm Tiến Duật có bài báo “Mười Sáu Thửa Ruộng Làm Nên Cánh Đồng” viết về tuần báo Văn Nghệ (của Hội Nhà Văn Việt Nam) chả là báo này thời đó có 16 trang; Nhật Tuấn có truyện ngắn (hình như được giải thưởng của báo Văn Nghệ, thời những năm 1980?) tên là “Trang Mười Bảy”, với chi tiết chính như sau: một cô gái mới làm thủ thư cứ thắc mắc tại sao phải đóng dấu của thư viện vào trang 17 của mỗi cuốn sách mà không phải ở các trang khác, và rồi cô đã tự khám phá được rằng trong kỹ thuật đóng sách cứ 16 trang thì gọi là một tay sách. (Viết theo trí nhớ).

 

[#2] Trên web Talawas, 24.8.2004, có vụ khổ chủ đòi lại bài Talawas phỏng vấn bị đăng “chui”. Từng gặp không ít bài học này (“Em chã”, “Ông chã” chơi phỏng vấn nữa đâu!) tôi không mấy để tâm nội vụ câu chuyện. Qua mấy lời Hoàng Ngọc Hiến nêu lý do, càng thấy độ “mad”, mức lên đồng tại trận, có vai trò ra sao trong phỏng vấn, một loại hình nửa báo chí nửa văn học (tỷ lệ pha trộn tuỳ người tuỳ việc) dễ mà lại khó, khó mà lại dễ.

 

[#3]: Gần đây, đọc cuốn phê bình tiểu luận chân dung văn học của Văn Tâm (Xin tự hào khoe luôn: đó là thày giáo dạy văn của tôi hồi lớp 10 đấy! Sẽ dông dài chuyện này ở bàn chơi khác…) - “Vườn Khuya Một Mình”, Văn hoá - Thông tin, Hà Nội, 2001 – tôi mới được biết trên giấy trắng mực đen rằng, trong cuốn “Nhà Văn Nói Về Tác Phẩm”, Hà Minh Đức chủ biên, Văn Học, Hà Nội, 1994, chính Tố Hữu cho biết: “Nhớ có lần, Bác phê bình mấy nhà văn cứ kể chuyện Bác “hôn” nắm đất biên giới khi trở về tổ quốc. Bác nói: “Mình có làm cái việc mất vệ sinh ấy đâu, bịa đặt làm gì?”

 

[#4]: Hai năm cuối cùng khi tôi còn trong nước, 1987-1988, là cơn núi lửa truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp. Lúc đó, thiệt tình là tôi đâu phải là dân văn giềng văn tỏi gì, chuyện văn vẻ thơ thẩn chỉ nhúc nhích hơn người bình thường vài xăng-ti mét đổ lại, thế nhưng không hiểu sao lại linh cảm được chuyện chưa hề xảy ra kể từ khi tôi biết đọc truyện. Bụng bảo dạ: “Thôi bỏ mẹ văn học Việt Nam rồi! Tất có sự gì đây!” Mà tôi vẫn lỳ, không đọc ngay các bài phê bình cùng các truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, kể cả “Tướng Về Hưu”, và cho tất cả vào nơi khuất nhất trong giá tủ. “Qua cơn mê này” mới đọc. Một lần, mót quá, buột miệng hỏi một thằng bạn (viết thì hầu như không, bù lại chuyện làng văn nghệ văn nghẽo nghe hơi nồi chõ thì nhiều). Nó nghĩ một hồi, bảo: “Đại để là tay ấy viết hao hao… giống mày!” Tôi trợn mắt. Chơi với cái loại nịnh bạn thô bỉ như nó thì chắc mình một là bỏ viết, hai là bỏ bạn. Bạn tôi nhìn và nhận ra cái trợn mắt đó, vội vàng nói cho hết câu: “… tức là cứ viết từng đoạn rồi đánh số thứ tự 1, 2, 3…”

Đang khi viết bài này, tôi đọc (trên tờ Diễn Đàn – Paris, số tháng 3-2005, in lại từ tạp chí trong nước Ngày Nay, số Xuân Ất Dậu) truyện ngắn ("Quan Âm Chỉ Lộ") có lẽ là mới nhất (được viết tháng 12-2004) của Nguyễn Huy Thiệp. Giá có e-mail của ông bạn Nguyễn Văn Thọ chạy đến, thế nào chúng tôi cũng lại chí chát vài điều. Và tôi sẽ bảo “Đấy như một cây bonsai của văn chương Nguyễn Huy Thiệp.”

Tôi lạm dụng diễn đàn Tiền Vệ dịp này thành thực cám ơn các ông thày bà cô ấy ở Ba Lê đã cho tôi được đọc “chùa” báo Diễn Đàn trên suốt chặng đường tha phương cầu chữ nghĩa Việt của mình. Nếu vậy, làm sao tôi có thể không kể ra một chi tiết vàng đá của tình văn báo nghĩa quan hệ vừa đằm thắm vừa éo le của người Việt (hải ngoại). Hồi 1991, chủ báo Thông Luận Phạm Ngọc Lân cùng bầu đoàn qua Đức thăm chúng tôi – những dân mới toe trong làng báo hải ngoại. Vừa mang hết hành lý ra khỏi xe - như đã hứa lúc thư giao khi tôi hỏi anh về số phận của tờ Đoàn Kết với các trang văn học nghệ thuật rất quý giá - anh nắn nón đưa tặng riêng tôi Số Ra Mắt của tờ Diễn Đàn (biến tướng không nhẹ nhàng chút nào của Đoàn Kết) rồi trang trọng trao tặng tất cả chúng tôi toàn bộ các số báo Thông Luận từ Số 1 cho đến số tháng đó. Ai cũng biết bang giao đậm nhạt của hai nhóm trí thức Ba Lê hạng đầu bảng của người Việt ở nước ngoài (“Chùa Diễn Đàn” và “Nhà thờ Thông Luận”), ắt ai cũng thì hiểu tôi vui buồn ra sao ở tiểu tiết vừa nêu.

 

[#5]: Kể lại cho bõ ngứa nghề cũ: Một đồng nhiệp hỏi L. Landau về người học trò của ông từng có tiếng là nhiều triển vọng, nhà vật lý lý thuyết lừng danh thế giới của Liên Xô cũ đáp: “Tiếc quá! Vì không đủ trí tưởng tượng, cậu ấy đã thành nhà thơ mất rồi!”

 

[#6]: Vẫn nhớ mà tức cười thay cho hai lần Hợp Lưu mở cao trào viết truyện ngắn theo cùng một chủ đề “Nhà cho thuê”, “Yêu”… do “tráng sĩ” Trần Vũ cầm chịch. Tôi không trong cái bang này, nên muốn chửi thề chủ biên (thời đó) Khánh Trường quá xá. [Mà rút cuộc 2-3 năm rồi đâu có dám chửi rủa gì dù chỉ một âm vực nhỏ. Ông nầy chửi thề thành thần trong các văn nghệ sĩ tôi có dịp khẩu kiến. Hạng như tôi, sức mấy! Mỗi câu chửi yêu, chửi ghét, chửi không yêu không ghét, của cựu chủ biên Hợp Lưu đều định vị văn chương của khổ chủ trong bảng giá trị Hợp Lưu mà ổng theo đuổi.]

 

[#7]: Nguyễn Ngọc Ngạn – mà ai cũng biết 3-4 năm trước bị dính vào vụ triền miên ba phần văn nghệ bảy phần phi văn nghệ với Nguyễn Hữu Nghĩa / Làng Văn (Canada) - trong một bài tranh luận viết dạng lá thư gửi cộng đồng, trên tờ Tự Do (chủ bút Nguyên Nghĩa), có câu thú thật là tôi ai oán thay cho ông, đại ý: “Nhà cửa, vợ con tôi ở cả Toronto đây. Nay vì chuyện tai tiếng thế này tôi còn biết move đi đâu?”

 

[#8]: Hỏi: Ngon thì chửi giới chủ, giới chức trách xem nào? Đáp: Em chã! Một là vì, em có ngon gì đâu! Ngu gì mà chửi, bị gông cổ có ngày. Hai là bởi, có chửi cũng dzậy. Lại hỏi: Một hiểu. Hai chưa hiểu. Đáp: Chửi hay không cũng thế, ai mà có số bị đeo gông là bị à; Rồi kể một a-nếch-cờ-đốt Đông Âu “ngày xửa ngày xưa”: Ba người bạn tù trò chuyện. - Cậu phạm tội gì? Bị lãnh mấy năm? – Tớ viết truyền đơn. 15 năm. - Còn tớ vô tội. 10 năm. – Đừng có xạo! Vô tội thì chỉ 5 năm thôi!

 

[#9]: Bản quyền câu này trong tôi là của bác Hoàng Khoa Khôi (ảnh hưởng của cách nói người Pháp?) Khi chúng tôi làm báo, nhận các thư từ của bác, bọn tôi rất ấn tượng điệp ngữ này. Đến khi gặp gỡ, trong chuyện trò từ chuyện lớn (ông báo ông Hùm – Phan Văn) tới chuyện nhỏ (“Phở thằng Lý nấu ngon quá!”) lão tướng của Phong trào Cách mạng Đệ Tứ Việt Nam vẫn vô tư xài như vậy, thì bạn bảo không vui sao được. Mười năm trước, thời còn ở châu Âu, những lúc trò chuyện sôi nổi, nghe những điệp khúc “Cho tôi ký tên chung dưới quan điểm này của anh / chị!” phát tiết từ một nhân cách chân tình, quả cảm và mềm dẻo của “Người đi đường không biết mỏi” (tên nguyên văn của cuốn sách “Mùa Xuân Của Một Thiên Tài” viết về F. Engels, bản tiếng Việt có từ 30 năm rồi thì phải?) ấy, tôi hay có ý nghĩ ngồ ngộ: Làm cách mạng nếu chỉ ký tên chung dưới quan điểm thì chắc chỉ có cách mạng thi ca.)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021