thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
BA MƯƠI NĂM: KHOẢNG CÁCH & DẤU NỐI [Nguyễn Hưng Quốc]
(phỏng vấn Nguyễn Hưng Quốc)

 

 

Thưa ông, hiện ông đang sống ở đâu, việc chính hiện nay của ông là? Ông đã về Việt Nam vào khoảng thời gian nào? Xin ông cho biết tâm trạng của ông trong đêm trước lúc về Việt Nam và trong đêm trước lúc rời Việt Nam?

 

NHQ: Tôi đang sống ở Úc. Nghề nghiệp: dạy đại học. Ðã về Việt Nam nhiều lần. Lần nào cũng như nhau, trước khi đi: nôn nao vì sắp được về quê; trước khi về: nôn nao vì sắp được về nhà. Chuyến bay nào cũng là “về” cả. Xuôi cũng là “về” mà ngược cũng là “về”. Ở bên này là “quê”; ở bên kia là “nhà”: hai chữ “quê nhà” ngỡ như lúc nào cũng gắn liền làm một, bỗng dưng bị cắt làm đôi, thành “quê//nhà”, do đó, ở đâu cũng chỉ là một nửa, và cũng do đó, ở đâu cũng cảm thấy có chút bơ vơ, hơn nữa, chút lạc lõng, hơn cả thế nữa, chút hụt hẫng. Và ở đâu cũng thấy thiếu thiếu một cái gì và thấy nhớ nhớ một cái gì.

 

Tác phẩm văn học nào xuất bản trong nước, ông muốn đọc đầu tiên? Sau đó ông đã đọc…? Và ấn tượng nhất là?

 

NHQ: Lần nào về nước, tôi cũng khuân sang Úc cả 5,7 chục ký sách, một phần gửi bưu điện, một phần chịu nộp phạt để mang theo hành lý. Với tư cách là một nhà nghiên cứu, xem sách như là tài liệu thiết yếu, cái gì tôi cũng thấy quý, bất kể hay hay dở; với tư cách là nhà phê bình, đọc để thưởng thức, tôi thường khá thất vọng, thấy phần lớn những gì mình mua đều là... phí tiền; với tư cách là người viết lý thuyết văn học, đọc để tìm ý mới, tôi thường hơi hối hận, thấy việc đọc của mình là một sự phí phạm thì giờ: trong phần lớn các trường hợp, tôi chỉ đọc lại những gì mình đã đọc, đâu đó; (*) nhưng với tư cách là người cầm bút nói chung, tôi lại mừng, thấy, thứ nhất, có vô số khoảng trống có thể biến thành đề tài cho mình viết; thứ hai, viết cái gì và viết cách nào cũng có thể được/bị xem là... táo bạo. Tôi biết ở các nước khác, những người có tham vọng cách tân không được may mắn như thế: ở đâu họ cũng bị ngáng đường.

 

Sau thời gian ở Việt Nam, trước thực trạng mọi mặt của Việt Nam, giờ phút đẹp nhất và tồi tệ nhất của ông là?

 

NHQ: Ðẹp nhất là những giờ phút ăn nhậu (món gì cũng ngon!) và tán dóc với gia đình và bạn bè (chuyện gì cũng rôm rả!). Tồi tệ nhất là những lúc phải bị “làm việc” với công an, bị tra hỏi về chuyện viết lách lăng nhăng của mình ở hải ngoại.

 

Sau thời gian về Việt Nam thơ/văn ông đã chuyển động ra sao ?

 

NHQ: Càng quyết liệt đổi mới và ủng hộ cái mới.

 

Sau thời gian dài sống và viết ở hải ngoại, có nhiều người nay muốn quay về mái nhà “tinh thần lục bát / tinh thần văn kể” ông nghĩ sao?

 

NHQ: Câu hỏi trên có mấy nhóm từ thừa. Một, “sống và viết ở hải ngoại”: thật ra, xu hướng thích đu đưa với lục bát và ề à kể chuyện là một trong những truyền thống lớn nhất của Việt Nam, kể cả trong nước, không nhất thiết phải ở hải ngoại. Hai, “sau thời gian dài”: thật ra, không cần sống ở hải ngoại lâu, có thể ngay khi vừa mới rời Việt Nam, người ta đã muốn quay về với quá khứ, đã trở thành vô cùng cổ hủ rồi.

Có thể nói, về phương diện văn học, người ta thường ngừng trưởng thành sau lứa tuổi dậy thì, lứa tuổi của những tình cảm mơ mộng vu vơ và nhẹ nhàng. Sau đó, người ta không già; người ta chỉ cũ đi mà thôi. Văn học thực sự lâm vào tình cảnh bất hạnh khi đám người-dậy-thì-cũ này chiếm tuyệt đại đa số.

 

Theo ông, văn học Việt Nam trong và ngoài nước có những khác biệt gì đáng kể?

 

NHQ: Trong lãnh vực văn học, địa lý (trong/ngoài) là yếu tố ít quan trọng nhất. Một người cầm bút ở hải ngoại có thể tâm đắc với một (hoặc một số) người cầm bút khác trong nước hơn là với chính những đồng nghiệp sống bên cạnh nhà mình. Bởi vậy, một sự phân biệt theo địa lý nếu không dẫn đến những thái độ kỳ thị vô ích thì cũng chỉ dẫn đến những nhận định giả tạo và hời hợt. Ngoài ra, ngay cả khi nhìn vào số đông, giữa trong và ngoài nước, theo tôi, sự khác biệt không nhiều và cũng không đáng kể bằng sự giống nhau: ở đâu cũng đầy những thứ cũ mèm. Có cái cũ bẽn lẽn và có những cái cũ khệnh khạng. Có cái cũ nhân danh truyền thống và có những cái cũ nhân danh... Tây.

 

Ông có tin là văn học trong và ngoài nước một ngày nào đó sẽ nhập làm một hay không? Điều kiện để dẫn đến sự “thống nhất” ấy là gì?

 

NHQ: Trước hết, xin lưu ý: văn học Việt Nam hiện đại vốn không có truyền thống thống nhất. Từ 1946 đến 1954, thời chống Pháp, văn học chia thành hai khu vực: vùng kháng chiến và vùng đô thị; từ 1954 đến 1975, văn học cũng chia thành hai: Nam và Bắc. Suốt 30 năm, ở hai bên, người ta không được phép đọc nhau. Sau năm 1975, mang tiếng là thống nhất, nhưng tôi không tin là người dân miền Nam, kể cả giới trí thức, đọc văn học miền Bắc nhiều. Trước, không đọc vì bị cấm; sau, không đọc vì dị ứng với tuyên truyền. Sự dị ứng này càng tăng khi người ta vượt biên và định cư ở nước ngoài. Cho đến cuối thập niên 1980, việc đăng tải các tác phẩm văn học trong nước trên báo chí hải ngoại vẫn gặp sự chống đối quyết liệt từ phía độc giả. Thế nhưng, dần dần, các tác phẩm của Dương Thu Hương, Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài và một số cây bút được xem là đổi mới khác đã chinh phục mọi người. Ở miền Nam cũng như ở hải ngoại, mọi người đọc tác phẩm của các cây bút ở miền Bắc một cách thanh thản, thậm chí, thích thú và ngưỡng mộ. Ngược lại, nhờ internet cũng như việc đi lại dễ dàng, số lượng người Việt Nam tiếp xúc với văn học hải ngoại càng ngày càng nhiều. Bởi vậy, tôi cho, từ góc độ người đọc, văn học Việt Nam đã khởi sự thống nhất từ những năm bản lề giữa hai thập niên 80 và 90 của thế kỷ trước. Có thể xem đó như một món quà ngoài dự liệu của phong trào đổi mới trong văn học.

Tuy nhiên, đó là một sự thống nhất không trọn vẹn. Còn khá nhiều cản trở từ chính sách kỳ thị cũng như thói đố kị đối với những gì nằm ngoài dòng văn học “chính thống” được sự bảo trợ của chính quyền. Ðể vượt qua các cản trở ấy ư? Dễ lắm: Chỉ cần bỏ chính sách kiểm duyệt, cho phép tự do xuất bản, văn học Việt Nam sẽ thống nhất ngay tức khắc.

 

Trong cuộc “thống nhất” của nền văn học bằng tiếng Việt ấy, đóng góp chính của mỗi bên (trong/ngoài) là gì?

 

NHQ: Chẳng có “bên” nào đóng góp được gì cả. Trong lãnh vực văn học, người ta chỉ có thể đóng góp được từ tư cách cá nhân; và với tư cách cá nhân, người ta chỉ đóng góp được những gì riêng tư nhất, độc sáng nhất, những gì chỉ có một mình mình có mà thôi. Tất cả những đóng góp có tính tập thể, từ bên này hay bên kia, đều thuộc văn hoá đại chúng chứ không thuộc văn học.

 

Bao giờ ông trở lại Việt Nam? Ngày ấy trên trán ông và trong túi ông điều quí nhất là?

 

NHQ: Ðầu năm, tôi còn ở Việt Nam; có lẽ cuối năm nay, tôi lại về nữa. Ngày ấy, trên trán tôi chắc chả có gì cả, trừ, có lẽ, vài nếp nhăn mới; nhưng trong túi tôi chắc chắn sẽ có ít nhất ba thứ rất quý, sắp theo thứ tự: hộ chiếu của Úc, vé máy bay khứ hồi, và.... tiền.

 

(Trần Nhuệ Tâm thực hiện)

 

-----------

Chú thích:

(*): Một trong những cuốn sách để lại trong tôi nhiều ấn tượng đẹp nhất trong chuyến về Việt Nam vào cuối năm 2004 vừa rồi là cuốn Tác phẩm văn học như là quá trình của Trương Ðăng Dung (nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội, 2004). Tác giả không có đóng góp nào mới đối với thuyết tiếp nhận nhưng có đóng góp cực lớn trong việc giới thiệu lý thuyết này vào Việt Nam một cách hết sức nghiêm túc và rất đáng tin cậy. (**)

         (**) Chú thích của chú thích: Tôi đặt cuốn sách này của Trương Ðăng Dung ở phần chú thích không phải vì đánh giá nó thấp mà chỉ vì không biết làm cách nào để nó trong đoạn văn trên mà vẫn giữ được cái nhịp văn chung của cả đoạn mà tôi rất thích. Thành thực xin lỗi. (***)

                     (***) Chú thích của chú thích của chú thích: Nhân tiện cũng xin thú thật là, tôi rất xem trọng nhịp văn: khi viết, không hiếm trường hợp tôi thà chấp nhận bỏ rơi một số ý có thể hay để giữ cho được cái nhịp văn mà mình ưng ý; khi đọc, cũng vậy, tôi chú ý nhiều đến nhịp văn trước khi quan tâm đến các yếu tố khác như tư liệu hay lập luận. (****)

                                 (****) Chú thích của chú thích của chú thích của chú thích: Xin đọc các chú thích này như một phần của bài phỏng vấn.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021