thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
BA MƯƠI NĂM: KHOẢNG CÁCH & DẤU NỐI [Trịnh Thanh Thủy]
(phỏng vấn Trịnh Thanh Thủy)

 

 

Thưa chị, hiện chị đang sống ở đâu, việc chính hiện nay của chị là? Chị đã về Việt Nam vào khoảng thời gian nào? Xin chị cho biết tâm trạng của chị trong đêm trước lúc về Việt Nam và trong đêm trước lúc rời Việt Nam?

 

TTT: Tôi hiện định cư ở California, Hoa Kỳ, và làm việc trong ngành xã hội. Có lẽ vì méo mó nghề nghiệp nên tôi chú ý nhiều đến lãnh vực xã hội. Về Việt Nam ư? Tôi có về vài lần, khoảng cách thường xa nhau nên trước lúc về Việt Nam bao giờ tôi cũng hồi hộp chờ xem những sự thay đổi sẽ được chứng kiến. Lần nào cũng không khỏi ngạc nhiên về tốc độ rượt đuổi cho kịp sự tiến hoá thế giới của nước mình, nhất là mặt nổi.

 

Tác phẩm văn học nào xuất bản trong nước, chị muốn đọc đầu tiên? Sau đó chị đã đọc…? Và ấn tượng nhất là?

 

TTT: Tôi thích đọc nên chụp được sách, truyện hay ấn phẩm nào trong nước, tác giả nổi tiếng hay không nổi tiếng, đều đọc. Đọc để cập nhật hoá kiến thức, thông tin và tìm hiểu thêm về dòng văn học trong nước mà vì yếu tố phân cách địa dư tôi bị khiếm khuyết hay không có cơ hội được đọc. Tôi thích đọc các nhà văn nữ như Dương Thu Hương, Phan thị Vàng Anh, Thuận, Trần thị Ng. H... Nhà văn nam thì Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Viện, Ngô Tự Lập, Hồ Anh Thái, Nguyễn Bình Phương, Tạ Duy Anh... Thi sĩ có Nguyễn Quốc Chánh, Trần Tiến Dũng, Nguyễn Quang Thiều, Huy Tưởng,Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư...

Đối với tôi, tác phẩm gây ấn tượng và thích thú nhất là Tầng trệt thiên đường của Bùi Hoằng Vị.

 

Sau thời gian ở Việt Nam, trước thực trạng mọi mặt của Việt Nam, giờ phút đẹp nhất và tồi tệ nhất của chị là?

 

TTT: Giờ phút đẹp nhất? Có lẽ là những phút được sống và thở không khí thuần Việt Nam của quê hương. Gặp lại những hình ảnh cũ, bao nhiêu năm, còn nguyên. Người đàn bà, áo bà ba đẫm mùi mồ hôi chua chua, gánh rau nặng còng vai buổi chợ sớm. Tiếng rao hàng nhừa nhựa hàng quà trưa. Tuyệt đẹp. Hạnh phúc nhất là được lê la ở các hàng quà rong, ăn vặt.

Phút tồi tệ khi nào ở đâu lại không có nhưng tồi tệ nhất là lần rời Việt Nam vừa rồi. Lúc về Mỹ, máy bay có ghé ngang phi trường Đài Loan để nghỉ ngơi và lấy khách. Có ba cô gái Việt Nam tay xách, tay mang, thất thểu kéo nhau đi, mặt mày hốt hoảng. Thấy tôi nói được tiếng Việt họ mừng quá, chụp liền, nhờ thông dịch. Họ bị đám con buôn ngụy trang dưới lớp “dịch vụ hôn nhân” gạt người một cách hợp pháp lấy gần hết số tiền công mai mối (ba cô chỉ được một phần nhỏ), rồi “đem con bỏ chợ”.

Ba cô gái được đưa ra phi trường, đẩy lên máy bay sang Đài Loan, đến đó dịch vụ chấm dứt. Họ bị bỏ mặc, lạc lõng ở phi trường xứ người làm sao thì làm, tự lo liệu lấy, biết tiếng Anh hay không mặc kệ. Điều tôi thấy chua xót nhất là quá nhiều thiếu nữ Việt Nam chọn con đường lấy chồng ngoại quốc qua loại dịch vụ hôn nhân này. Họ tự nguyện bán buôn đời mình, bọn lái buôn lợi dụng họ kiếm tiền một cách hợp pháp mà còn được mang ơn đã giúp họ một phương tiện “đổi đời”. Họ đâu ngờ rằng đằng sau chiếc bánh vẽ đủ màu mà họ từng mơ ước là những thảm kịch đang chờ đón.

 

Sau thời gian về Việt Nam thơ/văn chị đã chuyển động ra sao ?

 

TTT: Mỗi lần ở Việt Nam về, ngòi viết của tôi dường như có thêm một lực đẩy. Tôi nghiệm ra việc cầm viết tưng tửng kiểu rong chơi của tôi chợt có ý nghĩa hơn. Tôi cảm thương thân phận người phụ nữ Việt Nam, ước mong làm được điều gì cho họ. Giúp đỡ trực tiếp không được thì gián tiếp, tranh đấu không được thì bênh vực, do đó ngòi viết của tôi ngày càng hướng về phụ nữ.

 

Sau thời gian dài sống và viết ở hải ngoại, có nhiều người nay muốn quay về mái nhà “tinh thần lục bát / tinh thần văn kể” chị nghĩ sao?

 

TTT: Tôi nghĩ “Nhân tâm tùy thích”. Ai làm việc gì cũng có lý do riêng của họ.

 

Theo chị, văn học Việt Nam trong và ngoài nước có những khác biệt gì đáng kể?

 

TTT: Quả nhiên câu này là câu hỏi khó nhai nhất như nhà thơ Đỗ Quyên đã phát biểu. Khó nhai vì tính bao quát, quá rộng của nó. Nói đến nó cần có một bài viết thật đầy đủ, chi tiết và những nhận định thật khách quan. Tôi cố gắng đọc nhiều những tác phẩm trong nước nhưng không biết mình đọc được tới bao nhiêu. Hải ngoại thì có thể gọi là tàm tạm để có thể đưa ra một vài nhận xét. Đối với tôi trong tinh thần một bài phỏng vấn ngắn, tôi tránh những câu trả lời quá dài làm oải trí người đọc và để tránh đưa ra những nhận xét hời hợt, phiến diện, tôi xin lướt qua không trả lời câu hỏi này.

 

Chị có tin là văn học trong và ngoài nước một ngày nào đó sẽ nhập làm một hay không? Điều kiện để dẫn đến sự “thống nhất” ấy là gì?

 

TTT: Bỗng dưng được làm thấy bói cũng vui vui. Tôi không nghĩ có chuyện này xảy ra nhưng nếu suy luận sâu hơn một chút có thể lắm chứ.

Dòng văn học Việt Nam trước năm 75 giống một gốc cây bị sốc(shock) và chia làm hai nhánh Nam, Bắc. Sau 75 hai nhánh tiếp tục phát triển: một to, một nhỏ, (trong và ngoài nước) mọc song song. Chúng có thể hỗ trợ, tương tác lẫn nhau nhưng vẫn giữ nét đặc thù riêng biệt. Nhánh hải ngoại có nhiều cơ hội tiếp cận văn hoá khác nhau của thế giới, sẽ đa dạng và đa văn hóa. Trong nước, có sẵn tiềm năng với một lực lượng đông đảo sẽ đậm đà bản sắc dân tộc hơn. Nhánh văn học trong nước cũng như các nước khác trên thế giới trong tương lai sẽ phải chống chọi với loại văn hoá thương mại đại chúng (pop art) như âm nhạc và giải trí truyền thông ngày càng lấn lướt. Nó sẽ teo nhỏ từ từ và hoạt động cầm chừng, lây lất. Nhánh hải ngoại có thể sẽ kiệt quệ và biến mất sau vài thế hệ vì thế hệ di dân sẽ già và chết đi, thế hệ trẻ sau này lớn lên ở nước ngoài, nếu có tài năng văn chương đáng kể cũng sẽ bị nuốt mất và tan biến vào dòng chính văn học của quốc gia nơi họ cư ngụ. Lúc ấy không cần thống nhất mà chỉ còn một dòng chính văn học Việt Nam là dòng văn học trong nước.

 

Trong cuộc “thống nhất” của nền văn học bằng tiếng Việt ấy, đóng góp chính của mỗi bên (trong/ngoài) là gì?

 

TTT: Như câu trả lời bên trên của tôi. Hai dòng văn học có thể hỗ tương và trợ giúp lẫn nhau một cách đắc lực. Vì tiếp cận trực tiếp với các luồng văn học của các xứ lớn, các cây viết hải ngoại có tư tưởng cấp tiến sẽ thổi vào trong nước làn gió mới, khác, lạ, mang nhiều ý hướng cách tân và phá bỏ định kiến cũ. Nó mang làn không khí tự do cá nhân, sẽ đổi mới tư duy của một số người trong nước. Dòng văn học trong nước sẽ có hai lực trì và kéo tạo sức căng. Trì của người viết với tư tưởng bảo thủ, cố duy trì bản sắc dân tộc, muốn phát huy nét đặc thù thổ ngơi, tránh vọng ngoại. Kéo của các nhà văn cấp tiến theo mới, muốn thay đổi bộ mặt xưa cũ của dòng văn học phẳng lặng có chỉ thị và đường lối luôn luôn được vạch sẵn. Hai lực này nhất định sẽ tạo sóng.

 

Bao giờ chị trở lại Việt Nam? Ngày ấy trên trán chị và trong túi chị điều quí nhất là?

 

TTT: Nếu có dịp, tôi luôn mong ước về thăm quê hương. Trong túi điều thực tế nhất, phải có tiền. Trên trán dĩ nhiên là chữ “relax” tức “ thanh thản”. Tôi về nước là đi nghỉ hè, nhân tiện thăm bè bạn, thân nhân, tìm lại căn cước của mình nhất là những gì thân quen xưa cũ. Tôi cần phải sửa soạn cho mình một cảm giác thư giãn, thoải mái, gạt bỏ những áp lực đời sống thường nhật qua một bên.

 

(Trần Nhuệ Tâm thực hiện)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021