thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Nói chuyện về «THƠ THẲNG ĐỨNG»

 

Bản dịch Diễm Châu

 

Bài nói chuyện về “Thơ thẳng đứng” này do Jacques Munier thực hiện và đăng trên báo LES LETTRES françaises số 31, tháng Tư 1993 khi Roberto Juarroz ghé Paris, nhân dịp ra mắt hai cuốn thơ của ông : Thơ thẳng đứng thứ mười hai (nhà xuất bản La Différence, Paris) và Thơ thẳng đứng thứ mười ba (nhà xuất bản José Corti, Paris).

Roberto Juarroz là một nhà thơ danh tiếng của châu Mỹ la-tinh (Á-căn-đình/ Argentina). Ông còn là một chuyên viên về truyền thông (thư viện học) của Liên hiệp quốc và giáo sư tại Đại học Buenos Aires. Ông từng làm quản thủ thư viện (tới 20 năm) và nhân viên một hãng tàu biển. Đã ba lần bị cho thôi việc (hai lần do Đại học) là vì, như chính ông đã cho biết trong thư gửi thi sĩ W. S. Mervin, dịch giả Mỹ của ông, “Từ trước đến nay tôi vốn ghét chính trị, và tin rằng chính trị - dù mang màu sắc nào – cũng là đối thủ lớn nhất của thi ca. Tôi đã nói như thế ở mọi nơi và dưới mọi chính quyền. Và do đó tôi đã phải đền tội...” Tháng Bảy năm 1985, ông được phong giáo sư thực thụ của Đại học Buenos Aires nhưng, cũng như ông đã viết, “được bao lâu nữa còn phải chờ coi.” Roberto Juarroz cũng là nhân viên danh dự của các phân khoa đại học ở Costa Rica, ở Colombia và ở Bolivia... (DC., 1993)

 

------------------
* Bài nói chuyện này đã in như phần “Phụ lục” ở cuối hai tập thơ Roberto Juarroz: Thơ thẳng đứng XIIThơ thẳng đứng XIII, bản dịch Diễm Châu, nhà xuất bản Trình bầy (hải ngoại) vào năm 1993. (DC., 2005)

 

ROBERTO JUARROZ

(1925-1995)

 

LES LETTRES françaises (LF): Bên cạnh hoạt động ở đại học, ông cũng đã chủ trương trong những năm 60 một tạp chí quan trọng về thi ca: Poesía = Poesía, phổ biến khắp châu Mỹ la-tinh. Việc ấy nhằm ý định nào?

 

ROBERTO JUARROZ (RJ): Cùng với cái tựa báo-tuyên ngôn đó, chúng tôi đã muốn bênh vực cái ý niệm rằng thi ca chỉ ngang bằng với chính thi ca, thi ca không thể thuộc về chính trị, xã hội học hay triết học. Chúng tôi đã đăng nhiều tác giả Nam Mỹ, từ Octavio Paz tới Antonio Porchia, cũng như các bản dịch. Có một mục báo tựa là “Cái nhìn về thơ” trong đó các thi sĩ và nhà văn khác nhau bày tỏ trong vài hàng quan niệm của họ về sự hiện diện và ý nghĩa của thi ca trong đời sống của họ. Trên báo tôi cũng đã dịch một vài tác giả Pháp như Paul Éluard, Antonin Artaud hay những người khác ít được biết tới hơn. Văn chương Pháp luôn luôn được trình bày đầy đủ.

Định ý của chúng tôi là cổ vũ việc đọc một thứ thi ca không dấn thân vào một chuyện gì khác hơn là chính thi ca và việc này ở thời ấy thật khó là vì cái quan niệm “dấn thân” đúng lúc ấy lại rất thời thượng. Nhưng khi rơi rụng những thứ lý tưởng, những thứ ý hệ, chính trị được coi như giá trị tối thượng, thời chúng ta lại rất có thể cảm thấy rằng cuộc đời chẳng còn ý nghĩa gì hết, vô ích. Khi cái trống rỗng đã lọt vào chúng ta như thế, thì rất ít điều còn có thể an ủi chúng ta hoặc cư ngụ cái trống rỗng kia. Người ta bắt đầu đọc, bắt đầu viết và như thế hình thành trên thế giới một số đông bí ẩn và thầm lặng tìm thấy lại một ý nghĩa nơi thứ ngôn ngữ được đẩy tới cực điểm là thi ca. Tốt hay xấu, lại là một vấn đề khác. Dưới góc cạnh này, điều quan trọng, đúng hơn, chính là tính chất của sự im lặng mà thi ca tới đáp lại.

 

LF: Chắc là để vọng lại điều đó mà trong tác phẩm của ông đề tài im lặng vẫn trở lại đều đều. Phải chăng đó là một hình ảnh sự giới hạn của ngôn từ, của thi ca, hay đó là một ẩn dụ của ngưỡng cửa, như một khai mở hướng tới một điều gì khác?

 

RJ: Ngôn ngữ và sự im lặng không thể tách rời nhau. Không có ngôn ngữ thiếu im lặng là vì mỗi một từ đều chuyên chở im lặng (chaque mot a une charge de silence). Đó không phải chỉ là cái im lặng chỗi dậy, như một giới hạn, khi một điều gì đó kết thúc. Im lặng ở bên trong các từ, bên trong bài thơ. Im lặng, trước hết, chính là cái ẩn số mà chúng ta mang trong mình. Đôi khi tôi có nói rằng điều kiện tất yếu đầu tiên của nhà thơ đích thực là ở chỗ đem lại những từ ngữ cho sự im lặng ở bên trong. Không nguyên sự im lặng của nhà thơ, mà cả sự im lặng của những người khác. Tôi tin rằng không có thơ nếu thiếu một sự kêu cầu hoài hủy tới im lặng. Chính vì thế mà tôi thường trở lại với ý niệm im lặng. Tôi mong muốn, bằng một cách nào đó, cụ thể hóa im lặng trong thơ.

 

LF: Ông đã đặt tựa cho tất cả các tập thơ của ông cùng một cách: Thơ thẳng đứng. Có phải là để biểu lộ sự liên tục và gần như nhất mực kiên trì theo đuổi một đường lối?

 

RJ: Chuyện đó có nhiều lý do. Mỗi một cái tựa, nhất là trong thơ, là một thứ ngăn chận, một cái cớ làm xao lãng thực sự không cần thiết. Không có tựa, tập thơ trực tiếp mở ra trước những bài thơ, gần như những tấm tranh mà sự thiếu vắng tựa miễn cho ta những cái quanh co của việc giải thích. Và ấy là một cách đi tới chỗ vô danh của những phiên khúc hay điệp khúc bình dân mà người ta thường lặp lại mà không biết tác giả của chúng, kẻ mất tích và bị quên lãng đã từ lâu. Manuel và Antonio Machado đã nói nhiều về điều đó trong các bài của họ nói về đất Tây-ban-nha.

 

LF: Thế còn hình ảnh thẳng đứng? Phải chăng đây là sự thẳng đứng đi lên, theo nghĩa mà (họa sĩ) Dali đã dùng để xác định tâm hồn của người Tây-ban-nha, hay là sự thẳng đứng của sự rơi xuống, của sự chìm đắm vào bản thân?

 

RJ: Tôi đã có cái cảm nghĩ, thật sớm trong đời tôi, là nơi con người có một khuynh hướng không thể tránh nghiêng về sự sa xuống. Con người phải rơi xuống. Và ta phải chấp nhận cái ý niệm gần như không thể chịu đựng nổi này, cái ý niệm thất bại, trong một thế giới hết sức sùng bái sự thành công. Nhưng, đối xứng với sự rơi xuống, trong con người cũng có một thứ đà vọt lên cao. Suy tưởng, ngôn ngữ, tình yêu, mọi sáng tạo đều có tính chất của cái đà ấy. Vậy thời có một thứ chuyển động kép của rơi xuống và lên cao nơi con người, một thứ luật hấp dẫn nghịch thường. Trong hai chuyển động này, có một chiều kích thẳng đứng.

Thứ thi ca mà tôi quan tâm có đủ cái mạnh dạn và giản đơn để tới được nơi diễn ra cái chuyển động kép thẳng đứng của rơi xuống và lên cao. Đôi khi người ta quên một trong hai chiều kích ấy. Những bài thơ của tôi tìm cách trần thuật cái mâu thuẫn sinh tử ấy. Thế rồi, có những giây lát ưu đãi, đặc cách, khi ta cảm thấy một biến thiên của nhịp thời gian, gần như thể thời gian, vào một lúc nào đó, bị cắt. Ở đó nữa cũng có một diện thẳng đứng.

Chính vì thế mà Gaston Bachelard đã viết rằng thời gian của thơ là một thời gian thẳng đứng. Ông có ý ám chỉ những lúc mà thời gian chậm lại hoặc mang một nhịp khác, và mất đi cái diện đường thẳng của kỳ gian (l’aspect linéaire de la durée) để “tìm thấy lại vĩnh cửu”, như Rimbaud đã nói, trong một khoảnh khắc “thẳng đứng”. Muốn nói hoặc chỉ ra một điều gì đó về hết thảy chuyện đó, cần phải có một ngôn ngữ “tước bỏ, trơ trụi” (dépouillé), hơi khổ hạnh. Và đó là một công việc không cùng. Thơ thẳng đứng là một công việc không cùng.

 

LF: Các bài thơ của ông thường có suy tưởng băng qua; không phải là vì chúng thâu thập, tiếp nhận những suy tưởng trong hình thức hay hình ảnh thi ca mà là vì, như một trong những người phiên dịch ông đã nêu rõ, chúng mở “một con đường thi ca trong suy tưởng”. Tôi xin trích dẫn tập thơ gần đây nhất của ông, Thơ thẳng đứng thứ mười ba , trong đó ông mong ước đạt tới chỗ “vẽ ra những suy tưởng/ như một cành cây tự họa trên trời”.

 

RJ: Phải, là vì trên một cành cây một con chim có thể đậu. Nếu thơ và suy tưởng mà như một cái cây in trên nền trời, thỉ có lẽ sẽ có một cái gì đó trong trẻo như một con chim tới đậu lên đó.

 

Jacques Munier thực hiện
(LES LETTRES françaises, số 31, tháng Tư 1993)

 

-------------------

Mời độc giả thưởng thức trọn vẹn tác phẩm THƠ THẲNG ĐỨNG THỨ MƯỜI BA (gồm 105 bài thơ) của Roberto Juarroz qua bản dịch của nhà thơ Diễm Châu, đăng song song trên Tiền Vệ.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021