thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
[Phỏng vấn Trịnh Thanh Thuỷ] CHUNG QUANH SỰ KIỆN CÁC TÁC PHẨM VĂN CHƯƠNG XUẤT BẢN DƯỚI HÌNH THỨC PHOTOCOPY Ở SÀI GÒN
Trần Tiến Dũng thực hiện

 

Lời toà soạn: Trong văn học Việt Nam đương đại, có những tác phẩm không được chính thức xuất bản tại Việt Nam, mà chỉ đến với độc giả như những văn bản được photocopy và chuyền tay; thậm chí có những nhà thơ / nhà văn chỉ hiện hữu bằng phương tiện ấy. Để tìm hiểu những góc nhìn khác nhau của văn giới về sự kiện này, nhà thơ Trần Tiến Dũng tổ chức một cuộc phỏng vấn rộng rãi bằng cách gửi một số câu hỏi đến nhiều người cầm bút ở trong nước và ở hải ngoại. Tiền Vệ xin đăng tải loạt bài này theo thứ tự hồi âm của những người tham dự cuộc phỏng vấn.

 

Trần Tiến Dũng (TTD): Thời gian vừa qua, ở Sài Gòn xuất hiện hình thức xuất bản bằng cách photocopy và phân phối một cách không chính thức đến những người yêu văn nghệ. Ông/bà nghĩ sao về hình thức xuất bản ngoài luồng này? Tại sao có hình thức xuất bản ấy? Và liệu hình thức xuất bản ấy có ảnh hưởng gì đến diện mạo nền văn học Việt Nam đương đại không?

Trịnh Thanh Thủy (TTT): Đó là một cách hay để giới thiệu một sản phẩm văn học đến người đọc mà không phải qua sự gạn lọc của hệ thống kiểm duyệt. Chúng ta sống trong kỷ nguyên kỹ thuật điện toán, và nếu biết đào sâu, khéo xử dụng những kỹ thuật ấn loát điện toán mà xuất bản bằng photocopy là một ví dụ điển hình, chúng ta có thể phát huy văn học nghệ thuật một cách hữu hiệu.

Nói đến ảnh hưởng của phương pháp xuất bản này đối với diện mạo văn học Việt Nam, tôi nghĩ còn quá sớm để đánh giá một thử nghiệm nhưng không ít thì nhiều nó cũng thoả mãn được nhu cầu xuất bản các tác phẩm đang hay sẽ bị cấm đoán và nó còn là lối thoát cho những người nghệ sĩ yêu tự do, thể hiện được tư duy, tiếng nói của mình một cách trung thực.

 

TTD: Ông/bà đã đọc được bao nhiêu tác phẩm thuộc loại xuất bản bằng cách photocopy này rồi? Theo ông/bà, những tác phẩm ấy có đề ra khuynh hướng sáng tác nào đáng kể không? Liệu các khuynh hướng ấy có quyến rũ gì với những người mới bước vào nghiệp cầm bút trước những ngăn trở của hệ thống kiểm duyệt nhà nước?

TTT: Tôi được đọc vài tác phẩm loại này. Gần đây nhất nhà xuất bản Giấy Vụn có gởi ra một tác phẩm của Bùi Chát, Tháng tư gãy súng. Rất thú vị. Theo tôi, Bùi Chát ngày càng xuất sắc trong thể loại giễu nhại hậu hiện đại này. Nhóm Mở Miệng cũng vậy.

Cho tôi nói thêm một chút về "Giễu nhại" nhé. Theo Linda Hutcheon, một trong những khía cạnh phân biệt hậu hiện đại và hiện đại là sự kiện nó hàm chứa cấu trúc của sự tỉnh thức, tự mâu thuẫn, tự quyết đoán. Một lối để tạo ra thế đứng hai hàng hay mâu thuẫn này là dùng phương pháp giễu nhại với sự đồng lòng thoả thuận chỉ để chọc cười. Giễu nhại thông thường là một câu chọc cười, chế nhạo, nhại lại, thường được dùng bởi những người thích chế nhạo hay các nhà biện hộ. Giễu nhại gồm hai tiến trình: bắt chước và chế nhạo.

Nhóm Mở Miệng đã ứng dụng kỹ thuật sao chép, lắp ghép, bắt chước và chế nhạo. "Thơ rác" và "thơ dơ" ra đời như một phản ứng nẩy bật khi thơ ca cọ xát với mặt thật trơ tráo của đời sống. Nó mở ra một khúc rẽ cần có cho diện mạo xưa cũ của thơ ca Việt Nam. Nó là một thử nghiệm, một lên đường mà chúng ta thấy được cách dùng ngày một điêu luyện hơn. Trong tập Tháng tư gãy súng, bài "Đối và Chiếu" có thể dùng làm thí dụ điển hình.

[1]trèo lên cây ổi [vô tư]
[2]hái huê [hớn hở]
[3]bươc xuống vườn huệ [huế]
[4]ngăt nụ xì tin [mực tím/tuổi mới lớn]
[5] nụ tì xin [mực xanh/tuổi mới ốm]
[6] thè ra mim mím [nhẹ nhàng]
...

Tôi thấy được phần nào tính sáng tạo của bài này khi tác giả sao chép và bắt chước ca dao, đem ca dao về thêu thùa, tô điểm, dệt lại thành bức hoạ mang một màu sắc khác biệt, với một ý nghĩa mới: châm biếm, chọc cười, giễu người, ngạo đời. Điều này trả lời được phần nào câu hỏi "Giễu nhại có phải là một hình thái sáng tạo không?"

Khi chúng ta còn mò mẫm trên con đường đi tìm khuynh hướng sáng tác mới, chúng ta cần để ý nhiều đến sự sáng tạo và nghịch lý của sáng tạo. (Sáng tạo nghĩa là làm ra cái mới chưa ai từng thấy trước kia, tức là cấu tạo một vật không từ một vật nào cả. Trong khi trực giác và khoa học thì tin rằng “Không có cấu tạo nào mà không đến và bắt đầu từ một vật gì đó”. Đây là một nghịch lý của sáng tạo). Nghệ thuật lắp ghép mà nhóm Mở Miệng hay dùng cũng vậy. Phải cẩn thận lắm khi dùng. Không phải một người đem tất cả những thứ sao chép, lượm lặt ở các nơi về, thòng một hai câu chế nhạo của mình vào là có một sáng tác độc đáo, đầy sáng tạo. Nó chỉ giống như bài tập thủ công của một đứa bé tiểu học gồm những hình ảnh đủ màu cắt ra từ các tạp chí, đem về dán lạị. Nó chỉ đơn giản là một gợi ý cho sự kết hợp trong khái niệm nghệ thuật chứ không phải chân nghệ thuật. Tuy nhiên cũng với những mảnh giấy cắt ra từ sách báo tạp chí, văn tự, dây nhợ, đồ vật phế thải, vật dụng trong nhà, một người có nhãn quan có thể sản xuất hàng loạt những sản phẩm nghệ thuật có chiều sâu, đầy ý nghĩa khi người đó biết đào sâu vào kỹ thuật lắp ghép.

Chúng ta cũng nên thận trọng hơn trong việc đi mượn hay sao chép văn bản nguyên thuỷ của người khác vì phải đối đầu với luật tác quyền. Khi sao chép hay dùng lại văn bản của người khác, phải có sự xin phép hay trả chi phí tác quyền. Để tránh việc phải xin phép tác giả khi sao chép hay dùng lại văn bản, chúng ta có thể dùng ca dao, thành ngữ, tin tức hay những mẩu tin rao vặt trên báo...,v.v., nhưng cũng cần phải chú thích. Ngoài ra sự sao chép không được dùng với một chủ đích thương mại.

Nếu không xin phép tác giả, để tôn trọng và không vi phạm luật tác quyền, chúng ta phải chú thích tên tác giả, tên tài liệu, văn bản nguyên thủy và xuất xứ của nó.

 

TTD: Biết rằng các tác phẩm xuất bản dưới dạng photocopy đều tới tay độc giả chỉ như một thứ quà tặng ông/bà thấy điều đó có thoả đáng không? Ông/bà có vui lòng mua một tác phẩm xuất bản dưới dạng photocopy có đề giá bán hoặc thậm chí quên đề giá bán không?

TTT: Khi thế giới nghệ thuật bị thị trường thương mại và khuyến mãi thống trị, mục tiêu của nghệ thuật phần lớn là tư lợi tài chính thay vì giá trị nghệ thuật. Hình thức xuất bản bằng photocopy là hình thức giới thiệu sản phẩm văn chương nghệ thuật đến độc giả ít tốn kém nhất, không nhắm đến tư lợi tài chính, mà vẫn bảo toàn giá trị nội dung, không qua guồng máy kiểm duyệt. Từ trước đến nay, tôi thường trân trọng những tác phẩm nhận được. Mua hay biếu, nó đều là tư duy, là tim óc của tác giả vắt ra mà viết. Nếu một tác phẩm có thể nói lên tiếng nói của nó, có lẽ nó sẽ nói: " thơ văn, có gì để mà bán". Nhưng chúng ta cũng hiểu một điều: mua một tác phẩm là hình thức khích lệ tinh thần tác giả hơn là nhận của biếu không.

 

TTD: Cám ơn sự cộng tác của ông/bà.

 

 

------------
Để xem những bài phỏng vấn khác đã đăng, xin độc giả bấm vào link này:

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021