thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Bắc Đảo nói về chính mình

 

Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn

 

Lời người dịch:
Dưới đây là bản dịch những đoạn trích từ cuộc phỏng vấn Bắc Đảo do Gabi Gleichmann thực hiện. Những đoạn trích này đã được đăng trên trang Stanford Presidential Lectures in the Humanities and Arts, với nhan đề "IN HIS OWN WORDS (Interview with Bei Dao)". Độc giả có thể đọc toàn văn của cuộc phỏng vấn trong Gabi Gleichmann, "An Interview With Bei Dao", Modern Chinese Literature, Vol. 9, 1996, pp 387-393.

 

__________

 

BẮC ĐẢO NÓI VỀ CHÍNH MÌNH

 

Gabi Gleichmann [G]: Có phải thơ là một cách tri nhận thế giới, tri nhận hiện thực? Có phải đó là ý nghĩa của thơ đối với ông?

Bắc Đảo [B]: Tôi thấy một mối liên hệ giữa thơ và sự nổi loạn. Nổi loạn là một đề tài lớn của thế hệ tôi. Nhưng tôi tin rằng sự nổi loạn bắt đầu từ cấp độ bản thân, chẳng hạn, sự nổi loạn của tôi đối với cha tôi. Thơ là một hình thức nổi loạn đối với những thập kỷ hỗn độn ở Trung quốc.

[...]

 

G: Những thi sĩ nào đã ảnh hưởng đến thơ của ông?

B: Tôi còn nhớ lần đầu đọc thơ García Lorca qua bản dịch Trung văn tôi đã bị choáng ngợp như thế nào trước những hình tượng độc đáo và nhạc tính tuyệt hảo của ông ấy. Các nhà thơ của thế hệ tôi (lúc ấy họ vẫn còn trong tình trạng "địa hạ") đã cố gắng bắt chước ông ấy nhưng cuối cùng chúng tôi bỏ cuộc khi chúng tôi nhận ra rằng không thể bắt chước ông ấy được. Tất nhiên còn có những thi sĩ khác thuộc "Thế hệ 1927", chẳng hạn như Rafael Alberti, Vicente Aleixandre và Antonio Machado. Họ đã tạo nên cái mà tôi gọi là "dây chuỗi hoàng kim của thơ Tây-ban-nha". Ở đầu dây chuỗi này, chúng ta nên thêm César Vallejo, nhà thơ xứ Peru. Mặc dù Vallejo không thuộc "Thế hệ 1927", họ có quan hệ rất gần gũi với nhau về tinh thần. Chúng ta cảm nhận được cái sức mạnh của sự ẩn mật trong tập thơ Trilce của Vallejo; được xuất bản cùng năm với tập The Waste Land của T.S. Eliot, tập thơ Trilce từ lâu nay vẫn được xem là một điển phạm của thơ hiện đại.

Tôi thấy dường như những sự nối kết của dây chuỗi hoàng kim trong thơ Đức không được gần gũi như những sự nối kết mà tôi đã tìm thấy trong thơ Tây-ban-nha. Dường như không có "quan hệ máu thịt" giữa những nhà thơ nói tiếng Đức mà tôi yêu thích: Georg Trakl, Maria Rilke, và Paul Celan. Trakl và Rilke cùng một thế hệ, nhưng chủ nghĩa cực đoan của Trakl và thái độ tiếp nhận bao dung của Rilke tạo nên một sự tương phản sâu sắc... Thơ Nga, đặc biệt thơ Lãng mạn hồi thế kỷ 19, vẫn luôn luôn giữ một vị trí quan trọng đối với các nhà thơ Trung quốc. Tuy nhiên, dưới sự kiểm soát chặt chẽ suốt một thời kỳ dài, chúng tôi đã không thể đọc được một chút thơ Nga hiện đại nào cả cho đến những năm 1980. Boris Pasternak, Osip Mandestam, và Gennandi Ajgi (môn đệ của Pasternak) đã tạo nên một dây chuỗi hoàng kim của sự đau đớn và thống khổ trong thơ Nga.

Để mưu sinh, tôi đã bắt đầu dịch thơ trong những năm giữa thập kỷ 80. Đọc thơ Thuỵ-điển hiện đại, tôi tìm thấy dây chuỗi hoàng kim ấy trong thơ của Gunnar Ekelof, Eric Lindergren, và Tomas Tranströmer.

[...]

Trong số những nhà thơ tôi vừa kể, tôi thích Celan nhất vì tôi nghĩ có một sự tương đồng sâu sắc giữa ông ấy và chính tôi trong cách ông ấy kết hợp cái cảm thức về nỗi đau đớn với những cuộc nghiệm tác ngôn ngữ. Điều đó rất giống với những gì tôi đang cố gắng thực hiện. Nhiều nhà thơ tách rời kinh nghiệm sống của họ khỏi cái ngôn ngữ họ sử dụng trong thơ, nhưng trong trường hợp của Celan có một sự phối kết, một điểm hội tụ của kinh nghiệm sống và cái ngôn ngữ nghiệm tác.

[...]

 

G: Hãy đổi đề tài nhé. Lưu vong cho ông sự tự do. Không phải là tôi đang lãng mạn hoá sự lưu vong, mà hồi còn nhỏ tôi đã có kinh nghiệm lưu vong khi tôi lìa bỏ Hungary và dời sang Thuỵ-điển. Tôi nghĩ lưu vong cho ông sự tự do, nhưng sự cô đơn là cái giá ông phải trả...

B: Mặc dù một số nhà thơ không chấp nhận điều ấy, tôi vẫn nghĩ lưu vong có một phương diện tích cực... Nếu lưu vong là một cuộc du hành bất tận, thì nó là một cuộc du hành xuyên qua sự trống rỗng. Nó ban cho anh cái tri thức mới mẻ về sự trống rỗng.

[...]

 

G: ... lưu vong đã đem đến một điều gì đó cho tác phẩm của ông...

B: ... Tôi nghĩ lưu vong đã cho tôi nhiều cơ hội để đối diện với cái tâm thức hôn trầm, mà mỗi con người đều phải đối diện... Con đường dẫn đến cái tâm thức hôn trầm, một số người có thể từ chối nó, một số người khác có thể bỏ cuộc nửa chừng. Nó đã cho tôi lòng can đảm để tiếp tục dấn bước.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021