thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Trao đổi với hoạ sĩ Trịnh Cung về một chuyến đi Mỹ

 

Thanh Xuân thực hiện

 

THANH XUÂN: Ông vừa đi xa về, ông có thể nói đôi điều về chuyến đi ?

TRỊNH CUNG: Chuyến đi này được tổ chức dưới sự tài trợ của Rockefeller Fellowship, thuộc tài khoá 2006-2007. Đề tài về “Mỹ thuật Việt Nam từ chiến tranh đến hoà bình” của tôi được chọn bởi William Joiner Center thuộc Đại học Massachusetts, Hoa Kỳ. Đây là một chuyến đi dài: 21 giờ trên chuyến bay của hãng United Airlines từ thành phố HCM đến thành phố Boston nước Mỹ. Mệt mỏi vì đường bay quá dài, thức ăn không hợp khẩu vị và 3 lần check-in bị khám xét kiểu chống khủng bố. Càng khổ thân cho những ai ghiền thuốc lá vì bị cấm tuyệt đối. Anh bạn cùng đi với tôi, nhà thơ Trần Tiến Dũng, là một người ghiền thuốc lá. Đây là lần đầu đi Mỹ, vì nước Mỹ “quá hớp” như tôi đã ca tụng: thành phố Boston quá đẹp với những dãy phố gạch đỏ kiểu Anh, mỗi ngôi nhà là một câu chuyện bí ẩn, là bài thơ tình lãng mạn kiểu “Ta ngắt đi một cọng hoa Thạch thảo/ Em nhớ cho mùa thu đã chết rồi...”, với những trường đại học danh tiếng hàng đầu thế giới như MIT và Harvard, và cả trăm đại học khác. Sau khi xong việc, sẽ đi thăm California với Bolsa, nơi nhiều bạn hữu đang chờ để đưa anh đi thăm thành phố đẹp nhất thế giới San Francisco, thiên đường đánh bạc Las Vegas và Grand Canyon (Đại vực) kỳ quan thiên nhiên số 1 thế giới, thế nên việc nhịn thuốc lá, không quen bay đường dài và thức ăn trên máy bay Mỹ không hợp khẩu vị cũng trở thành “chuyện nhỏ”.

 

Trịnh Cung và Trần Tiến Dũng tại Chicago Airport

 

TX: Như vậy, có bao nhiêu đề tài được chọn cho lần này và những ai đã cùng đi với ông?

TC: Chuyến đi vừa rồi của chúng tôi là chuyến đầu tiên của tài khoá vừa nêu. Đi từ Sài Gòn có 2 người: tôi, với đề tài nêu trên, và nhà thơ Trần Tiến Dũng với đề tài “Thanh niên Miền Nam Việt Nam trong bối cảnh từ chiến tranh chuyển sang hoà bình”. Đoàn miền Bắc có 5 người, gồm: nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, đạo diễn sân khấu chèo Lương Tử Đức, nghệ sĩ rối nước Chu Lượng, Nguyễn Quang Thuận (con của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều) và nhà thơ Nguyễn Quyến. Miền Trung với nhà Huế học Nguyễn Đắc Xuân và nhà thơ Tô Nhuận Vĩ. Đoàn miền Bắc đi đông như thế nhưng chỉ để phục vụ cho 2 tham luận: Chu Lượng nói về “Nghệ thuật Múa rối nước” và nhà thơ trẻ Nguyễn Quyến nói về “Công nghệ Sitcom và phim truyền hình Việt Nam”, số còn lại chủ yếu là phụ diễn rối nước. Miền Trung có một tham luận của Nguyễn Đắc Xuân nói về “Văn học và âm nhạc đấu tranh vì hoà bình của phong trào sinh viên học sinh đô thị ớ Huế trước 1975”. Còn lại của các đợt đi sau thì tôi hoàn toàn mù tịt.

 

Trần Tiến Dũng uống ngụm “nước Mỹ” đầu tiên tại Chicago Airport

 

TX: Công việc tiếp đón, ăn ở và làm việc đã diễn ra như thế nào?

TC: Tôi không biết những cuộc tiếp đón trước kia như thế nào, nghe Giáo sư Huệ Chi nói hoành tráng lắm, và như nhà văn Nguyễn Viện, năm ngoái được bố trí ăn ở tại nhà khách trường đại học lừng danh Harvard. Riêng cá nhân tôi, các lần trước đi thỉnh giảng ở đại học San Francisco và Indiana, tôi đều được ở tại nhà khách của trường, nhưng lần này, với tư cách của những “researcher” cho William Joiner Center thuộc Đại học Massachusetts, như chúng tôi (tôi và Trần Tiến Dũng), việc tiếp đón và ăn ở đã diễn ra thật đơn giản, đạm bạc như đi một trại sáng tác. Họ cấp cho tôi và Trần Tiến Dũng mỗi người một cái nệm bề ngang 80cm, loại nằm xuống bên này hơi dồn qua bên kia, và một tấm đắp. Phòng có 1 TV cũ không tín hiệu, không ghế, không bàn, không lò sưởi. Phải tự nấu ăn lấy từ gạo thịt có sẵn ở bếp ăn. Không phương tiện liên lạc như điện thoại (dù chúng tôi có mua thẻ gọi), không internet (muốn liên lạc phải hỏi mượn di động và laptop có internet của các bạn miền Bắc). Phòng tắm của 2 chúng tôi không có nước nóng như phòng của các “đồng chí” khác. Nước tắm lạnh quá tôi phải nhịn, chờ đi thăm các bạn ở Washington DC để tắm nhờ. Đuối đế lắm thì qua tắm nhờ phòng tắm của bố con nhà thơ Nguyễn Quang Thiều hoặc phòng tắm của Chu Lượng và Lương Tử Đức.

Nơi ở là một ngôi villa gỗ cũ nằm lạnh lẽo và hiu quạnh trong khu đồi Dedham, một thị trấn nhỏ rất xinh đẹp, cách xa thành phố Boston khoảng 100 dặm Anh. Một thị trấn rất thưa thớt người Mỹ, không thấy bóng người Việt Nam nào trừ chúng tôi. Việc này cũng làm chúng tôi lo sợ nạn kỳ thị của người Mỹ da trắng bảo thủ ở đây, nhất là sau vụ một thanh niên gốc Hàn thảm sát hằng loạt sinh viên và giáo sư của trường đại học Virginia Tech vừa qua. Nhất là hai đứa tôi đều đầu trọc — một giống Bắc hàn, một giống Nam hàn, hai tên lạ mặt mang hình thù những kẻ khủng bố — thế mới lo mỗi khi đi bộ xuống phố vì chán ngôi nhà buồn tẻ và hay tranh luận vớ vẩn mãi với 5 “đồng chí” ở chung ấy.

Nhưng cái chán nhất là công việc, nghe ra thì rất quan trọng, thì hăm hở biết chừng nào: qua Mỹ để trình bày đề tài nghiên cứu đã được chấp thuận sau khi trải qua một kỳ tuyển chọn trong hằng chục đề tài của các researcher Việt Nam khác từ trong và ngoài nước; nhưng “chưa đi chưa biết Đồ Sơn”, 2 tuần sống ở đây chỉ để mỗi người nói về đề tài của mình trong giới hạn 1 giờ, bao gồm cả phản biện. Các bạn khác còn được trình bày đề tài của mình tại trường đại học Massachusetts, còn tôi và Nguyễn Quyến (anh ấy đến Boston rất muộn, đọc xong tham luận ở đây rồi đi dự một trại sáng tác ở nơi khác) thì nói chuyện ngay tại phòng khách của ngôi nhà lưu trú ấy vì William Joiner Center không thu xếp được chỗ trong trường đại học Massachusetts. Với chúng tôi, 2 tuần lễ ở đây quá dài. Riêng các anh em miền Bắc còn tranh thủ tham dự các buổi đọc thơ hoặc làm show múa rối nước, họ và những người phụ trách William Joiner Center thân thiết như bạn bè lâu năm, còn tôi và nhà thơ Trần Tiến Dũng thì “hết ngày dài lại đêm thâu” thở dài, mong sớm được rời khỏi “ngôi nhà bí ẩn” này.

 

Trần Tiến Dũng và Trịnh Cung trong một lớp học ở đại học Massachusetts

 

TX: Và tham luận của ông? Nó được hoan nghênh và phản biện như thế nào?

TC: Tất nhiên là “thắng lợi rực rỡ”. Buồn mà nói chơi vậy thôi, chứ có mấy ai nghe đâu. Chỉ 13 người ngồi trong một phòng khách của ngôi nhà tạm dùng làm chỗ ăn ở cho chúng tôi. Trong số tham dự ít ỏi này, đoàn từ Việt Nam sang đã chiếm hết 9 chỗ. Còn lại, chỉ có 2 người của William Joiner Center, với một chuyên viên thu hình ghi âm và một cô du học sinh người Hà Nội. Vỗ tay và phản biện cốt để làm thủ tục, nó không phải là một đề tài thuộc loại “nhạy cảm”. Ngay cả loại đề tài này như của nhà thơ Trần Tiến Dũng, cũng chỉ có 4 câu phản biện không mấy gây cấn của các “đồng chí ta”, về phía William Joiner Center hoàn toàn không có một câu hỏi nào. Tôi có cảm giác là việc trình bày các tham luận một cách êm thắm và đầy tính nội bộ như thế này như chỉ cốt hợp thức hoá tài trợ Rockefeller Fellowship cho những đề tài đã được duyệt bởi William Joiner Center.

 

Trịnh Cung thuyết trình tại ngôi nhà ở Dedham

 

TX: Tham luận đã chán còn tham quan có khá hơn không?

TC: Chắc chắn là tuyệt vời nhưng, xin thưa, phần lớn không phải do tổ chức của William Joiner Center, mà do chúng tôi tự tham quan. Hai chuyến tham quan duy nhất mà William Joiner Center tổ chức cho tất cả 9 người của chúng tôi là đi Vermont thăm nhà thơ phản chiến rất nổi tiếng của Mỹ, bà Grace Paley, đã trên 80 tuổi, sống cùng chồng trên một ngọn đồi hoang vu . Và sau đó là New York, 9 người trong một chiếc xe 7 chỗ do anh Nguyễn Bá Chung,[1] một thành viên quan trọng của William Joiner Center lái từ Boston lên New York, khởi hành từ Boston lúc 3 giờ chiều. Đoạn đường này xe chạy hơn 4 giờ với tốc độ trung bình là 100 cây số/giờ. Chúng tôi đến nơi vào chập tối nên trước khi về chỗ ngủ (ngủ nhờ trên sàn phòng khách căn hộ của nhà toán kinh tế học Vũ Quang Việt, bạn thân anh Nguyễn Bá Chung) chúng tôi tranh thủ đi ăn mì Phố Tầu. Vì eo hẹp nhiều thứ, chúng tôi không thể có được một “New York by night”. Sự mệt mỏi đã nhanh chóng đưa chúng tôi vào giấc ngủ trong văng vẳng tiếng tranh luận nhẹ giữa nhà toán kinh tế học Vũ Quang Việt, chủ nhà, người từng là cố vấn cho Liên Hiệp Quốc và nhà thơ Tô Nhuận Vĩ về tình hình đất nước giữa tiếng ngáy của những “con tàu” made in Vietnam. Sau khi thức dậy, trước khi tôi và nhà thơ Trần Tiến Dũng tự túc đi tham quan Hoa Thịnh Đốn hai ngày bằng xe bus Tầu lúc 12 giờ trưa, và các “đồng chí ta” về lại Boston cũng cùng một buổi trưa hôm ấy. Chúng tôi chạy vội đến chụp hình kỷ niệm toà nhà Liên Hiệp Quốc và ngắm nhìn tượng Nữ thần Tự do ngạo nghễ đứng bên kia bờ Long Island.

Nếu chuyến đi Boston này không có sự xuất hiện ngoài mong đợi của nữ nhà thơ Mỹ gốc Việt Lưu Diệu Vân, thì ánh sáng của niềm vui khó hồi sinh trên khuôn mặt như chiếc bánh bao chiều của nhà thơ gốc Gò Công Trần Tiến Dũng. Lưu Diệu Vân đã đến phá vỡ sự cô lập và đưa chúng tôi tới những nơi đẹp nhất của trung tâm thành phố Boston, dẫn đi ăn những món ngon nhất ở đây như tôm hùm Boston..., có điện thoại để thăm hỏi người thân..., và 2 ngày thú vị ở Hoa Thịnh Đốn với 4 người bạn thân của tôi là các anh: Đinh Cường, Trương Vũ, Nguyễn Mạnh Hùng và Như Hạnh, để nhà thơ Trần Tiến Dũng được đi xem viện bảo tàng nghệ thuật danh tiếng Smithsonian, thăm đền Abraham Lincoln, bức tường cẩm thạch đen tưởng niệm hơn 50.000 lính Mỹ chết cho Miền Nam Việt Nam, và lại được ngủ, tắm rửa và tha hồ gọi điện thoại cũng như sử dụng internet trong một phòng ngủ đúng tiêu chuẩn Mỹ của vợ chồng cháu Đức Hà, con ông bạn sui gia với tôi. Niềm vui tinh thần này của chúng tôi còn có sự đóng góp rất cảm đông của vợ chồng chị Hai của Trần Tiến Dũng đã lái xe từ thành phố Toronto-Canada, vượt hằng vạn dặm đến Boston-Mỹ quốc để đưa chúng tôi đi tham quan khuôn viên 2 trường đại học lừng danh MIT và Harvard, cũng như nhà thơ Chân Phương và họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi đưa chúng tôi đi uống cà-fê ở Harvard Square trong một buổi chiều cuối tuần trước khi chúng tôi rời khỏi “ngôi nhà bí ẩn”[2] ở Dedham để về California.

 

TX: Và cuối cùng điều gì đọng lại nhất đối với ông sau chuyến đi?

TC: Đó là sự thân thiện hơn mức bình thường không cần che giấu giữa những người phụ trách William Joiner Center và các văn nghệ sĩ, học giả cộng sản từ miền Bắc Việt Nam. Điều này cũng đúng thôi, vì William Joiner Center được sáng lập và điều hành bởi những nhà thơ Mỹ từng chống chiến tranh Việt Nam trước 1975. Họ ủng hộ Hà Nội và họ cần làm những gì tốt nhất để được sự thân thiện từ phía kẻ thù cũ. Ngược lại, giới văn nghệ sĩ và học giả cộng sản từ miền Bắc Việt Nam cũng sẽ thực tế hơn về một nước Mỹ cực kỳ giầu mạnh, tự do và dân chủ qua những chuyến đi như thế này.

 

Trịnh Cung và Trần Tiến Dũng trước Viện Bảo Tàng Mỹ Thuật Boston

 

Thanh Xuân thực hiện
SG, tháng 6/2007

 

_________________________

[1]Nguyễn Bá Chung là Việt kiều duy nhất ở Mỹ có tác phẩm được chọn đăng trong tuyển tập 100 bài thơ Việt Nam hay nhất thế kỷ 20 (Hà Nội: Trung Tâm Văn Hóa Doanh Nhân và Nhà Xuất Bản Giáo Dục, 2007). Chỉ một Việt kiều khác có tác phẩm được chọn đăng trong tuyển tập này là Thu Trang, ở Pháp.
http://www.luongsonbac.com/forum/showthread.php?t=134279180

[2]Xem bài viết của Nguyễn Quang Thiều, “Bí mật ngôi nhà 269, phố Highland”, Tiền Phong Online, Thứ Bảy, 26/05/2007; và hai bài thơ: “Ngôi nhà bí ẩn ở Dedham – Boston” của Trịnh Cung, và “Bữa ăn sáng ở Boston của người đàn ông màu lục” của Trần Tiến Dũng.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021