thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Hoàng Long: người săn tìm những chớp truyện

 

Phỏng vấn tác giả Hoàng Long,
do Nhã Thuyên thực hiện.

 

Lời giới thiệu của Tiền Vệ:
 
Truyện cực ngắn đã xuất hiện trên Tiền Vệ ngay từ những ngày đầu tiên tạp chí liên mạng này ra đời vào đầu năm 2002, với loạt truyện cực ngắn của Trần Tất Ðạt và Nguyễn Như Núi cũng như bản dịch một số truyện cực ngắn của Jorge Luis Borges, Alexander Solzhenitsyn, David Foster Wallace, v.v… Sau đó, chuyên đề TRUYỆN CỰC NGẮN được khởi động từ thượng tuần tháng 8/2003, thu hút sự chú ý và đóng góp của rất nhiều cây bút từ bốn phương. Tháng 2 & 3/2004, tạp chí Văn Học (California) đã thực hiện chủ đề TRUYỆN CỰC NGẮN với sự hợp tác của Ban Biên Tập Tiền Vệ để giới thiệu một loạt bài lý thuyết và hơn 100 truyện cực ngắn của 40 tác giả đã đăng trên Tiền Vệ. Cho đến nay, Tiền Vệ đã giới thiệu gần 1000 truyện cực ngắn, và loại truyện này đã trở thành một "phong trào", lan đến những tờ báo liên mạng khác (và trở thành "truyện chớp" trên tạp chí Da Màu từ cuối năm 2006).
 
Trong số gần 100 tác giả viết truyện cực ngắn trên Tiền Vệ, Hoàng Long là một trong những người viết nhiều nhất, với 58 truyện. Anh đã tham dự vào phong trào TRUYỆN CỰC NGẮN trên Tiền Vệ từ cuối tháng 8/2005, với truyện đầu tiên của anh: "Thế giới trùm chăn" (đăng ngày 22.08.2005). Truyện ấy, giờ đây, cùng với một số truyện khác đã được giới thiệu trên Tiền Vệ, vừa được xuất bản thành tập truyện cực ngắn Thế giới trùm chăn (Hà Nội: Nxb Hội Nhà Văn và công ty sách Bách Việt, 2007).
 
Tiền Vệ xin chúc mừng Hoàng Long, và xin giới thiệu đến độc giả bài phỏng vấn Hoàng Long (do Nhã Thuyên thực hiện) nhân dịp ra mắt cuốn sách đầu tay của tác giả.

 

 

 

HOÀNG LONG: NGƯỜI SĂN TÌM NHỮNG CHỚP TRUYỆN

 

Nhã Thuyên (NT): Sự xuất hiện của anh đã ấn định một giọng văn lạ, một thế giới riêng, ở mảng truyện cực ngắn còn hiếm ở Việt Nam. Anh đã viết văn lâu chưa?

Hoàng Long: Thật ra tôi mới chỉ viết văn từ năm 2005 thôi. Trước đó cũng có viết lách chút đỉnh nhưng chẳng có gì đáng kể, chủ yếu là tìm cho mình một đường hướng sống. Điều quan trọng là sau khi đã hình thành được một triết lý của cuộc đời mình, lúc đó tôi mới cầm bút thực sự.

 

NT: Anh có thể tiết lộ triết lý đó không? Ở tuổi anh, có là quá trẻ để sống và tin theo một triết lí?

Hoàng Long: Thực ra làm người ai cũng cần vài ba nguyên tắc để sống. Nguyên tắc đó có thể chỉ đúng cho từng cá nhân mà thôi cho nên xin được phép dừng ở đây. Còn về trải nghiệm thì khó có thể nói thế nào là trẻ, thế nào là già “Trăng bao nhiêu tuổi trăng già, núi bao nhiêu tuổi gọi là núi non?”.

 

NT: Điều gì khiến anh quyết định “ăn nằm” với thể loại cực ngắn?

Hoàng Long: Học chuyên về Phương Đông và yêu thích những tư tưởng tuyệt vời giản dị mà thâm trầm của các hiền triết như Lão Tử, Trang Tử, Tô Đông Pha, Vương Dương Minh, Matsuo Basho, Nishida Kitaro…, tôi bắt đầu suy ngẫm: Tại sao “Đạo đức kinh” chỉ khoảng năm ngàn chữ mà ngàn năm sau người ta vẫn còn chú giải không hết nghĩa? Tại sao thơ haiku của Nhật chỉ có mười bảy âm tiết mà vẫn diễn tả được thế giới vô thường này? Từ những suy nghĩ đó và thêm nhiều va chạm với cuộc đời, tôi hiểu rằng nếu như người ta hiểu mình thì nhất thiết không cần phải nhiều lời. Rồi sau đó đọc thêm các truyện ngắn của Kafka, Kawabata, tôi thấy hình thức truyện cực ngắn rất phù hợp với căn tính của mình.Và càng viết, tôi càng thấy phù hợp. Tôi sẽ dành hết tinh lực cuộc đời mình để truy nhận loại truyện cực ngắn. Dĩ nhiên là tôi có đọc qua những bậc thầy như Kafka và Kawabata. Nhưng tôi đọc để khởi sự đi theo con đường của mình.

 

NT: Thế có nghĩa là có một “hợp lưu” Đông và Tây trong cách cảm niệm và tạo tác hình thức truyện ở anh. Còn các nhà văn Việt Nam, anh có thấy một cọ xát nào không, hay một đường hướng tìm tòi chung?

Hoàng Long: Đối với Việt Nam, thì ngoài thơ văn của Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm và Tuệ Trung Thượng Sĩ tôi thích đọc thơ của Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên, Nguyễn Tất Nhiên và truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp.

 

NT: Nếu nói chỉ một câu thôi về truyện cực ngắn anh sẽ nói gì?

Hoàng Long: Có thể xem truyện cực ngắn là một tia chớp loé lên giữa mịt mù của tâm thức để trong khoảnh khắc đó ta nhận ra rằng cuộc sống là một đường chỉ vắt ngang qua vực sâu mà hành nhân phải đi qua trên con đường hành hương thân phận.

 

NT: Anh nghĩ thế nào về những câu chuyện và cách kể lại những câu chuyện?

Hoàng Long: Một câu hỏi rất hay. Điều quan trọng không phải là nội dung câu chuyện mà là cách kể câu chuyện đó. Tanizaki Junichiro đã viết lại truyện “Genji monogatari” của nữ sĩ Murasaki Shikibu đến ba lần. Kawabata và Mishima cũng chịu ảnh hưởng và đã viết lại thành các truyện ngắn có nội dung tương tự. Cho nên trong văn chương hiện đại, điều quan trọng là cách kể chuyện. Hơn thế, trong thể loại truyện cực ngắn, có thể nói là không có câu chuyện mà đó là những hình ảnh vụt hiện và người đọc sẽ nhận ra tư tưởng của tác giả qua chính hình ảnh loé sáng đó. Vấn đề là nếu không biết cách diễn đạt (cách kể chuyện) thì hình ảnh đó không hiện lên hay chỉ nhạt nhoà giữa các con chữ.

 

NT: Trong thế giới của anh, có truyện ngắn nói đến việc anh sáng tạo một “mĩ nhân loã thể”. Sao lại cứ nhất thiết phải là mĩ nhân? Một người phụ nữ xấu xí không được sao?

Hoàng Long: Đối với tôi, đàn bà là phải đẹp bởi vì họ là suối nguồn của sáng tạo. Bởi vậy mà trong thế giới của tôi, nếu có bóng dáng đàn bà thì phải là mĩỹ nhân. Tôi không thể miêu tả một người phụ nữ xấu xí vì đối với tôi như vậy là xúc phạm nữ giới. Tất nhiên cái đẹp ở đây mình phải hiểu theo nhiều nghĩa, “vẻ đẹp của người phụ nữ không phải nằm ở trên đôi má của nàng mà nằm trong mắt kẻ si tình”. Và còn là vẻ đẹp của đức hạnh. Trong truyện cực ngắn khó có thể miêu tả vẻ đẹp nội tâm của phụ nữ vì thế phải thông qua vẻ đẹp thân xác mà chuyển tải điều đó.

 

NT: Đó phải chăng là “cố tật” riêng của anh về cái đẹp? Việc mặc quần áo cho nàng được tôi hiểu như khả năng “đồng sáng tạo” của người đọc, có phải vậy không?

Hoàng Long: Chính xác thì tôi muốn xem tác phẩm của mình như một mỹ nhân loã thể. Và người đời sẽ khoác xiêm y cho nàng bằng cách hiểu của chính bản thân họ.

 

NT: Người ta thấy ở thế giới của anh nhiều motive làm nhớ Kafka như hang ổ, hầm.... Anh có thấy mình ảnh hưởng các motive của Kafka lộ liễu quá không?

Hoàng Long: Tôi thừa nhận là mình có đọc và một phần nào chịu ảnh hưởng của Kafka và Kawabata nhưng không hề đến mức lộ liễu. Bởi như tôi đã nói ở trên, quan trọng là cách diễn đạt (tức là cách kể chuyện). Những motive như hang ổ, hầm hố cũng như chất thơ, hài hước, mỉa mai, sự u ám thì không phải của riêng Kafka mà là của chung thế giới. Chỉ có điều Kafka với tài năng bậc thầy đã khái quát lên thành một mẫu mực điển hình mà thôi. Khi mới trong lòng mẹ, không phải chúng ta đang nằm trong hang ổ hay sao? Và nhà cửa, chỗ làm việc, xe hơi đời mới xét cho cùng cũng chỉ là hang ổ của con người trong cõi đi về này thôi.

 

NT: Và nữa, giữa anh, Murakami, Kafka, có thể một quan hệ tay ba nào không? Anh tìm được điều gì không có ở họ?

Hoàng Long: Về quan hệ tay ba giữa Kafka, Murakami và tôi thì có thể nói như thế này. Kafka và Murakami miêu tả sự cô đơn phận người và sự phi lý của cuộc đời, trong đó cá nhân cố gắng tìm mối tương giao với tha nhân và cuộc đời nhưng thất bại, phải lui về thế giới riêng của mình. Nhưng trong thế giới đó, họ không có gì hết. Đôi khi chỉ là một cái hang, một xó xỉnh để náu mình và chấm hết. Nhưng nhân vật trong truyện cực ngắn của tôi có riêng cả một thế giới. Nhân vật nhiều khi không muốn từ bỏ thế giới riêng của mình để hoà nhập với một thế giới khác của tha nhân. Nói chung là cả một thế giới mà nhân vật đang âm thầm kiến tạo. Tôi cùng với nhân vật của mình đang tiếp tục kiến tạo thế giới đó và sẽ mở mang ra thêm nữa. Nhưng thế giới đó không hề bạo loạn vì tôi và nhân vật đều kiên trì những nguyên tắc sống của mình. Và cũng chính hệ thống tư tưởng đó kết nối giữa những tác phẩm riêng biệt lại với nhau làm thành một mảng màu dù u ám nhưng độc sáng.

 

NT: Anh tự đánh giá như thế nào về mức độ thành công của những truyện cực ngắn mình viết?

Hoàng Long: Về đánh giá xin để mặc cho thời gian và độc giả. Tôi rất thích câu nói mà tôi đã suy ngẫm được trong những ngày tháng không tên là “rồi thời gian sẽ trả lại cho ta tất cả những gì thuộc về ta”. Về phần mình, tôi đã làm hết sức mình và nếu như cho tôi thời gian để viết lại tôi cũng chỉ viết được như thế mà thôi.

 

NT: Anh sẽ thâm canh ở mảnh đất này chứ?

Hoàng Long: Tất nhiên là tôi sẽ theo đuổi thể loại này đến cuối đời vì như đã nói ở trên, tôi cảm thấy thể loại này phù hợp với cơ địa của mình nhất.

 

NT: Đến tận cuối đời ư? Tôi thấy các nhà văn thường liên tục tìm kiếm mình qua nhiều thể loại, và đó là một cách bung phá sức sáng t ạo...

Hoàng Long: Đúng là nhà văn thường tìm kiếm nhiều cách diễn đạt khác nhau qua nhiều thể loại nhưng thường chỉ thành danh trong một thể loại phù hợp nhất với anh ta. Sáng tạo đa diện và nổi tiếng trong tất cả thể loại mà mình thử sức thì thật là tuyệt diệu nhưng có phải ai cũng làm được như vậy đâu. Tôi thấy mình nếu viết được khoảng ba trăm truyện cực ngắn thì cũng quá đủ rồi. Tất nhiên làm được điều này hay không thì còn phải tuỳ thuộc vào ý trời và âm đức phù hộ của tổ tiên.

 

NT: Anh thích nhất truyện nào của mình?

Hoàng Long: Nói chung truyện nào đối với tôi cũng quan trọng như nhau vì nó đều là những đứa con tinh thần của mình cả. Nhưng có lẽ nếu được chọn tôi sẽ chọn “Thế giới trùm chăn”. Đây là truyện tôi viết trong những tháng ngày tăm tối nhất của chuỗi ngày tháng không tên. Lúc đó tôi cũng mới vừa hình thành cho mình được một triết lý sống và về cuộc đời mà quý bạn sẽ thấy phảng phất trong những truyện cực ngắn khác.

 

NT: Anh đã bao giờ cảm thấy mình mòn hay nhạt đi chưa? Và liệu độc giả có thể chờ đợi một sự bứt phá nào không?

Hoàng Long: Đến bây giờ tôi mới chỉ thấy là mình đang khởi đầu. Còn bứt phá ư? Hãy để cho thời gian định liệu. Xin trích một câu Kinh Thánh “đừng bao giờ lo cho ngày mai vì ngày mai sẽ tự lo cho chính nó”. Câu nói này đúng ít nhất trong lĩnh vực sáng tạo vì ta không bao giờ biết ngày mai mình sẽ được mặc khải những gì.

 

NT: Thế anh có cảm thấy một hạn chế nào, nếu có thể nói như thế, trong cách viết của anh? Anh có cảm thấy mình vì ham kiếm tìm hình ảnh quá mà quên chọn chữ chăng?

Hoàng Long: Thực ra chính bản thân ngôn từ và bản thân con người là đã có giới hạn rồi. Và mỗi thể loại văn chương đều có thêm những giới hạn riêng của chính nó nữa. Cho nên vấn đề là phải biết gợi mở và dẫn đường để độc giả thấy được “hải triều âm” trong câu chuyện. Đó chính là tiếng của vô thanh, của “thoại trung hữu thoại”.

Tôi rất kỹ lưỡng trong việc chọn lọc từ ngữ bởi bản thân truyện cực ngắn là thể loại rất cô đúc nên phải biết quý trọng từng từ. Có nhiều người cảm thấy nhiều khi tôi không chắt lọc câu chữ bởi vì cách chắt lọc của tôi khác với cách hiểu của họ. Nếu không dùng những từ như thế truyện không có ấn tượng được. Đó cũng là cách tạo khí hậu văn chương cho hình ảnh truyện. Bạn có thể thử viết lại truyện của tôi bằng ngôn ngữ bình thường đi xem thử chất huyền bí và u uẩn lồng lộng riêng mang có còn không?

 

NT: Anh thích đọc gì và ăn gì? Có một loại thức ăn đặc biệt nào anh tự chế tạo cho mình không?

Hoàng Long: Tôi chuyên chú đến văn học hiện đại và tư tưởng triết học Đông, Tây. Trong những đêm mưa mịt mùng, tôi thích lật một trang thơ của Tô Đông Pha, một trang văn của Cao Hành Kiện, của Milan Kundera, của Francois Jullien mà nghe máu chảy trong thân xác theo nhịp đời chông chênh thịt da. Hay buổi chiều yên tĩnh, lật một trang “Đạo đức kinh”, một trang Kinh Phật hay “Tân Ước” mà suy ngẫm về cuộc đời và hành trình cứu độ mà chỉ được tựu thành qua chính bản thân ta.

Còn về ăn uống thì sao cũng được. Tôi là sinh vật dễ nuôi.

 

NT: Trân trọng cảm ơn anh!

 

 

-----------------------------------
Đôi nét về tác giả Hoàng Long:
Hoàng Long, sinh năm 1980, tại Đà Lạt, Nguyên quán: Quảng Bình.
Từ năm 1998 đến 2002 học khoa Đông Phương học, chuyên ngành Nhật Bản học tại trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh.
Từ năm 2003 đến 2005 học Cao học Văn hoá học tại trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh.
Hiện là giảng viên Nhật ngữ tại Sài Gòn. Ngoài ra còn dịch thuật, nghiên cứu, viết văn.
Tác phẩm đã xuất bản: Tập truyện cực ngắn Thế giới trùm chăn, Nhà xuất bản Hội Nhà Văn và công ty sách Bách Việt, 2007.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021