thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Nhà thơ Phan Huyền Thư — người nối dài sự sống cho chữ

 

Phỏng vấn Phan Huyền Thư.
Hà Thanh Vân thực hiện.

 

“Tôi không có vai “trong thơ” - phản diện với vai “ngoài đời”- chính diện. Nhưng tôi có hai con người: con người luôn tìm cách phá hoại chính mình, còn người kia lại đi “khắc phục hậu quả”. Có lúc điên rồ, có lúc yếu mềm; có lúc ngoan, lúc hư; lúc bướng bỉnh ngang ngạnh “xịn”, lúc thuỳ mị nết na “đểu”... nhưng chưa bao giờ độc ác cả”. (Phan Huyền Thư)

 

 

 

 

Hà Thanh Vân [HTV]: Chị làm đạo diễn. Công việc này chiếm một lượng thời gian lớn của chị. Vậy chị dành thời gian ra sao cho việc đọc sách hoặc đọc báo chí để nắm bắt tin tức thời sự văn học. Chị thường đọc sách gì?

Nhà thơ Phan Huyền Thư [PHT]: Tôi rất xấu hổ khi phải thú nhận rằng, càng ngày, thời gian tôi dành cho việc đọc văn chương càng ít. Thời gian tôi đọc nhiều nhất là khi còn bé và khi chưa học xong, chưa có công ăn việc làm, chưa có gia đình... Lúc đó, đọc thành một nhu cầu nội tại. Nhu cầu đọc của tôi đã ít dần đi khi nhu cầu viết của tôi lại lớn dần lên. Nếu cùng lúc đọc nhiều và viết nhiều, tôi nghĩ đó là chân dung của những nhà phê bình đẳng cấp. Một người sáng tác như tôi cần nhiều thời gian cho việc sống, yêu, lao động, chứng kiến, dâng tặng, chấp nhận và cay đắng, phẫn uất... Để có thể biến mình thành vô diện, vô danh, vô hình, vô ảnh... và nuôi dưỡng sự cô đơn cần thiết cho những liên tưởng riêng của mình, tôi chỉ thật sự đọc khi có nhu cầu và thấy mình mục ruỗng, bế tắc. Thời sự văn học không hấp dẫn tôi, đời sống hấp dẫn tôi hơn. Có lẽ vì thế tôi dành nhiều thời gian để làm phim tài liệu. Có nhiều cách đọc. Sống thật, chia sẻ thật với cuộc đời cũng là một cách đọc.

Loại sách xuất bản hiện nay tôi thường đọc là sách mang tính kỹ năng: các loại từ điển, triết học, lịch sử, nhân chủng học, thần học... hoặc những mẩu truyện cười vui trên báo. Hiện nay, tôi đọc nhiều nhất là truyện tranh thiếu nhi. Tôi muốn chia sẻ với hai cậu con trai bằng cách hoà vào thế giới tinh thần của các con. Bạn đọc bộ “Tý Quậy” của Đào Hải chưa? Rất thích. Hoặc tủ sách truyện tranh về danh nhân thế giới cũng rất hay.

 

HTV: Trong nhiều bài bình giá về tác phẩm văn chương đặc sắc gần đây, tôi thấy nhiều người thường nhấn mạnh nhà thơ này, hay nhà thơ kia đã vận dụng thủ phảp điện ảnh để tạo hình và biểu cảm. Hoặc nhờ có thủ pháp điện ảnh ấy nên hình ảnh thơ mới nổi hình nổi sắc hơn lên. Chị nhận xét thế nào về mối liên hệ giữa văn học và điện ảnh?

PHT: Văn học và điện ảnh thuộc hai loại hình nghệ thuật độc lập. Trước đây, mọi thứ đều phải được bắt đầu bằng văn bản, có nghĩa là phải viết ra giấy bộ phim anh định làm. Bây giờ, nếu đã có sẵn tiền thì chỉ việc vác máy đi quay bộ phim nằm trong đầu mình. Nếu chưa có tiền, buộc phải viết ra “những lí do để thuyết phục” một cách hấp dẫn nhất và chính đáng nhất về bộ phim mình muốn làm để người bỏ tiền chấp nhận. Tôi không thích coi quá nặng về vấn đề “kịch bản văn học” của điện ảnh mà tôi chỉ coi trọng tính chuyên nghiệp của “kịch bản điện ảnh” mà thôi.

Nếu có điều gì gần gũi nhất giữa mối quan hệ gia phả theo kiểu “Ông-cháu” này, thì chỉ có thể nói đến nghệ thuật kể chuyện. Cùng một câu chuyện sẽ được kể bằng hai thứ ngôn ngữ khác nhau. Tuy cả hai đều phục vụ một cách “ưu tiên” cho thị giác.

Kịch bản chỉ nên là bệ phóng cho các ý tưởng sáng tạo của bộ phim sẽ dần xuất hiện trong quá trình thực hiện bộ phim. Nếu không như vậy, tác phẩm điện ảnh rất dễ biến thành sự minh hoạ hời hợt cho một văn bản đầy ảo tưởng.

 

HTV: Chị thành công ngay từ sáng tác đầu tay? Hay cũng phải trải qua một thời gian dài thử bút?

PHT: Tôi chưa thành công, tôi chỉ tạm được chấp nhận thôi. Nhưng chính tôi lại thấy chưa thuyết phục được mình. Nghe chừng có vẻ vĩ cuồng quá nhỉ...

Nói thật, tôi thấy thơ mình cũng bình thường thôi. Để nhận ra điều này, tôi mất khoảng 10 năm... Bây giờ, 36 tuổi, mới thấy mình vừa nhẹ dạ, vừa may mắn lại vừa ngu ngốc khi cứ tưởng mình chắc chắn đã trở thành nhà thơ rồi... Vừa rồi, đọc thơ “thần đồng” Đặng Chân Nhân cùng hai cậu con trai... tự nhiên thấy ngượng quá. Hoá ra những thứ mình làm nó “nghiêm trọng” một cách ngớ ngẩn với chính nó. Có khi lúc này, sự im lặng của ngòi bút sẽ khiến mình “thơ” hơn.

 

HTV: Chị có thể chia sẻ với độc giả một kỉ niệm sâu sắc nhất của mình khi sáng tác hoặc đăng in thơ chứ?

PHT: Tôi đã bị bão hoà. Khó có thể phân biệt trong mớ hỗn độn buồn-đau-tuyệt-vọng của mình cái gì là sâu sắc... và thực sự đáng để nhớ. Có lẽ, điều làm tôi thấm thía nhất là câu hỏi của bà nội. Khi bà đã hơn 100 tuổi, bà hỏi tôi: bây giờ con làm nghề gì? Tôi hãnh diện trả lời: Bà ơi, cháu là nhà thơ rồi bà ạ. Bà tôi rơm rớm nói: Con ơi con, sao con lại chọn cái nghề “ăn cay uống đắng” ấy làm gì...

 

HTV: Khi sáng tạo, chị thực sự giải phóng được trí tưởng tượng của mình?

PHT: Có lẽ nên nói ngược lại trí tưởng tượng của tôi đã giải phóng cho năng lượng sáng tạo trong tôi...

 

HTV: Có bao giờ chị chạy theo xu hướng sáng tác thương mại không? Nếu buộc phải làm vậy, để mưu sinh chẳng hạn, chị sẽ chọn cách viết thế nào để vừa được an toàn vừa được độc giả công nhận?

PHT: Thương mại nghĩa là sao? Để có thể bán được nhiều tiền (cho người tiêu dùng)? Để được trả nhiều tiền (từ phía người đặt hàng)? Để mưu sinh, tôi không chọn sáng tác. Tôi không thích những hạng người dùng đồng tiền sai khiến nghệ thuật và văn nghệ sĩ. Tôi kính trọng những người biết dùng đồng tiền phục vụ cho sáng tạo nghệ thuật để sinh ra lợi nhuận và có ích cho xã hội. Đấy có phải là cách “vừa an toàn vừa được công nhận” như ý bạn nói hay không? Thực ra, với sáng tạo, không có sự an toàn nào giá trị hơn sự công nhận của những người trong văn giới cả. Tôi chẳng bao giờ so đo trong nghệ thuật. Thích thì làm, không thích, không ai ép tôi làm được và chính tôi cũng chẳng thể lừa dối được cảm xúc của mình được.

 

HTV: Tôi nhận thấy, Phan Huyền Thư trong thơ thành thực với ham muốn, mạnh mẽ đến bướng bỉnh, táo bạo nồng si vậy, mà vẫn có khoảnh khắc “buồn xa xa, thương cũng xa xa”. Thế Phan Huyền Thư ngoài đời ra sao?

PHT: Tôi không có vai “trong thơ” - phản diện với vai “ngoài đời” - chính diện. Nhưng tôi có hai con người: con người luôn tìm cách phá hoại chính mình, còn người kia lại đi “khắc phục hậu quả”. Có lúc điên rồ, có lúc yếu mềm; có lúc ngoan, lúc hư; lúc bướng bỉnh ngang ngạnh “xịn”, lúc thuỳ mị nết na “đểu”... nhưng chưa bao giờ độc ác cả.

 

HTV: Có người nhận xét Phan Huyền Thư ngoài đời kiệm lời và khiêm tốn. Nét tính cách này có đúng với chị không?

PHT: Tôi cứ xuất hiện là lại “nói khôn” một cách ngu ngốc, trong khi người khôn thật thì phải biết “ngu ngốc” giả vờ, nghĩa là khôn vừa thôi, đừng khôn hơn người khác chứ!... Nhiều khi, tôi thấy tự ghét chính mình vì cái tội “thật quá”. Tội to nhất của tôi là “thật quá”, nhiều người thân của tôi nói vậy. Trong khi cái khôn nhất của tôi lại là cái “đã hết khôn dồn sang...” (cười)

Vì thế, tôi ít tiếp xúc, ít bạn, ít va chạm, tôi thèm được cô đơn một cách yên ổn. Tôi chỉ muốn im lặng để làm việc của mình. Thực sự tôi không thích xuất hiện trên truyền thông như mọi người nghĩ đâu. Nói thì chẳng ai tin, nhưng cứ ngồi trên tivi suốt ngày và leo lẻo trên báo thế, ai tin mình được!

 

HTV: Khi đặt bút viết, chị thường tâm niệm điều gì?

PHT: Thường thì tôi muốn chết hoặc đại loại là tôi muốn vứt một cái gì đó ra khỏi cuộc đời mình.

Tôi thấy cuộc sống đơn giản lắm, chẳng tội gì mà phải phức tạp. Nhân đây tôi cũng xin cáo lỗi cùng độc giả, ai cũng có những lo toan và sự đặc biệt của mình; chính vì vậy, tôi mong độc giả cũng đừng nên mất thời gian tìm cách hiểu thơ tôi làm gì. Thơ là món quà, tôi tự nguyện dâng tặng, ai thích thì nhận, ai từ chối thì tôi giữ lại cho tôi.

 

HTV: Tôi nhớ có lần chị khẳng định: chị luôn khao khát tạo ra giá trị mới cho ngôn ngữ. Thưa chị, vì sao lại phải tạo ra giá trị mới cho ngôn ngữ vậy?

PHT: Bởi vì chữ cũng là thực thể sống, nó cũng trẻ cũng già, cũng ốm đau, xấu xí bệnh hoạn, điên rồ và cũng có lúc lăn đùng ra chết. Viết những điều vô nghĩa là tạo ra một nghĩa địa chữ... tôi muốn sự sinh nhiều hơn sự tử. Vì thế, tôi muốn đi tìm giá trị mới cho chữ...

 

HTV: Chị tạo ra giá trị mới ấy bằng cách nào, chẳng hạn tạo ra nghĩa mới, nhạc nhịp mới, ngữ pháp mới... hoặc một điều gì đó tương tự thế? Nên hiểu thế nào cho đúng và cho thật đầy đủ về ngôn ngữ thơ, thưa chị?

PHT: Tôi chưa làm được gì so với khao khát có thực của mình. Hãy cho tôi “trật tự” để tôi tiếp tục khao khát

 

HTV: Thơ chị rất khó đọc và đọc rất khó vào. Chị lí giải sao về điều này?

PHT: Người thích ăn tiết canh dê, người lại thích ăn thịt chó hấp... người ăn gỏi, người lại thích sốt vang... Tôi nghĩ, món tôi nấu khó vào vì nó không hợp khẩu vị của người thưởng thức. Hoặc là tôi vụng, hoặc là chính họ vào nhầm quán, ăn nhầm món...

 

HTV: Những khao khát và nỗ lực làm mới thơ rất bền bỉ và mạnh mẽ ở chị, có quan hệ ra sao với sự đọc khó đó? Chị có bao giờ nghĩ “tầm đón nhận” của độc giả hiện nay rất thấp không?

PHT: Người kém hiểu biết thường không đọc thơ. Thơ phần nhiều dành cho những người ảo tưởng, viển vông và lãng mạn. Họ thường có nhiều đòi hỏi mang tính thoả mãn trí tưởng tượng và sự khao khát của chính họ chứ không quan tâm đến người đã trình bày ra cái tổ chức “phi ngữ pháp - giàu hình ảnh và nhạc điệu” kia muốn gì... Họ có quyền như vậy chứ!

Người biết đọc thơ một cách thực sự lại cao hơn tôi nhiều quá, họ chẳng đòi hỏi gì, chỉ ngồi rung đùi xem liệu tôi còn định “giở trò” gì với vài cái chữ ranh ấy... Vì thế, thông cảm cho tôi, tôi đang cố gắng để đuổi theo họ như con thỏ đang cố gắng đuổi theo con rùa trong truyện ngụ ngôn đây này...

 

HTV: Trân trọng cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này!

 

Hà Thanh Vân thực hiện

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021