thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Bát cú thuận nghịch độc 6-trong-1, tại sao không?

 

NGƯỜI PHỎNG VẤN (PV): Nghe anh bảo Nhà Xuất Bản Văn Học không phải là một nhà xuất bản uy tín như người ta vẫn tưởng. Anh cho biết lí do, chứ mọi người đều cho đấy là một trong những nhà xuất bản lớn và uy tín nhất nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam?

PIERRE BÙI (PB): Tôi cũng đã từng tưởng vậy, hoá ra không phải vậy. Chuyện thế này: Năm 2003 nhà xuất bản này cho phát hành quyển HÀN MẶC TỬ - THƠ và ĐỜI do ông Lữ Huy Nguyên sưu tầm và tuyển chọn, “căn cứ vào các tài liệu của Chế Lan Viên, Quách Tấn, Quỳnh Giao, và Trần thị Huyền Trang”.

 

 

Ở trang 10 có bài thất ngôn bát cú “Cửa Sổ Đêm Khuya”, trích từ Lệ Thanh Thi Tập:

 
                    CỬA SỔ ĐÊM KHUYA
 
           Hoa cười nguyệt rọi cửa lồng gương
           Lạ cảnh buồn thêm nỗi vấn vương
           Tha thướt liễu in hồ gợn sóng
           Hững hờ mai thoảng gió đưa hương
           Xưa người nhớ cảnh tình lai láng
           Vắng bạn ngâm thơ rượu bẽ bàng
           Qua lại yến ngàn dâu ủ rũ
           Hoà đàn sẵn có dế bên tường
 

Bên dưới bài thơ là hơn nửa trang chú thích, nguyên văn:

 
Bài này có thể đọc sáu cách: xuôi, ngược, bỏ hai chữ sau đọc xuôi, đọc ngược, bỏ 2 chữ trước đọc xuôi, đọc ngược. Dẫn ra vài cách để làm ví dụ:
 
Bỏ hai chữ đầu mỗi dòng thơ, rồi đọc xuôi:
 
           Nguyệt rọi cửa lồng gương
           Buồn thêm nỗi vấn vương
           Liễu in hồ gợn sóng
           Mai thoảng gió đưa hương
           Nhớ cảnh tình lai láng
           Ngâm thơ rượu bẽ bàng
           Yến ngàn dâu ủ rũ
           Sẵn có dế bên tường
 
Hay bỏ hai chữ cuối mỗi dòng thơ, rồi đọc ngược:
 
           Dế có sẵn đàn hoà
           Dâu ngàn yến lại qua
           Rượu thơ ngâm bạn vắng
           Tình cảnh nhớ người xưa
           Gió thoảng mai hờ hững
           Hồ in liễu thướt tha
           Nỗi thêm buồn cảnh lạ
           Cửa rọi nguyệt cười hoa

 

 

Anh có thấy ngay chú thích này là hoàn toàn sai không, vì rõ ràng 2 bài ngũ ngôn trên chỉ có thể đọc theo 1 chiều từ trái sang phải như đã dẫn, chứ có đọc được theo chiều ngược lại, từ phải sang trái, đâu? Bởi vì những chữ cuối của các câu nhất, nhị, tứ, lục, và bát, đọc ngược từ dưới lên, theo chiều từ phải sang trái, cụ thể là SẴN - YẾN - NHỚ - LIỄU - NGUYỆT (ở bài ngũ ngôn thứ nhất), cũng như các chữ CỬA - NỖI - GIÓ - RƯỢU - DẾ (bài hai), có hợp vần với nhau đâu?

 

PV: Đúng thế. Rồi sao?

PB: Nghĩa là ông Lữ Huy Nguyên đã chú thích sai; mà ông ấy lại là Giám Đốc của nhà xuất bản Văn Học hai nhiệm kỳ dài, cho đến tận 1999 là năm ông ấy mất! Nhà xuất bản và người làm sách đều “lớn danh” mà lại làm ăn thế, thì có đáng gọi là uy tín không?

 

PV: Nghe nói anh đã gửi bài phản ánh việc này, nhưng các báo không đồng ý công bố, phải không?

PB: Đầu 2007 tôi gửi cô Ngô Thị Kim Cúc báo Thanh Niên, cô ấy bảo sẽ đăng, nhưng rồi không thấy gì cả. Sau đấy tôi lại gửi ông Phạm Xuân Nguyên ở Viện Văn Học Hà Nội, ông ấy bảo có thể công bố, nhưng rồi cũng lại im luôn. Có thể nào người ta không muốn động chạm đến một nhà xuất bản hàng đầu của nhà nước không? Bởi việc này thì nó chẳng lớn, nhưng ý nghĩa thì nó cũng không có nhỏ đâu, đúng không?

 

PV: Thế ý anh định làm gì người ta?

PB: Chẳng làm gì hết. Tôi không quan tâm đến việc họ sai, nhưng có quan tâm đến khả năng khác thường, có một không hai, của tiếng Việt. Vâng, ấy là cái khả năng cho phép lật ngược thứ tự các từ trong câu mà vẫn có nghĩa trong một số trường hợp, được vận dụng để tạo nên những văn bản gây ngạc nhiên đáng kể, đặc biệt là với thơ vần. Ý tưởng làm ra một bài thơ với 6 cách đọc, như được mô tả trong phần chú thích trên kia của nhà xuất bản Văn Học, quả là một ý tưởng mới và thách thức đấy chứ, chỉ tiếc là bài thơ dùng để minh hoạ nó đã không đạt yêu cầu. Dù sao, một ý tưởng tốt như thế không phải để cho chúng ta bỏ mặc cách uổng phí; thực hiện nó cho trọn là điều đáng làm, nhất là đối với những kẻ có lòng yêu tiếng Việt. Thú thực là tôi, rất yêu tiếng Việt, đã bỏ công làm nó. Vâng, tôi đã sản xuất 3 bài bát cú đọc xuôi ngược 6 cách, chính xác như đã mô tả.[*] Xin mạn phép dẫn một bài ở đây:

 

              X HUẾ (2006)
 
 
(Mỗi trong 3 bài trên được đọc theo 2 cách: Trái sang phải, từ trên xuống / Phải sang trái, từ dưới lên)

 

Các bài tôi làm đã lâu, nhưng không gửi báo, vì coi chúng đã hết thời thượng; ấy nhưng Tết rồi tình cờ đọc được ấn phẩm nói trên của nhà xuất bản Văn Học, với lời chú thích tắc trách của giám đốc kiêm người làm sách, tôi nghĩ tại sao không thể nêu nhận xét phản hồi?

 

PV: Nghe nói anh cũng tính đăng ký tác quyền cho loại “xiếc thơ” này hả?

PB: Vâng, sao lại không? Tôi dám cuộc là người đầu tiên làm nó đó!

 

PV: Có chắc không?

PB: Muốn biết đúng sai thì trước hết cứ công bố lên, rồi mới hòng nghe thiên hạ người ta cãi lại như thế nào chứ nhỉ?

 

PV: Vậy, chúc may mắn!

 

 

_________________________

[*]http://www.hopluu.net/default.aspx?LangID=38&tabId=498&ArticleID=663

 

(Saigon, 3/2007)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021