thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Số phận của bài thơ "AMERICAN FOOTBALL"
Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn

 

HAROLD PINTER

(1930~)

 

Lời người dịch:
 
Từ trước đến giờ, trong văn giới Việt nam, chúng ta vẫn thường chứng kiến những bài thơ hay truyện bị báo chí từ chối đăng vì có ngôn ngữ "tục tĩu, dơ bẩn" hay chạm đến nhà cầm quyền. Tác giả của những những bài thơ hay truyện bị từ chối đăng thường bị dư luận xem là những cây bút không đứng đắn, thiếu trình độ, thiếu tài năng, hoặc cố tình phá bĩnh văn chương, hay "phản động".
 
Tuy nhiên, sự thật đôi khi có thể ngược lại. Chính Harold Pinter — kịch tác gia, nhà thơ, nhà văn vừa đoạt giải thưởng Nobel Văn Chương 2005 — cũng đã từng có tác phẩm bị báo chí từ chối đăng. Lý do để báo chí tư bản từ chối đăng bài thơ "AMERICAN FOOTBALL (Một khúc suy tư về Cuộc Chiến Vùng Vịnh)" chủ yếu không phải là lý do thẩm mỹ, đạo đức, hay chính trị (sợ chạm đến nhà cầm quyền, như ở nước ta), mà là lý do thương mại: họ sợ mất độc giả.
 
Qua bài viết dưới đây, Harold Pinter kể lại câu chuyện rắc rối nhưng thật tức cười về thái độ ứng xử của những ông chủ bút dưới sức ép của nhu cầu thành công về thương mại. Họ sợ rằng nếu có nhiều độc giả cảm thấy bị xúc phạm bởi lối dùng chữ "dơ bẩn" của Harols Pinter thì báo của họ sẽ khó bán. Điều tức cười là dù cá nhân các ông chủ bút ủng hộ, yêu thích bài thơ, và không thấy nó "dơ bẩn", họ vẫn "cảm thấy lạnh cẳng", nên không dám đăng. Tất nhiên lúc ấy Harold Pinter có vị thế khác hôm nay. Sau khi ông đoạt giải thưởng Nobel Văn Chương 2005, giới báo chí bắt đầu tranh nhau đăng bất kỳ thứ gì ông viết ra! Lối viết của ông càng "gay cấn" chừng nào thì báo của họ sẽ càng bán chạy chừng đó!
 
Nhan đề tiếng Việt của bài này là do người dịch đặt ra. Nguyên tác là "Blowing up the Media" đăng trong Index on Censorship (Vol 21, No 5, May 1992), sau đó được in lại trong Harold Pinter, Various Voices: Prose, Poetry, Politics 1948-1998 (London: Faber and Faber,1998), trang 214. Độc giả có thể đọc nguyên tác đăng lại trên website của Harold Pinter tại http://www.haroldpinter.org/poetry/poetry_football.shtml
 
Mời độc giả xem bản dịch Việt văn của bài thơ "AMERICAN FOOTBALL (Một khúc suy tư về Cuộc Chiến Vùng Vịnh)" đăng song song trên Tiền Vệ.

 

____________________________

 

SỐ PHẬN CỦA BÀI THƠ "AMERICAN FOOTBALL"

 

Tôi đã bắt đầu viết bài thơ này trên chuyến bay đến Edinburgh Festival vào tháng Tám 1991. Lúc máy bay đáp xuống Endinburgh tôi đã viết xong một bản nháp. Nó nhảy ra từ cái chủ nghĩa độc tôn toàn thắng, cái chủ nghĩa cường điệu nam tính, cái cuộc diễu binh khải hoàn, những cái mà người ta đã phô diễn hết sức công khai vào lúc ấy. Đó là lý do của câu "Bọn tôi đã nện cho bọn nó xịt cứt ra." (xem chú thích *)

Nơi đầu tiên tôi gửi bài thơ là tờ London Review of Books. Tôi nhận được một bức thư rất kỳ cục, trong đó đại ý họ nói rằng bài thơ có sức mạnh đáng kể, nhưng cũng chính vì lý do đó mà họ không thể xuất bản nó được. Nhưng bức thư ấy lại đưa thêm lời phát biểu dị thường rằng tờ báo chia sẻ những sự bực dọc của tôi về vai trò của Mỹ trên thế giới. Vì thế, tôi viết thư gửi lại cho họ. "Tờ báo chia sẻ những quan điểm của tôi, có phải không? Tôi sẽ giữ điều ấy cho riêng mình, nếu tôi là bạn, bạn thân ạ," tôi viết như thế. Và tôi rất hài lòng với lối dùng chữ "chum" (bạn thân).

Thế rồi tôi gửi bài thơ cho tờ Guardian, và ông chủ biên trang văn học lúc ấy gọi điện thoại cho tôi và nói, "Ôi... Harold, bài thơ này thật là... Anh đã thật sự cho tôi một cơn nhức đầu dữ dội vì bài thơ này. Tôi hoàn toàn ủng hộ anh, nói riêng như thế cho anh hiểu." (Đây là những gì còn trong ký ức tôi về cuộc điện đàm ấy). "Nhưng," ông nói, "anh biết đấy, tôi không nghĩ rằng... Ôôôiii, tôi nghĩ chúng tôi sẽ bị phiền toái ghê gớm nếu chúng tôi ráng đăng nó trên tờ Guardian." "Thật vậy sao," tôi ngây thơ hỏi, "chứ tại sao thế?"

Ông nói, "Thì..., Harold, chắc anh cũng biết, tờ báo của chúng tôi là một tờ báo gia đình." Ông đã nói nguyên văn như vậy. "Ồ, tôi xin lỗi," tôi nói, "tôi vẫn có ấn tượng rằng tờ báo của quý ông là một tờ báo nghiêm túc." Và ông đáp, "Thì..., vâng, tờ báo của chúng tôi cũng là một tờ báo nghiêm túc, dĩ nhiên. Tuy nhiên trong vòng vài năm trở lại đây thì tờ Guardian cũng có chút ít thay đổi."

Tôi đề nghị ông ấy thử bàn bạc với một số người cộng sự và liên lạc lại với tôi trong vòng vài ba ngày. Bởi vì, tôi nói, "tôi thật sự tin rằng tờ Guardian có trách nhiệm đăng tải những tác phẩm nghiêm túc, những tác phẩm được viết với phán đoán nghiêm túc, mà tôi tin rằng bài thơ của tôi là một tác phẩm như thế. Mặc dù nó rất nóng bỏng, tôi cũng thấy nó cứng rắn như thép. Thép nóng..." Hai ngày sau, ông ấy gọi cho tôi và nói, "Harold, tôi vô cùng xin lỗi, tôi không thể đăng nó được." Có vẻ như ông ấy muốn nói việc đăng bài thơ còn nặng ký hơn là cái chức nghiệp của ông ấy. Thế là xong tờ Guardian. Tôi bèn gửi bài thơ cho tờ Observer.

Tờ Observer là một cái mạng nhện phức tạp nhất và ly kỳ nhất mà tôi đâm đầu vào. Tôi gửi bài thơ không phải cho ông chủ biên trang văn học, mà cho chính ông chủ bút. Vài ngày sau, ông ấy gọi cho tôi và nói rằng ông nghĩ nó nên được đăng. Ông nghĩ nó thật là một màn thử thách. Có lẽ sẽ phải chống chọi với dư luận khá nhiều, ông nói. Nhưng ông nghĩ nó nên được đăng, không phải trên trang văn học, mà ngay trên trang đầu. Nó là một bài thơ chính trị thật sự, ông nói. Nghe thế tôi rất hài lòng. Ông hứa sẽ gửi cho tôi một bản đã sắp chữ để tôi xem lại trước khi in, và ông đã làm đúng như thế.

Đến Chủ Nhật sau đó vẫn không có gì xảy ra. Rồi thêm một Chủ Nhật nữa cũng không có gì xảy ra. Thế nên tôi gọi cho ông chủ bút. Ông nói, "Ôi.., Harold, tôi e rằng tôi đã kẹt vào một hai vấn đề với bài thơ của anh." Tôi hỏi ông ấy chứ những vấn đề ấy là gì. "Nói vắn tắt, các cộng sự viên của tôi không muốn tôi đăng nó." "Sao lại không?" Ông đáp, "Họ bảo với tôi rằng chúng tôi sẽ mất nhiều độc giả." Tôi hỏi, "Ông có thật sự tin như vậy không?" Nói đúng ra, lúc ấy chúng tôi trò chuyện với nhau khá thân thiện. Ông nói, "tôi muốn đăng nó, nhưng hình như tôi chỉ có một mình." Thế nên tôi nói, "Hãy xem này, tờ Observer, với tư cách một tờ báo nghiêm túc, mới vừa đăng một bài tường thuật xe thiết giáp của Mỹ đã thật sự làm gì trong sa mạc. Những xe thiết giáp ấy có mang những cái càng ủi đất, và trong cuộc địa chiến, họ đã dùng những cái càng ấy để quét sạch mọi thứ. Theo như những gì chúng ta được biết, họ đã chôn sống một số người Iraq mà chúng ta không rõ là bao nhiêu người. Điều này được tường thuật bởi chính tờ báo của ông như một sự kiện có thật và đó là một sự kiện khủng khiếp và dơ bẩn. Đúng là bài thơ của tôi có nói "Bọn nó chết ngạt trong cứt của chính bọn nó!" Câu này thì dơ bẩn, nhưng nó nói đến những sự thật dơ bẩn.

Ông ấy đáp, "Tuyệt đối chính xác. Đây này, tôi muốn đăng bài thơ của anh. Nhưng tôi đang bị chống đối từ mọi phía. Điều phiền phức chính là cái ngôn ngữ, nó là loại ngôn ngữ dơ bẩn. Người ta rất bị xúc phạm vì loại ngôn ngữ này và đó là lý do khiến họ nghĩ chúng tôi sẽ mất độc giả." Thế rồi tôi gửi đến ông chủ bút của tờ Observer một cái fax, trong đó tôi kể lại một mẩu chuyện của chính tôi lúc tôi cùng với Arthur Miller đến Đại Sứ Quán Mỹ tại Ankara hồi tháng Ba 1985. Tôi có trao đổi chút ít với ông đại sứ về tình trạng tra tấn trong những nhà tù ở Thổ-nhĩ-kỳ. Ông đại sứ nói với tôi rằng tôi đã tiếp nhận được những cái hiện thực của tình thế mặt-chạm-mặt trước sự đe doạ của Cộng sản, cái hiện thực quân sự, cái hiện thực ngoại giao, cái hiện thực chiến lược, và vân vân.

Tôi nói cái hiện thực mà tôi muốn đề cập đến là cái hiện thực của dòng điện giật vào bộ phận sinh dục. Nghe thế, ông đại sứ nói, "Thưa ngài, ngài là một người khách trong nhà của tôi," rồi ông ngoảnh đi chỗ khác. Tôi rời khỏi cái dinh thự ấy.

Điều tôi muốn nói với ông chủ bút của tờ Observer là ông đại sứ cảm thấy bị xúc phạm ghê gớm khi nghe chữ "bộ phận sinh dục". Nhưng cái hiện thực của tình hình lúc ấy, cái hiện thực rành rành của dòng điện giật vào bộ sinh dục, thì ông ấy lại chẳng màng đến. Chính cái lối dùng chữ của tôi làm ông ấy cảm thấy bị xúc phạm, chứ không phải cái hành động dơ bẩn rành rành kia. Tôi nói với ông chủ bút rằng tôi muốn nêu lên điểm tương đồng giữa mẩu trao đổi ngắn ngủi ấy với cái điều mà chúng tôi giờ đây đang bàn bạc. Bài thơ này dùng những chữ dơ bẩn để mô tả những hành vi dơ bẩn và những thái độ dơ bẩn.

Nhưng ông chủ bút của tờ Observer viết cho tôi một bức thư, nói rằng ông không thể đăng bài thơ, và rất hối tiếc về điều ấy. "Tôi đã muốn quyết định đăng bài thơ của anh về Cuộc Chiến Vùng Vịnh. Như anh biết đấy, ngay từ đầu tôi đã có ý muốn đăng nó, bất chấp những lời khuyến cáo của các đồng nghiệp thâm niên rằng nhiều độc giả sẽ cảm thấy bị xúc phạm... Nhưng thú thật, bây giờ tôi cảm thấy lạnh cẳng."

Gần đây, một nhà bỉnh bút của Observer có nói về việc tờ báo từ chối đăng bài thơ và có nhắc đến mối ưu tư của chủ bút "về những khuyết điểm của nó dưới hình thức một bài thơ." Nhưng không hề có bất cứ ai nói rằng "Chúng tôi nghĩ bài thơ này chưa đủ hay. Nó không phải là một tác phẩm thành công." Chưa từng có ai nói như thế cả.

Thế rồi tôi gửi bài thơ đến ông chủ biên trang văn học của tờ Independent, nói rằng tôi đã không gửi nó cho ông ấy ngay từ đầu vì tôi không nghĩ tờ Independent sẽ đăng nó. Nhưng giờ đây khi mọi người đều từ chối nó, hết tờ London Review of Books, đến tờ Guardian rồi tờ Observer, thì có lẽ tôi đã nghĩ sai về tờ Independent! Để khỏi phải kể một câu chuyện thật dài dòng, tôi xin tóm lại thật ngắn, rằng ông chủ biên trang văn học muốn đăng nó nhưng ông cảm thấy ông phải trình nó cho ông chủ bút. Ông chủ bút nghiền ngẫm nó vài ba ngày rồi không đưa ra nhận xét gì cả mà chỉ nói rằng tờ Independent sẽ không đăng bài thơ. Và tôi không bao giờ nhận được một lời giải thích nào cả. Tuyệt nhiên không. Chỉ đơn giản một chữ Không. Rồi tôi có gửi nó cho tờ New York Review of Books, chỉ để bật cười. Ông chủ bút nồng nhiệt cảm ơn tôi nhưng nói ông e rằng họ sẽ không dùng nó được. Vì thế tôi không phí thêm thì giờ nữa. Tôi nghe nói rằng một tạp chí gọi là Bomb, một tờ báo của Mỹ ở West Village có số lượng phát hành rất cao, có lẽ sẽ thích bài thơ, và quả thật họ đã đăng nó.

Rốt cuộc bài thơ cũng được đăng ở Anh vào tháng Giêng 1992, trên một tờ báo mới ra, gọi là Socialist, với số lượng phát hành hạn chế. Nhưng nói đến báo chí của các quốc gia khác, thì bài thơ được đăng trên một trong những tờ nhật báo chính của Hoà-lan, tờ Handelsblad -- và cũng chẳng cần úp mở gì cả, họ đăng bài thơ kèm với một bài do ông chủ bút viết về việc nó bị từ chối ở nước Anh. Bài thơ cũng đã được đăng ở Bun-ga-ri, Hy-lạp và Phần-lan.

 

 

-----------------------------
Chú thích của người dịch:
(*) "Bọn tôi đã nện cho bọn nó xịt cứt ra", trong nguyên tác Anh văn là "We blew the shit out of them" (câu 3 và câu 7 của bài thơ). Chữ "shit" bị đánh máy nhầm thành "shot" trong bài viết của Harold Pinter (bản đăng trên website).

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021