thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Cửa địa ngục (kỳ I)

Nhìn từ xa. Con vật lết trên mặt đất tạo ra một đám bụi nhỏ. Dường như nó muốn tiến về phía ngôi nhà cổ nằm chơ vơ giữa cánh đồng khô hạn. Ở nơi xa nhất, mặt trời đã khuất chỉ còn ánh lên cái màu đỏ rừng rực hoang tàn. Sau trận đánh ngày hôm trước, cả một vùng rộng lớn ba trăm hai mươi sáu ngàn cây số vuông không một tiếng động, ngoại trừ tiếng cọ xát của con vật hèn mọn lê thân trên nỗi nhớ nhung cội nguồn đất đai tơi tả.

Nhìn gần. Người đàn ông có đôi mắt như hai con sâu róm đang khép lại thời gian giữa những vết bầm tím trên khuôn mặt. Một cái chân gãy đã rớt lại ở đâu đó. Người đàn ông bấu mười ngón tay xuống đất cố níu giữ một linh hồn nhấp nhổm bay đi, nhưng từ trong vô thức, ông ta đã không còn là một con người. Và khi lết được tới trước cửa ngôi nhà, máu ông ta đã khô. Cái thân xác mang hình dáng con người chỉ còn là đất mang màu máu.

 

1.

 

Ngươi hãy tới trước mặt ta khai báo thành khẩn vì sao ngươi tới đây?

Con ma cũ đứng cạnh bàn thờ ra vẻ như chủ nhân của ngôi nhà. Không thể đoán được cái bóng ấy đã thấm bao nhiêu thời gian.

Con ma mới què một chân nhảy lò cò tới cúi đầu chào:

Người ta sống không nhà thì chết cũng có thể không mồ. Tôi tới đây chỉ bởi một cơn run rủi không chọn lựa, xin được tá túc.

Ngươi có hiểu thế nào là tá túc không?

Thưa là ở tạm.

Tạm ư? Cõi tạm của ngươi đã chấm dứt tấn tuồng tồn tại. Ngươi không biết ngươi đã sang một thế giới khác sao?

Thế giới nào thì tôi cũng phải tồn tại như tôi có.

Ngươi có đùa chăng?

Tôi rất mực nghiêm chỉnh.

Ngươi sống đã không biết, thì chết cũng vẫn u mê.

Ông dạy bảo thế là thế nào?

Chỉ có sự vĩnh cửu chứ không có cái gọi là tạm bợ. Chỉ khi là ma, người ta mới có thể biết được điều bí ẩn này.

Đấy là một nỗi khủng khiếp?

Phải.

Người đàn bà lụ khụ từ phía sau đi ra, trên tay bà cầm một đĩa khoai. Trong lúc bà đặt đĩa khoai lên bàn thì có một cái gì đấy khiến bà buộc phải nhìn ra cửa. Một cái xác người nằm vắt ngang giữa lối ra vào. Bà buông đĩa khoai xuống, vội vã bước tới. Bồi hồi, bà vén đám tóc xõa nhìn kỹ khuôn mặt xác chết. Đấy không phải là người bà chờ đợi dẫu bà vẫn chờ đợi những người trở về cho dù chúng chỉ còn là những xác chết. Bà bước vào trong, lấy ra một chiếc khăn che lên khuôn mặt đã tím tái của xác chết, rồi bà tới trước bàn thờ lấy một bó hương, đốt. Bà lẩm nhẩm khấn vái rồi cắm vào ba bát hương trên bàn thờ có ba khuôn mặt đàn ông, mỗi bát một cây. Xong, bà quay trở lại với xác chết bên ngưỡng cửa, cầm những cây hương còn lại nhìn ra trời xa, bà khấn :

Dẫu con là ai, nhưng con đã đến đây thì con là con của ta. Mẹ sẽ chôn cất con như chôn cất những đứa con yêu của mẹ. Nếu con linh thiêng thì nhận lấy tấm lòng thành của mẹ.

Người đàn bà cắm những cây hương còn lại xuống đất ngay dưới chân xác chết. Trong phạm vi ba trăm hai mươi sáu ngàn cây số vuông vẫn không một tiếng động. Người đàn bà lặng lẽ quay vào lột cái chiếu trên chiếc chõng tre bà vẫn nằm đem quấn cho xác chết. Bà lấy hết sức lôi cái xác đi về phía sau căn nhà.

Con ma cũ nói:

Dù sao ngươi cũng còn có cái chiếu để đắp.

Cái chiếu có vĩnh cửu không?

Ta đã nói với ngươi rồi, tất cả đều vĩnh cửu.

Như thế có nghĩa là đời đời kiếp kiếp tôi phải đắp chiếu?

Ngươi còn đời kiếp nào nữa. Thời gian đã đóng cửa với ngươi.

Người đàn bà đặt cái xác chết xuống cạnh gốc cây bằng lăng. Cả một vùng ba trăm hai mươi sáu ngàn cây số vuông chỉ có một âm thanh duy nhất, tiếng cuốc bổ vào lòng đất của bà lão. Chát và lạnh. Để đào được cái hố sâu hơn một thước, người đàn bà phải mất hết một nửa ngày. Trong nửa ngày ấy, cái hồn ma què quặt đã phải nhảy ba ngàn lần, qua ba ngàn thế giới để chỉ trả lời một câu hỏi giống nhau: Ngươi hãy thành thật khai báo vì sao ngươi đến đây?

Đặt cái xác chết ngay ngắn song song với cái hố, bà lão dùng cánh tay lau mồ hôi có lẫn nước mắt trên mặt, nói:

Mẹ xin lỗi, con chịu đau lần cuối cùng nhé.

Rồi bà đẩy cái xác xuống hố. Chỉ có một tiếng bộp nhỏ nhưng âm vang rất to làm rung cả không gian phẳng ba trăm hai mươi sáu ngàn cây số vuông. Đấy là âm thanh cuối cùng của cái xác chết đã tạo ra trên mặt đất.

Khi lấp đất xong, người đàn bà thắp một nén hương khác dưới chân nấm mộ. Bà không nói gì nữa, không khấn vái gì nữa. Bó hương bỗng bùng lên bởi một cơn gió bất chợt.

Con ma mới nói:

Như thế là tôi đã xong.

Chưa đâu. Không có cái gì gọi là hoàn tất trong thế giới này.

Người đàn bà chậm chạp quay lại nhà. Hai con ma lẽo đẽo theo sau.

Con ma mới hỏi:

Người đàn bà này là thế nào?

Ngươi phải hỏi cho rõ là thế nào với ta hay với ngươi.

Dạ cả hai.

Gần một trăm năm nay, ta vẫn hỏi người đàn bà này là thế nào.

 

2.

 

Người đàn bà đi thẳng xuống bếp. Bà nhóm lửa nấu một ấm nước. Ngọn lửa làm cho khuôn mặt người đàn bà hồng ấm lên, nhưng trong ánh mắt của bà sự lạnh lẽo vẫn âm u.

Con ma què mân mê con dao bổ củi, hỏi:

Tôi phải làm gì?

Hãy cầm con dao ấy bổ vào đầu mình.

Người đàn bà bỗng đứng dậy, nhìn quanh. Bà lẩm bẩm, con dao mới đây đã đâu rồi.

Ngươi có nghe thấy gì không?

Con ma mới vội đặt con dao vào chỗ cũ. Người đàn bà cầm con dao và nói: Dường như ta đã bắt đầu lẩn thẩn lầm lẫn. Con ma cũ bảo: Không, không phải bà lẩn thẩn lầm lẫn đâu mà cuộc sống rắc rối đặt để vậy. Con ma mới nói: Để tôi đỡ bà một chút. Nói xong, gã nhảy tới nâng con dao dưới tay bà. Người đàn bà lẩm nhẩm: Quả thật, con dao này đối với ta vẫn quá nhẹ. Bà đi ra vườn. Buồng chuối trĩu nặng những quả. Bà nói: Ma hay người thì cũng cần phải ăn. Con ma cũ tán đồng: Bà lúc nào cũng là người chu đáo. Lão vít cho cây chuối cong xuống: Bà chặt được rồi đấy. Con ma mới cùng nắm cán dao với bà. Một nhát ngọt sớt, buồng chuối lìa khỏi thân cây. Con ma mới kịp đỡ cho buồng chuối không rơi xuống đất. Gã khệ nệ bê buồng chuối vào nhà. Khi người đàn bà múc được ly rượu trong cái lu đặt ở góc nhà mang lên bàn thờ thì con ma mới cũng đã cắt xong từng nải chuối gọn gàng. Bà hơi ngạc nhiên nhưng không nói gì. Bà đặt một nải chuối vào đĩa rồi kính cẩn để lên bàn thờ cạnh ly rượu.

Chuối xanh chưa ăn được, nhưng làm mồi uống rượu cũng không phải tệ. Xin mời.

Ông thấy thế nào?

Rượu không được đằm, nhưng ta đã uống rượu của bà ấy ba mươi năm, lúc nào cũng thấy ngọt.

Bà ấy trữ rượu vì ông à?

Không phải vì ta mà vì một người đàn ông nào đó.

Ông là thế nào trong căn nhà này?

Chính ta cũng muốn hỏi người đàn bà câu này.

 

3.

 

Một người đàn ông nào đó. Hắn có mái tóc vàng, đôi mắt xanh như mặt hồ. Hắn là cơn mơ mộng của những cô gái mới lớn, bởi vì hắn đến từ chân trời, hắn mang theo ánh sáng và sự sung mãn giới tính. Khi người đàn bà còn là một cô gái trinh trắng vừa biết khát khao, hắn đến. Vụ cưỡng hiếp được chờ đón trong thầm kín đã xảy ra trên cánh đồng lúa non. Cô gái mang thai tưởng như cả thế kỷ vì dằn vặt đã đẻ ra một đứa con trai tuy giống mẹ ở màu da nhưng lại có màu mắt của bố. Nó trở thành niềm kiêu hãnh của gia đình nhưng là sự khinh miệt của hàng xóm.

Ở làng gốm cổ, thằng con lai là cái đột biến màu sắc của đất nung. Gã lầm lì lái chiếc xe đầu máy cày chở đầy củi đổ cho các lò nung. Gã nói gã không có bố. Mẹ gã mắt toét bảo rằng: Tao chưa kịp nhìn thấy trời đất thì đã có bầu rồi. Anh giáo làng văn vẻ cho rằng đấy là giấc mơ thần thánh. Mẹ của cậu bé Phù Đổng đã chẳng dẵm phải một dấu chân to lớn mà đẻ ra Thánh Gióng sao. Thằng con lai chỉ thấy mình là con vật. Gã đi đứng dửng dưng. Trong làng có vài mụ lỡ thì lén lút làm điếm. Đôi khi, gã tìm đến để khỏi tức dái. Người ta dụ gã ở lại chia sẻ cái thân phận bọt bèo. Gã bảo, đời có bao lâu mà trói buộc mình vào hệ lụy. Muốn sướng thì cứ hoang đàng. Người ta lại bảo, để hoang đàng thì cũng phải làm mửa mật ra mới có đồng tiền mà hoang đàng chứ. Cho không, chẳng muốn lại muốn vất vả. Gã nói, thà mất tiền mà lương tâm thanh thản.

Tiếng xe chở củi của gã bình bịch xé toạc cái trầm mặc của những mái nhà ngói cũ. Người đàn bà lỡ dở trở mình trong giấc ngủ thấy hai bầu vú nặng. Bà vất khúc cây ra giữa đường. Này, đừng nhặt củi của bà. Đóng thuế xong rồi mới đi được, nghe chửa. Thuế thì có quan thu, dân cũng đòi thuế nhau thì loạn đấy. Ừ, bà chỉ muốn loạn. Loạn thì có chó, ngựa. Cứ vô tư. Mả bố cái thằng lộn giống.

 

4.

 

Người đàn bà nhìn cơn mưa đang đến. Trông ngóng và lo âu. Bà lẩm bẩm: Thằng bé thế nào cũng để ướt chứ nhất định không bao giờ chịu mặc áo mưa. Con ma cũ muốn chia sẻ sự lo lắng với bà.

Mưa đầu mùa độc lắm.

Tôi ngửi thấy mùi hôi của đất pha lẫn cái mùi gỗ mục. Con ma mới góp lời. Thằng bé là ai vậy?

Thì đấy là một đứa chưa lớn. Mà cũng có khi lớn hơn ngươi.

Bà ấy có nhiều con không?

Nếu chỉ kể những đứa bà nuôi cơm thì vô số.

Tôi muốn hỏi những đứa do bà đẻ ra.

Bà ấy cũng đẻ ra vô số.

Ông nói chuyện không thực tế.

Ngươi biết thế nào là thực tế với thực thể?

Người đàn bà đội nón cầm chiếc áo mưa ra ngôi mộ mới đắp. Bà giăng chiếc áo mưa lên bốn khúc cây trên bốn góc mộ. Con ma cũ bảo, nếu không buộc chặt, chỉ một cơn gió là bay mất. Người đàn bà ngước nhìn những đám mây. Ừ, có gió lớn. Bà tước mấy sợi dây chuối buộc lại. Bà cũng tìm thêm một khúc cây khác chống ở giữa.

Con ma mới nói :

Lẽ ra tôi cũng không sợ mưa.

Vì bà ấy che mưa cho ngươi mà ngươi sợ à?

Tôi cảm thấy lạnh.

Bởi ngươi không có người hương khói.

Ông có lạnh không?

Ta không có cảm giác.

Nhưng người đàn bà cảm thấy ấm cúng vì họ. Bà bảo, mình vẫn cứ phải chờ.

Xung quanh bà vẫn còn có người ư?

Ít ra thì cũng có ta với ngươi. Ta hỏi thật, ngươi phải khai báo thành khẩn: Tại sao ngươi tới đây?

Còn ông, tại sao ông ở đây?

Ta là một sự đã rồi.

Tôi là một cơn run rủi.

Người đàn bà không bao giờ thắc mắc những người đàn ông là ai, họ đeo súng AK47 hay R16. Bà đi nhặt họ trên những lối mòn. Cũng có khi bà ghép lộn chân người này với tay người khác. Bà bảo, miễn sao các con thành người.

Chẳng có ai gặp bà mà lại không muốn uống một ly rượu và những người đàn ông đã uống rượu của bà đều bị say. Họ muốn ở lại với bà. Bà cũng chẳng muốn từ chối một ai. Nhưng rồi tất cả họ đều đã ra đi.

Tại sao ông không đi?

Vì đây là người đàn bà ta tìm kiếm.

Không còn điều gì để ông tìm kiếm nữa ư?

Thực ra thế giới không phải là vô tận.

 

5.

 

Những người đàn ông say rượu. Họ khật khừ đầy chật các quán nhậu và quan tâm đến mọi vấn đề của thế giới. Nếu ông giỏi, ông cứ tự sống xem sao. Điều quan trọng không phải là tự sống hay sống bám mà là khả năng hưởng thụ như thế nào. Người đàn ông tự xem mình là nhân vật quan trọng bảo: Ông nào không cạn ly không được quyền phát biểu. Bản lĩnh đàn ông được biểu tượng hóa bằng bia rượu. Họ là kỵ sĩ của chân lý. Đây là chân ly: Cậu là người nhỏ nhất ở đây, cậu hơi láo. Vấn đề không phải là láo hay lịch sự mà là đúng hay sai, tôi nói thế có phải không mấy ông anh? Phải cái mả mẹ mày. Đừng để cứt lộn lên đầu. Anh phải dạy cho mày một bài học. Anh dạy thì em nghe. Nào, vô.

Những ống cống chảy rào rạt dưới lòng thành phố pha lẫn ba mươi phần trăm tinh khí đàn ông, ba mươi phần trăm nước cốt ép các loại hoa trái lên men, ba mươi phần trăm các loại nước thải của các chuồng trại chăn nuôi gia súc, mười phần trăm còn lại là nước thải bệnh viện và các nhà máy hóa chất. Người đàn ông đeo kính trắng bảo, chúng ta có thể tái chế mọi thứ, kể cả một anh trí thức hạng sang. Tôi cho rằng cái mà chúng ta cần tái chế khẩn cấp là các mụ vợ. Này, tôi nghe nói trước khi tới đây ông phải xin phép vợ, đúng không? Ừ, đấy là người đàn bà đáng kính nhất trong số các bà lão giỏi việc nước, đảm việc nhà. Quê của bà ấy mới được nhà nước phong tặng anh hùng phải không? Chuyện ấy xưa rồi.

Ở một góc đất ẩn khuất, những người đàn ông đi làm cách mạng. Khi họ còn chưa mai một, những cô gái lớn lên đã phải kiếm cơm bằng cách tha phương làm đĩ. Chuyện nhỏ. Anh hùng hay làm đĩ đều tốt cả. Chẳng có gì phí. Tất cả vì cuộc sống tươi đẹp, phải không? Ừ, vô.

Nếu ông nào muốn tìm thứ rẻ, cứ qua Trung Quốc. Hàng hóa Trung Quốc rẻ nhất thế giới, con gái Việt Nam qua đấy cũng như bèo. Vừa rẻ vừa đông. Cuộc cách mạng lớn nhất lịch sử là con gái quê mình đã trở thành đĩ quốc tế. Nào, chúc mừng. Vô.

Có ông nào ra không đấy? Ông nào cần ra cứ ra. Có vô thì có ra. Phải coi ra vô là qui luật. Có ai phản đối không? Họ xếp hàng trong toilette. Có những hình vẽ kỷ hà trên tường nguyệch ngoạc như tranh bích động thời tiền sử. Họ lại vô. Ba mươi phần trăm huê hồng cho vụ này nhé. Ông anh cứ yên tâm uống thoải mái. Ánh sáng của người rạng rỡ đường chúng ta đi. Ông anh muốn gì em cũng chiều. Nào, vô.

 

[còn tiếp]

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021