thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
BA MƯƠI NĂM: KHOẢNG CÁCH & DẤU NỐI [Ngô Tự Lập]
phỏng vấn Ngô Tự Lập

 

 

Ông gặp một thi sĩ/văn sĩ Việt kiều lần đầu ở: phi trường, quán…? Trước đó, ông biết họ qua tác phẩm nào? Điều gì từ tác phẩm đó đã gây ấn tượng cho ông?

 

NTL: Văn sĩ Việt kiều đầu tiên tôi gặp ở Hà Nội là Trần Thiện Đạo, người tôi đã biết qua một số bản dịch và một số bài viết trên các tạp chí ở Sài Gòn trước năm 1975. Tôi đọc ông ở thư viện. Ấn tượng của tôi về các văn sĩ Việt kiều đầu tiên tôi gặp (khá nhiều) là họ có rất nhiều định kiến về các nhà văn trong nước. Các định kiến này đang giảm đi, nhưng vẫn còn rất nhiều trên các sách báo hải ngoại. Tôi sưu tập và in hai tập tiểu luận của Trần Thiện Đạo một phần cũng là để "phá tan" những định kiến như thế.

 

Người thi sĩ/văn sĩ Việt kiều mà ông thân nhất đã nói cho ông nghe điều gì về thơ/văn hải ngoại và thế giới? Những quan điểm nào ông đồng tình và không đồng tình? Ông nghĩ sao về các khuynh hướng sáng tác như Hậu hiện đại, Tân cổ điển…

 

NTL: Vì tôi gặp nhiều người và mỗi người nói một cách. Một trong những người tôi có ấn tượng tốt đẹp nhất là là Hồ Đình Nam mà tôi gặp ở London thì lại chẳng hề nói về những đề tài này. Tôi nghĩ Hậu hiện đại, Tân cổ điển hay bất kỳ khuynh hướng nào cũng có thể phù hợp với người này mà không phù hợp với người khác. Vấn đề là nó có trở thành máu thịt của người viết hay không. Nhưng để trở thành máu thịt, chỉ đọc lý thuyết chắc chắn là không đủ.

 

Ngoài những quan hệ có tính cách cá nhân như thế, ông có thường đọc các tác phẩm văn học bằng tiếng Việt ở nước ngoài không? Nếu thường, thường như thế nào? Những tác phẩm ấy thuộc thể loại gì (thơ/truyện/tiểu luận/phê bình)?

 

NTL: Tôi đọc tất cả các loại, tất cả những gì có được, cả trong sách báo in lẫn trên các trang web, nhưng chắc chắn là còn rất phiến diện và thiếu hệ thống.

 

Theo ông, văn học Việt Nam trong và ngoài nước có những khác biệt gì đáng kể?

 

NTL: Chắc chắn là có nhiều khác biệt, và điều đó là đương nhiên. Cuộc sống khác, con người khác, chắc chắn văn chương phải khác. Tuy nhiên, tôi thấy đáng ngạc nhiên là mặc dù sống trong hoàn cảnh chẳng bị ai trói buộc, nhiều nhà nhà văn hải ngoại vẫn tự trói buộc mình quá nặng nề. Nhiều người tự trói buộc còn hơn các nhà văn trong nước. Cảm giác ấy khiến tôi phải viết một bài thơ: "Sợi dây xích vô hình/ Như chuỗi ngày vô tận..."

 

Ông có tin là văn học trong và ngoài nước một ngày nào đó sẽ nhập làm một hay không? Điều kiện để dẫn đến sự “thống nhất” ấy là gì?

 

NTL: Tôi cho rằng chẳng cần bất cứ điều kiện gì. Văn học hải ngoại, ít nhất là bộ phận viết bằng tiếng Việt, chưa bao giờ không phải là một phận của văn học Việt Nam. Chúng ta vẫn đọc nhau đấy thôi? Dù có muốn chia tách cũng chẳng được. Thế thì cần gì phải có ngày thống nhất đó?

 

Trong cuộc “thống nhất” của nền văn học bằng tiếng Việt ấy, đóng góp chính của mỗi bên (trong/ngoài) là gì?

 

NTL: Phần đầu câu hỏi này tôi vừa trả lời. Còn phần sau: ai có gì đóng góp nấy. Nếu không có gì thì góp mặt.

 

Với những thi sĩ/văn sĩ hải ngoại, ông muốn cho họ thấy điều gì quí nhất trên trán ông và trong túi ông?

 

NTL: Tôi tự nhủ rằng chúng ta đều là người viết, đều là người Việt, đều là người.

 

(Trần Nhuệ Tâm thực hiện)

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021