thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
TỰ THUẬT VĂN HỌC: Những khó khăn & tác phẩm [kỳ 10]

 

THẾ UYÊN

(1935~)

 

 

Một chuyến ngao du...

 
 

Thất tình đơn phương

Tình hình đến đây, bị công khai hoá mối tình em họ yêu chị họ trên nguyên tắc giữ kín, tôi bị dồn ngay lập tức đến chân tường, không có cách nào khác là nói với ông anh Mặt Trời: Ông (thế hệ bọn tôi hay gọi bạn bè là ông, xưng tôi) về thưa với cô là tôi kể từ nay chấm dứt mọi liên hệ với Mặt Trời (chứ không phải chấm dứt yêu thương, vì dễ gì làm được ngay như lát dao phay bổ quả dưa hấu). Để cho chắc chắn, tôi sẽ không tới thăm Mặt Trời, không tìm gặp nàng nữa.

Tôi đã giữ đúng lời, từ đêm đó không trở lại căn biệt thự quen thuộc đầu thành phố. Tránh mang rơm lại gần lửa. Nhưng là họ hàng với nhau, các dịp tết lễ hơi nhiều, tôi cứ tránh mặt Mặt Trời mãi đâu có nổi. Thí dụ như ngày nhị hỉ, theo tục lệ, cô dâu mới Mặt Trời mang chồng đến chào bà nội mình. Tình cờ tôi có mặt vì đến thăm bà. Tôi chỉ nhìn chú rể có một chút, hào hứng gì đâu đi nhìn kỹ anh chàng lấy được người mình đã từng yêu. Đó là một bác sĩ: con gái chi cả họ Nguyễn T... có truyền thống phi bác sĩ bất thành phu phụ, không bác sĩ không lấy, cô chị lớn nhan sắc nổi tiếng một thời lấy một bác sĩ có tài làm chính trị, từng làm tổng trưởng thời VNCH. Cô út sang Pháp học rồi cũng lấy một bác sĩ... Nhắc lại hôm ấy: tôi chỉ nhìn đăm đăm Mặt Trời, bất kể chú rể và mọi người chung quanh. Bà tôi dù đi tu từ lâu nhưng vẫn tinh ranh sắc mắc, thừa đoán ra mọi sự. Bà ra lệnh cho cô dâu rót trà, tay nàng run run, hay tôi rung động mà tưởng nàng run... Và cũng đừng ai hỏi tôi ly trà Mặt Trời đưa là trà gì và có ngon không, vì quả thực tôi không biết, không nhớ nổi... vì còn mải ngắm bàn tay hồng xinh xắn với các ngón thuôn mềm mại - tôi thường chỉ thích con gái có hai bàn tay đẹp.

Sau khi tôi lập gia đình một thời gian, vợ tôi kể tình cờ một hôm gặp Mặt Trời trong Passage Eden, trong câu truyện nhỏ to đàn bà với nhau, Mặt Trời nói: Tưởng D. lấy ai, hoá lấy người giống mình... Quả thực đúng như thế: Mặt Trăng vóc dáng ra sao Mặt Trời tương tự như thế. Tôi bị điều kiện hoá đến nỗi về sau yêu và lấy vợ, cũng lấy một cô xinh xắn nhỏ nhắn mái tóc dài nồng nàn yêu kiều theo mẫu gái liêu trai của nhà văn Trung quốc Bồ Tùng Linh, nhưng có đôi tay ấm áp êm đềm, vỗ về.

Vợ chồng tôi có đến biệt thự nho nhỏ của vợ chồng nàng sau cuộc đổi đời 1975 hai lần. Hai bên bây giờ đều con trai con gái đề huề, mọi sự chìm lắng, bình thường. Nàng nấu mì gói mời khách và khi tôi kêu mặn quá, nàng nhanh nhẹn lấy ấm nước: Cho thêm nước là hết mặn chứ gì!... Dĩ nhiên tôi đã ăn mì mặn, không dám để bà đầu bếp này cho thêm nước này nọ khuấy lung tung. Lần thứ hai đi đâu về một mình tôi tiện đường ghé đến thăm lần nữa. Mặt Trời đi đâu vắng với các con, chỉ có ông chồng ở nhà. Trái với thái độ lãnh đạm thường có, lần này anh vui vẻ hơn, mở tủ lạnh lấy trái đu đủ cắt sẵn mang ra mời tôi. Qua những lời trao đổi, tôi hiểu gia đình này sắp vượt biên. Thời đó ai sắp vượt biên chỉ có thể dùng ngôn ngữ gián tiếp, ẩn dụ báo cho thân thuộc bạn bè, để tránh nạn sau đó Công An chất vấn, kết tội người ở lại, kể cả hàng xóm, kiểu như: Anh chị biết chúng nó phản động, âm mưu trốn khỏi tổ quốc mà không đi báo ngay Công An... Bộ đồng loã với chúng hả?...

Gia đình Mặt Trời vượt biển thành công và định cư tại một tỉnh nhỏ miền Trung Tây Hoa kỳ. Nhiều năm sau, khi chúng tôi theo diện ODP tới Mỹ, Mặt Trời trả lời thư hỏi thăm của vợ chồng tôi với lời lẽ sau: “Khi còn ở Việt nam bọn tôi mở cửa sổ ra, thấy toàn cát không, bây giờ thấy toàn bắp là bắp... Cửa trước cũng bắp, cửa sau cũng bắp...” Ông chồng nàng là thứ bác sĩ chuyên ở tỉnh nhỏ, dù ở bất cứ đâu. Bọn tôi chấm dứt liên lạc kể từ đó, dù vẫn biết lai rai về nhau qua những người trong họ: những tin tức quá thường như con cái tốt nghiệp lấy vợ lấy chồng sinh con đẻ cái. Định cư quá xa nhau nên chẳng bên nào nghĩ đến truyện gửi thiếp mời bên kia.

Tôi đã tưởng mối tình (tình một chiều và thất tình một phía) hồi mười chín tuổi đã bị xoá trong bộ nhớ não tôi; gần nửa thế kỷ, bao nhiêu là nước chảy qua chân các cầu rồi còn gì. Nhưng tôi lầm. Cách đây mấy năm xem phim “Người tình” quay theo hồi ký “khi ta mười lăm tuổi rưỡi” của nhà văn Pháp Marguerite Duras, tôi đã xúc động nhẹ nhàng khi đến đoạn cô bé Duras mặc robe trắng nữ sinh tay cầm cặp ra khỏi trường giờ tan học: trong một thoáng sắc không, tôi nhớ lại hình ảnh Mặt Trời cũng y phục trắng giản đơn như vậy cầm cặp đen ra khỏi chiếc cổng cổ lỗ sĩ như một tu viện ấy. Nhà đạo diễn Pháp đã tình cờ tái hiện đúng cảnh tan trường năm xưa... Vì một diễn biến dễ hiểu nhưng khó diễn tả, những chồng chất hình ảnh lộn xộn trong cõi vô thức, kể từ đó tôi cảm tình ngay với cô gái người Anh Jane March,[1] cô gái đóng vai cô bé Duras, đến độ phim nào có cô, tôi cũng coi, không một lần mà nhiều hơn. Ngưỡng mộ, thưởng thức như ăn bánh uống trà tấm thân con gái nho nhỏ mượt mà mỹ miều, tương tự những cô gái tôi đã từng yêu trong đời.

 

[còn tiếp nhiều kỳ]

_________________________

[1]Tài tử Jane March trong phim The Lover, cũng như trong phim Color of Night sau đó, đều khoả thân hoàn toàn, cả mặt trước lẫn mặt sau, không một chút che dấu thung lũng tình yêu với lớp mao đen như đêm tối.

 

 

Đã đăng:

... “Những hạt cát” là tên của truyện ngắn đầu tiên tôi viết trên đời. Động cơ thúc đẩy không có gì là oai hùng, siêu hình siêu linh, hay sứ mệnh văn học hiện đại chi hết...: tôi viết chỉ vì bắt chước mọi người chung quanh, nhất là anh tôi, nhà văn Duy Lam... (...)
 
Không phải tôi bắt chước họa sĩ Picasso mà đặt tên các thời kỳ văn học bằng mầu sắc xanh đỏ vàng, mà vì văn chương viết thời kỳ cộng tác với tạp chí Tân Phong, thuộc dòng lãng mạn cổ điển kiểu Pháp thế kỷ 19, kiểu tiền chiến Việt Nam. Đặt tên màu xanh êm đềm như thế để phân biệt với vàng, đỏ như máu, văn chương có lửa, văn nghệ xám của nhóm văn hóa Thái Độ sau này... (...)
 
Nguyễn Tường là họ ngoại của tôi. Còn họ nội của tôi ra sao? Bố tôi là đứa con cuối cùng của giòng họ Cát ở Vân Đình, Hà Đông, không có gì lẫy lừng từ nhiều đời, ông nội tôi (chết sớm) chỉ là ông đồ... (...)
 
Thời gian xẩy ra sự cố nói trên, tôi đang cộng tác với nhật báo Chính Luận của Từ Chung và Đặng Văn Sung. Mới đầu tôi viết mỗi tuần một đoản văn... (...)
 
Trong khi theo học đại học ở Mỹ, tôi dần dà khám phá ra nền giáo dục xứ này không đề cao tinh thần thượng võ và ít chú trọng đến việc xiển dương, đề cao, khích động lòng yêu nước, nhiều như ở Việt Nam. Nếu lấy đơn vị là một cho dễ nói, nền giáo dục miền Nam Việt Nam đề cao tinh thần thượng võ và lòng yêu nước mười lần hơn Hoa Kỳ, và miền Bắc Việt Nam lại mười lần cao hơn miền Nam... (...)
 
... Bố tôi không khoẻ, và thuốc phiện còn làm ông suy yếu hơn. Tự ông cũng biết mình sẽ không thọ (và đúng vậy, ông chết khá sớm, năm 56 tuổi) và khả năng kiếm tiền đã thấp (sau thời kỳ làm quản lý cho Phong Hoá Ngày Nay), ông thường làm công chức cấp nhỏ, lương thấp, đông con... (...)
 
Trong danh sách những nghề bố bảo nên gia nhập, tôi còn kể sót một trường là Quân Y ngay gần nhà. Bố tôi mặn mà với trường này lắm vì ra trường vừa là trung úy vừa là y sỹ, vừa có chữ thọ to tướng vừa có thể làm ngoài, thiếu gì tiền... (...)
 
Yêu một cô bé xinh đẹp con nhà và được yêu lại, được lấy nhau làm vợ chồng, còn niềm vui nào lớn hơn. Ngồi ở công trường vắng lặng Ban Mê Thuột uống một ly đậu đỏ tồi ơi là tồi, bùn đỏ xứ này còn như muốn nở hoa, buồn làm sao được... (...)
 
Năm 1954 tôi theo gia đình rời Hà Nội di cư vào Nam, định cư tại thành phố Sài Gòn. Năm đó tôi vừa 19 tuổi. Đủ lớn để có một, không phải một người yêu, mà là một người để yêu. Nàng đầu tiên là Mặt Trăng... (...)
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021