thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Tác phẩm văn học lớn thì phải đơn giản? — “Đơn giản” hay “ăn liền”?

 

Lời toà soạn:
Bắt đầu từ tháng 8/2007, Tiền Vệ mở thêm mục "Thảo luận trong tháng". Mỗi tháng, chúng tôi sẽ nêu lên một đề tài và mời bạn văn bốn phương cùng tham gia thảo luận. Đề tài thảo luận trong tháng 8 tập trung vào câu hỏi cụ thể như sau:
 
"Cho đến nay ở Việt Nam vẫn còn quan niệm cho rằng tác phẩm văn học lớn thì phải đơn giản để cho mọi người có thể hiểu và cảm nhận được. Ý anh/chị thế nào?”
 
Chúng tôi sẽ lần lượt đăng tải tất cả những ý kiến của bạn văn gửi về Tiền Vệ trong tháng này.

 

_____________

 

TÁC PHẨM VĂN HỌC LỚN THÌ PHẢI ĐƠN GIẢN?

 

Ý kiến của Nguyễn Hoàng Văn

 

“Đơn giản” hay “ăn liền”?

 

Khoảnh vườn của tay chơi miệt vườn cầu kỳ với đủ sắc phong lan, với những hòn đá giả sơn, những cây kiểng uốn hình phụng, hạc, những cội bonsai cổ quái hai ba người ôm có gắn tượng tiên ông đánh cờ bên suối: trông phức tạp đấy nhưng so với một cái vườn thiền Nhật đơn sơ một khoanh cát và vài tảng đá, chắc chắn là... đơn giản hơn mấy bậc.

Em gái mê nhạc boléro nội hoá chưng diện thật công phu, mặt em, môi em, móng tay móng chân đủ màu loè loẹt; tà áo em uốn éo chỉ màu hình đài hoa, cánh bướm; thậm chí cả gót hài em lấp lánh kim tuyến: trông phức tạp thật nhưng kể ra thì quan niệm của em về cái đẹp cũng đơn giản thôi.[1]

Đứt cuống lìa cành, trái táo chín rơi xuống đất trông đơn giản như bao sự rơi khác, cái hiện tượng được chấp nhận như một chân lý có sẵn. Chỉ đến khi Isaac Newton không chịu ăn sẵn thì “triết học tự nhiên” mới mở một chân trời mới: một sự thể tưởng là đơn giản, qua bộ óc khác người của Newton, đã “đẹp” một cách cực kỳ phức tạp, cái đẹp của trí tuệ, cái đẹp của logic, cái đẹp ở đỉnh cao chưa từng thấy khi sử dụng phép toán về những lượng nhỏ nhất để mô tả vận động của những vật thể lớn nhất.[2]

Nhà thơ ôm ấp khát vọng sử thi. Tỷ mỷ, chỉn chu, nhà thơ khổ công gom góp những “hình tượng thế hệ” hay “thời đại” để nhồi nhét cho bằng hết vào bài thơ duy nhất theo phép cộng tự sự, thì, trông tuy phức tạp đấy, có khi bản trường ca có dung lượng cao ấy chưa chắc đã hàm súc hơn một bài hài cú dăm câu. Morris West nhanh nhạy chộp bắt những biến cố nóng hổi vòng quanh trái đất chỉ để kể chuyện, sự kiện này tới sự kiện kia, chuyện nọ chồng lên chuyện kia, dày cộp, thế nhưng đọc đi đọc lại thì chuyện vẫn cứ là chuyện, đã tìm thấy cái gì phức tạp hơn đâu?

Cái tưởng là đơn giản, có khi, lại mở ra một chân trời hoành tráng, nguy nga; còn bỏ công làm lời để tạo cho bằng được một cái đẹp tráng lệ thì, thường, lại ngây ngô bộc lộ một sự thật thà thẩm mỹ. Từ thẩm mỹ của bộ óc đến thẩm mỹ của con tim hay con mắt, luôn có sự mập mờ hay lẫn lộn như thế và, thường, sự mập mờ lẫn lộn nào cũng là chỗ để chính trị và thương mại chen chân.

Chính trị hay thương mại chen chân bởi, nhiều khi, “văn chương đơn giản” chỉ... đơn giản là sự mạo xưng của văn chương ăn liền.

Văn chương ăn liền không hẳn là văn chương.

Hoặc, chúng là những sản phẩm thương mại. Như những sản phẩm thương mại, chúng phổ biến theo sức tiêu hoá của thị trường: nhân danh độc giả, nhiều khi, chỉ là nhân danh thị trường, không phải là nhân danh văn chương, nhân danh giá trị thẩm mỹ.

Hoặc, chúng là những sản phẩm tuyên truyền: Nhà thơ cũng phải biết xung phong![3]

Chỉ những tác giả ăn liền mới cần độc giả ăn liền và, phải chăng, chỉ những nhà chính trị ăn xổi ở thì mới tâm đắc với thứ văn chương xung phong theo kiểu ăn liền?

 

_________________________

Chú thích:

[1]Chúng ta thường nghĩ rằng nhạc boléro là “sến” nhưng thực ra, tôi đã nghe nhiều ca khúc boléro của các nhạc sĩ Mỹ La-tinh, đặc biệt là Cuba: chúng không “sến” chút nào. Chỉ có những bản nhạc boléro “Việt Nam hoá” mới tạo nên cái ấn tượng này. Theo cảm nhận của riêng tôi thì, phải chăng, do tiết tấu của nhịp điệu boléro hợp với tính tự sự nên khá hợp với các ca khúc bình dân của các nhạc sĩ Việt Nam, vốn ưa kể lể những chuyện tình ngang trái, những cuộc đời đau thương, có “mở bài”, có “thân bài” và dĩ nhiên là có luôn phần “kết luận”, những “kết luận” vô cùng bi thảm?

[2]Thời Newton vật lý học được gọi là “Triết học tự nhiên”. Định luật hấp dẫn của Newton và thuyết Tương đối rộng của Albert Einstein được xem là hai cột mốc đỉnh cao trong lịch sử khoa học. Để chứng minh định luật này, Newton đã phát minh ra phép toán vi-tích phân và sau đó, đến lượt, ông sử dụng định luật này để mô tả vận động của các hành tinh trong vũ trụ.

[3]Một câu thơ của Hồ Chí Minh.

 

Đã đăng:

09.08.2007
[THẢO LUẬN - THÁNG 8/2007] ... Tác phẩm văn học đơn giản có lớn được không? Nói chung, những câu hỏi thế này, các nhà văn cứ tự nhằm thẳng mình mà bắn... (...)
 
07.08.2007
[THẢO LUẬN - THÁNG 8/2007] ... Quan niệm này xuất phát từ tư tưởng cho rằng văn học (và nghệ thuật nói chung) là cái (công cụ) phục vụ cách mạng, truyền tải / truyền đạt những thứ (tư tưởng, tinh thần, chủ trương, chính sách, nghị quyết...) tới quần chúng. Vì quần chúng (đâu cũng thế thôi) trình độ không cao, nên tác phẩm “phải đơn giản để cho mọi người có thể hiểu và cảm nhận được”... (...)
 
05.08.2007
[THẢO LUẬN - THÁNG 8/2007] ... Tôi thấy nơi hậu cảnh của quan niệm này lấp ló cái đuôi của những ông bầu sô nhắc tuồng chỉ đạo sân khấu chính trị, nhằm mục đích: đề cao tính thực dụng và lợi ích cộng đồng, lùa đội ngũ viết văn cả nước vào trong một công tác phục vụ theo định hướng, hạ thấp rẻ rúng chức năng văn học, đồng thời, làm tê liệt khả năng người đọc bằng những điệu ru dễ dãi, khẩu hiệu sáo mòn... (...)
 
04.08.2007
[THẢO LUẬN - THÁNG 8/2007] ... Sự đơn giản dĩ nhiên là cần thiết, rất cần thiết, nhưng chỉ nên được xem là khởi điểm — như ai cũng phải thuộc bảng chữ cái (nếu muốn biết đọc, biết viết) — chứ không nên là mục tiêu... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021