thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Thế giới | Quang cảnh Delft | Ex Libris
Bản dịch Hoàng Ngọc Biên
 
 
ADAM CZERNIAWSKI
(1934~)
(chân dung Czerniawski
qua nét bút chì của Feliks Topolski)
 
 
Adam Czerniawski (1934~) là một nhà thơ, nhà phê bình văn học, một dịch giả nổi tiếng trong giới thơ ca Ba Lan. Ông sinh tại Warsaw và trong thời chiến tranh đã rời Ba Lan (1941) qua sống ở Thổ nhĩ kỳ, Palestine, Lebanon (1941-1947), rồi Tây Đức, và khoảng bốn mươi năm hơn trở lại đây, ông sống ở Anh, nơi ông học văn học Anh và triết học tại các Đại học London, Sussex, và Oxford. Những kinh nghiệm về chuyến đi ra ngoài tổ quốc của ông đã được ông kể lại trong tự thuật Scenes from a Disturbed Childhood (Serpent’s Tail, 1999). Những năm còn đi học, ông hoạt động trong một nhóm các nhà thơ tiền phong Ba Lan ở London, và cộng tác biên tập tạp chí định kỳ của nhóm là tờ Kontynenty (Continents – mà chủ bút là nhà thơ Bogdan Czaykowski). Tập Thơ tuyển 1953-1978 của ông xuất bản ở Ba Lan năm 1982, và một tuyển tập thơ khác của ông được ấn hành cả hai thứ tiếng Ba Lan và tiếng Anh: Poezje zebrane/Selected Poems (do Iain Higgins dịch và biên tập, Harwood, 2000). Giai đoạn sáng tác về sau của Czerniawski, như nhận xét của Bogdan Czaykowski, được đánh dấu bằng một cuộc “lên đường” mới, cho thấy những quan tâm của ông về triết học và chủ tâm tiến tới một nền thơ ca triết học: vừa chấp nhận vừa chối bỏ luận lý. Czerniawski là người biên tập cuốn The Mature Laurel: essays on modern Polish poetry (Seren, 1991), và ngoài các tập thơ xuất bản, ông còn dịch thơ Norwid, Staff, Stroiński, Szymborska, Różewicz qua tiếng Anh và giới thiệu nhiều nhà thơ mới của Ba Lan. Hợp tuyển thơ mới Ba Lan Khu rừng cháy [The Burning Forest – Modern Polish Poetry] (Bloodaxe Books, 1988), lấy từ câu thơ của Juliusz Slowacki: "Không có thời gian để sầu muộn cho hoa hồng, khi những khu rừng đang cháy", là một thí dụ. Ông từng là Phụ tá Giám đốc của The British Centre for Literary Translation tại Đại học East Anglia ở Anh, và là người đã đoạt Giải thưởng Kościelski Foundation Award năm 1971.
 
 

Thế giới

 
Thế giới bắt đầu như thế này: vào buổi sáng
tôi mở mắt, một ô vuông ánh sáng ở cửa kính,
những phiến ngói mái nhà, khu vườn, một chiếc máy bay
cất cánh thấp, ngày là
ngày hôm nay, bên trong khung hình
một thành phố kiểu trung cố.
Tôi đã mơ cây táo, con linh miêu và mặt trăng,
tôi mơ biển, một người có cánh bị chết chìm,
những phế tích Babylon cháy âm ỉ, những con ngựa
            phi nước đại và khịt mũi;
bây giờ mặt trời rơi xuống trên một chén trái cây,
tôi chạm vào mùi hương màu đỏ thắm của nó.
Một ngọn gió ấm lay động cánh cửa chớp, tôi mơ
một thế giới trong đó tất cả đều có thể:
một người nào đó sẽ ca ngợi sự sụp đổ của thành Troy
một người nào đó sẽ cắn trái táo, vẽ
ngày phán xét cuối cùng, và đập nát tất cả các nguyên tử.
Một giấc mơ có lẽ nằm trên bờ dốc
dọc con sông đất bùn. Tôi nhắm
mắt lại: Những đường nứt rạn trên sọ
vẽ ra cảnh hoang phế của một thế giới
            mơ tưởng áp đặt.
 
                                             [1966]
 
 
 

Quang cảnh Delft

(cho H.K.)
 
1
có một quang cảnh Delft ở thành phố The Hague
một toàn cảnh Delft ở thành phố The Hague
để nhìn Delft
chỉ cần leo những bậc cấp
nơi cảnh Bảo tàng Mauritshuis không bị núi đồi che khuất
cũng không bị những cây hạt dẻ mọc lan tràn biến dạng
 
Giờ đây những khu đô thị lớn bê tông với kính và thép
không còn cho ta nhìn thấy Delft
những công dân lương thiện có một mái nhà trên đầu
trẻ em đu quay trong vườn ao hồ cá đầy đàn
nhưng quang cảnh Delft tường gạch nâu nhạt
quang cảnh Delft những dòng kênh rợp bóng
quanh cảnh Delft những giáo đường
nằm khuất
trong Cung Hòa bình trong viện bảo tàng
ta đứng tách khỏi những
            cầu kéo
            thuyền bè bỏ neo
            những đứa trẻ áo cao cổ
và những phụ nữ chân mang guốc mộc
 
 
Tranh Quang cảnh Delft của Johannes Vermeer (1632-1675)
bày tại Viện Bảo tàng Mauritshuis, ở thành phố The Hague, Hà lan.
 
 
2
Con người kia may mắn đã nhìn thấy Delft
có lẽ ngay cả ngày nay một vé hạng hai cũng đã đủ
nhưng để điều chỉnh cảnh vật không chỉ trong ký ức
cần có một người còn sống năm 1657
hoặc từng biết thành phố từ tuổi thơ
hoặc từ nơi xa đến tính chuyện làm ăn
từng tản bộ dọc theo bờ cát trên kinh lạch
bên phải là tường thành và cây cối
tản bộ giữa thời tiết êm dịu
ngày trước đó không khí oi bức
suốt đêm mưa gầm sấm chớp
bởi thế mà giờ đây khí trời mát dịu
những vầng mây sọc qua bầu trời trong vắt
có cả mây đen kéo theo mưa đá và sấm sét
vào một ngày như thế ấy là quang cảnh Delft
nắng thất thường tường thành tối râm có lúc
 
3
Biết bao thứ ta đã yêu mến
ngôn ngữ chuyển thành câu thơ
và điệu ai ca trên cây đàn phím cổ
du hành trên những chuyến tàu quốc tế
những viễn cảnh đồi cây và sông hồ yên tĩnh
ta thèm muốn thịt da rực rỡ của cô gái thành Delft
ta ruống rượu bia nhẹ
xem xét những nét cọ qua một mặt kính
 
4
Đây là những yếu tố đơn giản nhất
nước và gạch mây và ánh sáng mặt trời
những nhóm phụ nữ trẻ con và đàn ông
không đòi hỏi phải có một diễn giải phúng dụ
không cần có những sự kiện tiểu sử
cho khung cảnh lịch sử rối bời
hệ thống xã hội hay kinh tế
ta không biết ai là vợ của ông
ai đã dạy ông vẽ
ta không biết tại sao ông có mặt ở Delft
trong một ngày mây có phần u ám
có phải là tình cờ
một trát gọi vào những miền xa xôi
hay là một thử thách đã được xếp đặt trước
một nghĩa vụ công dân phần vụ hội thợ kim hoàn giao phó
và đó chẳng phải là vấn đề
 
5
Hôm nay một màn sương bất chợt
che phủ thành phố xe lửa đến muộn
trời đất tối sầm và ta đi lạc
không một ai hiểu ta
cơ may cuối cùng đã tuột mất
 
6
Giống như chuyện làm tình toàn hảo
hay nghịch lý Grelling[1]
ai chưa hề nhìn thấy những tường thành vàng nâu
những phiến ngói giờ đây lấp lánh trong nắng
thuyền bè lướt trôi
qua một ngày gió lộng mùa xuân
người ấy tất phải có ấn tượng Delft
không bị khuất sau nhằng nhịt những đường dây cao thế
hay sau một nhà máy sáng ngời màu men sứ
 
7
Ta đã nhìn thấy Delft
            ta đã chờ đợi lâu
            những ngày và năm tháng trôi qua
            ta đã tìm hiểu đã học trong sách
            con gái ta đọc về Babylon
con trai ta đã thoáng thấy thời gian vô tận
ta gây gổ với vợ ta
ta trả tiền các hóa đơn
ta khóa cửa lớn
ta mở cửa sổ
ta ăn bữa trưa và ta hắt hơi
ta vẫn tin ta phải nhìn thấy Delft
không phải trong giấc mơ không phải trên bưu ảnh
                                    không phải trên màn ảnh
ta phải nhìn thấy những tháp canh và những pháo đài
            phản chiếu trên mặt nước êm trôi
ta đã nhìn thấy Delft
ta đã chiêm ngưỡng Delft
bằng lời ta sẽ mô tả Delft
 
8
Lá âm ỉ cháy trong công viên thành phố
những cây hạt dẻ ẩn hiện trong màn khói xanh nhạt
trong ao hồ cạnh chỗ trẻ con chơi
một con vịt đâm đầu xuống nước
đôi chân duỗi chặn lại đường bay
đôi cánh vẫy
giờ này vẫn
là đà trên mặt nước êm trôi
 
                                  [1967]
 
 
 

Ex Libris[2]

 
Cuốn sách là một ẩn dụ cho ta hiểu biết về đời sống
anh ta thấy những chữ nhưng không sao ghép lại thành từ
hoặc nói lúng búng những từ nhưng không bắt được ý nghĩa
hoặc hiểu được cả ý nghĩa từng chữ từng câu đặc biệt
nhưng tuyệt không sao bắt được nghĩa toàn thể
 
Ta học đánh vần từ một cuốn vỡ lòng đóng bìa giấy dầu đỏ
ấy là thời chiến tranh ta thường ngồi bên ngọn đèn dầu le lói
xa nhà
Về sau ta đã có thể chọn:
một cuốn sách Nhật bản có hình hướng dẫn về chim
một cuốn giáo khoa Pháp với những hình vẽ lá rơi (automne)[3]
và một cậu bé mặc đồ lính thủy (enfant hay garçon)[4]
những luận văn về lịch sử miền Cận Đông thời cổ và cả những
suy niệm tình dục-huyền bí Hindu của Phật khổ hạnh Gotama[5]
trong một cuốn bìa cứng có dập dấu
 
Tủ sách nhỏ đầu tiên của ta gồm một cái kệ treo tường trên
                                                đầu nằm: trên đó trong
khung một cái đồng hồ báo thức rỗng là chân dung Slowacki cắt
                                                            từ trong báo
 
không sao khỏi buồn khi ta nhớ lại số phận
                những định đề đã mất của Heraclitus
                thư viện Alkexandria cháy thành tro than
                bản thảo những tác phẩm Norwid đã mất
                những bản duy nhất bị cháy rụi ở Warsaw
 
Giờ đây ta xem xét những dãy sách không danh mục và nghĩ:
                        có khi nào ta sẽ trở lại cuốn Doll của Prus,
Deluge của Sienkiewicz, Milosz; khi nào ta rốt cuộc sẽ đọc hết
                                                Tolstoy, đọc xong Conrad;
tác phẩm ai ta sẽ đọc kỹ lần cuối, sách ai ta sẽ đem theo ra
                                                                đảo vắng?
Có lẽ –
             cuốn Phenomenology of Soul của Russell
             Compleat Poesy của Gombrowicz
             Comedy of Errors của Kafka
 
                                                                 [1981]
 
 
-------------------------
Dịch từ bản Anh ngữ: "World" và "View of Delft" của chính tác giả Adam Czerniawski, trong The Burning Forest: Modern Polish Poetry (Bloodaxe Books, 1988) và từ bản Anh ngữ "Ex Libris" của Iain Higgins, trong Modern Poetry in Translation, New Series, No.9 Summer 1996 (King’s College London, University of London).  Bản Việt ngữ "Thế giới" từng có mặt trong Thơ mới Ba Lan, Hoàng Ngọc Biên dịch và giới thiệu, 160 trang, Nhà xuất bản Trình bầy, 1993.
 
_________________________

[1]Grelling's paradox, hay Grelling-Nelson paradox, hay nghịch lý heterological, là một nghịch lý thuộc ngữ nghĩa (semantic) khi ta định nghĩa "heterological" như “một từ tự nó không mô tả được nó”. Bởi thế nên từ "heterological" là heterological nếu (và chỉ nếu) nó không là heretological. Trong luận lý, nếu một tính từ thực sự có thể tự nó mô tả nó, ta gọi là autological, ngược lại, sẽ là heterological. Thí dụ, từ "đơn âm” (monosyllabic) hay từ "English" là autological, trong khi từ “đa âm” (polysyllabic) hay "pulchritudinous" là heterological. Từ "heterological" phải chăng là heterological? Nghịch lý Grelling: Nếu nó là vậy, thì nó không vậy; còn nếu nó không vậy, thì nó là vậy. Người ta cho rằng nghịch lý này có thể giải quyết được nếu ta nhìn nhận các từ “autological” và “heterological” thực ra không hình thành hai thể (hay phạm trù) có định nghĩa tách biệt, mà tĩnh từ không thuộc thể này ắt phải thuộc thể kia. Tiến sĩ Kurt Grelling (1886-1942) là một nhà toán học Đức từng có nhiều công trình chung với  triết gia người Đức Leonard Nelson (1882-1927). Về cuối đời hai người tuyệt giao do nhiều dị biệt “không thay đổi” được, trong số có dị biệt về chính trị.

[2]Ex Libris (trong nguyên tác): nhãn ghi tên người sở hữu cuốn sách.

[3]automne (tiếng Pháp trong nguyên tác): mùa thu.

[4]enfant (tiếng Pháp trong nguyên tác): đứa bé; garçon (tiếng Pháp trong nguyên tác): cậu bé.

[5]Gotama Buddha, hay Gautama Buddha, vị Phật cuối cùng trong số 25 vị.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021