thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Thật đáng đời bọn chúng!
Bản dịch Diễm Châu
 
 
YEVGENY YEVTUSHENKO
(1933~)
 

THẬT ĐÁNG ĐỜI BỌN CHÚNG!

 
Một lần nữa đường rầy lại ướt và đỏ.
Thế giới là một vết thương mở.
Luân-đôn, các trạm xe điện ngầm của ngươi,
là những bà con đang đổ máu của Beslan.[1]
 
Có nghe thấy ta chăng, hỡi những đường rầy thời thơ ấu của ta ở Si-bê-ri,
với những cánh bướm tựa trên làn thép rung rinh?
Quả là rất lạ lùng: ở thế giới điên khùng này
các ngươi vẫn chưa bị nổ tung lên.
 
Hết thảy những xe buýt, xe lửa, cửa tiệm hay trường học
mai này rất có thể trở thành huyệt mộ
nơi những máy điện thoại di động tru tréo từ đống đổ nát
như những con chó con tìm chủ.
 
Hành tinh của chúng ta đây là gì?
Ấy một nơi tụ hợp những đường rầy bị đánh bom quá mức,
đầy những thây ma, những trẻ nhỏ còn cho bú.
Trời, nếu chuyện hãi hùng khốn kiếp này
mà có thể khiến chúng ta hết thảy trở thành bà con thân thiết!
 
Nhưng, sao hoan hỉ thế
một vài công dân cao quý của chúng ta
đã gọi tới đài phát thanh “Tiếng dội Matx-cơ-va,”
tỏ bày một lời chia buồn vui tươi, lạ lùng:
“Thật đáng đời bọn chúng!”
Những chuyện đó... đó... đó!”
 
Ngày nay, tỵ hiềm cũng không buồn giấu giếm –
Nó khoan khoái ra mặt vì sự đau khổ của người khác:
“Bao lâu chuyện tệ hại cho bọn Họ,
ta bất cần bởi rằng là chuyện còn tệ hơn nữa cho Ta!”
 
Trong Đấu trường Stalin ở quê nhà chúng ta
họ đã gạch bỏ chữ “Xót thương”,
khi đưa những ngón cái nhớp nhúa chỉ xuống tại đấu trường máu me:
“Thật đáng đời bọn chúng!
Những chuyện đó... đó... đó!”
 
Trong mộng mị đen tối vẫn còn nghiến rít tiếng thép gai
chúng ta bị tiêm vào những nỗi lo sợ.
Chúng ta học được cách ghét người nước ngoài
bằng cách ghét bỏ người của chính chúng ta.
 
Tinh thần thương cảm của Nước Mẹ Nga
vẫn còn sống, như một ngọn nến lay lắt.
Nhưng tôi lại kinh hoàng khi thấy một rừng những bàn tay,
bày tỏ ý kiến trái nghịch với lương tâm chúng ta:
“Thật đáng đời bọn chúng!
Những chuyện đó... đó... đó!”
 
Nổ tung - xứ sở chúng ta, số mệnh chúng ta,
nổ tung - sự huyền bí của Nga.
Rất có thể, chúng ta cũng chỉ là
những mẩu vụn của chính chúng ta
và chúng ta không thể quấn liền lấy nhau?
 
Tại sao chuyện ấy lại không phải của Nga -
đổ lỗi cho nước ngoài trong mọi biến động của chúng ta?
Tại sao họ lại gầm gừ, những kẻ càu nhàu thô kệch ấy:
“Thật đáng đời bọn chúng!
Những chuyện đó... đó... đó!”
 
Các bà Mẹ và các Nước Mẹ có thể hoàn toàn khác biệt.
Nhưng trong thời chiến tranh và khủng bố
Cái gì còn có thể hợp nhất chúng ta hôm nay hoặc ngày mai?
Đất Mẹ chung của chúng ta –
nỗi sầu muộn.
 
Chúng ta hãy mở cửa cho nỗi đau khổ của nhau.
Chúng ta đã chẳng hát đấy ư bài “Tipperary”,[2] khi còn nhỏ?
 
Phụ nữ Si-bê-ri đã chẳng khóc
cùng với Hamilton Phu nhân[3] trên màn bạc đấy ư?
 
Lắng nghe tin từ Stalingrad bốc cháy,
những người phu bến ở Portsmouth đã dỡ nón.
Giữa tiếng thê lương của máy bay “Messerschmitts”,[4]
những con tàu Anh quốc đã chở đồ cứu trợ tới Murmansk,[5]
và ở đâu đó giữa những băng sơn yên nghỉ
thân thích của những chàng Beatles chưa ra đời ...
Chẳng phải đấy sao người đẹp Anh quốc Julie Christie
trong vai nàng Lara[6]
đã trở thành tượng trưng cho nước Nga?
 
Hỡi John Donne[7] thương mến, hãy gióng tiếng chuông của anh,
hãy để tiếng chuông ấy dập tắt
những lời trâng tráo từ địa ngục kia:
“Thật đáng đời bọn chúng!
Những chuyện đó... đó... đó!”
 
YEVGENY YEVTUSHENKO
18-25 tháng Bảy, 2005
 
 
Yevgeny Yevtushenko sinh năm 1933, là một nhà thơ Nga rất nổi tiếng. Xin xem tư liệu trên Tiền Vệ.
 
Bài trên được dịch theo bản Anh văn của chính tác giả và Yevgeny Yevtushenko Jr. đăng trên tờ The Guardian, Anh quốc, số ra ngày 28 tháng Bảy 2005, để chia sẻ nỗi đau buồn của người dân Luân-đôn và riêng tặng các bạn Nguyễn Đăng Thường và Mark Frankland. (DC.)
 
_________________________
Chú thích của người dịch:

[1]Beslan: một thành phố ở Cộng hòa Bắc Ossetia-Alania của Nga, nơi cũng tụ hợp nhiều đường xe lửa. Ngày 1 tháng Chín 2004, “Trường Trung học Số Một của Beslan” đã bị một lực lượng vũ trang chiếm đóng. Cuộc bao vây giải cứu đã chấm dứt vào ngày 3 cùng tháng, sau những trận giao tranh đẫm máu giữa quân “khủng bố” và lực lượng an ninh Nga.

[2]“Tipperary”: một bài “tình ca” thời Thế chiến thứ nhất (tựa đề: “It’s a long way to Tipperary”).

[3]Hamilton Phu nhân: Emma Hamilton là một nhân vật có thật trong lịch sử Anh quốc. Bà thích được là phu nhân của Sir William Hamilton, sứ thần Anh quốc ở triều đình Napoli nhưng lại đem lòng thương yêu người hùng của hải quân Anh là Lord (Horatio) Nelson... Câu chuyện tình này được đưa lên màn ảnh vào năm 1941 với Vivien Leigh sắm vai Emma rất quyến rũ, khiến chính thủ tướng Anh Winston Churchill tiết lộ đã coi cuốn phim này tới 83 lần!

[4]“Messerschmitts”: máy bay chiến đấu của Đức thời Thế chiến thứ nhì.

[5]Murmansk: cảng ở cực bắc nước Nga. Trong Thế chiến thứ nhì, Anh quốc đã chở tới đây thực phẩm và vũ khí để giúp Nga.

[6]Lara: vai nữ chính trong phim “Bác sĩ Jivago”(dựa theo truyện của Boris Pasternak).

[7]John Donne (1573-1631): một nhà thơ Anh, sinh ở Luân-đôn, rất được các nhà thơ Nga ngưỡng mộ.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021